close
cách
cách cách cách

Bài văn mẫu thuyết minh về cây tre của Việt Nam hay nhất

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Thuyết minh về cây tre là đề văn quen thuộc thường gặp ở môn Ngữ văn bậc Trung học cơ sở. Để giúp bạn làm đề văn này tốt hơn, chúng tôi xin gửi đến bài văn mẫu thuyết minh về cây tre mời bạn đọc tham khảo.

1. Dàn ý thuyết minh về cây tre

1.1 Mở bài

Dẫn dắt để giới thiệu về cây tre Việt Nam

1.2 Thân bài

*Nguồn gốc cây tre Việt Nam: Cây tre là một loài thực vật thân xanh đa niên thân gỗ, cây tre đã có từ rất lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người nông dân Việt Nam.

*Miêu tả về cây tre Việt Nam

-Hình dáng: Cây tre trưởng thành có thân thẳng đứng, có nhiều đốt tre, phân cách nhau bởi các mấu mắt.

Tre khi mới mọc gọi là măng, có hình tháp, được bao bọc bởi nhiều lớp vỏ bên ngoài.

Tre gồm một số bộ phận chính như rễ tre, thân tre, cành tre, lá tre. 

+Rễ tre: rễ tre thuộc dạng rễ chùm, dày, bện chắc vào nhau và cắm sâu vào lòng đất để giữ cho cây tre đứng thẳng mà không bị đổ gãy.

+Thân tre: thân tre dài, mọc thẳng, màu xanh mướt, chiều dài của một thân cây tre trưởng thành có thể cao đến hơn 5 mét. Cành tre thường mọc ở trên ngọn tre, thường không xuất hiện ở giữa thân cây.

+Lá tre: lá tre nhỏ, thon, dẹp, thuôn nhọn về phía đầu và khá sắc, mọc tập trung ở phía ngọn tre, mọc dày, tạo thành bóng râm che phủ.

-Đặc tính sống: Tre là loài cây dễ sống, thường sống thành từng bụi, vì vậy thường đứng vững trong gió bão và có thể vươn thẳng lên cao.

Tre thường sống được khoảng từ 13-15 năm tuổi, tùy theo từng loại tre. Tre có hoa nhưng thường rất hiếm và được xem là hiện tượng độc đáo và hiếm gặp trên toàn thế giới.

-Công dụng: Cây tre có nhiều công dụng, là một loài cây hữu ích đối với đời sống của con người Việt Nam trong nhiều thế hệ:

+Trong thời chiến: Cây tre được sử dụng để làm giáo. mác, vũ khí đánh giặc, chính vì lý do đó mà hình ảnh cây tre đã xuất hiện trong câu chuyện dân gian “Thánh Gióng” nhổ tre đánh giặc.

+Trong thời bình: Tre được sử dụng cho nhiều mục đích như trong xây dựng, trong làm đồ gia dụng, đồ trang trí. Những vật dụng được làm bằng tre thường bền chắc, đẹp, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị sử dụng cao nên được nhiều người ưa chuộng.

*Ý nghĩa của tre:

Trong văn hóa dân gian: Cây tre tượng trưng cho những tâm hồn thanh cao, ý chí kiên cường , ngay thẳng, sức sống phi thường.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước: Tre đóng vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào công cuộc giữ nước của dân tộc, giúp đẩy lùi thế lực xâm lược.

Trong văn học: Tre xuất hiện trong nhiều bài thơ, ca dao, cây tre in một dấu ấn sâu đậm trong nền văn học Việt Nam.

Trong đời sống con người: Tre còn là loài cây gắn với đời sống tinh thần của người dân Việt. Từ lâu tre đã trở thành biểu tượng của người anh hùng cương trực, những người có đức tính thẳng thắn, trung thực. Tre còn gắn bó với đời sống văn hóa của người nông dân khi, nhiều hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ thường được diễn ra dưới những gốc tre. Lá tre, thân tre khô còn được sử dụng cho mục đích đun nấu ở nhiều làng quê. Cành tre có thể được sử dụng để làm cần câu cá, là một trong những thú vui tao nhã ở nơi thôn dã.

1.3 Kết bài

Khẳng định lại giá trị cây tre trong đời sống của người dân đất Việt. Nêu cảm nghĩ chung về loài cây này.

