close
cách
cách cách cách

Thuyết minh về kính đeo mắt - Văn mẫu thuyết minh về kính đeo mắt

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Một trong những đề văn quen thuộc ở cấp trung học cơ sở là Thuyết minh về kính đeo mắt. Vì thế, bài viết này xin gửi đến bài văn mẫu “Thuyết minh về kính đeo mắt” để bạn đọc có thể tham khảo và làm đề văn này tốt hơn

1. Dàn ý chi tiết thuyết minh về kính đeo mắt

1.1 Mở bài

Giới thiệu chung về kính đeo mắt: phổ biến trong cuộc sống hiện nay, có nhiều loại kính như kính râm, kính cận, kính áp tròng, kính thời trang.

1.2 Thân bài

*Nguồn gốc của chiếc kính đeo mắt

-Sơ khai ban đầu của chiếc kính mắt chỉ là một thấu kính bằng thạch anh.

-Chiếc kính mắt đầu tiên được thực sự ghi nhận năm 1260 tại Ý, sau đó xuất hiện ở Trung Quốc và Châu Âu

-Thời kỳ đầu chiếc kính đeo mắt vẫn chưa có gọng kính mà chỉ được cầm trên tay, và chỉ có những nhà quý tộc mới được sử dụng cho mục đích nghiên cứu chứ không được sử dụng phổ biến, rộng rãi như ngày nay.

-Thế kỉ XIII, chiếc kính được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu là kính chỉ gồm hai mắt kính, nối với nhau bằng một gọng kính đè lên mũi và hai bên có dây đeo vào lỗ tai.

-Năm 1825, kính loạn thị được phát minh bởi một chuyên gia người Anh.

-Năm 1887, một thợ thủy tinh người Đức phát minh ra chiếc kính áp tròng lần đầu tiên.

*Cấu tạo kính đeo mắt

Một chiếc kính mắt thông thường có hai phần chính, gọng kính và tròng kính.

+Gọng kính: thường được làm bằng kim loại chống gỉ hoặc chất dẻo, là bộ phận nâng đỡ tròng kính, phần sau của kính được thiết kế cong còng để có thể gắn vào vành tai. Phần giữa hai tròng kính có một khớp nối nhỏ gọi là giá đỡ, có miệng đệm cao su để giữ cho kính không bị rơi xuống.

+Tròng kính: Tròng kính được làm bằng chất dẻo cứng, có một số đặc tính như chống trầy xước, chống tia UV, chống dị vật. Tròng kính có thể làm mỏng hay dày và làm theo nhiều hình dạng tùy vào kỹ thuật và thị hiếu của người dùng.

*Công dụng của kính đeo mắt

-Kính thuốc: chỉ định cho người mắc các bệnh về mắt như tật khúc xạ, cận, viễn, loạn, lão thị.

-Kính an toàn: được dùng trong trường hợp người sử dụng làm việc trong môi trường có nhiều dị vật, có thể bay hay bắn vào mắt.

-Kính râm: che chắn đôi mắt khỏi tia UV, chắn bớt ánh sáng hay khúc xạ, giúp mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.

-Kính thời trang, thẩm mỹ giúp làm đẹp hơn cho con người.

*Hạn chế của kính đeo mắt

Kính đeo mắt có rất nhiều công dụng, tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định như không phù hợp với những môn thể thao mạnh, dễ bị dính hơi nước, khi trầy xước thì khó có thể khôi phục vì vậy cần phải được bảo quản rất cẩn thận.

*Tiêu chuẩn của kính đeo mắt tốt

-Một chiếc kính đeo mắt tốt phải đạt chất lượng cả về gọng kính và tròng kính:

+Gọng kính có thể làm từ các chất liệu khác nhau nhưng phải đảm bảo cứng chắc nhưng nhẹ, không dễ bị gãy, méo khi va chạm, thích ứng hoàn toàn với mắt khi nhìn xa hay nhìn gần.

