Tiện ích
Cẩm nang
Là những con người bình thường, ai cũng biết nói, ai cũng biết thể hiện suy nghĩ và ý kiến cá nhân, nhưng đó đơn thuần mới chỉ là độc thoại. Có những người chỉ biết đến mình, biết nói nhưng không biết lắng nghe, chỉ có lời mình nói mới là đúng, ai chia sẻ gì mặc kệ người ta. Cuộc sống không chỉ quay quanh bất cứ ai, việc giao tiếp và trao đổi thông tin sinh ra một hình thức cao cấp hơn là đối thoại, độc thoại là bản năng nhưng đối thoại lại là kỹ năng mà chúng ta cần học hỏi và trau dồi. Vậy đối thoại là gì? Cần chú ý những gì khi tham gia vào cuộc đối thoại? Mời các bạn xem tiếp bài viết này.
MỤC LỤC
Đối thoại là một hình thức giao tiếp bằng lời nói và cử chỉ giữa 2 hoặc nhiều người trong một không gian và thời gian nhất định. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì đối thoại cũng có thể được thực hiện thông qua mạng internet hoặc các thiết bị liên lạc viễn thông, con người đã có thể đối thoại với nhau ở nhiều không gian nhưng yếu tố thời gian vẫn là yếu tố bắt buộc để tạo nên một cuộc đối thoại.
Đối thoại còn được sử dụng trong các tác phẩm văn học, khi một trong hai nhân vật cất lời và bên kia cũng hưởng ứng đưa ra ý kiến thì cuộc đối thoại đã bắt đầu. Đối thoại khác với độc thoại hay độc thoại nội tâm ở chỗ quy mô của lời thoại, trong khi độc thoại hay độc thoại nội tâm là tiếng nói hay tiếng lòng của 1 đối tượng thì đặc trưng của đối thoại là phải có từ 2 người trở lên.
Hay hiểu cách khác thì đối thoại chính là sử dụng một ngôn ngữ chung để biểu thị suy nghĩ, ý kiến, tình cảm, cảm xúc của mình đến mọi người xung quanh. Khiến cho họ nhận thức được, hiểu được và có thể đưa ra những ý kiến nhằm phản bác hoặc đồng tình hoặc mở rộng hay sửa đổi một vài tình tiết. Mục đích cuối cùng chính là sự hòa hợp và thống nhất về mặt nội dung của câu chuyện mà cuộc đối thoại đang hướng tới. Nếu chưa tìm được tiếng nói chung, chưa thể thống nhất được vấn đề đang tranh luận, một nhân tố không đồng tình với quan điểm của các bên còn lại thì coi như cuộc đối thoại đã thất bại.
Cho dù là đối thoại ở hình thức nào, trực tiếp hay trực tuyến, trao đổi hay tranh luận, phổ biến thông tin hay hỏi và đáp thì mục đích chính của đối thoại là khiến cho các đối tượng trong cuộc đối thoại hiểu nhau hơn, tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề nào đó.
Đối thoại xuất hiện rất phổ biến và thường xuyên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đối thoại giúp cho người với người gần gũi nhau hơn, quan hệ gắn bó khăng khít và thêm thấu hiểu nhau. Đối thoại thường xuyên cũng giúp bạn cập nhật thêm thông tin kiến thức từ cuộc sống, xây dựng mối quan hệ lành mạnh tốt đẹp với mọi người,
Đối thoại trong môi trường làm việc được hiểu là cuộc giao tiếp giữa các nhân viên hoặc giữa cấp trên với cấp dưới để trao đổi, chia sẻ thông tin tạo sự gắn bó và hài hòa trong các mối quan hệ trong công việc. Đối thoại tại nơi làm việc cũng là cơ hội để nhân viên thể hiện quyền dân chủ của công dân, là điều kiện để đóng góp ý kiến xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và văn minh, tránh những cãi vã, bất đồng, bức xúc và xung đột ngầm mà lâu dài không được giải quyết sẽ gây ra mâu thuẫn lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và quy trình hoạt động của doanh nghiệp.
Ngay tại các trường đại học cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để sinh viên trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, đưa ra các câu hỏi thắc mắc để các thầy cô cố vấn học tập cùng các thầy cô phụ trách các vấn đề chuyên môn khác có thể giải đáp. Tại đây, sinh viên cũng có thể thoải mái bày tỏ tâm tư, đưa ra những kiến nghị, đề nghị, những giải pháp mà mình mong muốn để thẳng thắn trao đổi với các thầy cô. Những thông tin này cũng sẽ trở thành những tài liệu quan trọng để thầy cô nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và suy nghĩ của sinh viên, từ đó có thể đưa ra những câu trả lời hợp lý, những phương pháp giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, đối thoại còn là một hình thức quan trọng trong nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xác minh và thu thập thông tin liên quan đến vấn đề khiếu nại, tố cáo, tranh chấp hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý khác. Từ các cuộc đối thoại, cán bộ thanh tra có thể dễ dàng phát hiện ra được các sai phạm, sơ hở, thiếu sót cũng như những nhược điểm của cá nhân hay cơ quan tổ chức. Đây sẽ là căn cứ để buộc tội hay đưa ra quyết định trong các vấn đề khiếu nại hay tố cáo giữa các bên.
Để có một cuộc đối thoại thì điều kiện đầu tiên chính là phải có từ 2 người trở lên, không giới hạn số lượng người tham gia cuộc đối thoại.
