“Câu cá mùa thu” là một trong những bài thơ thu tiêu biểu của Nguyễn Khuyến, tạo được dấu ấn trong nền thơ Nôm của nước nhà. Hãy cùng Vieclam123.vn tìm hiểu về dàn ý chi tiết cũng như bài văn mẫu phân tích bài thơ thú vị này.
Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+Tác giả: Nguyễn Khuyến quê ở Nam Định, nhưng lớn lên và sinh sống chủ yếu ở Yên Đổ, tỉnh Hà Nam, chính vì vậy mà nhà thơ còn có một tên gọi khác là “Tam Nguyên Yên Đổ”. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, từng đỗ đạt và làm quan trong triều 10 năm.
Ông là người tài năng và có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, thêm vào đó là tình yêu quê hương, đất nước, con người. Trong thời gian sống tại quê nhà ở ẩn, ông đã sáng tác rất nhiều và có đóng góp to lớn trong nền văn học dân tộc đặc biệt là mảng thơ Nôm.
Nội dung chính trong thơ của ông chủ yếu thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, bạn bè, phản ánh chân thực cuộc sống của những người dân nghèo khổ. Ngòi bút của ông đồng thời cũng châm biếm, đả kích thực dân và tầng lớp thống trị thời bấy giờ.
+Tác phẩm: “Câu cá mùa thu” nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, “Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh”, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, tâm trạng của nhà nho trước thời thế.
Cách 2: Đi từ đề tài mùa thu để dẫn dắt vào bài thơ có cùng chủ đề “Câu cá mùa thu”.
*6 câu thơ đầu: Bức tranh mùa thu làng quê
Hai câu đề:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
-Khung cảnh mở đầu cho bức tranh thu là hình ảnh “ao thu”, “chiếc thuyền câu”. Đây là những hình ảnh bình dị, thân thuộc với làng quê Việt Nam.
-Không gian thu mở ra không hề rộng lớn, bao la, mà thu hẹp lại trong điểm nhìn chiếc thuyền câu và cái ao làng. Cảnh vật hiện lên có chút đìu hiu, nhỏ bé, lạnh lẽo.
Hai câu thực:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
-Điểm nhìn của tác giả đã thay đổi từ mặt ao sang làn sóng khẽ gợn, từ chiếc thuyền câu lên một tầm nhìn cao hơn “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
-Đường nét của chuyển động nhẹ nhàng “hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo” càng gợi lên sự tĩnh lặng của cảnh vật mùa thu.
=> nghệ thuật lấy động tả tĩnh: sự chuyển động của cảnh vật càng gợi ra sự tĩnh lặng của không gian.
Hai câu luận:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
-Điểm nhìn cảnh vật đã chuyển lên cao hơn “tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt”, nhìn ra xa hơn “ngõ trúc quanh co”.
- “khách vắng teo”: câu thơ gợi ra thực tại cuộc sống ở ẩn của Nguyễn Khuyến. Ngày trước khi còn làm quan thì ngày ngày người ra kẻ vào tấp nập, nhưng nay thì đến một người đến thăm nhà cũng hiếm hoi.
=> Không gian yên ắng, vắng tiếng người, cảnh vật gần như có sự im lặng tuyệt đối.
*Hai câu thơ cuối: Tình thơ, tình đời của tác giả
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
-Hình ảnh nhà thơ xuất hiện với nét miêu tả “tựa gối buông cần”, gợi lên sự chờ đợi mòn mỏi. Những tưởng nhà thơ đang chăm chú vào thú vui tao nhã của bậc tao nhân mặc khách, nhưng đến câu thơ cuối, người đọc mới vỡ ra cái tình ẩn chứa trong tâm trạng ấy.
- “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”: Chỉ một tiếng cá đớp mồi cũng khiến thi sĩ giật mình. Một người đi câu nhưng lại không chăm chú vào con mồi. Câu thơ tiếp tục sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên bức tranh yên ả, vắng lặng.
-Phải chăng trong tâm hồn người thi sĩ vẫn còn nặng lòng với đất nước, vẫn quan tâm chuyện thế sự, ưu sầu một nỗi lo nước nhà.
=>hai câu thơ đã thể hiện tình yêu nước thầm kín, sâu sắc của nhà thơ.
-Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
+Nội dung: Vẻ đẹp tĩnh lặng của bức tranh thu hiện lên qua ngòi bút tài hoa của tác giả. Ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước sâu nặng của người thi sĩ.
+Nghệ thuật: Lấy động tả tĩnh, sử dụng từ láy, nhiều động từ giàu sức gợi, vận dụng nghệ thuật đối một cách tài tình, cách gieo vần độc đáo.