Ngoài ra một chiếc kính tốt cũng phải có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với gương mặt người dùng.

*Làm thế nào để có một chiếc kính tốt

-Trước tiên, chọn kính phải phù hợp với nhu cầu, bạn muốn mua kính thuốc, kính râm, kính an toàn hay kính thời trang.

-Khi đo kính mắt, cần phải chọn thầy thuốc tốt, đảm bảo làm đúng quy trình đo khám mắt và kê đơn thuốc tót. Từ đó, bạn chọn địa chỉ có kỹ thuật viên cắt kính tốt để đảm bảo được cắt kính ở nơi có thông số chuẩn

1.3 Kết bài

Khái quát về vai trò của kính đeo mắt, ý nghĩa của chiếc kính đeo mắt trong cuộc sống hàng ngày.

2. Bài văn mẫu thuyết minh về kính đeo mắt

2.1  Bài văn mẫu thuyết minh về kính đeo mắt số 1

Thuyết minh về chiếc kính đeo mắt

BÀI LÀM

Mỗi phát minh của nhân loại dù ra đời vào thời kỳ nào thì cũng đều có chung một mục đích là nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người. Sự ra đời của chiếc kính đeo mắt cũng mang ý nghĩa như vậy . Từ khi ra đời cho đến nay, dù trải qua hàng trăm năm phát triển, cải tiến để ngày càng trở nên đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng kính đeo mắt vẫn giữ nguyên mục đích ban đầu, đó chính là bảo vệ và làm đẹp cho đôi mắt – cửa sổ tâm hồn của người sử dụng nó.

Nói về nguồn gốc ra đời của chiếc kính đeo mắt, cho đến tận ngày nay, vẫn chưa có những báo cáo khoa học cụ thể về năm xuất hiện và ai là người làm ra chiếc kính mắt đầu tiên. Tuy nhiên các nhà sử học cho rằng, chiếc kính mắt đã xuất hiện tại Trung Quốc từ những năm trước Công nguyên. Thông qua những nhà buôn, những khách du lịch cổ đại, chiếc kính mắt đã du nhập vào châu Âu và bắt đầu trở nên thịnh hành ở các nước thuộc châu lục này. Không chỉ ở riêng Trung Quốc, người ta cũng chứng minh được rằng ở các quốc gia thuộc nền văn minh sông Ấn, sông Hằng cổ cũng đã biết đến và sử dụng kính mắt từ rất sớm. Bằng chứng là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một vật có hình dạng tương tự như chiếc kính mắt hiện đại, có niên đại rơi vào khoảng năm 1002 tại di chỉ khảo cổ Nineveh thuộc lãnh thổ Iraq. Hầu hết các loại kính xuất hiện ở thời kỳ này có cấu tạo hết sức đơn sơ, chủ yếu chỉ có tròng kính mà không có gọng kính. Đến năm 1748, tại Mỹ, Benjamin Franklin – một người thợ thủ công nổi tiếng đã hoàn thiện cấu tạo kính đeo mắt với hai tròng và có gọng kính cố định, đây cũng là hình dáng truyền thống của chiếc kính đeo mắt hiện đại ngày nay.

Dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kính đeo mắt với nhiều kiểu dáng, công dụng khác nhau nhưng về cơ bản, các loại kính này có cấu tạo giống nhau, đều có hai bộ phận: tròng kính (hay còn gọi là tròng mắt) và gọng kính.

