Cách 1: Giới thiệu trực tiếp
Nón là là một vật dụng quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay, Hình ảnh nón lá dần dần đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam
Cách 2: dẫn dắt từ những câu thơ, câu văn về chiếc nón lá
"Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên"
(Bài thơ đan nón – Nguyễn Khoa Điềm)
"Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ
Tà áo dài trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ trong tay
Thầm bước lặng, những khi trời dịu nắng"
Chiếc nón đã đi vào thơ ca Việt một cách hết sức tự nhiên như vậy đấy. Nón lá từ lâu đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, đi vào thơ ca nhạc họa để ca ngợi sự duyên dáng của người con gái Việt.
*Nguồn gốc của chiếc nón lá
Chiếc nón lá có lịch sử lâu đời, không ai biết rõ thời gian chính xác ra đời của chiếc nón lá này, chỉ biết từ rất lâu rồi đã có những làng nghề làm nón như làng Đồng Di, lang Dạ Lê, đặc biệt là làng nón Phủ Cam ở Huế.
Chính bởi sự xuất hiện lâu đời đó mà chiếc nón lá được khắc chạm trên một số đồ vật cổ như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn.
*Cấu tạo chiếc nón lá
Một chiếc nón thông thường sẽ có hình chóp nhọn, có phần vành nón, chóp nón và quai nón.
Vành nón hình vòng tròn, có đường kính to nhỏ khác nhau, thân nón được xếp bởi nhiều lớp lá và nhiều nan nón có đường kính nhỏ dần từ vành nón lên tới chóp. Quai nón bằng vải nối phía trong từ phía bên này đến bên kia nón, dùng để đeo giữ nón không bị rơi.
*Nguyên liệu để làm nón lá
Nón thường được đan bằng các loại lá như lá cọ, rơm, tre, lá hồ, lá du quy diệp, lá nón.
Nan nón được làm bằng các thanh tre nhỏ, uốn thành hình vòng cung, lá nón được xếp vào khung nón và được ghim lại bằng sợi chỉ, các loại sợi tơ tằm hoặc dây cước để đảm bảo chắc chắn, giúp lớp lá không bị bung ra trong quá trình sử dụng.
Dây nón làm bằng vải mềm hoặc nhung để đeo trên cổ, mang lại cảm giác thoải mái dễ chịu, không có cảm giác khó thở hay cộm rát.
*Quy trình làm nón
Để làm ra một chiếc nón lá, người thợ nón phải lấy từng chiếc lá, làm cho phẳng, xếp lớp tầm 24-25 lá một lớp rồi xếp trên khuôn nón. Giữa hai lớp lá nón thường lá một lớp bẹ tre khô để tăng độ cứng và bền chắc cho nón.
Tiếp theo, người thợ thủ công lấy dây cột chặt lá nón trên khuôn rồi bắt đầu công đoạn khâu nón, gắn kết phần là nón vào khung nón bằng những đường kim thật tinh tế, chắc chắn. Nón sau khi thành hình sẽ được quét một lớp dầu bóng để tăng độ bền và tính thẩm mĩ, khó bị phai khi người sử dụng đi mưa, đi nắng.
Chiếc nón có thể được trang trí bằng những họa tiết đơn giản sau khi đã hoàn thành.
*Công dụng của chiếc nón
Chiếc nón được dùng để che mưa che nắng, làm quạt trong những ngày nắng nóng, đôi khi còn được dùng để đựng những vật dụng nhẹ.
Đặc biệt, nón lá còn trở thành một trong những món quà lưu niệm được nhiều du khách nước ngoài ưa thích.
*Ý nghĩa của nón lá
Chiếc nón không chỉ mang đến công dụng che mưa che nắng mà còn có ý nghĩa to lớn đối với đời sống của người dân đất Việt. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp và sự duyên dáng của người phụ nữ.
Chiếc nón lá cùng với áo dài đã mang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng ra khắp năm châu bạn bè.
Khái quát về giá trị của chiếc nón lá và cảm nhận của người viết về vật dụng này.
