close
cách
cách cách cách

Dàn ý và bài văn mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Tây Tiến” là một bài thơ xuất sắc, có thể coi là một kiệt tác trong suốt cuộc đời thơ của Quang Dũng. Hãy cùng Vieclam123.cn phân tích bài thơ Tây Tiến để thấy được những nét đẹp của đoàn quân Tây Tiến, nỗi khổ mà họ phải đối mặt trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt Lào. 

1. Dàn ý phân tích “Tây Tiến”_Quang Dũng

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Tác giả: Quang Dũng (1921-1988), là thế hệ thơ tài năng, trưởng thành trong thời kháng chiến chống Pháp, một nhà thơ có tâm hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn, tài hoa.

Tác phẩm: Tây Tiến là bài thơ thể hiện tình cảm của tác giả với đoàn quân Tây Tiến-đơn vị quân đội mà tác giả từng tham gia trong những tháng ngày kháng chiến chống Pháp, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt-Lào.

Cách 2: Dẫn dắt từ những câu thơ viết về người lính

“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi, đôi giày vạm dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”

(Ngày về_Hữu Thỉnh)

 

“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

(Đồng chí_Chính Hữu)

 

“Người đi, ừ nhỉ người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu cay”

(Tống Biệt Hành_Thâm Tâm)

 

Nhìn lại những trang thơ thời kháng chiến chống Pháp ấy ta mới thấy một quá khứ hào hùng biết bao nhiêu, những người lính, người bộ đội cụ Hồ đã rời bỏ người mẹ già, người vợ trẻ, đứa em thơ để ra đi bảo vệ Tổ Quốc. Hình ảnh đoàn quân trong kháng chiến đã được in dấu sâu đậm trong nhiều trang thơ, trong đó có bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng-một tác phẩm có nét bi tráng hào hùng cùng cảm hứng lãng mạn làm say đắm bao thế hệ người đọc.

1.2 Thân bài

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948, trong một buổi ngồi ở Phù Lưu Chanh (Hà Đông), ngồi nhớ lại thời gian hoạt động ở Tây Tiến trước khi cả đại đội trở về thành lập trung đoàn 52, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này.

Bài thơ lấy cảm hứng từ những tháng ngàu năm 1947, khi Quang Dũng ra nhập đoàn quân Tây Tiến, đoàn quân có nhiệm vụ chonhs là phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào trước quân đội Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Đó là những tháng ngày gian khổ, khắc nghiệt, những người lính phần đông là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp khác nhau nhưng khi đã khoác chung màu áo lính, họ cùng nhau vượt qua những gian khổ và vẫn giữ được nét hào hoa, thanh lịch của người Hà thành.

Bố cục: Bài thơ gồm 8 đoạn thơ, gắn với những hình ảnh khác nhau của người lính Tây Tiến

Phần 1: Khổ 1+2+3: Cuộc hành quân của người lính Tây Tiến giữa vùng rừng núi, thiên nhiên miền Tây hoang sơ, dữ dội.

Phần 2: Khổ 4+5: Kỉ niệm đẹp của người lính Tây Tiến với người dân miền Tây trong quá trình hoạt động.

Phần 3: Khổ 6+7: Chân dung cụ thể người lính Tây Tiến

Phần 4: Khổ 8: Lời thề của người lính Tây Tiến.

Cảm hứng của bài thơ: Bài thơ có hai nguồn cảm hứng chính là cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng, cảm hứng lãng mạn thể hiện ở cái tôi đầy trữ tình của nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, thơ mộng, hoang sơ, cảm nhận vẻ đẹp của con người miền Tây, cảm nhận được tinh thần hướng đến cái cao cả, sự lạc quan, lí tưởng của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ.

Chất bi tráng của bài thơ được thể hiện bằng một giọng điệu tráng lệ, hào hùng chứ không hề bi lụy. Chất lãng mạn và bi tráng chính là nét đẹp tạo nên sự độc đáo của bài thơ.

Phân tích bài thơ

Khổ thơ đầu tiên:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

+Cảm xúc bao trùm trong bài thơ là nỗi nhớ Tây Tiến của tác giả, chính vì vậy mà ngay ở trong câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã không kiềm chế nổi cảm xúc mà thốt lên “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” . “Sông Mã” là con sông chảy qua vùng biên giới Việt Lào, là con sông gắn bó với người lính, gợi nhắc tên con sông cũng chính là gợi nhắc những kỉ niệm đã từng rất thân thiết, gắn bó. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” là tiếng gọi tha thiết, thốt lên từ tận đáy lòng, thể hiện một nỗi nhớ da diết về một thời đã xa không thể nào quay trở lại nữa.

