close
cách
cách cách cách

Cái tôi rất ngông của Nguyễn Công Trứ qua Bài ca ngất ngưởng

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Bài ca ngất ngưởng” đã thể hiện rõ nét chân dung tâm hồn, cũng như phong cách sống của Nguyễn Công Trứ. Hãy cùng vieclam123.vn tìm hiểu về tác phẩm văn học đặc sắc, thể hiện cái tôi “ngông” này qua bài phân tích bài ca ngất ngưởng.

1. Dàn ý chi tiết phân tích “Bài ca ngất ngưởng”

1.1. Mở bài giới thiệu khái quát

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

+Tác giả : Nguyễn Công Trứ sinh ra  trong một gia đình có gia cảnh nghèo khổ, đã từng đi thi nhiều lần, đỗ đạt và làm quan ở tuổi 41. Nguyễn Công Trứ là một con người ham cống hiến, say mê hoạt động, cống hiến cho đất nước, luôn sống với quan niệm:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

Thâm tâm ông lúc nào cũng đinh ninh rằng việc mình làm vì dân vì nước:

“Một mình để vì dân vì nước

Túi kinh luân, từ trước để nghìn sau”

Thơ của ông thường xoay quanh chí nam nhi, những bài thơ xoay quanh cảnh nghèo và thế thái nhân tình, triết lý hưởng lạc.

+Tác phẩm: “Bài ca ngất ngưởng” được sáng tác năm 1848, khi Nguyễn Công Trứ cáo quan về quê ở ẩn, sống cuộc sống hưởng lạc, bỏ qua hết mọi được mất,công danh phú quý ở đời. 

1.2. Thân bài phân tích chi tiết

-Nhan đề: “Bài ca ngất ngưởng”: “bài ca” thể hiện sự hân hoan, đồng thời cũng phần nào liên quan tới thể thơ hát nói. “ngất ngưởng” dùng để chỉ một vị trí của người, ở cao hơn, nổi trội hơn so với những vật xung quanh, tư thế lắc lư nhưng có sự cân bằng không thể ngã được. Nghĩa bóng của từ “ngất ngưởng” có thể hiểu là quan niệm sống vượt lên trên khuôn mẫu, khẳng định cá tính ngông nghênh của một con người tài hoa, phóng khoáng, sống hơn đời, hơn người.

-Bố cục: Bố cục của bài thơ có thể được chia làm 3 phần

+Phần 1: 6 câu thơ đầu: biểu hiện của lối sống ngất ngưởng

+Phần 2: 10 câu thơ tiếp theo: quan niệm sống ngất ngưởng được thể hiện khi cáo quan về quê ở ẩn

+Phần 3: 3 câu thơ cuối: Triết lý sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ

-Phân tích:

*6 câu thơ đầu:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”

+”Vũ trụ nội mạc phi phận sự”: nghĩa là trong trời đất chẳng có việc gì không phải là phận sự của ta, câu nói này đúng với quan điểm sống của Nguyễn Công Trứ, luôn muốn cống hiến hết mình cho đất nước. Câu thơ thể hiện quan niệm sống tích cực, sống vì cuộc đời, muốn làm những việc có ích.

+ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”: Ông Hi Văn là tên gọi của Nguyễn Công Trứ, ông tự gọi tên mình, thể hiện sự tự đề cao bản thân. “Vào lồng” ở đây là hình ảnh ám chỉ việc ông đã tham gia vào triều chính, tự ràng buộc chính mình vào những khuôn khổ, luật lệ để cống hiến hết mình, gánh vác trách nhiệm của giang sơn, đất nước.”Tài bộ” thể hiện rõ ý thức của Nguyễn Công Trứ về tài năng của bản thân, một con người đa tài, có thể đảm nhận nhiều công việc.

+4 câu thơ tiếp theo nêu rõ những chức quan mà Nguyễn Công Trứ đã từng làm, điệp từ “khi” kết hợp với thủ pháp liệt kê tạo nên nhịp điệu dồn dập, hứng khởi, sự tự tin về những điều mình đã làm được.

