“Thương vợ” là một trong số những bài thơ hiếm hoi viết về người phụ nữ, người vợ với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương này nhé.
Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Tác giả: Trần Tế Xương vẫn thường được gọi là Tú Xương, là nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều trắc trở trên con đường làm quan, thi nhiều lần nhưng mãi đến lúc về già mới thi đỗ được một chức quan nhỏ. Thơ của ông thường có giọng điệu trào phúng, châm biếm, đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại bán rẻ đất nước, đi theo chính quyền tay sai, bọn rởm đời lố lăng học đòi.
Tú Xương còn được biết đến là người cực kì thương vợ, thương những tảo tần, những hi sinh của vợ. Tình cảm này được thể hiện rất tinh tế qua một loạt các bài thơ của ông, tiêu biểu nhất là bài thơ “Thương vợ”.
Tác phẩm: “Thương vợ” là bài thơ tái hiện lại hình ảnh bà Tú, người vợ tần tảo, chịu nhiều vất vả, gian truân trong cuộc đời.
Cách 2: Dẫn dắt từ những câu thơ nói về người phụ nữ trong xã hội xưa
Bố cục: Bài thơ được chia làm hai phần
Phần 1: 4 câu thơ đầu: hình ảnh bà Tú
Phần 2: 4 câu thơ cuối: Tình cảm, thái độ của tác giả
Phân tích 4 câu thơ đầu
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
+ “Quanh năm” là cụm từ chỉ quãng thời gian xoay vòng, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, bà Tú làm việc mỗi ngày, không có thời gian nghỉ ngơi.
+Công việc của bà Tú: “buôn bán” là công việc vất vả, bon chen và thường không phải là công việc dành cho người phụ nữ. Để có thể buôn bán có lời lãi, người đi buôn phải là người biết tính toán, cân đo, đong đếm, chi li, cơ cực, tranh cướp nguồn hàng, nài kéo khách hàng để vật lộn kiếm sống.
+Tính chất của công việc: địa điểm làm việc là “mom sông”, nơi nhô ra của phía lòng sông, người dân làng chài thường tụ tập ở đây để mua bán, đôi khi chỗ làm việc sẽ là “khi quãng vắng”, “buổi đò đông”, khi quãng vắng là một nơi heo hút, vắng lặng, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, buổi đò đông là một không gian đông đúc nhưng cũng nhiều hỗn loạn, mua tranh bán cướp.
=> Bà Tú không nề hà phải làm việc ở bất cứ đâu, miễn là có thể buôn may bán đắt, kiếm được tiền lo cho cuộc sống.
+Hình ảnh “thân cò” cùng đảo ngữ “lặn lội” được đảo lên đầu câu càng gợi lên sự vất vả, gian lao của người phụ nữ, nỗi gian truân như đang thấm vào tấm thân gầy của người vợ, người mẹ, tảo tần.
+Mục đích của bà Tú chỉ có một đó là “nuôi đủ năm con với một chồng”: Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai của bà Tú, không những phải nuôi con mà còn phải nuôi chồng. Đáng ra người chồng phải là người phụ vợ cùng nuôi các con, nhưng ở đây, cách nói “nuôi đủ năm con với một chồng” dường như làm cho gánh nặng của bà Tú tăng lên gấp đôi, 5 đứa con và 1 người chồng, hay chính nuôi một người chồng cũng vất vả bằng nuôi năm đứa con.
=> Hình ảnh bà Tú hiện lên với tất cả những gian truân và gánh nặng trong cuộc sống, nhưng người phụ nữ ấy lại không một chút nề hà, nản lòng mà luôn cần mẫn, chăm chỉ kiếm sống từng ngày dù cho bát cơm kiếm được có phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt.
*Phân tích tình cảm của ông Tú trong 4 câu thơ tiếp theo
“Một duyên, hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
+Thành ngữ “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” đối xứng, hài hòa, mang đậm màu sắc dân gian, đồng thời cũng nói lên những vất vả của bà Tú. “Một duyên” ở đây là duyên gặp gỡ, nên vợ nên chồng với ông Tú, nhưng cái duyên ấy không khiến bà trở nên nhàn hạ, hạnh phúc hơn mà cái duyên là “một”thì cái nợ tăng lên gấp đôi, khiến bà Tú phải cam chịu biết bao vất vả dù nắng mưa, cực nhọc cũng “dám quản công” không một lời oán trách.
+Giọng thơ gợi nhiều xót xa, thương xót cho số phận người vợ của mình, ẩn chứa trong đó là sự biết ơn, trân trọng, cảm phục sự hy sinh thầm lặng của bà Tú dành cho gia đình.