Bên cạnh tà áo dài thân thương – một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, hình tượng chiếc nón lá cũng là một biểu trưng khiến chúng ta tự hào nhớ đến hai tiếng gọi thiêng liêng “Việt Nam” mỗi khi nhìn thấy ở bất kỳ nơi đâu. Chúng ta chắc hẳn không ai có thể quên được hình ảnh người con gái Việt với “tà áo dài trắng nhẹ nhàng bay/nón bài thơ e lệ trong tay/thầm bước lặng, những khi trời dịu nắng".Thật vậy, khởi nguồn từ cuộc sống dung dị đời thường, bước vào thơ ca nhạc hoạ, hình ảnh chiếc nón lá qua bao thế kỷ thăng trầm vẫn vẹn nguyên một nét đẹp truyền thống hiếm có.
Nón lá vốn bắt nguồn từ lâu đời trong chiều dài lịch sử nước ta. Từ thời sơ khai, hình ảnh chiếc nón đã được sử dụng như một biểu tượng chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ và thạp đồng Đào Thịnh, những công cụ xuất hiện trong khoảng ba nghìn năm trước công nguyên so với thời đại ngày nay.
Trải qua những biến động của từng thời kỳ lịch sử, hình ảnh chiếc nón lá xuất hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, thơ ca văn hoá, khẳng định sự hiện diện của vật dụng này trong đời sống của người Việt từ lâu đời.
“Còn duyên nón vải quai tơ
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong”
Hay:
“Ơ này cô mặc áo nâu
Đầu đội nón lá, đi đâu vội vàng?”
Lịch sử chứng kiến quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc với bao gian nan không chỉ giữ vững nền độc lập mà còn giữ vững nền văn hoá tránh mai một, lai căn, tạp dị với những âm mưu đồng hoá. Chiến tranh vẫn không khiến đất nước ta đánh mất đi những hình tượng truyền thống đẹp đẽ vốn có, trong đó có chiếc nón lá với bao làng nghề làm nón nổi tiếng vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Mấy ai quên được câu hát: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Đặc biệt, vùng đất còn lưu giữ nhiều làng nghề làm nón truyền thống của nước ta hiện nay chính là xứ Huế mộng mơ, với những địa điểm cụ thể như làng Dạ Lê, làng Đồng Di, làng Phủ Cam,…Không chỉ là nơi gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, những địa điểm này ngày nay đã trở thành địa danh du lịch, tham quan khi du khách nước ngoài có dịp ghé thăm và tìm hiểu văn hoá Việt Nam.
Để có thể tạo nên một chiếc nón lá hoàn chỉnh, quá trình làm nón thực chất cũng phải trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ. Người làm nón có thể được ví như một nghệ nhân thực thụ. Từ những nguyên liệu thô sơ, giản dị phổ biến ở vùng quê Việt Nam, những nghệ nhân ấy đã có thể phù phép trở thành chiếc nón lá kỳ công, tinh xảo, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng mà còn đáp ứng tính thưởng lãm nghệ thuật.
Bắt đầu quá trình làm nón là công đoạn chọn lá. Lá sử dụng để làm nón là loại lá dừa thô hoặc lá cọ còn nguyên vẹn. Thông thường, lá cọ sẽ cho ra đời những chiếc nón tinh xảo, đẹp mắt hơn. Lá cọ dùng làm nón phải là loại lá đựa lựa chọn tỉ mỉ, màu trắng xanh, đường gân xanh rõ ràng, còn non vừa đúng chuẩn mà không phải quá già. Sau khi chọn được lá ưng ý, người làm nón tiến hành sấy khô lá bằng bếp than, sau đó mang ra phơi dưới trời sương khoảng độ từ hai đến bốn giờ để lá đạt được độ mềm, dai nhất định. Kết thúc công đoạn phơi lá, người làm nón phải trải và ủi phẳng lá bằng một miếng gang hơ qua lửa nóng. Lá dùng làm nón được cắt với độ dài đều nhau khoảng 50 cm.