Một chiếc kính mắt loại có gọng thường có hai tròng kính. Tùy vào giá tiền và chất lượng mà tròng kính có thể có nhiều loại chất liệu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là tròng kính nhựa hoặc tròng kính thủy tinh. Tròng kính thường có hình dạng tùy thuộc vào tròng kính, thường trong suốt không màu. Riêng đối với tròng mắt kính râm thì có màu đen. Các loại tròng kính đều phải đảm bảo có thể chống được tia UVA và tia UVB - đây là hai loại tia xuất phát từ ánh nắng mặt trời rất có hại cho mắt. Ngoài ra, đối với những loại tròng kính làm từ chất liệu đặc biệt có giá thành cao còn có thể chống xước, chống bám bụi, chống nước khi đi mưa,… Khác với gọng kính, tròng kính không cố định vào chiếc kính nên chúng ta có thể tháo ra và thay đổi tròng kính tùy theo ý muốn của bản thân. Vì thế, những người có tật khúc xạ ở mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị) có thể đưa gọng kính đến bác sĩ nhãn khoa và lắp tròng mắt có độ cận phù hợp với mình vào. Quá trình này thường được gọi là “cắt mắt cận”.

Gọng kính chính là bộ phận định khung cho chiếc kính đeo mắt, đóng vai trò nâng đỡ tròng kính cũng như giúp cho người sử dụng có thể đeo kính lên mặt. Gọng kính cũng có hai bộ phận cấu thành cơ bản: phần thanh ngang để đeo kính và phần khung tròn để đỡ tròng kính. Hai bộ phận này được liên kết với nhau bằng những con ốc nhỏ rất chắc chắn. Gọng kính cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là gọng kính nhựa hoặc gọng kính kim loại. Những loại gọng kính có chất liệu đặc biệt như như gọng kính siêu dẻo hay gọng kính titan siêu nhẹ thường sẽ có giá thành cao hơn. Hình dạng của gọng kính cũng rất đa dạng, từ gọng tròn, gọng lục giác, gọng vuông,… Chính vì mục đích của gọng kính mà khi lựa chọn gọng kính cho mình, người sử dụng nên lựa chọn những loại gọng kính có chất liệu tốt, chắc chắn để tránh những sự cố không mong muốn xảy ra như gãy gọng kính.

Do nhu cầu của người sử dụng luôn muốn một chiếc kính đeo mắt gọn, nhẹ, tiện lợi nhưng không mất tính thẩm mỹ nên thị trường hiện nay còn xuất hiện kính áp tròng. Đây là loại kính được làm từ chất liệu đặc biệt, có kính cỡ vừa với tròng mắt và không có gọng kính. Người sử dụng có thể áp trực tiếp kính tròng vào mắt và tháo ra khi không cần sử dụng nữa. Tuy nhiên việc sử dụng loại kính này cần có sự chỉ dẫn cẩn thận của bác sĩ nhãn khoa và người sử dụng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn này. 

Thuyết minh về kính đeo mắt

Dù sử dụng loại kính nào: kính cận, kính râm hay kính áp tròng,…thì người sử dụng cũng cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh kính. Thông thường, quá trình vệ sinh kính tập trung chủ yếu vào vệ sinh tròng kính vì đây là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhìn thấy của người đeo. Đối với kính cận hay kính râm, quy trình khá đơn giản. Người đeo chỉ cần chuẩn bị cho mình một chai dung dịch vệ sinh kính chuyên dụng và một chiếc khăn mềm mại để xịt lên tròng kính và lau khô kỹ càng. Tuy nhiên, đối với loại kính áp tròng, quy trình vệ sinh sẽ phức tạp hơn và cần có bác sĩ nhãn khoa hướng dẫn. Có thể nói vấn đề vệ sinh kính đối với người sử dụng kính áp tròng cần được đặt lên hàng đầu. Nếu để kính áp tròng bị nhiễm khuẩn, khi sử dụng người đeo có thể cảm thấy cộm, đau nhức, đỏ mắt, chảy nước mắt. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây nhiễm trùng mắt. 

>> Làm đề thi thử Toeic có chấm điểm với đề thật của IIG Việt Nam trên vieclam123.vn

Nói về công dụng, mỗi loại kính mắt trên thị trường hiện nay đều có những công dụng khác nhau để người sử dụng có thể thoải mái lựa chọn chiếc kính phù hợp với nhu cầu của bản thân nhất.