+Càng thương xót vợ, Tú Xương càng căm ghét thói đời, căm ghét chế độ trong xã hội phong kiến đã đẩy người phụ nữ vào cảnh khốn khó. Tác giả chửi đời, chửi người nhưng cũng là lời tự trách chính mình là một người vô dụng, không giúp ích được gì cho vợ lại còn là gánh nặng, làm vợ thêm phần vất vả.
=> Đoạn thơ là tình cảm chân thành mà Tú Xương dành cho người vợ của minh, cũng là lời tự trách bản thân, đoạn thơ đã thể hiện tấm lòng đẹp, yêu thương, trân trọng, và thấu hiểu cho vợ.
Tổng kết lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ
Giá trị nội dung: Bài thơ khắc họa thành công vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời thể hiện niềm yêu thương, trân trọng của ông Tú đối với người vợ tần tảo của mình.
Giá trị nghệ thuật: Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, ngôn ngữ thơ bình dị như cuộc sống hàng ngày, hình tượng thơ giàu sức gợi, bài thơ xứng đáng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Tế Xương.
Trần Tế Xương – là một nhà thơ trào phúng nổi bật nhất trong thế kỉ XIX. Trào phúng trong thơ Trần Tế Xương được thể hiện qua nhiều sắc thái: đả kính mạnh mẽ, châm biếm mỉa mai, giễu cợt… mang lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, ông còn biết đến như một nhà thơ trữ tình, lãng mạn. Bài thơ tình nhất trong các bài thơ của ông là “Thương vợ”.
Trần Tế Xương (1870 – 1907) quê ở Mỹ Lộc, Nam Định. Tên thường gọi của ông là Tú Xương, xuất thân trong một gia đình nghèo, cha là người có học. Nhắc đến Tú Xương là nhắc đến con đường học vấn thi cử lận đận. Trái với Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba kì thi được mệnh danh là Tam Nguyên Yên Đỗ, thì Tú Xương bắt đầu đi thi từ năm 15 tuổi nhưng mãi không đỗ đạt tú tài. Ông mài kinh sử từ khoa này sang khoa khác mãi tận đến năm 24 tuổi thì mới đỗ kỳ thi nhưng lại đậu rốt bảng. Con người Tú Xương tài năng xuất chúng, nhưng có lẽ tính cách phóng khoáng của ông không hợp với sự hà khắc, quy củ của các cuộc thi.
Bài thơ “Thương vợ” là tác phẩm thuộc đề tài viết về bà Tú của Trần Tế Xương. Ông có rất nhiều bài thơ viết về người vợ của mình. Bà Tú là một người phụ nữ vất vả hy sinh tất cả để nuôi con nuôi chồng ăn học. Tú Xương luôn cảm thấy hổ thẹn với vợ và càng hổ thẹn bao nhiêu thì ông càng thương bấy nhiêu. Ông đã gửi nỗi niềm đấy vào những vần thơ của mình. Trong số đó, bài thơ “Thương vợ” là bài thơ mang đậm phong cách trữ tình lãng mạn và có thể nói là bài thơ hay nhất trong số những bài thơ ông viết về vợ mình.
Hai câu đề:
“Quanh năm buôn bán ở nom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Hai câu thơ đầu là hình ảnh bà Tú được hiện lên qua nỗi lòng thương vợ, đồng thời tác giả đã vẽ ra bối cảnh làm việc của bà Tú theo không gian và thời gian. Trước hết về thời gian làm việc, bà Tú phải làm việc “quanh năm”, thể hiện tần suất dày đặc, ngày nào cũng làm, nghĩa là dẫu nắng dẫu mưa, dẫu mệt nhọc, ốm đau thì bà đều không từ một ngày nào. “quanh năm” là khoảng thời gian triển miên, không có dấu hiệu của sự nghỉ ngơi mà làm từ tháng này sang tháng nọ, từ mùa rét đến mùa ổi, từ năm này qua năm khác. Mới chỉ có thế thôi mà ta đã cảm nhận được sự khó khăn, khổ sở. Bởi dù có làm công việc gì đi chăng nữa, dù nắng dù nhẹ thì đối với một người phụ nữ như vậy là quá sức.
Về phần không gian, “nom sông” ở đây được hiểu là một phần đất nhô ra giữa dòng sông, hằng ngày người dân ở các vùng đến tụ họp buôn bán. Gợi ra một vùng đất nhỏ, chông chênh, không có thế đứng, thế tựa, một phần đất ba phần nước. Ấy thế mà, một người phụ nữ như bà Tú lại phải bon chen nơi đây “quanh năm” để làm việc.