Kế tiếp, đến công đoạn chuốt vành nón. Thông thường, công đoạn này cần đến sức khoẻ và sự nhanh nhẹn của những người thợ nam. Người này sử dụng một cây mác sắt, thực hiện chuốt lần lượt từng nan tre có đường kính rất nhỏ (nhỉnh hơn một chút so với que tăm tre) để các nan tre được tròn đều. Sau đó, uốn những nan tre đã chuốt thành các vòng tròn từ nhỏ đến lớn, tròn vành vạnh và đều nhau theo tỷ lệ kích thước (thường có 16 nan tre cho một chiếc nón). Những công việc này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình làm nón, có thể quyết định sự thành công ban đầu khi định dạng khung nón. Vì vậy, nếu nan tre không đều nhau thì phải thực hiện chuốt và uốn lại nhiều lần sao cho đạt đến một mức độ tiêu chuẩn nhất định. Những vòng nan tre sau đó được đặt lên khung hình chóp để tiến hành xếp lá lên khung. Công đoạn xếp lá đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ của người thợ làm nón. Các phiến lá xếp chồng lên nhau phải theo một chiều, trình tự nhất định và canh chỉnh sao cho không bị thiếu sót, dư thừa hay xô lệch.
Đặc biệt, nhắc đến chiếc nón lá không thể không nhắc đến một loại nón nổi tiếng đặc trưng: nón bài thơ của xứ Huế. Nón bài thơ được làm kỳ công và tỉ mỉ hơn hẳn các loại nón lá thông thường. Loại nón này rất mỏng, thanh thoát, nhẹ nhàng, được xếp chồng hai lớp lá với nhau và có một bài thơ được khéo léo xếp chồng giữa hai lớp lá. Khi soi lá lên ánh nắng, hình ảnh bài thơ hay các hình ảnh địa danh đặc trưng của Huế như chùa Thiên Mụ, tháp Bút, cầu Tràng Tiền,…hiện lên một cách kỳ diệu. Đây quả thực là sự kỳ công sáng tạo của người nghệ nhân.
Trở lại với quá trình làm nón lá, sau khi đã xếp các lớp lá đều khít chồng lên nhau, người thực hiện bắt đầu công đoạn chằm nón. Công đoạn này chính là việc sử dụng sợi nylon dẻo, dai, màu trắng trong suốt để chằm lên nhằm cố định lá và khung nón. Đường kim mũi chỉ khi chằm nón phải đều tăm tắp và không được đứt đoạn hay xô lệch nhau gây mất thẩm mỹ. Tại vòng nan thứ hai hoặc thứ ba từ dưới lên của chiếc nón, người thợ khâu thêm hai vòng chỉ đối xứng với nhau để buộc quai nón. Khi hoàn tất các đường chỉ, tại chóp nón, thợ làm nón đính thêm một mũi thêu chỉ bóng để chiếc nón đẹp mắt hơn.
Quai nón được làm bằng chất liệu mềm mại như vải lụa, nhung,…với các màu sắc rực rỡ hay đằm thắm đều có, tạo nét duyên dáng cho người đội nón. Chiếc nón có thể được tạo các đường thêu, hình thù đặc sắc như như hoa sen, hình ảnh các thiếu nữ,..trên mặt nón để góp phần tăng tính bắt mắt. Ngày nay, nón lá không chỉ được thiết kế đơn sơ nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng mà còn được chú trọng rất nhiều về tính thẩm mỹ, tăng thêm độ tinh xảo và ấn tượng trong quá trình làm nón. Khi hoàn tất các công đoạn trên, người làm nón dùng dầu bóng để phủ lên toàn bộ mặt ngoài nón, sau đó mang phơi dưới ánh nắng vừa phải để nón bền đẹp trong quá trình sử dụng.
