Part 3 TOEIC bao gồm những đoạn hội thoại ngắn (Short Conversation) yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng nghe hiểu tốt mới có thể đưa ra được đáp án đúng. Cùng tìm hiểu mẹo thi Part 3 TOEIC để đạt điểm số cao nhất trong kỳ thi nhé.
Nếu như cấu trúc bài nghe Part 1 và Part 2 TOEIC tương đối đơn giản thì Part 3 được xem là khá “khó nhằn” đối với các thí sinh. Thí sinh sẽ phải nghe 13 đoạn hội thoại ngắn, mỗi đoạn hội thoại có 3 câu hỏi trắc nghiệm (tổng công cả Part 3 có 39 câu hỏi trắc nghiệm), mỗi câu hỏi có 4 đáp án lựa chọn A,B,C,D và thí sinh phải lựa chọn đáp án đúng nhất.
Cấu trúc Part 3 TOEIC gây khó khăn cho thí sinh vì đoạn hội thoại đôi khi không chỉ gồm 2 nhân vật nói chuyện với nhau mà còn có thể là 3 người. Sự thay đổi về giọng nói và việc có nhiều tông giọng đan xen sẽ khiến thí sinh dễ nhầm lẫn, không phân biệt được câu thoại của nhân vật, từ đó khó xác định được thông tin.
Tốc độ đọc đoạn hội thoại khá nhanh và nhân vật có sử dụng cách đọc nối âm, nhiều cụm từ được rút gọn để phù hợp với cuộc nói chuyện. Khi đó, thí sinh cần phải hiểu để không bị bối rối và lỡ mất thông tin quan trọng. Part 3 yêu cầu thí sinh phải liên kết được nội dung cuộc hội thoại thì mới có thể chọn được đáp án đúng. Nếu như chỉ hiểu từng cụm từ riêng lẻ thì sẽ không đủ để đoán ý người nói và dễ đưa ra đáp án sai.
Một số chủ đề thông dụng thường gặp trong Part 3 TOEIC là:
Chủ đề về cuộc hội thoại trong văn phòng, về thời gian diễn ra cuộc họp,chuẩn bị tài liệu, thiết bị, đặt lịch hẹn với đối tác làm ăn, với đồng nghiệp, hạn chót của các deadlines, báo cáo, tài liệu, vấn đề tăng lương, thăng chức, hợp đồng, doanh thu,...
Chủ đề giao tiếp giới thiệu bản thân, giới thiệu về tên, tuổi, công việc hiện tại, sở thích cá nhân, lịch trình trong ngày cụ thể,...
Chủ đề du lịch, địa điểm du lịch, thời gian đi du lịch, đối tượng cùng đi, giá cả dịch vụ, mục đích chuyến đi,...
Chủ đề nhà hàng, khách sạn, đặt bàn ăn, đặt phòng, thời gian cụ thể, số lượng người, số bàn, số phòng, yêu cầu về dịch vụ,...
Chủ đề hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, thường làm gì, làm với ai, tại sao lại yêu thích hoạt động đó,...
Các câu hỏi cho từng đoạn hội thoại thường sẽ xuất hiện theo trình tự như sau:
Câu 1: Câu hỏi về thông tin khái quát, chủ đề cuộc trò chuyện, người tham gia cuộc hội thoại, mục đích, địa điểm cuộc trò chuyện.
Ví dụ:
What is the topic of this conversation? (Nội dung chủ đề của cuộc hội thoại này là gì?)
What are the speakers discussing? (Người nói đang thảo luận về vấn đề gì?)
Who are the speakers talking about? (Người nói đang nói về đối tượng nào?)
Where is the conversation taking place? (Cuộc hội thoại diễn ra ở đâu?)
Câu 2: Câu hỏi về các chi tiết cụ thể của các thông tin xuất hiện trong cuộc hội thoại.
Ví dụ:
What problem does the man have? (Vấn đề mà người đàn ông gặp phải là gì?)
How often is the meeting held? (Tần suất tổ chức cuộc họp là bao nhiêu?)
What is the purpose of the man’s call? (Mục đích gọi điện của người đàn ông là gì?)