2. Top 2  bài văn mẫu thuyết minh về cây tre hay nhất

2.1 Đề bài: Bạn hãy thuyết minh về cây tre Việt Nam

Thuyết minh về cây tre việt nam

Bài làm

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh”

Đúng như những lời nhà thơ Nguyễn Duy đã gửi gắm trong bài thơ “Tre Việt Nam” của mình, cây tre đã xuất hiện và gắn bó với người dân Việt Nam từ rất lâu. Dường như sẽ chẳng có ai có thể nói rõ ra được cây tre xuất hiện từ bao giờ vì trong tiềm thức của người dân Việt, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên từ làng, bóng cây tre đã ở bên và che chở họ suốt từ những ngày ấu thơ cho đến khi trưởng thành.

Cây tre là một loại thực vật thuộc Bộ Hòa Thảo. Trong đó, cây tre thuộc phân họ Tre và thông Tre (tên tiếng Anh là bambuseae). Tông Bambuseae có đến hơn 1000 loại và 91 chi, sinh trưởng tập trung ở các đất nước thuộc châu Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các loài trúc, vàu xanh, sặt dây,… Như đã nói ở trên, thực sự không thể biết được cây tre bắt đầu mọc và sinh trưởng tại Việt Nam từ thời điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, qua những câu chuyện cổ, những huyền thoại, những truyền thuyết được dân gian truyền miệng; qua việc ngắm nhìn những rặng tre bát ngát phủ xanh khắp các vùng miền ở đất Việt hiện nay, có thể hiểu được rằng, cây tre đã làm bạn với người Việt từ thời kỳ dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước. Cây tre như một chứng nhân cho những trang sử vàng son của dân tộc, là một phần trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất “con rồng cháu tiên”.

Để nói về đặc điểm của cây tre, bằng mắt thường có thể thấy được thân cây tre có màu xanh lục. Sắc xanh này nhạt ở phần ngọn tre và từ từ lan đậm dần xuống gốc tre. Thân cây tre mọc thẳng tắp và có rất nhiều đốt. Thân cây tre còn rỗng ruột và có rất nhiều nhánh nhỏ có gai mọc ra từ thân tre. Chính những đặc điểm này của thân cây tre đã được đưa vào nhiều câu chuyện cổ tích quen thuộc như “Cây tre trăm đốt” hay “Khắc nhập khắc xuất”,… in sâu vào tâm trí của mỗi đứa trẻ thơ. Lá của cây tre rất mỏng và dài, có những đường gân chạy dọc trên bề mặt chiếc lá. Vào mùa hè, những chiếc lá tre xanh tươi rung rinh trong gió, tạo ra những tiếng rì rào êm ái đi vào trong giấc ngủ trưa của những con người sống dưới bóng tre. Rễ của cây tre thuộc loại rễ chùm, tuy những nhánh rễ rất nhỏ và mỏng nhưng lại bám rất chắc vào lòng đất. Đặc điểm này đã giúp cây tre chống chọi lại với mưa to gió lớn, đứng sừng sững và vững vàng chẳng kém gì những loại cây cổ thụ khác. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Duy đã nhìn thấy sự quật cường này, để rồi phải thốt lên:

“Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”

Cây tre ban đầu sẽ là một mầm măng nhỏ, mọc ngay dưới gốc cây tre trưởng thành, được bao bọc và che chắn trong lớp vỏ xanh dày. Mầm măng đó sẽ lặng lẽ tích lũy tinh hoa của đất trời rồi từ từ lớn lên, vươn mình trở thành một cây tre trưởng thành thẳng tắp. Khoa học đã chứng minh rằng, trong điều kiện lý tưởng, cây tre có thể cao thêm 15cm đến 20cm mỗi ngày. Đây thực sự là một sự phát triển rất thần kỳ, do đó cây tre thường có chiều cao trung bình từ 4m đến 5m. Có lẽ nhiều người không biết rằng cây tre cũng nở hoa. Hoa của cây tre có màu vàng rất nhạt, có hương thơm hơi nồng. Hoa tre rất hiếm khi nở, thời điểm hoa nở cũng chính là lúc cây tre khép lại vòng đời của mình. Và rồi sẽ lại có một cây tre non mọc lên ở chính gốc tre già đã rời đi ấy. “Tre già măng mọc”- từng thế hệ nối tiếp nhau trở thành một lũy tre dài chạy dọc khắp mảnh đất hình chữ S như thành lũy không gì phá nổi.

Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng cây tre luôn gắn liền với người dân đất Việt, trở thành biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống. Đó là bởi vì cây tre thực sự có rất nhiều công dụng khác nhau. Từ lao động, sinh hoạt, chiến đấu,dù là ở mặt nào của cuộc sống, cây tre đều đóng vai trò quan trọng và là người bạn kề vai sát cánh với mỗi người dân lao động.

Thánh Gióng dùng tre đánh giặc

“Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc” – Từ thuở sơ khai, cây tre đã luôn là nguồn vật liệu vô tận để người dân chế tạo ra vô vàn ra các loại vũ khí khác nhau sử dụng trong chiến đấu. Từ những chông tre được vót nhọn, cắm tại sông Bạch Đằng đã đánh tan quân Nam Hán đến những cung tên bằng tre, mác bằng tre, gậy tre,… Tất cả đều là những vũ khí sắc bén được người dân nắm chắc trong tay, dùng nó để hạ từng kẻ thù xâm lược và viết nên trang sử vàng son của dân tộc. Không chỉ thế, những lũy tre xanh mướt rì rào trong gió cũng trở thành chiến lũy để giữ lấy làng khi có giặc đến xâm lăng. Từng lũy tre đứng sừng sững, hết lớp này đến lớp khác đã bảo vệ cuộc sống cho cụ già, cho em thơ và là thành trì chiến đấu của những thanh niên đứng lên chống giặc bảo vệ mảnh trời quê hương. 

Ngoài là vũ khí, người ta còn dùng cây tre để làm nên cái cào, cái cuốc, cái ra, cái rổ, làm cả đôi quang gánh gánh trên đôi vai của mẹ, của chị mỗi buổi chợ chiều. Đồ vật làm từ tre vừa nhẹ vừa dẻo dai và đặc biệt là rất bền Dường như người dân Việt đã nhìn thấy được những giá trị vật chất to lớn mà cây tre mang lại. Từ đó liên tục sử dụng cây tre để chế tạo dụng cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt,… bắt đầu từ những ngày đầu xây dựng cuộc sống của mình. Thậm chí người ta còn lá tre phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò, để làm lá đốt trong các bếp lửa ở làng quê. Măng tre thì được sử dụng làm thức ăn. Thật sự rất khó để có thể liệt kê được hết những món ăn được chế biến từ măng. Vị ngọt thanh của những khúc măng non đã biến măng tre trở thành một nguyên liệu quen thuộc giúp cho các món ăn truyền thống thêm thơm ngon, đậm đà. 

Ngày nay, trong giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc trồng tre và sử dụng cây tre để làm nên các đồ thủ công mỹ nghệ đang rất được đầu tư quan tâm. Bằng sự khéo léo của mình, các nghệ nhân đã biến những vật dụng hàng ngày thô sơ mộc mạc như rổ, rá, giỏ,…trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều có tính ứng dụng và mang giá trị thẩm mỹ cao, rất được các du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm từ tre đã được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, tạo ra nguồn thu nhập cho những người dân lao động và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Thương hiệu đồ thủ công mỹ nghệ làm từ tre của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và nước ngoài, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Lào, Malaysia,…

Bên cạnh những giá trị vật chất, cây tre còn mang đến những giá trị tinh thần lớn lao cho người dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bóng tre xanh mát đã là nơi vui đùa của những đứa trẻ vùng quê trong suốt những năm tháng ngây ngô nhất; là nơi em thơ nằm gọn trong chiếc võng đi vào giấc ngủ trong tiếng à ơi của mẹ, của bà. Bóng tre còn là nơi nghỉ chân của các cô, các bác sau một ngày làm đồng mệt nhọc. Những lũy tre giống như lá phổi xanh của các làng quê, không chỉ đưa đến bóng mát mà còn tạo ra không khí thanh mát trong lành mà vùng đô thị khó có được. Từ lá tre, những món đồ chơi truyền thống đã được sáng tạo và trở thành niềm vui cho những đứa trẻ lớn lên từ làng. Có lẽ sẽ chẳng đứa trẻ nào quên được cào cào lá tre, đèn lồng tre,…Tất cả dù giản dị, mộc mạc, chẳng được màu sắc bắt mắt như đồ chơi bằng nhựa, nhưng lại cùng chúng ta trưởng thành.