Quá trình tạo ra chiếc nón lá có vẻ kỳ công và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao của người làm nghề. Song, người làm nón lành nghề là những người có đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhạy, khiến chúng ta hết sức ngưỡng mộ khi có thể tạo ra một chiếc nón với khoảng thời gian ngắn. Khách du lịch thập phương khi dừng chân tại những địa điểm làng nghề làm nón cũng tỏ vẻ rất thích thú khi tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình này. Nghề làm nón bên cạnh những ngành nghề thủ công khác vẫn còn được lưu truyền và thật may mắn vì vẫn chưa hề có dấu hiệu mai một theo thời gian.
Khắp chốn làng quê non nước Việt Nam, có thể nói nơi nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh của quen thuộc chiếc nón lá. Chiếc nón vốn là vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân quê trong lao động sản xuất cũng như đời sống hằng ngày. Khắp các nẻo đường làng, hình ảnh những người phụ nữ tảo tần vai quẩy đôi quang gánh, đầu đội chiếc nón lá cất lên tiếng rao hàng đã trở thành một hình ảnh đẹp. Nón lá trở thành người bạn đồng hành của người dân lao động. Nón lá giúp che mưa, che nắng. Nón lá tựa một chiếc quạt mang làn gió mát lành mỗi buổi trưa oi ả ngoài đồng. Những nữ sinh duyên dáng khi xưa với tà áo dài tinh khôi bước đi, tay che nghiêng chiếc nón lá bài thơ bên dòng sông Hương thơ mộng là hình thượng khơi nguồn cảm xúc cho biết bao văn nhân, thi sĩ. Nón lá là biểu trưng thể hiện nét đẹp duyên dáng, dịu dàng, e lệ của người con gái Việt; nét tảo tần của bao người phụ nữ Việt dãi nắng dầm sương. Chiếc nón lá xuất hiện nhiều hơn trong các tác phẩm văn nghệ, các bài múa ca ngợi nét đẹp truyền thống non nước, con người Việt Nam.
Để có thể phát huy hết vẻ đẹp của nón lá và giữ công dụng nón trong thời gian lâu nhất có thể, người sử dụng phải có những cách thức bảo quản nón lá đúng cách. Nón lá không nên được dùng để đi vào trời mưa, thay vào đó nên sử dụng ô để thay thế, bởi chất liệu lá khi tiếp xúc với nước sẽ ảnh hưởng đến độ bền đẹp của nón. Người sử dụng cần hạn chế dùng nón để quạt vè dễ gây móp méo, cong vành nón gây mất thẩm mỹ. Sau khi sử dụng, nên cất giữ, treo nón ở nơi bóng râm, tránh để nơi ánh nắng trực tiếp sẽ gây nóng giòn, hư hỏng chiếc nón.
Nón lá trải qua bao thăng trầm vẫn đồng hành cùng người Việt, cùng với chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng cho nét đẹp dịu dàng người con gái Việt Nam. Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân quê Việt Nam mà ngày này đã trở thành một món quà lưu niệm độc đáo cho khách du lịch nhằm lưu giữ kỉ niệm khi đặt chân đến mảnh đất hiếu khách, nồng ấm tình người và dồi dào bản sắc dân tộc này. Những người con xa quê khi nhìn thấy hình ảnh chiếc nón lá bỗng dưng lại có thể nhớ đến Việt Nam thân thương, nhớ về nơi quê nhà quen thuộc cất giữ bao tình cảm chân thành nồng hậu. Trong tương lai, hy vọng rằng hình ảnh chiếc nón lá vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống vốn có mà không hề bị pha tạp hay mai một để ngày càng vươn xa hơn, quảng bá cho thế giới về nét đẹp dân tộc Việt, trở thành một nét văn hoá đặc trưng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi nhớ đến đều có thể hãnh diện tự hào.
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che”
Chiếc nón lá cứ như vậy mà trở thành hình ảnh quen thuộc nhất, gắn với người bà, người mẹ, gắn với quê hương yêu dấu trong tiềm thức của mỗi người. Cùng với hình ảnh tà áo dài, chiếc nón lá là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các tác phẩm thơ ca, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt mỗi khi xa quê nhớ về.
