close
cách
cách cách cách

Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Sang thu” là những cảm nhận mới mẻ của Hữu Thỉnh khi đất trời có những dấu hiệu chuyển mình sang thu. Bài thơ là những cảm nhận hết sức tinh tế, hãy cùng Vieclam123 đi sâu vào phân tích bài thơ Snag thu.

1. Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ “Sang thu”

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

Tác giả: Hữu Thỉnh (sinh năm 1942), bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1963, khi nhập ngũ và trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội. Một số sáng tác tiêu biểu như tập thơ “những đồng chí trung kiên”, “Huế mùa xuân”

Tác phẩm: Sang thu được sáng tác năm 1977, giữa tiết trời giao mùa từ hạ chuyển sang thu, tác giả đã có những cảm nhận tinh tế để từ đó có cảm hứng để sáng tác bài thơ này.

Cách hai: Dẫn dắt từ những câu thơ viết về mùa thu

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác heo may”

(Đất nước_Nguyễn Đình Thi)

 

”Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

……………………..

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc”

(Tiếng thu_Lưu Trọng Lư)

 

“Đây mùa thu tới-mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”

 (Đây màu thu tới_Xuân Diệu)

 

“Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên”

(Thu _ Xuân Diệu)

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

(Thu điếu_Nguyễn Khuyến)

 

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu vào hoa cúc.”

(Thơ tình cuối mùa thu_Xuân Quỳnh)

 

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới”

(Đất nước_Nguyễn Đình Thi)

 

Mùa thu đã trở thành một đề tài quen thuộc trong thơ ca, đất trời mùa thu đã mang đến những cảm xúc khác nhau, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều nhà thơ. Đối với Hữu Thỉnh, nhà thơ đã cảm nhân được những chuyển biến tinh tế của đất trời trong tiết trời giao mùa. 

1.2 Thân bài

Bố cục: bài thơ được chia làm 3 phần, mỗi phần tương ứng với một khổ thơ

Phần 1: Cảm nhận về tín hiệu của mùa thu từ những điều vô hình

Phần 2: Không gian mùa thu

Phần 3: Chiêm nghiệm về cuộc đời

Phân tích khổ thơ đầu tiên

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

+ Dấu hiệu báo mùa thu về trong thơ của Hữu Thỉnh là “hương ổi” theo làn gió thổi lan tỏa trong không khí. Đây là mùi hương quen thuộc, thường xuất hiện trong không gian làng quê ở Việt Nam.

+ Các động từ như “bỗng”, “phả” thể hiện sự bất ngờ của tác giả, có chút ngỡ ngàng khi phát hiện mùa thu đã về nhanh đến vậy. Chữ “phả” diễn tả một trạng thái lan tỏa có chiều rộng và có tốc độ nhanh, mạnh, diễn tả hương thơm của những trái ổi chín vàng đang lan tỏa một cách mãnh liệt trong không khí.

+ Chuyển động chậm chạp của giọt sương sớm “sương chùng chình” : nghệ thuật nhân hóa, dường như ta thấy có sự chuyển động ngập ngừng, đắn đo, nửa muốn đi, nửa muốn ở của giọt sương giăng mắc trong không gian.

=> Chính sự chuyển mình rất nhẹ nhàng nhưng lại quá đỗi tinh tế đến vậy mà nhà thơ đã đưa ra phỏng đoán của riêng mình “hình như thu đã về”. 

Mở rộng: Trong thơ Xuân Diệu, mùa thu không đến từ cảm nhận về mùi hương mà đến từ hình ảnh lá vàng phai:

“Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai, dệt lá vàng”

Phân tích khổ thơ thứ hai

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

+ Những cảnh vật dường như mang một sắc thái mới, một chuyển động mới khác hẳn mọi ngày, từ dòng sông, đến đàn chim, đến đám mây, tất cả đều mang một sắc thái “rất thu”. 

+ Sông chuyển động chậm lại “dềnh dàng” thong thả, khoan thai, nhẹ nhàng chứ không hề vội vã, ào ạt, dữ dội. Đàn chim cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết lúc giao mùa cũng bắt đầu chuẩn bị cho hành trình di trú tránh rét của mình.

+ Đám mây trên bầu trời cũng đang cựa mình thay áo mới “vắt nửa mình sang thu”, nghệ thuật nhân hóa, liên tưởng độc đáo khiến cho câu thơ trở nên có hồn và mới mẻ, khác với hình ảnh đám mây mùa thu thường bắt gặp trong thơ cổ:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Nguyễn Khuyến)

Phân tích khổ thơ cuối

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

+ Mùa thu đã thật sự về, sắc thu đã ngấm dần vào trong từng sự vật, vẫn là nắng, là mưa, là sấm ấy nhưng mọi thứ đã không còn dữ dội, mãnh liệt như khi còn mùa hạ nữa mà chỉ là “vẫn còn”. “đã vơi”, “bớt”.