What time does the meeting start?(thời gian mà cuộc họp bắt đầu là bao giờ?)
Câu 3: Câu hỏi suy luận
Ví dụ:
What will the man do next? (Người đàn ông sẽ làm gì tiếp theo?)
What can be suggested about the man? (Những gì có thể được gợi ý về người đàn ông?)
Khi làm bài thi TOEIC Part 3, bạn cần tranh thủ thời gian để đọc trước câu hỏi trước khi nghe đoạn hội thoại. Việc đọc trước câu hỏi sẽ giúp bạn phần nào đoán được nội dung cuộc hội thoại và những gì bạn cần tập trung lắng nghe để tìm ra câu trả lời.
Tận dụng được thời gian để đọc trước câu hỏi, bạn sẽ không cần phải nghe hiểu cả bài mà chỉ cần tập trung vào những phần thông tin quan trọng, xác định được đáp án chính xác cần tìm.
Vì trình tự sắp xếp 3 câu hỏi trong từng bài là từ câu hỏi khái quát đến câu hỏi chi tiết và câu hỏi mở rộng nên khi đọc câu hỏi, bạn nên đọc hai câu hỏi chi tiết và câu hỏi mở rộng trước. Những câu hỏi này phần nào sẽ “tiết lộ” cho bạn thông tin về chủ đề chung.
Ngay khi đoạn hội thoại kết thúc, hãy nhanh chóng khoanh đáp án lựa chọn vào phiếu trả lời và tận dụng thời gian để đọc những câu hỏi ở đoạn hội thoại tiếp theo.
Đối với Part 3 TOEIC, thí sinh thường gặp khó khăn do các “bẫy” của đề ra như sau:
Bẫy 1: Đoạn hội thoại gây lẫn lộn thông tin giữa các giọng đọc
Bẫy 2: Sử dụng từ ngữ lặp lại nhưng ở ngữ cảnh khác nhau
Bẫy 3: Không phân biệt được ý định của người nói là đồng ý hay từ chối
Bẫy 4: Thông tin xuất hiện không theo trình tự câu hỏi
Với từng loại “bẫy” nêu trên, chúng ta lại có những mẹo khác nhau để “tránh bẫy” và “ăn điểm” tối đa.
Bẫy 1 (lẫn lộn thông tin giữa các giọng đọc): Để tránh bẫy này, ngay trước khi nghe đoạn hội thoại bạn cần xác định thông tin câu hỏi này thuộc về giọng đọc nào, giọng nam hay giọng nữ. Sau đó, từ từ khóa trong câu hỏi và những chi tiết thường xuyên lặp lại trong đoạn hội thoại, xác định loại thông tin tổng quát, chi tiết hay suy luận để có thể đưa ra đáp án chính xác nhất.
Bẫy 2 (Từ ngữ được lặp lại ở ngữ cảnh lại khác nhau): Khi nghe, cần chú ý nghe cả câu và những dữ kiện liên quan thay vì chỉ nghe từ khóa.
Bẫy 3 (Không phân biệt được ý định của người nói là đồng ý hay từ chối): Chú ý nghe những dấu hiệu để đoán được hướng đi của đoạn hội thoại, ví dụ từ ngữ diễn tả ý nghĩa tương phản but (nhưng), however (tuy nhiên), By contrast (ngược lại), hoặc là những từ bổ sung ý nghĩa như and (và), as well as (cũng như là),...
Bẫy 4 (Thông tin xuất hiện không theo trình tự): Nhiều thí sinh vẫn thường nhầm tưởng rằng trình tự xuất hiện thông tin sẽ đúng với trình tự câu hỏi. Tuy nhiên, vì những suy nghĩ như vậy mà thí sinh thường để lỡ thông tin. Chính vì vậy, bạn cần đọc câu hỏi và các đáp án trước, để khi nghe thấy thông tin đó trong bài bạn có thể chọn luôn được đáp án.
Dù cho TOEIC Part 3 có “khó nhằn” đến đâu thì hy vọng qua bài viết trên đây của Vieclam123.vn, các bạn sẽ nắm được các mẹo thi và giành được điểm số cao nhất. Chúc các bạn học tốt.
>> Tham khảo thêm:
Chia sẻ