Về nguồn gốc chiếc nón lá Việt Nam, không ai biết nón lá có từ bao giờ, chỉ biết nó đã được hình thành từ rất lâu. Vào khoảng 2500-3000 năm trước công nguyên, hình ảnh chiếc nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịnh, điều này chứng tỏ nón lá đã được sử dụng và có trở thành hình ảnh quen thuộc trước đó rất lâu rồi.
Một số làng nghề làm nón nổi tiếng đã có từ rất lâu đời như làng Đồng Di (Phú vang), làng Dạ Lê (Hương Thủy) đặc biệt là làng nón Phủ Cam (Huế), đến nay còn có thêm làng Chuông vẫn còn giữ được những nét đặc sắc trong nghề làm nón. Trải qua nhiều những biến động, thăng trầm của lịch sử, nghề chằm nón vẫn còn tồn tại và duy trì tới ngày nay.
Nón lá có hình chóp nhọn, bao gồm một số bộ phận như vành nón, nan nón, thân nón, dây nón. Vành nón làm từ thanh tre mảnh, uốn cong, có đường kính khoảng 40-50 cm, nan nón là những thanh tre nhỏ hơn, đường kính cũng nhỏ dần từ vành lên tới chóp. Thân nón được phủ bằng những lớp lá khô, được xếp lớp và chằm cẩn thận để giúp người dùng tránh mưa tránh nắng. Dây nón thường được làm bằng vải mềm hoặc lụa để đeo vào cổ không gây cảm giác đau rát.
Về nguyên liệu làm nón, nón thường được làm từ nhiều loại lá khác nhau như lá dừa, lá cọ, lá nón. Lá phải được chọn lọc kĩ càng, là những chiếc lá to khỏe, không quá non, cũng không quá già, gân lá và màu lá phải đạt chuẩn, sau đó được đem đi sấy khô, mặt lá phải bóng.
Quy trình làm nón diễn ra vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng và khéo léo của người thợ thủ công từ khâu chọn lá, sấy lá, ủi lá đến khâu chuốc vành, lên khung lá, xếp nón rồi chằm nón. Lá sau khi được chọn lọc cẩn thận sẽ được đem đi sấy khô, không được phơi nắng vì ánh nắng mặt trời sẽ làm cho lá giòn, dễ gãy. Lá sau khi được sấy sẽ được phơi sương từ 2 đến 4 giờ cho mềm, sau đó được ủi cho phẳng trên bếp than có độ nắng vừa phải. Mỗi chiếc lá cần được cắt gọn gàng sao cho có cùng độ dài khoảng 50cm.
Đến công đoạn chuốc vành, lên khung lá, xếp nón, người thợ thủ công với cây mác sẽ chuốt từng nan tre sao cho tròn đều và nhỏ gọn, sau đó uốn những nan tre này thành những vòng tròn thật đều từ lớn đến nhỏ. Mỗi chiếc nón cần có đủ 16 nan tre, xếp lên khung với khoảng cách đều nhau.
Khi đã xong phần tạo khung và chuẩn bị lá, tiếp theo là đến giai đoạn chằm lá. Những chiếc lá được xếp cẩn thận lên khung, người thợ thủ công dùng sợi nilon dẻo, chắc để khâu nón, các lá nón phải được xếp ngay ngắn không xô lệch, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp mới có thể tạo thành một chiếc nón đẹp.
Ở vòng tròn lớn bằng nan tre dưới đáy chóp, người thợ thường dùng chỉ kết đối xứng hai bên để buộc dây nón. Quai nón bằng những dải lụa nhiều màu sắc, mềm mại càng làm tăng thêm nét duyên cho người đội nón, đặc biệt là người phụ nữ Việt với nét đẹp dịu dàng, thướt tha. Sau khi đã làm xong từng ấy công đoạn, chiếc nón sẽ được quét một lớp sơn phủ bóng lên bên trên để tăng độ bền chắc cho chiếc nón.