+ Hình ảnh “sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi” dường như đang nhắc về những chiêm nghiệm trong cuộc đời con người. Tuổi trẻ gan góc, nhiệt huyết hăng say, đối mặt khó khăn thử thách cũng nhiều, tác động từ cuộc sống vào cũng mang đến nhiều ảnh hưởng. Nhưng khi con người đã ở một độ tuổi nhất định, mọi sóng gió của cuộc đời sẽ chỉ còn là những trận “sấm bớt bất ngờ”, con người ta sẽ điềm tĩnh, vững vàng đón nhận nó..

1.3 Kết bài

Tổng kết về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

Giá trị nội dung: Bài thơ đã thành công trong việc miêu tả những biến chuyển của đất trời trong thời khắc giao mùa, chuyển mình sang thu, qua đó ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương tha thiết của tác giả cũng như chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống.

Giá trị nghệ thuật: Bài thơ với nhiều hình ảnh ẩn dụ tinh tế, giàu sức gợi, nghệ thuật nhân hóa độc đáo đã thể hiện ngòi bút tài hoa của một tâm hồn tinh tế, từng trải sự đời.

2. Bài văn mẫu hay nhất phân tích “Sang thu”Hữu Thỉnh

Không phải tự nhiên khi người ta nói rằng ”thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời” chút se lạnh cùng cơn gió mơn man, xào xạc những chiếc lá đỏ, màu vàng tươi rói của khóm cúc… những khung cảnh ấy luôn làm lòng người xao xuyến, bồi hồi. Với trái tim nhạy cảm của những người cầm bút, không khó để Hữu Thỉnh ghi lại những biến chuyển của đất trời trong sớm “Sang thu”.

 “Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng 

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ 

Trên hàng cây đứng tuổi.”

Bài thơ được viết năm 1977 hai năm sau ngày giải phóng, con người được sống trong bầu không khí yên bình êm ả của một đất nước thống nhất. Những xúc cảm ấy có lẽ không ai thấu bằng Hữu Thỉnh, con người vừa đã trải qua thời chiến tranh bom đạn. Viết về mùa thu đã có nhiều tác giả thành công như Nguyễn Khuyến với ba bài thơ thu, đại thi hào Nguyễn Du cũng có những câu thơ về mùa thu rất nổi tiếng nhưng “Sang thu” của Hữu Thỉnh vẫn lưu lại nơi trái tim người đọc bởi sự độc đáo của nó. Các nhà thơ khác thường viết về mùa thu khi nó đã định hình, đã vào mùa, nhưng “Sang thu” đúng như tên gọi của nó là khúc ca về phút giây giao mùa, về những bước chuyển mình đầy tinh tế của nàng thu. Đó là sự tinh tế, nhạy bén của một con người giàu rung động với đời.

phân tích bài thơ sang thu

Phân tích khổ thơ đầu

Khổ thơ đầu chính là những dấu hiệu,biến chuyển đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Có biết bao giật mình, thảng thốt được gói gọn trong chữ “bỗng”. Không báo trước, chưa chuẩn bị vậy mà thu đã về! Thu đến thật bất ngờ không báo trước và được tác giả nhận ra thông qua mùi hương quen thuộc “hương ổi”. Chao ôi, thức quà nhà quê đã đánh thức tâm hồn nghệ sĩ trong con người ấy.Với nhiều tác giả, mùa thu bắt đầu với những nét đặc trưng như hoa cúc vàng hay bầu trời cao vời vợi, hay nhiều nhà thơ viết về mùa thu thông qua những sắc màu “áo mơ phai dệt lá vàng” (Xuân Diệu), hay trong thơ Nguyễn Khuyến là màu xanh ngắt thì với Hữu Thỉnh, tín hiệu đầu tiên được nhận dạng qua khứu giác- mùi hương. Hương ổi nồng nàn, hương ổi quen thuộc, thứ quà đơn sơ giản dị mà đong đầy xúc cảm. Có lẽ thứ hương này chưa thật dày chỉ phảng phất nơi cánh mũi nhưng đã được nhà thơ khéo léo bắt lấy. Hương ổi dịu dàng, hương ổi len lỏi nhờ vào gió se. Thì đúng rồi, mùa thu Hà Nội, mùa thu xứ Bắc bao giờ chả bắt đầu bằng những cơn gió se lạnh, nó cũng êm ả như chính mùa thu vậy, chỉ kịp mơn trớn, vuốt ve làn da của con người rồi để lại thứ cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Những cơn gió ấy đã mang hương ổi đi xa, theo vào từng ngóc ngách và rồi mang cả đến người nghệ sĩ ấy. Đến đây ta bỗng liên tưởng đến hương thảo quả trong bài văn của tác giả Ma Văn Kháng: “Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm”. Hương ổi không nồng nàn, không dữ dội đến thế, nó giản đơn thuần khiết nhưng không kém phần ngọt ngào si mê.

