close
cách
cách cách cách

Thuyết minh về cây lúa nước thân quen của dân tộc Việt Nam ta

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Lúa nước là một cây lương thực vô cùng quý báu của dân tộc ta và cũng là loài cây có ý nghĩa vô cùng to lớn. Hãy cùng Vieclam123.vn tìm hiểu kỹ hơn về loài cây này cùng nền văn minh lúa nước qua bài thuyết minh về cây lúa dưới đây nhé.

1. Dàn ý thuyết minh về cây lúa

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu khái quát về cây lúa

Lúa nước là một loại cây trồng phổ biến ở đất nước ta, mục đích chính là để cung cấp nguồn lương thực thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Từ lâu cây lúa đã là niềm tự hào vô cùng lớn, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt và tinh thần của người dân đất Việt.

Cách 2: Dẫn dắt từ những câu thơ về cây lúa

“Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy’

Trong hạt gạo có những mồ hôi, công sức của biết bao người nông dân không quản ngày đêm cấy cày, chăm sóc. Thế mới biết để có được hạt gạo cơ cực đến nhường nào. Chính vì vậy, chúng ta càng cần phải trân trọng giá trị của nó, của “hạt gạo làng ta” hay chính của cây lúa nước Việt và nền văn minh lúa nước.

Một số bài ca dao về cây lúa bạn đọc có thể tham khảo

"Thân em như lúa nếp tơ,

Xanh cây tốt rễ, phởn phơ phơi màu

Trời mưa cho lúa thêm bông

Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền"

hay: 

"Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"

rồi:

"Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn"

và: 

"Được mùa lúa, úa mùa cau

Được mùa cau, đau mùa lúa"

1.2 Thân bài

*Lịch sử của cây lúa nước

Nền văn minh lúa nước đã có từ rất lâu đời, xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm. Nền văn minh này là minh chứng cho độ chín, điêu luyện trong kĩ thuật canh tác lúa nước, thủy lợi, phát triển công cụ và vật nuôi chuyên dụng.

Nền văn minh lúa nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một số nền văn minh khác như văn hóa Hemudu, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình.

*Đặc điểm của cây lúa

Cây lúa là loại cây chỉ thích hợp sinh trưởng  trong những vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt phát triển tốt ở đồng bằng ven sông bởi có một lượng lớn phù sa được bồi đắp hàng năm.

Lúa thuộc loại cây một lá mầm, là loài cây tự thụ phấn và sống trong môi trường nhiều nước. Cấu tạo cây lúa gồm 3 bộ phận: rễ, thân, ngọn:

+Rễ lúa: Rễ lúa thuộc loại rễ chùm, nhiều dễ nhỏ cùng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Rễ lúa thường có màu trắng sữa khi còn non, khi trưởng thành chuyển sang màu vàng đậm, khi già chuyển sang màu đen.

+Thân lúa: Thân lúa bao gồm nhiều bộ phận nhỏ khác như lá lúa, bẹ lúa, lá thìa và tai lá. Phiến lá hẹp, phẳng và dài hơn bẹ lá, lá thìa là vảy nhỏ và trắng hình tam giác, tai lá là một cặp tai hình lưỡi liềm

Thân lúa đóng vai trò rất quan trọng, chống đỡ cho cây lúa đứng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn lúa cho hạt. Thân cây dự trữ tạm thời các chất dinh dưỡng trước khi lúa trổ bông, lá lúa làm nhiệm vụ quang hợp, duy trì sự sống cho cây.

+Ngọn:Hạt lúa khi còn xanh thường màu vàng, bên trong có màu trắng sữa, thơm nồng. Lúa chín có hạt to, tròn, mẩy, hạt cứng lại, vỏ hạt cứng hơn, có lông tơ, bao bọc lấy hạt.

*Quy trình nuôi trồng

Để có thể trồng lúa và có một vụ mùa bội thu, người nông dân thường thực hiện chuẩn theo quy trình sau:

Hạt lúa to, mẩy được ủ trong môi trường nhiệt độ thấp để nảy mầm thành mạ. Khi mạ đã cao cây, lớn khoảng 10-15cm có thể đem cấy để thành cây lúa. Trải qua quá trình chăm sóc kỹ càng, cẩn thận, cây lúa trưởng thành, sinh trưởng và phát triển, sau đó trổ bông, kết hạt. Lúa chín được gặt về, được tách phần hạt với phần thân, mỗi bộ phận đều mang đến rất nhiều công dụng.