=> Những câu thơ đầu tiên đã thể hiện một quan niệm sống đầy cá tính, một con người tài năng, bản lĩnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó tạo nên sự tự tin toát ra trong từng câu chữ.

*10 câu thơ tiếp theo

“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục”

+ Nêu rõ hoàn cảnh của nhà thơ, cáo quan về quê ở ẩn “đô môn giải tổ chi niên”, Nguyễn Công Trứ cởi bỏ áo mũ, rời bỏ chốn quan trường thị phi.

+ ”Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”: Đây là một hình ảnh tả thực khi Nguyễn Công Trứ về quê, có cưỡi bò vàng đeo nhạc ngựa, hình ảnh tạo nên sự khác biệt bởi thiên hạ người ta cưỡi ngựa còn Nguyễn Công Trứ lại cưỡi bò => sự khác biệt này tạo nên nét riêng biệt và cá tính riêng của “ông Hi Văn tài bộ”. Hành động đeo đạc ngựa cho bò thể hiện thái độ trêu ngươi, khinh thị bọn quan lại kinh kỳ.

+ Từng là một nhà nho, là một danh tướng xông pha trận mạc mà nay ông lại mang trong mình bộ dạng của một ông tiên, nên “dạng từ bi”. Câu thơ có sự hóm hỉnh thể hiện một lối sống phóng túng, không chịu gò bó. Tác giả vào chùa nhưng lại mặc trang phục “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”, phải chăng nhà thơ đang bất chấp mọi quan niệm thông thường của cuộc sống, tự sống theo lối chơi hết mình, sống hết mình của bản thân.

+ Sử dụng điển tích để thể hiện quan niệm về sự được mất, khen chê ở đời, xã hội nhiều biến động khiến nhiều lần cuộc sống của ông đã trải qua thăng trầm, có điều bản lĩnh của Nguyễn Công Trứ thể hiện ở chỗ ông vẫn giữ vững một phong thái ung dung, có được không vui mừng, mất đi không tiếc nuối, được khen hay bị chê cũng đều giữ một thái độ vui vẻ, ngông nghênh không màng thế sự.

+ Cuộc sống của ông vẫn luôn ở trạng thái tận hưởng mọi thứ, không vướng chút bụi trần “khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không phật, không tiên, không vướng tục”, nghệ thuật điệp từ “khi, không” tạo nhịp ngắt linh hoạt, thể hiện một cuộc sống tự do không bị ràng buộc, tận hưởng cuộc sống.

*Ba câu thơ cuối

“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

+ Nghệ thuật so sánh với cổ nhân, ngang hàng “Trái, Nhạc, Hàn, Phú” là những danh tướng nổi tiếng ở đời Hán và đời Tống của Trung Quốc.

+ Trong triều đình thì ông là duy nhất, không ai có thể sánh bằng.

+ Cả cuộc đời Nguyễn Công Trứ đã làm tròn đạo nghĩa của người kẻ sĩ, cống hiến tài trí, vẹn đạo vua tôi, giúp ích cho đất nước.

1.3. Kết bài tổng kết giá trị tác phẩm

Tổng kết nội dung và nghệ thuật:

+Nội dung: Bài thơ là tiếng nói mạnh mẽ của một đấng nam nhi mong sớm nhập thế  cứu đời, có lối sống hiên ngang, ý thức được tài năng và có cái tôi cá nhân mãnh liệt, tự đặt mình trên đời trên người trên thiên hạ. Bài thơ có tiếng cười mỉa mai, đả kích xã hội phong kiến, điệu cười sảng khoái của lối sống ung dung, thanh thản.

+Nghệ thuật: vận dụng tài tình thể hát nói của dân tộc, ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, sử dụng nhiều điển tích điển cố và hình ảnh giàu sức biểu cảm.