Ngay sau khi khứu giác được đánh thức, xúc giác và thị giác cũng đã trở nên nhạy bén hơn. Những dấu hiệu về thu cũng trở nên thật rõ ràng, sắc nét, Thu đến mang theo hương ổi, chút lạnh tê tê cùng với làn sương mỏng. Sương mùa thu không dày đặc bao phủ như mùa đông mà chỉ nhẹ nhàng vương vấn, phủ lên vạn vật làn hơi mờ ảo vừa đủ để tạo nên những mơ hồ huyền ảo. Nghệ thuật nhân hóa “chùng chình” cho thấy bước đi của mùa thu, của làn sương chỉ là mới chớm, đó là những bước chân đầu tiên chậm thật chậm như đang dạo chơi, khám phá. Nhưng chính bước đi chậm rãi ấy đã truyền vào lòng người những xúc cảm bồi hồi, khó nói để rồi tác giả như có như không nghi ngờ “hình như thu đã về”. Những dấu hiệu của mùa thu đã trở nên thật rõ ràng xong tác giả dường như vẫn chưa tin, vẫn còn hoài vực. Hình như chứ chưa chắc, có lẽ bởi con người ấy chưa kịp chuẩn bị. Cách nói thì ngờ vực nhưng những dấu hiệu kể trên thì đã rõ ‘thu đã về”, đây là cách nói khéo léo bộc lộ cảm xúc của tác giả, vẫn còn chút bỡ ngỡ như chưa tin, vẫn còn chút nuối tiếc vì nhanh như vậy thu đã đến sao. Nhưng dù sao cũng không giấu được chút mong chờ, vui sướng khi thu đã về. Khổ thơ sử dụng những từ ngữ rất giản dị được lồng ghép với nghệ thuật nhân hóa đã khắc họa những nét đầu mùa thu thật trong trẻo, mang nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc.

Khổ thơ thứ 2

Phân tích bài sang thu của Hữ Thỉnh

Sau những thoáng giật mình, tác giả đã nhận ra khung cảnh dường như cũng có sự thay đổi:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Vượt qua con ngõ nhỏ, không gian được mở rộng cả về chiều cao lẫn chiều sâu. Con sông không còn ồ ạt, nóng nảy như mùa hạ mà trở nên dịu nhẹ hơn. Bằng cách nói rất giản dị, gần với câu chuyện hằng ngày, tác giả tái hiện một cách chính xác những đổi thay của mùa thu. Thu nhẹ nhàng, khiến vạn vật cũng trở nên trầm ổn. Con sông không ồn ã, nóng giận như mùa hạ mà trở nên trầm ổn, mượt mà hơn, có lẽ thu là những phút giây hiếm hoi được phép “dềnh dàng”. Dòng sông lững lờ trôi tựa như đang cố ở lại với mùa thu, có chút tiếc nuối lại có chút mong chờ muốn ở lại mãi để ngắm cảnh vật đất trời.Sự dềnh dàng ấy không phải do con sông trở nên buồn bã mà đây thực sự là những phút giây nghỉ ngơi. Sau bao thăng trầm, bao chuyển dòng lên thác xuống ghềnh cuối cùng sông chảy vào thu để tìm kiếm chút yên ả, bình an. Nó chậm chạp nhìn đàn chim bắt đầu “vội vã”. Hai câu thơ sử dụng biện pháp đối rất chỉnh kết hợp với nghệ thuật nhân hóa và tương phản đã đem đến một quy luật của mùa thu. Khi thu về, cũng là lúc những đàn chim chuẩn bị cho hành trình tránh rét, cho chuyến đi xa để rồi sẽ trở lại. Sự vội vã của đàn chim đối lập với dáng vẻ”dềnh dàng’ của dòng nước khiến bức tranh thêm sống động, có hồn. Ai bảo thu là buồn?  Song có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất chính là nét vẽ về mây:

“ Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

Chính điểm nhìn độc đáo đa giúp cho tác giả có phát hiện này. Vẫn là đám mây ấy, vẫn bầu trời ấy những dường như thu đang nhuốm dần, đang dần bao phủ. Tác giả không nhìn thấy “trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” như Nguyễn Khuyến mà ông nhận ra sự chuyển mình rất tinh tế của đám mây, bầu trời. Chớm thu, đám mây cũng đã bắt đầu rục rịch, nó không còn là đám mây đầy màu sắc, hoài bão của mùa hạ nữa mà “vắt nửa mình” sang thu. Bao nhiêu tinh tế, bao nhiêu nhạy bén tưởng như được dồn nén tất thảy trong hình ảnh đắt giá này. Có ranh giới nào giữa mùa thu và mùa hạ? Đó chỉ là những cảm giác rất mong manh, mơ hồ nhưng thông qua cách nói của tác giả, ta như thấy vạn vật chia đôi, ranh giới ấy trở nên rõ ràng hiện hữu. Cảnh vật kông ở trạng thái tĩnh tại mà như đang vận động. Thôi Hiệu cũng từng có vần thơ về mây “Bạch vân thiên tải không du du.” (Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không) xong cũng chỉ thấy cái buồn chứ không lột tả được sự vận động. Câu thơ của Hữu Thỉnh vừa miêu tả thực tế (vì mới sang thu) xong cũng thấy được nét tinh nghịch, độc đáo của bức tranh.Bằng bút pháp chấm phá, đám mây tựa như chiếc cầu của Ngưu Lang, Chức Nữ nối hai mùa hạ, thu và nối cả tâm tình của người cầm bút.

Phân tích khổ thơ cuối:

phân tích khổ thơ cuối bài sang thu

Nếu hai khổ thơ trên là những nét vẽ rất đơn sơ về cảnh vật, thiên nhiên mùa thu thì khổ thơ cuối cùng chính là những đúc kết, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống :

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

Mùa hạ đã dần nhạt phai nhưng chúng vẫn còn hiện hữu. Cuối hạ đầu thu, vẫn còn bao nhiêu nắng, những tia nắng cuối cùng rực rỡ như lời chào từ biệt. Nắng vẫn còn nhưng những cơn mưa rào xối xả bất chợt đã ngớt dần. Thu đang vào mùa. Hình ảnh “sấm” và “hàng cây” là những hình ảnh giàu ý nghĩa. Thực tế, khi những chiếc cây đã trở nên vững chãi và già dặn, những trận sấm không còn là nỗi lo lắng của chúng. Bên cạnh đó, chúng còn có nghĩa ẩn dụ. “Sấm” là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho những khó khăn, vất vả, những thử thách chông gai của cuộc sống, nó hung bạo và ập đến không báo trước. “Hàng cây đứng tuổi” ở đây có thể hiểu là những người từng trải, là những người đã có nhiều kinh nghiệm, với họ những giông bão của cuộc đời không khiến họ giật mình sợ hãi, không còn là ác mộng. Họ bình tĩnh đón nhận và xử lý. Họ đã đi qua bao thăng trầm, bao biến chuyển mà những khó khăn của cuộc đời khó có thể làm họ lay chuyển. “Sang thu” mang nhiều lẽ sống, nó cho thấy những ngẫm nghĩ ở đời. Có lẽ không chỉ đất trời sang thu mà đời người có chăng cũng thu sang? Thế nên mới có cái giật mình, thoáng tự hỏi ở đoạn đầu. Vậy là đã qua hết thời tuổi trẻ, qua hết những tháng ngày nồng nhiệt cháy bỏng nhất rồi ư? Có lẽ vì thế mới có cái dềnh dàng, mới có sự vắt nửa mình vì có lẽ con người vẫn còn nhiều nuối tiếc, nhiều nhớ thương thuở tuổi trẻ. Con người bước vào mùa thu của đời mình cũng trở nên trầm ổn và thận trọng hơn. 

Đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác, khi đất nước đang trong những năm đầu khôi phục sau chiến tranh, còn nhiều gian truân vất vả, Hữu Thỉnh đã kín đáo gửi gắm tâm tư của mình. Những năm tháng kháng chiến đã đi qua, đất nước đã thái bình, công cuộc xây dựng và đổi mới cũng là một thách thức mới. Song với một dân tộc phải trải qua hàng nghìn cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước hòa bình thì không gì có thể cản trở, làm khó họ.

“Sang thu” cái tên mang đầy hồi ức, đong đầy sức gợi, nó để lại trong lòng người chút dư vị nhẹ nhàng, khoan khoái nhưng rất thâm trầm sâu xa. Bài thơ ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, kết hợp với các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ; tác giả đã góp vào chum thơ thu một bức tranh rất giản dị, đời thường nhưng đậm dấu ấn xúc cảm, mang nét riêng của tác giả. Có lẽ vì thế, bao nhiêu năm, “Sang thu” vẫn là hòn ngọc quý trong kho tang văn học Việt Nam.

Hy vọng qua dàn ý chi tiết và bài văn phân tích bài thơ "Sang thu" trên đây, các bạn đã có nguồn tham khảo hữu ích để hoàn thành bài kiểm tra của mình.

>> Tham khảo thêm ngay:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.