*Vai trò của cây lúa

Từ bao đời nay, cây lúa gắn bó với con người và làng quê Việt Nam, trở thành một nguồn cung cấp lương thực chính, mang lại sự no đủ cho con người, góp phần trong những bữa cơm hàng ngày hay cả trong những bữa tiệc quan trọng.

Cây lúa không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn gắn với lịch sử phát triển của cả dân tộc, in dấu ấn trong từng thời kỳ. Cây lúa là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ, là hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh làng quê Việt Nam từ nay và cho mãi về sau.

*Thành tựu về cây lúa nước Việt Nam

Việt Nam là nước nông nghiệp, rất thích hợp để trồng cây lúa nước. Chính vì vậy mà ở Việt Nam đã tạo ra hơn 30 giống lúa nước, từ một nước nghèo đói với nền nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Thái Lan.

1.3 Kết bài 

Khái quát chung về cây lúa, nêu cảm nghĩ của bản thân.

Cây lúa đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người Việt Nam, nó không chỉ mang lại một cuộc sống no đủ hơn, sung túc hơn mà còn mang những giá trị tinh thần to lớn không thể thay thế được. Càng yêu quý loài cây này, mỗi chúng ta lại càng thêm trân trọng công sức của những người đã đêm ngày vất vả để làm nên hạt lúa, hạt gạo. Vẫn còn đâu đó trong bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa làm người đọc nhớ mãi:

“Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy”

2. Bài văn mẫu thuyết minh về cây lúa nước

2.1 Bài văn mẫu số 1

Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước từ bao đời nay , nghề trồng lúa nước được xem như là một nghề chính và là niềm tự hào vô cùng lớn của ông cha ta, là thước đo giá trị tinh thần của Việt Nam. Cho dù hiện nay đất nước ta đang hướng đến một đất nước công nghiệp quá, hiện đại hóa  song nghề trồng lúa nước vẫn được coi trọng và đầu tư. Cây lúa nước cũng vì thế mà đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam như một lẽ sống, có giá trị vô cùng to lớn.

Lúa là cây lương thực vô cùng quý báu, là một trong những cây trồng quan trọng nhất trong các loại ngũ cốc, là nguồn lương thực chính của người Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Việt Nam là một nước có nền kinh tế nông nghiệp từ bao đời nay, từ một nước thiếu lương thực một cách trầm trọng ở những năm tháng chiến tranh đến một nền nông nghiệp không chỉ đủ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác trên thế giới.  Trong đó nghề trồng lúa nước ở nước ta là một trong những ngành sản xuất lương thực vô cùng quan trọng và mang lại được những thành quả tốt đẹp, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sản xuất về lúa gạo đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan.

lúa là cây lương thực vô cùng quý giá

Đối với người Việt Nam chúng ta hay là phần lớn người châu Á nói chung, cây lúa là một thực phẩm hết sức gần gũi, cung cấp dinh dưỡng cho con người mặc dù bên cạch đó còn có các loại cây khác như ngô, sắn, khoai,… nhưng không cây nào có thể thay thế vị trí của cây lúa.  Trải qua hàng ngàn năm lịch sử cây lúa đã trở thành cây lương thực cính nuôi sống bao thế hệ của người Việt Nam. Trong đời sống tinh thần của con người thì thì cây lúa cũng gắn bó với chúng ta vô cùng thân thiết. Cây lúa chính là kết quả sau cả quá trình lao động sản xuất vất vả với rất nhiều công đoạn phức tạp, trải qua bao nhiêu mưa nắng,bão tố, mồ hôi, nước mắt, những nỗi lo toan không ngủ của người nông dân. Bởi thế cuộc đời của cây lúa nước chính là nhân chứng của sự phát triển của một đời người, đều có quá trình, có những sự vất vả. Những cây lúa được hình thành nên bởi những bàn tay vất vả và khéo léo của người nông dân. Không phải chúng ta cư gieo hạt lúa xuống bùn là có thể chờ ngày cây lúa trổ bông. Mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa không chỉ phụ thuộc nhiều vào sự chăm nom của người nông dân mà còn bị chi phối bởi thời tiết nắng mưa thất thường.

Các giống cây lúa ngày càng đa dạng và phong phú, lúa có nhiều loại tùy thuộc vào từng vùng miền, khkí hậu, địa hình và đất nên lúa cũng phân bố khác nhau nhưng để thích hợp trồng cây lúa nước nhất chính là những vùng đất có nước ngọt. Nhiều vùng có nước quá mặn và phèn như vùng Tây Nguyên là một điển hình thì cây lúa không thể nào cây lúa mọc lên và phát triển được.