Không chỉ thế, hình ảnh cây tre còn đi vào trong văn học, trong thơ ca của người Việt, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Hình ảnh cậu bé Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà, cưỡi ngựa sắt, một mình đánh tan giặc Ân có lẽ đã in sâu vào trong tiềm thức của bất kỳ người dân Việt Nam nào. Hình ảnh đã thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, dù chúng có lớn mạnh hơn quân ta gấp nhiều lần. Hình ảnh đó cũng thể hiện sự dũng cảm cùng với khát vọng vươn mình chiến thắng trước nghịch cảnh của nhân dân đất Việt. Đến thời kỳ của văn học hiện đại, cây tre tiếp tục xuất hiện trong nhiều bài thơ, bài văn nổi tiếng. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết trong bài “Cây tre Việt Nam”:

“Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”

Nhà văn Thép Mới cũng đã có những lời văn ấn tượng để miêu tả về cây tre trong bài “Tre Việt Nam”. Chính sự tương đồng về những đặc điểm của cây tre và vẻ đẹp của con người Việt đã giúp cho cây tre trở thành hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam trong nền văn học dân tộc. Những câu chuyện cổ, những huyền thoại, truyền thuyết, những bài thơ, bài văn đó đã chứng minh được vị trí của cây tre trong đời sống văn hóa của người Việt. Từ đó dần dần nâng tầm hình ảnh của cây tre trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt được bạn bè quốc tế ca ngợi.

Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, khi đất nước đã hiện đại, có thể người ta sẽ không còn sử dụng tre để làm vũ khí, cũng không còn sử dụng tre để làm vật dụng sinh hoạt hàng ngày vì đã có đồ nhựa, đồ inox,…Nhưng điều đó không có nghĩa là cây tre đã mất đi những giá trị của mình. Thế hệ sau của đất nước sẽ trồng, sẽ gìn giữ và bảo vệ lũy tre làng theo một cách khác, để hình ảnh cây tre sẽ luôn sừng sững trong trái tim của những người con đất Việt và trong mắt của bạn bè quốc tế.

2.2 Bài làm văn số 2 thuyết minh về cây tre

“Tre xanh xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Đó là những câu thơ hay nói về một loài cây vô cùng gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của người dân đất Việt-cây tre. Tre xanh đã trải qua hàng nghìn đời, không ai biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi ta sinh ra và lớn lên, tre đã tồn tại, gắn bó với đời sống hàng ngày và trở thành biểu tượng của khí chất ngay thẳng. Hãy cùng tìm hiểu bài thuyết minh về cây tre để biết rõ hơn về loài cây này nhé.

Tre là một loài cây thuộc nhóm thực vật thân gỗ, thân cây mọc thẳng, có nhiều đốt, vươn lên cao và thường sống thành từng bụi. Tre rất dễ sống, có thể sống trong điều kiện đất đai khô cằn, không mất công chăm sóc như nhiều loài cây khác. Tre thường sống được trong khoảng từ 13-15 năm tuổi.

Về hình dáng, tre có đầy đủ các bộ phận như rễ tre, thân tre, cành tre, lá tre. Rễ tre thường mọc thành chùm và cắm sâu vào lòng đất, có một phần rễ tre nổi trên mặt đất, bao bọc lấy thân cây. Thân cây to thẳng, có chiều dài khoảng 5 mét đối với những cây trưởng thành, được hợp thành bởi nhiều đốt tre. Đốt tre thường được phân cách với nhau bằng mắt tre, phần bên trong của mỗi đốt thường rỗng.

Lá tre là cơ quan quang hợp của cây tre, phần lá tre không có lông tơ, thường được cấu tạo bởi hai phần bẹ lá và phiến lá. Phần bẹ lá dài, có hình lòng máng, gắn chặt vào cành từ phần cuống lá, ngoài ra còn có tai lá, và lưỡi lá thường khá sắc.

Hoa tre cũng là một trong những bộ phận của cây tre nhưng thường rất hiếm nở. Hiện tượng hoa tre nở có thể được xem là một hiện tượng độc đáo và phải là người may mắn mới có thể thấy được. Hoa tre có dạng bông màu vàng nhạt, nhị hoa bao lấy phấn hoa, khi tàn sẽ hình thành quả nhỏ bằng hạt thóc, có thể phát tán để mọc thành cây non.

Về giá trị vật chất, tre có thể được sử dụng trong xây dựng. Người xưa vẫn thường ngâm thân tre trong nước, ủ khoảng vài tháng rồi sử dụng để làm kèo mái nhà rất chắc chắn.