Đối với những người không may mắc các loại tật khúc xạ thì chiếc kính đeo mắt được xem như biện pháp “chữa bệnh” hữu hiệu nhất. Những chiếc kính cận được cắt tròng mắt phù hợp sẽ giúp cho họ có thể khắc phục tật về mắt của mình và tăng thị lực của họ lên, từ đó cuộc sống sinh hoạt có thể diễn ra thuận tiện hơn. Cụ thể, kính đeo mắt cận giúp người cận thị nhìn thấy được xa hơn, kính đeo mắt viễn thị thì giúp người viễn thị nhìn được những sự vật ở gần mình hơn,…Đặc biệt, giá thành của một chiếc kính mắt có chất lượng trung bình hiện nay khá rẻ, chỉ dao động từ 200.000 – 250.000 đồng nên hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của người sử dụng. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều người lựa chọn cho mình chiếc kính mắt để đeo hàng ngày thay vì thực hiện tiểu phẫu chữa tật khúc xạ.

Bên cạnh kính đeo mắt cận, các loại kính râm cũng mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng. Kính râm giúp cho mắt của người đeo có thể chống lại được các tác hại xấu từ ánh nắng mặt trời. Trong ánh nắng mặt trời có chứa bức xạ cực tím – đây là loại tia có thể giúp cơ thể thúc đẩy quá trình sinh vitamin D. Tuy nhiên, nếu để loại tia này tiếp xúc trực tiếp với mắt liên tục trong nhiều giờ có thể gây bỏng giác mạc (phần lòng đen của mắt), từ đó ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí là gây mù mắt. Việt Nam là một đất nước nhiệt đới có số giờ nắng trung bình hàng năm lên đến 2500 giờ, đặc biệt là vào buổi trưa hè, ánh nắng có chứa bức xạ cực kỳ cao. Vì thế có thể nói, kính râm là một vật dụng bảo vệ đôi mắt không thể thiếu đối với bất kỳ ai.

Ngoài hai công dụng được kể đến ở trên, chiếc kính đeo mắt còn đóng vai trò như một loại phụ kiện thời trang. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người về ăn – mặc - ở - đi lại ngày càng cao. Nắm bắt được xu thế đó, các nhà sản xuất kính mắt đã tập trung trau chuốt vẻ ngoài của chiếc kính đeo mắt, biến tính thẩm mỹ của chiếc kính trở thành điểm thu hút người sử dụng. Một chiếc kính đeo hiện đại, hợp thời trang đã có thể giúp cho người đeo nó trở nên cuốn hút hơn, cá tính hơn, sang trọng hơn. Do đó, không chỉ riêng phái đẹp thường yêu thời trang mà ngay cả phái mạnh cũng không thể cưỡng lại được sức hút của những chiếc kính đeo mắt thời trang. Đối với loại kính này, giá tiền của kính tỉ lệ thuận với giá trị thẩm mỹ. Những chiếc kính càng đẹp, làm từ những chất liệu sang trọng như gọng gắn đá quý, gọng gắn kim cương,…thì giá thành càng cao.

Chiếc kính đeo mắt còn mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Các chuyên gia trên thế giới đã thống kê được, ngành công nghiệp sản xuất kính mắt có giá trị hàng tỉ đô la Mỹ. Ở Việt Nam, sản xuất kính mắt được tính vào ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và cũng mang lại những lợi ích kinh tế lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, chiếc kính mắt còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Ở các nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,…chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều con phố chuyên bán kính đeo mắt nổi tiếng như phố Lương Định Của, phố Hàng Bồ, phố Yết Kiêu,…Điều này cũng chứng minh được nhu cầu sử dụng kính đeo mắt trong xã hội lớn như thế nào.

Trải qua thời gian, chiếc kính đeo mắt ngày càng khẳng định vị trí của mình khi trở thành một trong những vật dụng hàng ngày không thể thiếu đối với người hay trở thành một tác phẩm nghệ thuật đắt giá dưới bàn tay khéo léo của người thợ làm kính. Vì thế, có thể nói rằng, sự phát triển của chiếc kính đeo mắt cũng đi cùng với sự phát triển của xã hội. Chiếc kính đeo mắt sẽ còn trở nên tiện lợi hơn và ngày càng làm tốt vai trò phục vụ nhu cầu con người của mình.