Không gian thời gian này càng khiến công việc “buôn bán” của bà Tú trở nên khó khăn lại khó khăn, vất vả lại vất vả. Người ngày ấy, ai chả buôn bán để kiếm cơm kiếm áo, thế nhưng “buôn bán” lại không hề là một công việc nhẹ nhàng. Nếu như ngày nay, tac kinh doanh buôn bán có nơi có chốn, nghỉ lễ nghỉ tết thì bà Tú lại buôn bán khác hẳn. Bà lặn lội đường xá, quanh năm suốt tháng đến mảnh đất chông chênh để tranh giành khách, bán từng hạt gạo để mưu sinh. Có thể nói rất vất vả, rất cơ cực mà còn chẳng biết được mấy đồng.
Vậy thì tự hỏi bà Tú phải buôn bán khổ cực như thế để làm gì? Vâng, để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Người phụ nữ trong xã hội xưa “xuất giá tòng phu” luôn có trách nhiệm nuôi nấng, lo lắng cho con cho chồng, vun vén cho gia đình. Bà Tú cũng vậy, bà đang mang trên vai hai gánh nặng. Một bên là “năm con” bên còn lại là “một chồng”. Cùng là nuôi sáu miệng ăn nhưng Tú Xương lại chọn chia tách ra với liên từ “với” thể hiện sự cân bằng của hai nỗi vất vả. Tức là, công sức bà nuôi năm con bẳng với sức bà chỉ nuôi một ông chồng. Bởi nuôi con chỉ cơm ăn áo mặc lại là vai vế trẻ con, phận làm cha mẹ nuôi dưỡng là hợp lý. Còn đối với chồng, đã trưởng thành đã có sức lao động tự chủ, bà Tú vẫn còn lo đến. Không những nuôi mà còn nuôi “đủ” ăn học, mài kinh mài sử. Một người vợ đảm đang, tháo vát, gánh trách nhiệm trụ cột gia đình. Đây cũng là cách nói có chút chế giễu, mỉa mai chính bản thân mình của Tú Xương. Ông không những không chia sẻ, gánh vác gánh nặng năm con với bà Tú mà còn trở thành một gánh nặng khác đè nặng lên vai vợ mình.
Hai câu thực:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Tác giả sử dụng nghệ thuật đảo từ “lặn lội” và “eo xèo” lên đầu câu để nhấn mạnh hai động thái trong công việc mưu sinh của bà Tú. Từ tượng hình “lặn lội” gợi ra dáng vẻ vất vả, phải lặn lội khắp nơi. Từ tượng thanh “eo xoè” gợi ra cái hoạt động buôn bán đời thường của bà Tú: bon chen, tranh hàng, giành khách giữa buổi chợ đông để kiếm từng đồng. Hai câu thơ trên đã miêu tả chi tiết sự khổ nhọc trong công việc của bà Tú về cả không gian và thời gian. “khi quãng vắng” xét về yếu tố không gian thì đây là một không gian rất vắng vẻ, heo hút chứa đựng nhiều bất chắc, nhiều nguy hiểm. Nếu xét về yếu tố thời gian, cho ta thấy thời gian làm việc của bà Tú một là sáng rất sớm, hai là tối khuya muộn, bà phải tận dụng tối đa thời gian để làm việc. Dù xét trên yếu tố nào cũng cảm nhận được sự khó khăn, vất vả và công việc đầy nguy hiểm của bà Tú. Khi buôn bán trên sông thì thường phải lên những chuyến đò, những chuyến đò bà Tú thường đi là những chuyến “đò đông” rất đông đúc, chật chội nhưng vì gánh nặng mưu sinh, gánh nặng chồng con mà bà vẫn phải bước lên cho kịp giờ, kịp việc.
Nổi bật giữa hai câu thơ là hình ảnh ẩn dụ “thân cò”. Tú Xương đã lấy hình ảnh cò để nói về hình ảnh vợ mình. Ta hình dung ra dáng vẻ gầy guộc đang đơn độc , lẫm lũi, lặn lội kiếm ăn trong bối cảnh đầy bất chắc và nguy nan. Ngoài ra “thân cò” cũng gợi người đọc một cách rất tự nhiên đến những câu ca dao xưa. Trong ca dao xưa, con cò là hiện thân của những người lao động cần lao, nhỏ hơn nữa là thân phận của người phụ nữ xưa. Cuộc sống của họ rất cơ cực, rất đáng thương, rất tội nghiệp.
