Hiểu được và làm được tốt một đề văn thuyết minh không phải dễ. Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu phương pháp làm bài văn thuyết minh nhé!
Văn thuyết minh là một thể loại văn học thông dụng trong đời sống cung cấp thêm cho ta những tri thức, kiến thức về tính chất, đặc điểm,... của sự vật và hiện tượng nào đó trong đời sống, xã hội,... bằng những phương pháp khác nhau như: trình bày, giới thiệu hoặc giải thích.
Những phương pháp thuyết minh
Nêu định nghĩa: giới thiệu chung về sự vật, hiện tượng muốn đề cập đến.
Liệt kê: nêu ra những tính chất, đặc điểm, công dụng của sự vật, hiện tượng cần thuyết minh.
Nêu ví dụ: đưa ra một ví dụ hoặc dẫn chứng cụ thể về sự vật, hiện tượng được đề cập đến.
Sử dụng số liệu: đưa ra những số liệu cụ thể, chính xác về sự vật, hiện tượng cần thuyết minh.
So sánh: so sánh sự vật, hiện tượng cần thuyết minh với sự vật hiện tượng khác cùng chủ đề.
Phân tích: nêu ra các đặc điểm cơ bản nhất, sau đó phân tích cặn kẽ các đặc điểm vừa nêu.
Trình bày bố cục chặt chẽ, rành mạch, rõ ràng, chính xác, hấp dẫn.
Tài liệu, tri thức được đề cập trong bài viết phải có tính khách quan, hữu ích.
Bước 1: Tìm hiểu đề
Xác định được sự vật, hiện tượng, đối tượng được thuyết minh. Đối tượng thuyết minh đó có những đặc điểm, cấu tạo, tính chất gì? Khi tìm hiểu đề, nên đặt những câu hỏi xoay quanh đề bài.
Từ đó, tìm kiếm, sưu tầm và ghi lại những kiến thức, tài liệu cần sử dụng trong bài viết. Lưu ý, những kiến thức này phải có tính khách quan và xác thực!
Lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp nhất với đối tượng thuyết minh ban đầu.
Từ ngữ phải chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, tập trung chủ yếu vào đối tượng cần thuyết minh.
Bước 2: Lập dàn bài/ lập dàn ý
Đây là một bước cực kỳ quan trọng nhưng lại bị hầu hết các bạn học sinh khi làm văn bỏ qua. Tùy theo suy nghĩ của mỗi người mà hình thành nên những dàn bài khác nhau sao cho phù hợp với đối tượng cần thuyết minh. Có người lập dàn ý theo kiểu sơ đồ tư duy, nhưng có người lại lập theo kiểu phổ thông (gạch đầu dòng).
Dù bạn có dùng cách nào để lập dàn bài đi chăng nữa thì một dàn bài cũng nhất định phải có đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.
Mở bài: giới thiệu về đối tượng thuyết minh, lưu ý là giới thiệu chứ không đi sâu vào phân tích hay miêu tả ngay từ mở bài.
Thân bài: nêu các đặc điểm , tính chất, công dụng của đối tượng cần thiết minh, giải thích thêm về cấu tạo, nguồn gốc, công dụng của nó... khả năng và ứng dụng của đối tượng đó trong thực tế như thế nào?
Kết bài: nhận xét, đánh giá về đối tượng cần thuyết minh.
Bước 3: Viết bài văn
Đây là bước từ một dàn ý cơ bản, chúng ta sẽ tạo lập nên một văn bản hoàn chỉnh nhất. Dựa trên dàn ý đã tạo ở bước thứ 2, các bạn cần sử dụng các kiến thức đã học, vốn từ sẵn có, kĩ năng viết để viết văn sao cho phù hợp.
Chúng ta cần lưu ý hai mặt chính sau:
Nội dung: phải viết đúng trọng tâm của đề, không viết lan man, lạc đề. Nội dung của một bài thuyết minh không nên quá khô khan, nên hài hòa, dễ hiểu, tạo sức hút đối với người đọc.
Hình thức: phải đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Không mắc lỗi chính tả, dùng sai từ, sai cú pháp câu, ý tứ rõ ràng, rành mạch. Kiến thức đưa vào bài phải có tính khách quan, xác thực.
Bước 4: Đọc và sửa lỗi:
Đây là bước cuối cùng để các bạn có thể hoàn thành một bài văn thuyết minh hoàn chính. Thực hiện bước này giúp người viết quan sát, xem xét được tổng thể bài viết xem có đầy đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, mắc lỗi nữa hay không. Nếu có thì đưa ra cách chỉnh sửa, xử lý cho phù hợp với yêu cầu đề bài.
Trên đây là một số lưu ý và phương pháp làm bài văn thuyết minh sao cho thật tốt. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp cho các bạn chinh phục, hoàn thành tốt những bài văn thuyết minh. Chúc các bạn học tốt!
>> Tham khảo thêm:
Chia sẻ