2.2 Bài văn mẫu thuyết minh về kính đeo mắt số 2

Chiếc kính đeo mắt hẳn đã không còn xa lạ đối với mỗi chúng ta. Nhưng bạn đã bao giờ thử dành thời gian để tìm hiểu rõ nguồn gốc, cấu tạo cũng như những lưu ý đặc biệt khi sử dụng chiếc kính đeo mắt chưa. Chiếc kính đeo mắt thực chất có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn đọc tìm hiểu đấy.

Thuyết minh về kính đeo mắt

Chiếc kính đeo mắt có từ khoảng thời gian nào và mục đích chính của chúng là gì? Có thể nói, sơ khai ban đầu của chiếc kính đeo mắt chỉ xuất phát từ một mảnh thủy tinh, được sử dụng đề nhìn mọi vật một cách rõ ràng hơn. Đến tận năm 1260, người Ý mới tạo ra chiếc kính đeo mắt đầu tiên được công chúng biết đến, tuy nhiên việc sử dụng kính đeo mắt vào thời gian này cũng khá hạn chế. Chỉ có những nhà quý tộc giàu có mới có đủ điều kiện để mua chiếc kính này, cũng như sử dụng nó cho những mục đích quan trọng như học tập hay nghiên cứu.

Chiếc kính ban đầu chỉ có hai tròng kính, một thanh kim loại nhỏ nối hai tròng kính, tựa vào mũi để kính không bị rơi và hai dây buộc phía sau. Dần dần, kính đã được cải tiến hơn rất nhiều. Năm 1730, một chuyên gia người Luân Đôn đã tạo ra gọng kính để giữ kính chắc chắn hơn, thay thế cho dây buộc kính của người Tây Ban Nha trông có vẻ tạm bợ.

Đến năm 1887, chiếc kính áp tròng đầu tiên được tạo ra bởi người thợ thủy tinh người Đức. Chiếc kính được thiết kế vừa khít với mắt và không cần có gọng kính hay khung kính rườm rà.

Tuy vậy, chiếc kính đeo mắt được sử dụng phổ biến và rộng rãi vẫn là chiếc kính có đủ hai bộ phận là gọng kính và tròng kính. Gọng kính dài, mảnh, nối từ mắt kính đến vành tai, phía đuôi của gọng kính được uốn cong để bám lấy vành tai. Gọng kính có thể được làm từ nhiều chất liệu như kim loại, nhựa dẻo, titan. Gọng làm bằng kim loại mang đến cảm giác cứng cáp, chắc chắn cho người dùng nhưng đôi khi nó mang đến cảm giác khó chịu và thường dễ gãy. Gọng bằng nhựa dẻo thường bền và dẻo dai hơn, không bị bẻ cong hay gãy nếu có va chạm mạnh. Đặc biệt là gọng kính bằng titan đặc biệt bền chắc, nhẹ và không bị bẻ cong hay bị gãy.

Mắt kính được chia làm hai loại, mắt kính bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa. Mắt bằng thủy tinh trong suốt nhưng dễ vỡ. mắt kính bằng nhựa tuy nhẹ nhưng lại dễ bị xước. Tùy vào nhu cầu và mục đích sử dụng mà người mua nên cân nhắc để lựa chọn loại mắt kính phù hợp.

Kính mắt có rất nhiều tác dụng, người dùng vẫn sử dụng kính mắt cho nhiều mục đích khác nhau. Với những người bị cận, hay viễn thị, kính mắt có tác dụng cải thiện thị lực, giúp người dùng nhìn rõ sự vật hơn. Kính mắt cũng được dùng cho những người bị tật khúc xạ, giúp điều chỉnh hoàng điểm của mắt, tránh tình trạng nhược thị. 