Trong nông nghiệp, tre được sử dụng để làm cán cào, cán cuốc rất chắc chắn. Tre được sử dụng làm chiếu, chõng, chạn bát, muôi múc, gáo, gầu, ống đựng. Mọi vật dụng trong gia đình ở làng quê Việt Nam thời xa xưa dường như đều có sự xuất hiện của vật dụng làm từ tre.

Cây tre còn được sử dụng để làm vũ khí chiến đấu như giáo mác, gậy gộc, cung tên trong thời chiến. Bên cạnh đó, thân tre cũng được sử dụng để làm đồ mỹ nghệ, đan lát. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như giỏ hoa, lọ hoa, sọt đựng, nia, mẹt.

Lá tre cũng có nhiều công dụng như tạo bóng râm cho người nông dân nghỉ ngơi sau những buổi làm việc đồng áng mệt nhọc. Khi lá tre khô và rụng xuống còn được sử dụng làm chất đốt.

Măng được sử dụng làm thức ăn, có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ nguyên liệu này. Đây cũng là món ăn được ưa thích và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Không những thế, mà măng còn là món ăn của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến. Trong nhiều bài thơ, hình ảnh măng đã xuất hiện một cách hết sức tự nhiên, như trong thơ Bác:

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Hay trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, hình ảnh những cô em gái hái măng đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc. Thậm chí trong thơ cổ, món ăn dân giã này còn thường xuyên được nhắc tới “Thu ăn măng trúc đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” (Nhàn_Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đối với trẻ thơ, hình ảnh cây tre cũng gắn bó với những kỉ niệm tươi đẹp không thể nào quên, những hôm vui chơi dưới gốc tre những trưa hè, lấy lá tre làm đồ chơi, lấy cành tre vót thành cần câu cá, lấy đốt tre làm ống đựng, làm nhiều thứ đồ chơi dân giã khác. 

Tre còn là một loài cây dễ sống, dễ mọc, chính bởi vậy mà trong bài thơ “Tre Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Duy đã miêu tả:

“Thân gầy guộc lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành em ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu

 

Có gì đâu có gì đâu, mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”

Cây tre không chỉ mang lại những giá trị về kinh tế, giá trị vật chất mà còn gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Việt. Hình ảnh cây tre trở thành biểu tượng của đức tính trung thành, kiên cường bất khuất và sức sống mãnh liệt. Tinh thần bất khuất ấy cũng được thể hiện thành công trong những vần thơ:

“Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre kia không ngại khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay vin tay níu tre gần nhau thêm”

hay:

“nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”

hay trong bài thơ “Viếng Lăng Bác” khi nhìn thấy những hàng tre xanh xanh thẳng hàng trước lăng, nhà thơ đã liên tưởng ngay đến hình ảnh cây tre kiên cường, trong mọi hoàn cảnh vẫn đứng thẳng hàng:

“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão tố mưa giông vẫn thẳng hàng”

(Viếng Lăng Bác_Viễn Phương)

Hình ảnh những thân tre đùm bọc lấy nhau, đứng thành hàng lũy còn là biểu tượng cho tình thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của người con đất Việt:

“Thương nhau tre chẳng ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”

Tinh thần ấy còn được thể hiện qua những vần thơ:

“Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con”

Giá trị tinh thần của loài cây này còn được thể hiện một cách sâu sắc trong văn hóa dân gian của dân tộc ta. Trong những câu chuyện cổ tích tre trở thành vũ khí đánh giặc, lũy thành tre dường như là một bức tường thành kiên cố chống lại quân thù, đẩy lùi giặc xâm lược.

Nhiều hoạt động sinh hoạt của người dân Việt thường diễn ra dưới gốc tre, chính vì lẽ đó mà tre đã trở thành một loài cây biểu tượng, không thể thiếu khi nhắc đến làng quê Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tre vẫn mãi là một loài cây được ưa chuộng, là một loài cây gắn bó thân thiết với làng quê Việt. Những bức họa hình cây tre tĩnh lặng, cứ thế đi vào tâm hồn ta, mang đến cho mỗi người cảm giác bình yên khó tả.

Như vậy, qua bài thuyết minh về cây tre này, chắc chắn các bạn đã hiểu hơn về loài cây này, đặc điểm hình dạng, công dụng cũng như ý nghĩa to lớn của nó. Cây tre sẽ mãi gắn với hình ảnh làng quê Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường, của tâm hồn cao quý.

>> Xem bài viết liên quan:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.