Hai câu luận:
“Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công”
Trần Tế Xương đã vận dụng rất tài tình và sáng tạo các thành ngữ dân gian để khắc họa những nỗi khốn khổ, cơ cực của bà Tú trong suốt cuộc đời, trong cuộc hôn nhân với Tú Xương. “Một duyên hai nợ” xuất phát từ thành ngữ duyên nợ thể hiện sự ràng buộc, gắn kết, những tác giả đã vận dụng rất sáng tạo khi chèn số từ một, hai vào giữa. Không chỉ làm mới mẻ vần thơ mà sự sáng tạo này mang ý nghĩa sâu sắc: duyên thì có một mà nợ thì tận hai, tức là hạnh phúc, ấm áp thì không bao nhiêu nhưng cay đắng khổ nhọc thì nhiều vô kể. Thành ngữ thứ hai “năm nắng mười mưa”, nắng mưa là các yếu tố chỉ thời tiết bất lợi cũng là ẩn dụ cho những vất vả, cơ nhọc mà bà Tú phải trải qua trong cuộc đời. Số từ “năm, mười” là số từ chỉ ước lệ tượng trưng rằng không chỉ có một mà còn có nhiều có rất nhiều. Trái ngược với những bất công, cay đắng đến trong đời phận là thái độ cam chịu, chấp nhận của bà Tú “âu đành phận” nhưng không phải là cam chịu vì nhu nhược mà nó bắt nguồn từ lòng hi sinh, vị tha, tấm lòng cao cả của bà đối với chồng với con, mong cho con khôn lớn, lo cho sự nghiệp học vấn con đường thi cử của chồng.
Như vậy, Tú Xương qua tái hiện cuộc đời của vợ mình ca ngợi vẻ đẹp đảm đang, tảo tần đầy đức hi sinh vì chồng vì con của bà Tú, đồng thời thể hiện sự thương xót, cảm thông, trân trọng bà Tú. Cũng là ca ngợi vẻ đẹp nhân cách của phụ nữ trong xã hội xưa.
Hai câu kết:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Hai câu thơ cuối là tiếng chửi trào phúng của Tú Xương chửi chính mình, tự nhận mình là “nợ đời”. Tự chửi mình bởi vì ông thấy tự hổ thẹn, áy náy, thấy day dứt và tự trách đã không hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình. Ông nhìn dưới góc độ của người vợ để chửi mình có “hờ hững cũng như không”. Thực chất, ông không phải là người có thói ăn chơi, cờ bạc, hờ hững với vợ mình. Mà ông đang oán mình vì không thở đỡ đần để bà Tú phải một mình lăn lộn mưu sinh. Đằng sau tiếng chửi ném vào chính mình ngày đó còn là tiếng chửi mỉa mai, phê phán của ông về thói ăn ở ở đời. Một thói đời bạc bẽo, trong xã hội đương thời tồn tại những tư tưởng gò bó về người phụ nữ, quan niệm trọng nam khinh nữ đã là nguyên nhân gián tiếp khiến cho không biết bao nhiêu thân phận người phụ nữ trong đó có cả bà Tú trở nên đáng thương tội nghiệp, sống vất vả, cơ cực, lầm than trong khi có những ông chồng sung sướng, vô tích sự.
Tiếng chửi của nhà thơ thấp thoáng xuyên suốt bài thơ xuất phát từ việc tự ý thức được trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình nhưng không thể thực hiện được, đồng thời cũng xuất phát từ sự thông cảm, thấu hiểu, tôn trọng đối với người vợ của mình. Từ đó, ta cũng thấy được hình ảnh ông Tú vừa đáng thương vừa đáng trọng chỉ vì yếu tố khách quan là chế độ thi cử đương thời buộc ông phải theo đuổi sự nghiệp ấy mà ông không thể giúp ích gì cho vợ con dẫn đến day dứt, oán trách chính mình.
Bài thơ “Thương vợ”, Trần Tế Xương dùng bút pháp nghệ thuật lãng mạn để vẽ ra hình ảnh người vợ - bà Tú với cuộc sống đầy cay đắng, cực nhọc. Qua đó thể hiện sự yêu thương, biết ơn, tôn trọng của tác giả dành cho vợ mình.Đồng thời, chen lấn một chút yếu tố trào phúng để phê phán chính mình hãy chính là phê phán những quan điểm lạc hậu, hà khắc trong xã hội xưa.
Vieclam123.vn đã mang đến cho bạn dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích bài thơ Thương vợ trên đây, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học của mình.
>> Xem thêm bài văn mẫu:
Chia sẻ