Ngoài những tác dụng trên, kính mắt còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi những dị vật, bụi bẩn, tránh tia UV. Một số loại kính râm thường được ưu tiên lựa chọn cho mục đích này. Kính mắt còn là một món đồ làm đẹp cho người sử dụng, tăng tính thời trang và thẩm mỹ, khiến người dùng có cảm giác tự tin hơn khi đi ra ngoài.

Như vậy, kính đeo mắt dựa vào công dụng của nó có thể được phân loại như sau: kính thuốc, kính râm, kính thời trang. Nếu phân loại theo màu sắc, kính đeo mắt có thể được chia làm hai loại, kính đơn thuần và kính màu. Trong đó, kính đơn thuần có màu trắng thường được dùng nhiều hơn cả. Một số màu sắc phổ biến của kính màu như màu nâu, màu xanh, đen, màu xám. Những màu tối này có tác dụng bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời và tránh tia UV.

Kính mắt đem đến rất nhiều công dụng nhưng cũng có những hạn chế. Đối với kính thuốc, đeo kính quá lâu trong một thời gian dài sẽ khiến mắt bị mỏi hơn thông thường. Kính đeo mắt chỉ phù hợp với những người thực hiện những hành động nhẹ nhàng, không thích hợp cho những người chơi những môn thể thao mạnh. Đối với những người tham gia môn thể thao phải hoạt động mạnh, sẽ có loại kính được thiết kế riêng phù hợp.

Kính dễ bị dính hơi nước do nước nóng, dễ dính nước mưa và gây cản trở đến tầm nhìn của người dùng. Mắt kính dễ bị trầy xước nếu không được bảo quản cẩn thận. Gọng kính dễ bị gãy nếu có va chạm mạnh. Chi phí cho một chiếc kính đeo mắt chuẩn thường khá tốn kém nên có thể mang lại những lo lắng cho người dùng.

Để có một cặp kính đeo mắt tốt, bạn cần phải cẩn trọng từ khâu mua kính, cắt kính đến khâu bảo quản. Nếu bạn mua kính thuốc, bạn cần đi thăm khám cẩn thận bời bác sĩ chuyên môn, đi cắt kính tại những địa chỉ uy tín theo đơn kê sẵn. Khi cắt kính, cần phải chọn chất liệu để đảm bảo gọng kính chắc chắn, nhẹ, không dễ bị méo hay gãy hỏng. Mắt kính có thể được làm bằng thủy tinh hay bằng nhựa nhưng phải có độ trong suốt và đồng nhất, có khả năng chống chói, chống bám nước, có độ bền tốt, không dễ vỡ, dễ xước.

Trong quá trình sử dụng cần thường xuyên lau kính bằng giẻ mềm, đựng kính trong hộp nếu như không sử dụng. Đối với những bạn thường xuyên phải đeo kính thì chiếc kính vừa là người bạn, vừa là “cửa sổ tâm hồn” để bạn nhìn thế giới rõ ràng hơn. Chính vì vậy trân trọng chiếc kính và bảo quản kính thật tốt vừa là nhiệm vụ, vừa là việc bạn nên làm để tiết kiệm chi phí sửa chữa nếu có bất kì hỏng hóc nào.

Thị giác là một trong những giác quan quan trọng nhất của con người, bởi vậy bạn cần bảo vệ đôi mắt của mình và sử dụng kính mắt tốt chính là một trong những cách hoàn hảo để giữ mắt sáng và tinh tường. 

Như vậy, với dàn ý chi tiết và bài văn mẫu thuyết minh về kính đeo mắt trên đây, hy vọng bạn có thể có những thông tin tham khảo hữu ích để có thể hoàn thành bài văn thuyết minh về kính đeo mắt tốt nhất. Chúc các bạn học tốt hơn môn Ngữ văn và ngày càng có nhiều bài viết hay.

>> Tin liên quan:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.