-Khẳng định lại giá trị của bài thơ: Bài thơ xứng đáng là một trong những bài thơ thu hay nhất, vẫn còn vẹn nguyên giá trị dù cho dòng thời gian vẫn không ngừng chảy trôi.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nổi tiếng, thanh cao và giàu lòng yêu nước của Việt Nam, ông được mệnh danh là một “ nhà thơ của nhân dân, của xóm làng Việt Nam”. Thơ của Nguyễn Khuyến mang đậm hồn quê Việt. Ông để lại cho đời chùm thơ ca về mùa thu rất đặc sắc, đượm tình quê dạt dào gồm có Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Trong đó, điển hình có thể kể tới bài thơ “ Câu cá mùa thu” hay còn gọi là “ Thu điếu”, bài thơ điển hình cho mùa thu làng cảnh tại Việt Nam. “ Câu cá mùa thu” là bức tranh thiên nhiên mùa thu tại làng quê của Nguyễn Khuyến, cũng là hình ảnh điển hình cho làng quê Việt. Bài thơ bật lên sự yên tĩnh, trong trẻo nhẹ nhàng của bức tranh quê.
Thơ mùa thu thường mang đến cho chúng ta cảm giác về một cái buồn man mác hay sự cô đơn lặng thinh của cả con người lẫn cảnh vật. Trong đó đan xen là những hoài niệm, nuối tiếc về một điều gì đó xa xôi của chủ thể trong bài. Mùa thu được Nguyễn Khuyến vẽ lên trong “ Câu cá mùa thu” là mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ, quê hương yêu dấu của ông. “ Câu cá mùa thu là bài thơ viết theo thể thơ cổ Thất ngôn bát cú Đường luật”, Nguyễn Khuyến thổi hương sắc mùa thu đẹp đến lạ kỳ của làng quê Việt vào từng dòng thơ, câu cú duyên dáng.
Hai câu đầu bài thơ mô tả về không gian cảnh thu trong trẻo, được Nguyễn Khuyến chọn để tập trung miêu tả, đó là chiếc ao thu cùng chiếc thuyền câu. Mùa thu ở “ Câu cá mùa thu” khác hoàn toàn so với cảnh trời thu mênh mông bát ngát, không gian được miêu tả trên nhiều tầng cao như “ Thu vịnh”. Bài thơ không tả cảnh thiên nhiên trong không gian thiên nhiên trải rộng mà cảnh vật mùa thu được miêu tả gói gọn trong chiếc ao thu, những chiếc ao chuôm nhỏ thường hay xuất hiện rất nhiều ở vùng quê Nguyễn Khuyến:
“ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Ao thu miền quê Bắc Bộ được miêu tả bằng các từ “ trong veo, lạnh lẽo”, làn nước thu trong trẻo tưởng như có thể nhìn sâu tới từng ngọn rêu, từng hòn sỏi. Ôi, một mùa thu tĩnh mịch, yên bình, nước ở ao lặng lẽ giữa trời thu, không chút gợn, tỏa hơi “ lạnh lẽo”. Chắc có lẽ tiết trời đã gợn chút cảm giác se lạnh thời điểm thu phân, thu mạt nên cái lạnh mới có thể thấm đẫm cả vào vạn vật thiên nhiên. Tác giả chọn một không gian nhỏ là “ ao thu” chứ không phải không gian rộng lớn như “ hồ thu”. Dưới những làn khói tiết trời thu bao trùm cảnh vật, nước trong ao đã trong, nay lại càng trong hơn, bật lên sự dịu nhẹ mà thanh thoát của mùa thu. Trên mặt nước là chiếc thuyền câu thấp thoáng xa xa. Một chiếc thuyền bé tẻo teo, đậu cô đơn một mình giữa ao. Giữa một không gian nhỏ hẹp của chiếc ao làng, chiếc thuyền nhỏ bé hiện lên nhưng không hề bị lu mờ, lọt thỏm trong cảnh vật mà lại tạo nên một sự kết hợp hài hòa, cân xứng, quyện vào nhau đến lạ. Hình ảnh ao thu và chiếc thuyền câu là hai hình ảnh vốn rất đỗi quen thuộc, trở thành tâm điểm của bài thơ. Nguyễn Khuyến đã thể hiện sự rung cảm của mình trước vẻ đẹp thanh tịnh riêng biệt, trước không gian thiên nhiên trong tiết thu se lạnh. Bằng cách sử dụng các tính từ miêu tả “ lạnh lẽo”, “ trong veo”, “ bé tẻo teo” đã góp phần làm cho bài thơ tăng điểm nhấn về từng đường nét thanh mảnh, thanh thoát, nhẹ nhàng trong sắc nước trời thu. Tới đây, không khí mùa thu hiện lên thật dịu dàng. Đầu bài thơ với hai hình ảnh này, hồn thu Việt như ùa về trong tâm trí, âm vang mùa thu như vọng trong lòng người đọc.