Cây lúa thuộc loại thân thảo, thân cây lúa tròn, có chiều rộng khoảng 2-3 cm, chiều cao khoảng 70-80 cm và được chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường phía trong là rỗng còn lúc nào đến phần mắt thì phía trong nó mới đặc. Lá cây lúa thường có phiến dài, mỏng, chiều rộng khá bé, bao quanh thân, mặt lá rất nhám có gân lá chạy song song. Tùy vào từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển mà lá cây lúa sẽ có màu sắc khác nhau . Lúc nào cây lúa sắp chín sẽ thì nó sẽ ngả sang màu vàng. Rễ của cây lúa không quá dài, dạng chùm, bám chặt vào bùn để giữ cho thân cây lúa thẳng, không bị ngã đồng thời hút chất dinh dưỡng từ lòng đất để nuối cây. Hoa cây lúa cũng chính là hạt lúa sau này, hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có các vảy nhỏ bao bọc lấy nhụy ở phía trong. Lúc những bông hoa lúa nở, đầu nhụy sẽ lộ ra ngoài và có một chùm lông để quét phấn hoa. Hoa của cây lúa rất đặc biệt vì nó tự thụ phấn rồi dần dần biến thành hạt lúa sau này. Chất tinh bột nằm trong hạt lúa thơm ngon lâu dần sẽ khô đặc lại ở phía trong và biến thành những hạt lúa chín vàng, đẹp mắt. Những người nông dân ở Việt Nam thường trồng các loại lúa phổ biến như lúa nước, lúa tẻ, lúa nếp,…. Lúa nếp người ta thường dùng để làm các loại bánh hoặc để thổi xôi. Còn lúa tẻ là chính nguồn thực phẩm chính được chúng ta sử dụng nhiều nhất, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bữa cơm hằng ngày của con người. Còn hạt lúa non của những cây lúa nếp sẽ được dùng làm cốm. Theo như trước đây thì người nông dân ở Việt Nam hay trồng NN8 còn ngày nay ở miền Bắc hay trồng giống lúa các giống lúa như  C70, DT10, A20,…để phù hợp với sự thay đổi của thời tiết.

trồng lúa là cả một quá trình vất vả

Từ một hạt lúa có thể tạo ra rất nhiều hạt lúa đó là quá trình sinh sôi và phát triển của cây lúa nước. Những người nông dân sẽ chắt lọc trong kho lúa của những hạt lúa tròn và chắc nhất để làm giống. Những hạt lúa này sẽ được ủ vào những nơi không có gió, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, tránh sự xâm nhập của sâu bọ, côn trùng như chuôt, gián. Sau khi được ủ trong một khoảng vài ngày thì những hạt thóc lúc này đã có độ ẩm và những mầm trắng bắt đầu nhú lên. Những mầm trắng ấy rất mềm và yếu nên những nông dân phải rất khéo léo, nếu không cẩn thận sẽ làm gãy chúng. Những hạt mầm này chính là những cây mạ non sau này khi chúng được gieo xuống bùn. Ngay từ công đoạn đầu tiên đã đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của những người nông dân để có thể tạo ra những cây mạ cứng cáp.

Họ sẽ dùng những hạt mầm đó gieo xuống các luống đất vừa đủ nước ở ngoài cánh đồng. Chờ một khoảng thời gian khá dài những hạt mầm đó sẽ trở thành những cây mạ non nằm sát nhau, một màu xanh bao trùm lên cả cánh đồng tạo nên sự yên bình giữa chốn quê nhà. Khi những cây mạ non lớn lên đến độ có thể cấy được thì những người nông dân lại chuẩn bị một công đoạn tiếp theo sau công đoạn này. Những mẫu ruộng ở ngoài cánh đồng khi đã được cày bừa và cung cấp nước đầy đủ thì những người nông dân bắt đầu mang những đám mạ non đó để cấy xuống bùn đất. Những bàn tay khéo léo, uyển chuyển của các mẹ, các chị ở những vùng nông thôn yên bình đã tạo nên những hàng lúa thẳng tắp, nhìn vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn.

