Tiện ích
Cẩm nang
Bạn có biết loại đàn nào được coi là quốc hồn quốc túy của người Việt Nam không? Không phải đàn tam thập lục, không phải đàn tranh hay đàn tỳ bà, độc huyền cầm mới chính là loại đàn mà chúng ta đang nói tới ở đây. Vậy độc huyền cầm là đàn gì? Loại nhạc cụ này có xuất xứ như thế nào? Tại sao lại có tên gọi độc huyền cầm? Cùng tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ và cấu tạo của độc huyền cầm trong bài viết sau đây nhé!
Độc huyền cầm là cách gọi khác của đàn bầu – một loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Sở dĩ gọi là độc huyền cầm bởi loại đàn này chỉ có một dây duy nhất. Người nghệ nhân sử dụng một miếng gảy hay một que để gảy vào dây đàn nhằm tạo ra âm thanh. Độc huyền cầm bao gồm hai loại là loại có hộp cộng hưởng được làm từ tre và loại có hộp cộng hưởng được làm từ gỗ.
Độc huyền cầm luôn có mặt trong bất cứ dàn nhạc cụ cổ truyền nào. Thậm chí, người ta còn tìm ra cách để phối hợp đàn bầu với dàn nhạc giao hưởng thính phòng để trình diễn những ca khúc dạng concerto như Tình ca, Ru con hay Vì miền nam… Không chỉ khán thính giả trong nước, khán thính giả trên thế giới cũng tỏ ra rất thích thú với loại đàn kỳ lạ dù chỉ có một dây nhưng lại có thể phát ra nhiều âm thanh với những cung bậc cảm xúc khác nhau của người Việt.
Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên có ghi lại rằng độc huyền cầm được chế tạo lần đầu tiên vào năm 1770. Thậm chí có một số sử sách còn ghi chép lại về sự xuất hiện của độc huyền cầm rất lâu trước đó.
Mặc dù không có căn cứ chính xác ghi nhận thời gian độc huyền cầm xuất hiện, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng độc huyền cầm xuất hiện lần đầu tiên tại vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, sau đó mới theo người Kinh sang Quảng Tây, Trung Quốc.
Đàn bầu gắn bó với người Việt Nam từ bao đời nay, tồn tại trong văn hóa dân tộc qua bao thăng trầm, biến hóa của lịch sử. Chính vì thế, không quá cường điệu khi nói rằng độc huyền cầm được coi là quốc hồn quốc túy của người Việt.
Như vậy, khi tìm hiểu độc huyền cầm là gì bạn đã biết được rằng độc huyền cầm chính là tên gọi khác của đàn bầu, một loại nhạc cụ cổ truyền và được coi là quốc hồn quốc túy của người Việt Nam. Trong phần này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về cấu tạo của độc huyền cầm nhé!
Độc huyền cầm có cấu tạo bao gồm thân đàn, vòi đàn, bầu đàn, dây đàn và que khẩy đàn.
Độc huyền cầm có cấu tạo cực kỳ đặc biệt và có thể nói là độc nhất vô nhị. Chính từ cái tên độc huyền cầm đã miêu tả được phần nào cấu tạo của đàn. Độc huyền cầm nghĩa là “đàn một dây”, ám chỉ phần thân đàn chỉ bao gồm một dây đàn và một khúc gỗ hoặc tre.
Thân độc huyền cầm có thể được chế tạo từ tre hoặc gỗ, tuy vậy hiện nay chủ yếu xuất hiện các loại đàn có phần thân làm từ gỗ. Đàn độc huyền cầm thân tre chủ yếu xuất hiện trong nghệ thuật hát xẩm.
Thân đàn có hình hộp chữ nhật dài, trong đó đầu cuối đàn to hơn và cao hơn đầu còn lại. Mặt trên của thân đàn được thiết kế hơi phồng lên một chút, còn mặt đáy thì phẳng, có một lỗ nhỏ sử dụng để mắc dây và thoát âm.
Trên thân đàn còn có một chi tiết nhỏ gọi là ngựa đàn được bố trí tại phần cuối của thân đàn. Trước đây ngựa đàn được làm từ xương động vật, còn hiện nay người ta sử dụng kim loại để làm ngựa đàn.
Dây đàn được nối liền với ngựa đàn và tiếp tục đâm xuyên vào trong thân đàn để nối với trục lên dây. Chính trục lên dây này góp phần quan trọng giúp tạo ra âm thanh cho độc huyền cầm.
Vòi đàn là tên gọi khác của cần đàn. Đây chính là bộ phận quan trọng giúp tạo ra các cung bậc âm thanh của độc huyền cầm. Vòi đàn thường được làm từ sừng hoặc gỗ, có dạng một thanh dài đường kính nhỏ, được dựng theo chiều vuông góc với thân đàn và uốn cong ở phần ngọn. Vòi đàn được bố trí ở phần ngọn đàn, đâm xuyên qua thân đàn.