Chiếc nón thường được dùng cho mục đích che mưa, che nắng. Người nông dân Việt Nam vẫn thường dùng nón để đội đầu mỗi khi ra đồng bởi chiếc nón rộng vành, chắc chắn, nhẹ, sẽ tránh được cái nắng to soi chiếu lên phần đầu và mặt. Ca dao xưa cũng từng viết về công dụng của chiếc nón:
“Nón này che nắng che mưa
Nón này để đội cho vừa lòng ta”
Chiếc nón còn được dùng trong biểu diễn nghệ thuật. Những tiết mục múa dân gian thường sử dụng đạo cụ là chiếc nón là, vừa là hình ảnh biểu tượng quen thuộc, vừa làm tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại, kín đáo của người phụ nữ Việt, gây ấn tượng độc đáo cho khán giả.
Nhắc đến nón lá, có lẽ ta sẽ không thể nào bỏ quên hình ảnh chiếc nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón đẹp mắt, tinh xảo như chắt chiu từng sự tỉ mẩn của người thợ làm nón và tình yêu nghề trong đó. Kể từ khi du lịch phát triển mạnh ở Huế, chiếc nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm đối với du khách, mang vẻ đẹp của người con gái xứ Huế mộng mơ đi khắp năm châu bốn biển.
Những cô gái xứ Huế với chiếc nón bài thơ, tà áo dài duyên dáng, thong dong tản bộ bên bờ sông Hương đã trở thành hình ảnh đẹp trong thơ ca:
“Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngụ đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”
Chiếc nón lá từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc vẫn thường được bắt gặp trong những câu ca dao quen thuộc như:
“Nón em chẳng đáng mấy đồng
Chàng mà giật lấy ra lòng chàng tham
Nón em nón bạc nón vàng
Thì em mới dám trao chàng cầm tay
Tiếc rằng vì nón quai mây
Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm.”
Hay hình ảnh chiếc nón trong bài ca dao thể hiện sự chăm chút cho vẻ bề ngoài:
“Chưa chồng nón thúng quai thao
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai”
hay:
“Còn duyên nón cụ quai tơ
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong”
Trong nhiều bài thơ nổi tiếng, các tác giả cũng miêu tả hình ảnh người con gái Việt với chiếc nón lá, như trong “Việt Bắc”, Tố Hữu từng viết “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, hay trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
“Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành mười sáu trăng lên”
Để nón lá được bền lâu thì người sử dụng cũng cần phải cẩn trọng trong quá trình bảo quản nón. Trong quá trình sử dụng nón không nên ngồi hay dẫm chân lên nón, không sử dụng nón làm vật đựng những đồ nặng vì sẽ làm nón méo mó, mất đi hình dạng ban đầu. Khi không sử dụng, nón cần được treo ở nơi cao ráo để tránh ẩm mốc.
Chiếc nón lá đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhắc nhớ về. Vẫn còn đó những câu thơ trong bài “Nón lá” của Nguyễn Lãm Thắng về chiếc nón lá Việt Nam để khẳng định giá trị của nó trong đời sống tâm hồn Việt:
“Mỏng manh chiếc nón, ấy mà
Che mưa che nắng đường xa mẹ về
Từ phố thị đến làng quê
Ở đâu nón cũng nguyện che mái đầu
Nón che cái nắng qua cầu
Chị đi đến lớp mặc dầu nắng oi
Nón che từng giọt mưa rơi
Chiều đông cha vẫn ra nơi ruộng đồng
Giúp người nón mãi ước mong
Dẫu bao mưa nắng nón không ngại ngần.”
Như vậy, trên đây là dàn ý chi tiết và top 2 bài văn mẫu tốt nhất thuyết minh về chiếc nón lá của Việt Nam. Hy vọng Vieclam123.vn đã mang đến cho các bạn nguồn tham khảo hữu ích, giúp các bạn học tốt hơn và đạt điểm cao trong các kì thi.
>> Tham khảo thêm:
Chia sẻ