Bức tranh mùa thu quê Việt được Nguyễn Khuyến tiếp tục vẽ lên với màu sắc hòa hợp trong hai câu thơ tiếp:
“ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Bức tranh tiếp theo tiếp tục hiện lên qua sắc “ biếc” của sóng hòa cùng sắc “ vàng” của lá thu đã lột tả vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của mùa thu của làng quê. “ Sóng biếc” là từ gợi hình ảnh về sắc nước trong veo trong tiết thu, đó là sắc xanh nhẹ nhàng, thanh thoát. Hình ảnh “ lá vàng” là hình ảnh rất quen thuộc trong mùa thu, được miêu tả nhiều trong thơ ca Việt. Tác giả đã rất khéo léo trong việc hết hợp đối từ trong hai câu thực của bài thơ, “ lá vàng- sóng biếc” và “ gợn tí- khẽ đưa vèo”, chuyển động thật êm ái, nhẹ nhàng của cảnh vật. Không gian mùa thu tĩnh tới mức tác giả cảm nhận được những sự chuyển động dù là nhỏ nhất của cảnh vật, sóng “ gợn tí”, “ lá khẽ đưa”. Với nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, tác giả đã bật lên thành công về một mùa thu quê Việt với sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của cảnh vật thiên nhiên, nhưng lại rất mộc mạc, đơn sơ. Không khổ danh là một nhà thơ của làng quê Việt Nam, Nguyễn Khuyến có thể cảm nhận tinh tế, trọn vẹn từng chi tiết của cảnh vật, dù là những chuyển động nhỏ nhất.
Đến với hai câu luận tiếp theo, hồn quê dân dã của Việt Nam xuất hiện với hình ảnh tầng mây, ngõ trúc quen thuộc, không gian như được mở rộng ra xung quanh hơn :
“ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Khung cảnh của bức tranh thôn quê đã được mở rộng từ chiều cao của tầng mây thăm thẳm rồi quay trở xuống với cảnh những con ngõ bình dị của xóm làng. Tác giả phóng tầm mắt của mình lên trời cao xanh thẳm, cái trời thu xanh ngắt với những áng mây lững lờ trôi. Màu xanh ngắt của trời thu mở ra chiều sâu, cái lắng đọng của không gian cao vun vút, mênh mông vời vợi. Thế rồi, cảnh vật được chuyển một cách nhẹ nhàng về làng quê. Hồn quê được miêu tả rõ nét qua hình ảnh những con ngõ nhỏ quanh co, những rặng tre, rặng trúc đầu làng. Cảnh vật con ngõ nhỏ tĩnh mịch, yên lặng, hun hút không một tiếng động, tiếng bước chân của con người. Từ “ vắng teo” càng tăng thêm vẻ tĩnh mịch nơi đây, không một âm thanh tiếng động nào dù là nhỏ nhất, mọi thứ êm đềm, trống vắng. Tới đây, cái êm đềm của cảnh vật này lại gợi lên một cảm giác đôi chút cô đơn, lạnh lẽo và hiu hắt. Chỉ có người câu cá ngồi đây, chìm giữa trời thu, cảnh vật thu, và chìm trong sự tĩnh lặng. Thi sĩ lúc này đang lặng lẽ cảm nhận vẻ đẹp của non nước quê hương và mơ màng chìm đắm vào sâu trong cảnh vật xung quanh.