Bầu đàn chính là bộ phận tạo ra tên gọi dân dã cho độc huyền cầm: Đàn bầu. Thuở xưa, người ta sử dụng phần đầu của quả bầu để làm bầu đàn hoặc đôi khi là sử dụng vỏ dừa. Hiện nay, bầu đàn được chế tạo từ gỗ nhưng vẫn giữ hình dáng mềm mại của quả bầu.
Bầu đàn không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn là bộ phận cộng hưởng, giúp khuếch đại âm thanh khi gảy đàn. Bầu đàn nằm ở phần đầu của độc huyền cầm, được đâm xuyên qua bởi vòi đàn Một đầu của dân đàn được nối với phần vòi đàn nằm bên trong bầu đàn.
Dây đàn được làm bằng kim loại. Một đầu dây được gắn với vòi đàn và đầu còn lại được luồn qua ngựa đàn xuống trục lên dây. Dây đàn chạy dọc theo thân đàn nhưng không nằm song song với mặt đàn mà tạo với mặt đàn một góc khoảng 30 độ. Điều này là nhờ vào cấu tạo một đầu to một đầu nhỏ của thân đàn.
Người nghệ nhân sử dụng một que bằng tre, gỗ mềm hoặc thân cây dừa để làm que khẩy đàn. Điều kiện chọn nguyên liệu làm que khẩy đàn khá nghiêm ngặt, không được quá cứng cũng không được quá mềm. Que dài sẽ cho ra âm thanh “gọn” và “cứng” hơn, còn que ngắn sẽ cho ra âm thanh mềm mại hơn. Hiện nay, que khẩy đàn chủ yếu là que ngắn, có chiều dài khoảng 4 – 5 cm.
Cho đến nay, độc huyền cầm là nhạc cụ duy nhất có thể tạo ra bội âm, nghĩa là nốt trước chưa hết thì nốt sau đã vang lên và hòa quyện vào nốt trước, tựa như âm thanh sóng biển sóng sau xô sóng trước.
Đặc điểm thứ hai của độc huyền cầm đó là âm thanh phát ra có thể biến tấu rất đa dạng, từ nhấn nhá, rung đến ngân nga, luyến láy. Để tạo ra âm thanh đa dạng, người nghệ nhân sử dụng que khẩy đàn, kết hợp cùng với tay đè dây đàn và tay điều chỉnh vòi đàn. Tại mỗi vị trí khẩy đàn khác nhau sẽ cho ra một âm thanh khác nhau.
Khi cầm que khẩy đàn, cần lưu ý điều chỉnh que khẩy chếch nghiêng chứ không được vuông góc với dây đàn. Trước khi khẩy đàn sẽ sử dụng tay cầm que khẩy để chặn dây dàn, sau khi khẩy thì ngay lập tức nhấc tay lên. Âm thanh của độc huyền cầm được tạo ra từ sự kết hợp của các yếu tố: Que khẩy đàn, tay chặn dây đàn, vị trí khẩy đàn và tay điều chỉnh vòi đàn.
Các kỹ thuật điều chỉnh vòi đàn khác nhau sẽ tạo ra các đặc tính khác nhau của âm thanh. Kỹ thuật chơi đàn bao gồm: Rung (tạo ra nốt ngân), vỗ (tạo ra các nốt diễn tả cảm xúc đau khổ, nghẹn ngào), luyến (kỹ thuật kéo đẩy vòi đàn qua lại vị trí cân bằng để tạo ra nốt luyến láy) và nhấn dây (kỹ thuật tạo ra bội âm).
Trên đây, bài viết đã giúp bạn tìm hiểu độc huyền cầm là đàn gì, cũng như nguồn gốc xuất xứ và cấu tạo của độc huyền cầm. Độc huyền cầm là loại nhạc cụ độc nhất vô nhị của người Việt Nam, mặc dù chỉ có một dây nhưng nhờ vào các kỹ thuật chơi đàn điêu luyện mà người nghệ nhân có thể tạo ra rất nhiều cung bậc âm thanh diễn tả các cung bậc cảm xúc. Ở Nhật cũng có đàn Ichigenkin hay ở Ấn Độ có đàn Gopi Yantra cũng chỉ có một dây, tuy nhiên sự độc đáo của độc huyền cầm thì không nhạc cụ nào có thể so sánh được.
Tết cổ truyền là gì? Tết cổ truyền diễn ra vào thời gian nào? Ngày tết cổ truyền chứa đựng những ý nghĩa gì? Tìm hiểu thêm về Tết cổ truyền trong bài viết sau đây.
Chia sẻ