2. Bài phân tích Bài ca ngất ngưởng

Qua mỗi sáng tác văn học, các nhà văn nhà thơ đều in đậm dấu ấn cá nhân khiến người đọc say đắm. Rất nhiều trong số đó đã thể hiện cái tôi rất ngông và đầy kiêu ngạo trước cuộc đời, và nổi bật phải kể đến chính là Nguyễn Công Trứ với “Bài ca ngất ngưởng”. Bài thơ đã khẳng định thái độ sống của tác giả trước cuộc đời đầy rẫy những bất công, tiêu cực.

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ xuất thân trong một gia đình nho học nghèo, từ nhỏ đã là một người chịu khó, ham học hỏi. Tuy nhiên con đường thi cử làm quan lại lận đận và đầy những gian truân, thăng giáng thất thường. Ông đã từng làm tổng đốc, làm đại tướng,cũng từng bị giáng làm lính phu. Nhưng dù ở vị trí công việc nào thì ông cũng hoàn thành tốt trách nhiệm công việc, luôn giữ thái độ bình thản, cứng cỏi, coi thường danh lợi, mặc kệ khen chê ở đời. Các sáng tác của ông chủ yếu là chữ Nôm với các thể như phú, hát, nói, đường luật, và đặc biệt là thể ca trù. Qua mỗi sáng tác của mình, Nguyễn Công Trứ đều cho thấy một nhân cách độc đáo, một người giàu năng lực, có cốt cách tài tử, phong lưu, biết sống và dám sống không ngần ngại, khẳng định quan điểm, cá tính riêng của mình.

“Bài ca ngất ngưởng” được sáng tác năm 1848, khi Nguyễn Công Trứ đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Bài thơ vang lên như một lời tự thuật về cuộc đời đầy những thăng trầm của ông, qua đó biểu lộ một lối sống tài tử, sống phóng khoáng, kiêu ngạo, nghêu ngao trước cuộc đời. Bài thơ được viết theo thể hát nói, có tất cả 19 câu thơ, là một bài dôi khổ, và trong bài thơ có một số câu nguyên văn chữ Hán.

Bài thơ gây ấn tượng với người đọc ngay từ nhan đề. “Ngất ngưởng” gợi cho ta suy nghĩ về một vị trí ngồi cao hơn, lắc lư nghiêng ngả nhưng không thể nào ngã xuống được. Từ đây, ta có suy nghĩ về quan niệm sống của nhà thơ, một con người ngông nghênh, luôn đặt mình trên đời, trên người, trên thiên hạ. Hơn nữa, đây còn là một “bài ca”, một niềm hân hoan, vui sướng, tự hào và kiêu ngạo khi tự thuật về cuộc đời mình.

Bài thơ mở đầu bằng quan niệm sống của chí làm trai, cũng là quan niệm sống khi Nguyễn Công Trứ vẫn ở chốn quan trường:

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”

(Mọi việc trong vũ trụ không việc nào không phải là phận sự của ta)

Nguyễn Công Trứ đã khẳng định quan điểm nhập thế hành đạo cứu đời, khẳng định tài năng của mình có thể làm bất cứ chuyện gì trong đời. Đây là một quan điểm sống tích cực, thể hiện trách nhiệm với cuộc đời của một kẻ sĩ có tài. Thân sinh ra làm nam nhi trong thiên hạ thì không có việc gì không giải quyết được, không được trốn tránh những việc thuộc phận sự của mình đó là ra tay giúp đời, cống hiến cho đất nước. 

Câu thơ tiếp theo như một lời khẳng định của nhà thơ về việc tham gia chốn quan trường, nhập thế cứu đời: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Tự cho biệt hiệu “Hi Văn” của mình vào câu thơ, lại tự đề cao chính mình là một con người “tài bộ”, cho thấy sự tự tin, kiêu ngạo của chính tác giả. Quan niệm “vào lồng” chính là một sự trói buộc trách nhiệm và sự khắt khe nơi chốn quan trường khi Nguyễn Công Trứ phải gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ với đời. Người đời thường coi việc làm quan như một việc đem lại phúc, lộc, nhưng với ông Hi Văn thì trên tất cả vẫn là trách nhiệm, đó chính là nét tỏa sáng trong tính cách của người kẻ sĩ này.