Nội dung của cuộc đối thoại cần phải được thống nhất cùng một chủ đề hay cùng nhắm đến một đối tượng nào đó. Cuộc đối thoại sẽ bắt đầu khi các bên đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề này và liên tục đưa ra ý kiến, giải thích, biện hộ, bằng chứng, phản bác, tranh cãi,... để tìm ra một tiếng nói chung.
Một cuộc đối thoại không thể có quá nhiều chủ đề cùng một lúc, “ông nói hươu, bà nói vượn” thì sẽ không bao giờ tìm được cái đích cuối cùng.
Ví dụ như trong cuộc đối thoại trong trường đại học, sinh viên muốn thầy cô giải đáp về vấn đề tăng học phí mà thầy cô lại giải thích sang vấn đề đăng ký tín chỉ thì cuộc đối thoại này đã thất bại vì không hướng đến một nội dung.
Tất nhiên, một cuộc đối thoại không giới hạn về một chủ đề mà có thể có nhiều chủ đề khác nhau. Các vấn đề có thể sắp xếp theo thứ tự hợp lý, khi đã kết thúc vấn đề này thì mới có thể bắt đầu vấn đề khác.
Kết quả được mong đợi cuối cùng của các cuộc đối thoại chính là tìm ra một tiếng nói chung và thống nhất được về nội dung. Các bên tham gia đối thoại được cập nhật các thông tin mình đang thắc mắc và đang cần được giải đáp, được đưa ra ý kiến và đóng góp xây dựng vào kết quả tốt đẹp của cuộc đối thoại. Các bên đều hài lòng và thỏa mãn với kết quả cuối cùng, lợi ích các bên đều được đảm bảo và không có xung đột với kết quả ấy.
Ngược lại, cuộc đối thoại sẽ bị coi là thất bại khi một hay nhiều đối tượng không hài lòng với kết quả được thống nhất cuối cùng, không tìm được lối suy nghĩ và hướng đi chung. Trong trường này thì có thể sẽ có một cuộc đối thoại khác được diễn ra sau này.
Các hình thức đối thoại cũng khá đa dạng. Có thể là đối thoại trực tiếp, đối thoại trực tuyến, đối thoại giữa 2 người, đối thoại giữa cấp trên và cấp dưới, có thể là trao đổi, phổ biến thông tin, giải đáp thắc mắc, tranh luận, biện hộ, hòa giải,...
Có người nói thì phải có người nghe, đây là yếu tố quan trọng khi tham gia vào cuộc đối thoại. Lắng nghe ở đây không phải chỉ để xăm soi những điểm sai trái của người khác để phản biện lại mà còn là để hiểu suy nghĩ của đối phương, tìm ra những điểm phù hợp và đúng đắn để hoàn thiện ý kiến của mình. Bạn không thể chỉ nghe những điều mà mình muốn, bạn cũng cần biết lắng nghe ý kiến của người khác, chấp nhận những cái sai, cái đúng bởi không ai là hoàn hảo.
Một cuộc đối thoại không thể chỉ có một người nói và người khác chỉ ngồi nghe mà không có phản ứng hay đóng góp gì vào nội dung. Khi tham gia vào cuộc đối thoại thì các bên đều phải tham gia bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình.
Nếu bạn không nói thì sẽ chẳng ai hiểu bạn muốn gì và bạn đang suy nghĩ gì, bạn đồng tình hay không đồng tình, kết quả sẽ có lợi hay bất lợi với bạn và cuối cùng chính bạn sẽ là người chịu thiệt thòi nếu không cùng quan điểm với mọi người. Ít nhất bạn cần tham gia vào câu chuyện, nêu lên tâm tư suy nghĩ của mình, nếu chúng không có lợi với bạn thì có thể mọi người sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp và hỗ trợ.
Khi chia sẻ ý kiến, bạn không nên nói quá dài dòng và tối nghĩa, hãy tập trung vào nội dung chính và nói một cách ngắn gọn. Bạn cũng cần để cho mọi người kịp hiểu và phản ứng lại, khi đưa ra quá nhiều nội dung thì đôi khi người nghe sẽ không thể nhớ hết. Bạn cũng nên chậm rãi và đưa ra lần lượt từng ý kiến, ngắn gọn và dễ hiểu.
Tôn trọng mọi người không phải là điều gì quá đặc biệt mà nó là điều bắt buộc ở bất cứ đâu, trong mọi cuộc giao tiếp của những người văn minh. Tôn trọng ở đây thể hiện ở ngôn ngữ, cử chỉ, hành động mà bạn thể hiện ra bên ngoài. Nói chuyện một cách lịch sự, thái độ hòa nhã và cử chỉ nhã nhặn, không tranh cướp lời, không nói chen vào làm ảnh hưởng đến mạch suy nghĩ và trình bày của người khác, không sử dụng các thiết bị giải trí khác hay làm việc riêng trong khi đối thoại. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình.
Mong rằng bài viết này đã có thể giúp bạn hiểu đối thoại là gì? Đối thoại là hình thức giao tiếp rất phổ biến ngày nay trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Hãy chú ý đến thái độ của đối phương và những kỹ năng mà chúng tôi đã đề cập trên đây để có được những cuộc đối thoại văn minh và đạt được những kết quả tốt đẹp, tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
Hiện nay, đối thoại đã trở thành một hình thức không thể thiếu trong các cơ quan tổ chức doanh nghiệp. Các cuộc đối thoại với quy mô lớn, thường xuyên và chuyên nghiệp giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhân viên, nhanh chóng phát hiện, giải quyết những khúc mắc hay những vấn đề tồn đọng trong nội bộ. Dưới đây là mẫu biên bản đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp, truy cập ngay bài viết để xem bên trong có những gì nhé!
MỤC LỤC
Chia sẻ