Nguyễn Khuyến đã khép lại bài thơ với hai câu thơ rất hay và ý nghĩa, mở ra hình ảnh con người ngồi câu trong tiết thu se lạnh, trong không gian yên tĩnh, hiu quạnh:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Đọc tựa đề bài thơ, người đọc gần như ai cũng sẽ đoán là bài sẽ tả về cảnh câu cá trong mùa thu. Tuy nhiên, qua các cặp câu đề, thực, luận cũng chỉ thấy xuất hiện cảnh thiên nhiên. Nào là ao thu trong veo vắng lặng, nào chiếc thuyền câu nhỏ bé, nào là những gợn sóng biếc, những chiếc lá vàng, tầng mây tới ngõ trúc uốn lượn mà không thấy hình ảnh người câu cá. Thì tới hai câu kết, con người, lẽ ra trở thành tâm điểm bài thơ ngay từ đầu cũng đã xuất hiện, một hình ảnh con người lặng lẽ ngồi câu cá. Trước đây, Nguyễn Khuyến từng làm quan to trong triều nhà Nguyễn, tuy nhiên dù rất thương dân chúng nhưng ông cảm thấy tù túng, bất lực trước thời cuộc, không cam chịu làm ách nô lệ, tay sai cho bọn giặc Pháp xâm lược. Do đó ông đã từ quan về quê sống ẩn dật. Nhà thơ Nguyễn Khuyến lúc này đã thoát khỏi vòng xoay của danh lợi, thoát khỏi những điều phi lý của chế độ triều đình, ông về nhà sống ung dung, tự tại sống một cuộc sống yên bình giản dị với làng quê. “ Tựa gối ôm cần” miêu tả tư thế thông thả, nhàn nhã của người câu cá. Tác giả dùng từ “ ôm cần” chờ đợi cá cắn câu mà mãi chẳng thấy trong cái tĩnh mịch của không gian chứ không phải “ buông cần” cho thấy trước không gian hiu quanh đó, người câu vẫn chưa từ bỏ hay là đang cố lờ đi mọi vật, vẫn có đôi chút luyến lưu, tiếc nuối về một điều gì đó. Phải chăng đó chính là sự gửi gắm những suy nghĩ, trăn trở, tiếc nuối của nhà thơ về thời cuộc lúc bấy giờ, về chính quyền nhu nhược, khiến dân chúng lầm than. Đây đồng thời cũng ám chỉ cho tâm thế nhẹ nhàng, an yên của nhà thơ lúc bấy giờ, một nhà thơ thanh bạch, giải thoát mình khỏi sự tù túng, sự bất lực trước thời cuộc. Đang nhẹ nhàng đắm mình tận hưởng sắc khí trời thu, trong giấc mộng thu mơ màng, người câu cá bỗng giật mình khe khẽ bởi “ Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Tiếng động của cá cắn mồi như phá tan đi sự tĩnh mịch của thiên nhiên vạn vật lúc này. Đây là tiếng động duy nhất được Nguyễn Khuyến miêu tả trong bài thơ. Tuy là vậy, nhưng từ “ khẽ” vẫn làm cho cảnh vật mùa thu tại làng quê hiện lên với sự yên ắng nhưng lại nhẹ nhàng, thanh bình. Người câu cá hiện lên với hình ảnh một con người đang trong tâm trạng cô đơn, lặng lẽ, pha đôi chút man mác buồn, nuối tiếc gì đó, bên cạnh vậy là một tâm hồn thanh bạch, nhẹ nhàng.
Bài thơ mang đậm phong cách quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ qua cảm nhận sâu sắc, tinh tế của tác giả Nguyễn Khuyến. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi sự yên lặng tuyệt đối của cảnh vật kết hợp với các phép đối câu, gieo vần “ eo”, tác giả giúp bài thơ thổi ra hương sắc thu điển hình.Cách sử dụng khéo léo các tính từ, cặp vần có tính chất ngân vang trong trẻo như đi vào tâm hồn độc giả. Tác giả đã có những để ý tinh tế khi chọn miêu tả những cảnh sắc rất đỗi dân dã với làng quê, từ cái ao quê tới chiếc thuyền, từ trời xanh tới những con ngõ uốn lượn, ẩn mình dưới bóng tre, bao quanh xóm làng. Bên cạnh không gian nhỏ hẹp, yên tĩnh đó là tâm trạng chứa bao nỗi uẩn khúc của tác giả với thời cuộc lúc bấy giờ.
“Câu cá mùa thu” là bài thơ đặc sắc về tả cảnh ngụ tình, là tâm hồn, cảm nhận của tác giả Nguyễn Khuyến về bức tranh trời thu của đồng bằng Bắc Bộ. Một bức tranh thu ở làng quê nhỏ yên tĩnh tới lạ kỳ, êm đềm, dịu dàng và tĩnh lặng được cảm nhận chi tiết tới từng cảnh vật nhỏ nhất qua tài năng và những rung cảm đặc biệt mà tác giả dành cho quê hương mình, cho làng quê Việt Nam sau lũy tre. Hẳn phải có một tình yêu quê hương sâu sắc, hồn quê đậm đà mới có thể giúp Nguyễn Khuyến cảm nhận được bức tranh đẹp này. Nguyễn Khuyến xứng đáng được mệnh danh là một nhà thơ kiệt xuất gắn với quê hương trong nền thơ ca cổ của dân tộc Việt Nam.
>> Tham khảo thêm:
Chia sẻ