Vậy là đã kết thúc công đoạn cấy lúa tiếp theo đó sẽ là công đoạn chăm sóc cây lúa theo những thời kỳ nhất định. Sau khi đã xong công đoạn cấy thì người nông dân lại tất bật đi phun thuốc để phòng ngừa sâu bệnh hại vì đây là khoảng thời gian cây lúa còn non, lá còn mềm rất dễ bị sâu bệnh xâm nhập và tàn phá. Cấy xuống được mấy ngày thì cây lúa bắt đầu đâm rễ mới. Khác với lúc nảy mầm thì cây lúa sinh sôi, phát triển bằng cách đẻ nhánh, những nhánh lúa đua nhau mọc ra thành khóm. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, người nông dân phải chăm chỉ làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ cho cây lúa nhằm giúp cây có môi trường phát triển tốt nhất. Vào khoảng những ngày tháng 2 âm lịch, khắp các cánh đồng ở vùng quê mơn mởn màu xanh. Khi những cây lúa cao lên, thon thả, đầy sức, vô cùng tươi trẻ thì đó chính là lúc cây lúa đang “thì con gái”. Những người nông dân trải qua biết bao nắng mưa, những đêm lo âu suy nghĩ để tìm ra giải pháp tốt nhất chống sâu bệnh và giảm thiểu chi phí. Để trồng được những cây lúa là cả một quá trình nhọc nhằn và vất vả. Trải qua một quá trình dài chăm sóc, tưới tiêu, vun trồng vất vả, nếu như được thời tiết ưu ái thì những người nông dân sẽ có mùa vụ năng suất và bội thu.

Khi những cây lúa bắt đầu ngả vàng, những người nông dân vui vẻ ra đồng để thu thành quả sau một thời gian lao động vất vả. Ngày xưa người nông dân thu hoạch lúa bằng tay, điểu đó khiến những người nông dân rất mất sức cũ và vô cùng tốn kém bởi sau khi đã gặt về còn vận chuyển mang về, tuốt lúa, phơi lúa và cất vào kho. Nhưng ngày nay việc thu hoạch lúa đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi có sự hỗ trợ của máy móc. Những cây lúa được tuốt ngay tại những cánh đồng nên những người nông dân đỡ vất vả hơn. Sau khi đã gặt lúa xong thì họ tiếp tục lại ra đồng cày bừa cho đất thật phẳng để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Vai trò của lúa nước trong đời sống của những người dân Việt Nam thì không có gì có thể thay thế được. Không chỉ cung cấp một lượng tinh bột duy trì hoạt động sống của con người mà từ hạt gạo có thể chế biến ra rất nhiều các món ăn khác nhau. Banh chưng, bánh giày được Lang Liêu làm và dâng lên vua Hùng, sau này là hai loại bánh truyền thống trong những ngay tết. Bánh giày tượng trưng cho trời vả bánh chưng là tượng trưng cho đất. Những hạt lúa còn được sử dụng để làm cốm, một món ăn vô cùng quen thuộc với người dân Hà Nội mỗi khi bước sang mùa thu. Gạo nếp còn được nấu thành xôi, đây là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người dân Việt Nam vào các ngày giỗ tổ tiên, lễ, tết. Ngoài ra còn hàng trăm các loại bánh khác nhau được làm từ gạo như bánh cuốn, bánh đúc, bánh đa,…Còn thân cây lua sẽ được thu hoạch xong phơi khô có thể để làm thức ăn cho trâu bò hoặc làm chất đốt. Vỏ hạt lúa người ta gọi là trấu được người nông dân dùng làm phân bón cho cây cối, làm chất liệu đốt hoặc là làm ổ cho gà, vịt vào mùa lạnh.

lúa mang lại rất nhiều lợi ích

Lúa nước thường có hai loại chính thường gặp và hay được sử dụng đó là lúa nếp và lúa tẻ. Ngày nay nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật đã tạo ra được những giống lúa cho chất lượng và năng suất cao hơn rất nhiều so với những giống lúa cũ. Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chính là hai cái nôi và hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Những cánh đồng lúa rộng mênh mông, bát ngát chinh biểu tượng cho vẻ đẹp nên thơ của đất nước Việt Nam.

Cây lúa chính là người bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa về mặt vất chất mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà.

2.2 Bài văn mẫu số 2

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, thẳng cánh cò bay đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc, làm nên vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam. Cây lúa không chỉ mang lại những giá trị kinh tế, góp mặt trong những bữa ăn thường ngày của người Việt mà còn mang đến những giá trị tinh thần to lớn. Nền văn minh lúa nước là một trong những niềm tự hào của đất nước ta.

Về lịch sử hình thành, cây lúa nước đã xuất hiện rất lâu ở Việt Nam, nền văn minh lúa nước xuất hiện bắt đầu từ lưu vực những con sông lớn như sông Hồng, sông Đồng Nai, rồi lan dần ra khắp cả nước. Sự xuất hiện của nền văn minh lúa nước đóng vai trò quan trọng cho sự xuất hiện của những nền văn minh lớn khác như nền văn hóa Hemudu, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình.