Phân tích tác phẩm bài ca ngất ngưởng

Những câu thơ tiếp theo giống như một bản sơ lược ngắn gọn về cuộc đời ông trong những năm tháng gia nhập chốn quan trường:

“Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên”

Đó đều là những chức vụ mà Nguyễn Công Trứ đã từng gánh vác trong suốt 30 năm làm quan cho triều Nguyễn. Phải là một người trí tuệ hơn người, thông minh, nhanh nhẹn, Nguyễn Công Trứ mới có thể đảm nhận và làm tốt nhiều vị trí công việc như vậy. Điệp từ “khi” đã chỉ ra cuộc đời làm quan đầy thăng trầm, trải qua nhiều, biết làm nhiều công việc, có lẽ vì thế mà ngay ở câu thơ đầu tiên, tự thân tác giả đã khẳng định chắc nịch “vũ trụ nội mạc phi phận sự” để nói về chí trai như vậy. Cụm từ “tay ngất ngưởng” vừa thể hiện sự phiêu bạt, ngông nghênh, vừa pha chút mỉa mai, giễu cợt về quãng thời gian đầy thăng trầm của mình ở chốn triều chung. 

Khi đã kết thúc cuộc đời làm quan, Nguyễn Công Trứ về quê ở ẩn, lánh đời. Trình tự bài thơ diễn ra theo đúng trình tự cuộc đời của nhà thơ:

“Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”

Vậy là, kẻ làm quan ấy đã cởi dây đeo ấn trả lại chức quan cho triều đình. Hình ảnh “đạc ngựa bò vàng” thể hiện phong thái ngất ngưởng, cũng có chút giễu cợt của nhà thơ trước cuộc đời. Vậy là từ đây, Nguyễn Công Trứ đã được tháo cũi sổ lồng, thoát ra khỏi vòng cương tỏa, được tự do sống theo ý mình, sống với cá tính của chính mình. Cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ chính là ở chỗ ông dám sống, dám hành động, hơn đời, hơn người, thỏa mãn chính mình mà không phạm đến ai.

Không chỉ ngất ngưởng chốn quan trường mà Nguyễn Công Trứ còn có thái độ rất ngông nghênh khi đã về quê ở ẩn, là một hữu quan xa lánh sự đời:

“Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”

Câu thơ xuất hiện hình ảnh mây trắng, là thi liệu quen thuộc trong thơ cổ, hướng đến sự thanh tịnh của người nho sĩ. Câu thơ pha chút tự giễu mình, một con người cả cuộc đời hành đủ mọi nghề, đi khắp muôn nơi với khát vọng nhập thế cứu đời, này lại muốn đi tìm chốn bình yên. Có những cung bậc cảm xúc đối ngược được thể hiện trong những câu thơ trên “kiếm cung” - “từ bi”, “gót tiên”- đôi dì”, “Bụt” – “nực cười”, cũng phải thôi vì tay “kiếm cung” ngày xưa nay trở về với cuộc sống bình yên nơi thôn dã mới thấy mình thật từ bi. Quả thật Nguyễn Công Trứ luôn là một con người rất phóng túng, coi thường được mất khen chê ở đời, đến Bụt cũng phải cười trước sự “ngất ngưởng” ấy.