Cây lúa nước chỉ thích hợp sinh trưởng và phát triển ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm quanh năm và được cung cấp và bổ sung lượng nước một cách thường xuyên. Một cây lúa có đầy đủ các bộ phận như rễ, thân, ngọn. Rễ lúa là rễ chùm, có chức năng hút chất dinh dưỡng nuôi cây. 

Quy trình trồng lúa, chăm sóc, đòi hỏi sự tỉ mẩn, dồn nhiều công sức của người nông dân. Một số giai đoạn cụ thể của quy trình trồng lúa như gieo giống, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch.

Đối với giai đoạn gieo cấy, người nông dân thường chọn những hạt giống to, tròn mẩy để ươm mầm thành mạ. Hạt giống cần được ủ trong môi trường ẩm, nhiệt độ thấp từ 3-5 ngày. Sau đó, mầm sẽ nhú thành cây mạ non, khi mạ đã dài khoảng 10-15cm, người nông dân sẽ mang đi cấy.

Người nông dân mang mạ ra đồng đề cấy thành từng hàng thật thẳng, có khoảng cách đều nhau để khi lúa sinh trưởng không được quá dày hoặc quá thưa. Nếu dày sẽ tạo điều kiện tốt cho sâu bọ phát triển, làm cây bị bệnh, nếu quá thưa thì sản lượng thu hoạch lại không được cao.

Quy trình chăm sóc lúa cũng vô cùng quan trọng, trong quá trình lúa sinh trưởng, người nông dân sẽ phải nhổ cỏ lúa, phun thuốc trừ sâu, bón phân để lúa phát triển tốt nhất. Dân gian ta vẫn có câu nói về những nguyên tắc khi trồng lúa, đó là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Khoảng 3-4 tháng kể từ ngày gieo cấy, lúa bắt đầu trổ đòng đòng. Cây lúa cao tầm 50-60cm, nhiều sắc lá màu xanh đậm, bên trong thân là những chiếc đòng trắng ngần, tinh khiết, thơm mùi sữa. Nếu có dịp đi ngang qua những cánh đồng lúa ở giai đoạn này, bạn sẽ phải dừng lại đôi chút để hít hà hương thơm ngát dễ chịu này.

Thời kì trổ bông là giai đoạn lúa vươn cao nhất, thân cây cứng cáp, lúa làm hạt rồi làm mẩy. Lúa chín dần, bông lúa trĩu nặng, sẵn sàng chờ người nông dân đến thu hoạch. 

Lúa mang đến rất nhiều công dụng và giá trị trong đời sống. Hạt lúa được tách khỏi thân, gọi là thóc, được phơi khô rồi cất trữ để khi sử dụng đến sẽ đem đi sát thành gạo, nguồn lương thực cho bữa ăn hàng ngày. Thân lúa làm thức ăn cho trâu bò, hoặc được phơi khô để làm chất đốt trong mùa đông.

Cứ mỗi khi đến mùa thu hoạch, cả xóm làng như được dát vàng bởi màu vàng của lúa. Ở mọi sân nhà đều tràn đầy một sân thóc. mỗi đường làng ngõ xóm đều được rải một lớp rơm vàng óng dưới ánh nắng chói chang.

Vẫn còn những lớp rạ khô còn sót lại ngoài đồng. Rạ chính là gốc của cây lúa được người nông dân bỏ lại không cắt về. Những lớp rạ ấy cũng có thể được sử dụng làm chất đốt, làm thức ăn cho trâu bò, hoặc trở thành một phần kí ức tuổi thơ của lũ trẻ. Những chiều chăn trâu cắt cỏ nướng khoai trên đồng nhờ vào những gốc rạ còn sót lại ấy.

Lúa có hai loại chính là lúa nếp và lúa tẻ, lúa nếp cho hạt gạo nếp để nấu những món ăn như cơm nếp, xôi. Lúa tẻ cho hạt gạo tẻ, dùng để nấu cơm trong những bữa ăn hàng ngày. Bát gạo trắng ngần là kết tinh của biết bao mồ hôi, công sức lao động vất vả của người dân lao động.

Cây lúa đóng vai trò quan trọng đối với đất nước Việt Nam ta trở thành nước nông nghiệp có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Cây lúa mộc mạc. giản dị chân chất như chính con người Việt Nam. Vẫn còn đâu đó lời bài ca dao làm ta càng trân trọng hơn công lao của người lao động trồng cây lúa để làm nên bát cơm dẻo thơm:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Trên đây là bài văn thuyết minh về cây lúa Việt Nam, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn giải quyết bài tập làm văn của mình.

>> Đọc thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.