Luôn luôn trong tâm thế hơn đời hơn người, coi thường danh lợi nên Nguyễn Công Trứ mới có được phong thái ung dung như vậy:

“Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong”

Sử dụng điển cố “tái ông thất mã” để nói về những được mất, buồn vui ở đời. Khen chê không lấy làm vui buồn, mọi thị phi đều thoảng qua như ngọn gió đông phong tức là ngọn gió mùa xuân ấm áp khiến lòng người thanh thản, ung dung. Từ láy” dương dương”, “phơi phới” thể hiện sự ngông nghênh, tự mãn với chính mình. “Được mất”, “khen chê” được đảo lên đầu câu, như một lời nhấn mạnh về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Chốn quan trường giờ đây đã không còn nhiều ý nghĩa với nhà thơ, mọi khen chê được mất, thưởng phạt đã không còn quan trọng nữa. Nhà thơ đã thoát khỏi vòng danh lợi, thỏa sức vẫy vùng, sống một cuộc sống tươi vui giữa cuộc đời:

“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục”

Nhà thơ thỏa sức vui những thú vui trần thế, uống rượu, đàn hát, ca múa, một cuộc sống tự do tự tại hơn bao giờ hết. Nhịp thơ ngắn, nhảy gợi ra nhạc tính của ca trù, làm xuất hiện trong tâm trí người đọc hình ảnh ngất ngư, nghiêng ngả trong men rượu say của những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

Sự ngất ngưởng của nhà thơ trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời được một lần nữa nhấn mạnh trong ba câu thơ cuối bài:

“Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông”

Ông so sánh bản thân mình với những bậc anh hùng lưu danh sử sách như Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật, để chỉ ra sự tận tâm của mình trong quãng thời gian làm quan. Ông đã đóng góp nhiều công sức cho triều đình, cho dân tộc, đã làm tròn “nghĩa vua tôi”. Một lời tuyên bố hết sức tự tin, dõng dạc, thêm phần tự hào về chính bản thân mình đã được ông nhấn mạnh qua câu thơ cuối bài: “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”. Nhân cách của một con người trung hiếu được thể hiện qua một phong cách rất ngông, ngang tàng và ngạo nghễ.

Xuyên suốt bài thơ là một chuỗi hệ thống những điều đối lập, làm nổi bật lên trạng thái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Giữa chốn quan trường đầy bon chen danh lợi, ông lại bình thản, ung dung, sống trách nhiệm. Sống trong cảnh “cá chậu chim lồng” ông vẫn giữ được cá tính riêng của mình. “Tay kiếm cung” mà trở về nơi thanh tịnh sống một cuộc sống “từ bi”. Lên chùa là nơi linh thiêng, thanh tịnh, ông lại mang theo con hát, ả đào, hát ca trù nhộn nhịp. Luôn coi thường được mất khen chê ở đời nhưng lại ăn chơi vô độ. Tất cả những trạng thái đối lập đó đã xâu chuỗi thành một trục ngất ngưởng trong bài thơ.

Bài thơ được viết theo thể hát nói, mang nhạc tính của làn điệu ca trù, cùng những hình ảnh liên tưởng so sánh độc đáo, cách dùng từ đặc sắc, đã thể hiện một cách rõ nét quan điểm sống của Nguyễn Công Trứ. Bài thơ là một lời nhắc nhở về ý chí làm trai ở đời, là trách nhiệm với cuộc đời, đồng thời cũng thể hiện một phong cách sống hiên ngang, ngông nghênh, bản lĩnh của một con người tài hoa tài tử.

Qua bài thơ, ta thấy được cá tính ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ cả khi làm quan trong triều hay đã về là một hữu quang. Nguyễn Công Trứ là một “hiện tượng” của nền văn học Việt Nam, cũng là người có công trong việc duy trì và phát triển nghệ thuật hát ca trù giai đoạn thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX. Đọc các tác phẩm của ông, ta càng thêm yêu quý, trân trọng, cảm phục một đấng nam nhi đã cống hiến hết mình cho đất nước, cũng thêm ngưỡng mộ thái độ, phong cách sống của nhà thơ với cuộc đời. Đó là một thái độ sống, một sự “ngất ngưởng” mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để có thể làm được.

Hy vọng qua bài phân tích "bài ca ngất ngưởng" trên đây, bạn học có thể học tập tốt hơn và hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra của mình.

>> Xem bài liên quan:



 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.