+Điệp từ “nhớ” được nhắc lại hai lần, lần đầu tiên là gợi về chủ thể của nỗi nhớ là núi rừng miền Tây Bắc, lần thứ hai là tính chất của nỗi nhớ “nhớ chơi vơi”. Vần “ơi” được lặp lại 3 lần tạo lên nhạc tính trong thơ, gợi nỗi nhớ mênh mông, không thể đong đếm, nỗi nhớ luôn đầy ắp khôn nguôi.

+Những địa danh cụ thể được nhắc tới “Sài Khao” “Sương Lấp” gắn với hình ảnh của đoàn quân ở từng thời điểm hành quân, từ sáng sớm tới đêm khuya. Đây đều là những địa danh mà người lính đã từng hành quân đi qua, nỗi nhớ thương gắn với từng hình ảnh, “đoàn quân mỏi” gợi lên sự gian nan, vất vả trong quá trình hành quân.

Khổ thơ thứ hai:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

+Từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, cùng với điệp từ “dốc”đã gợi lên sự khó khăn, hiểm trở, gập ghềnh, đứt đoạn của những con đèo, con dốc vùng rừng núi Tây Bắc, đồng thời gợi ra những khó khăn, gian khổ của người lính.

+Nghệ thuật nhân hóa “súng ngửi trời” cùng nghệ thuật đảo ngữ “heo hút cồn mây” gợi ra cảm giác hoang vắng, trống trải ở những nơi người lính đã đi qua, đồng thời gợi ra vị trí đứng của người lính với cây súng trên vai là một vị trí cao, trên đỉnh đèo, núi.

+Nghệ thuật điệp từ cùng nghệ thuật đối “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” một lần nữa gợi lên sự trắc trở trên con đường hành quân của người lính. Câu thơ dường như bẻ gẫy, gợi ra độ cao chót vót, độ sâu hun hút của vực thẳm, con đường hiểm trở, khó khăn vô vàn, bất cứ lúc nào cũng có thể mang lại nguy hiểm cho người lính. Thế nhưng câu thơ lại đậm chất nhạc, làm cho sự hiểm nguy ấy đã giảm đi nhiều lần, một phần cũng bởi vì những trải nghiệm ấy giờ chỉ còn trong miền kí ức của tác giả, một người đã đi qua nó nên mọi thứ đều trở nên nhẹ nhàng hơn.

+Câu cuối của khổ thơ toàn thanh bằng, âm điệu ngân vang, gợi ra hình ảnh cơn mưa miền rừng núi vừa chân thực, những xóm làng phía đằng xa như ẩn hiện trong làn mưa tuôn ấy.

Khổ thơ tiếp theo:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

+Hình ảnh người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân “dãi dầu không bước nữa” “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, cách nói nhẹ nhàng về sự ra đi của người lính, cách gọi “anh bạn” người lính, người đồng đội của mình là cách gọi thân thiết, gắn bó. Hình ảnh thơ gợi chất bi tráng,vẻ đẹp của người lính coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, như một giấc ngủ thanh thản, bỏ quên cuộc đời.

Mở rộng: 

“Nằm lại những chân rừng đầu núi

 Hôm nay bao đồng chí đâu rồi?”

(Ngày về_Nguyễn Đình Thi)

hay: 

“Tôi nhớ thương người bạn cũ

 Miệng cười mắt nhắm nghìn thu”

(Chính Hữu)

hay trong bài thơ của Hoàng Lộc: 

"Hôm qua còn theo anh

  Đi ra đường quốc lộ

  Hôm nay đã chặt cành

  Đắp cho người dưới mộ"

+Những hình ảnh tiếp theo gợi lên sự hiểm nguy mà miền núi rừng miền Tây mang lại, cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng tiềm ẩn biết bao nguy hiểm, có thể lấy đi tính mạng người lính bất cứ lúc nào “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Hiểm nguy là vậy nhưng cách nói của Quang Dũng lại gợi lên nét tinh nghịch, coi hiểm nguy nhẹ nhàng, như một sự bông đùa.

+Nhưng cuối cùng, những hình ảnh mà người lính cụ Hồ nhớ nhất vẫn là hình ảnh ấm áp của cuộc sống của con người vùng rừng núi miền Tây, với những nét đẹp bình dị nhất “cơm lên khói”, “thơm nếp xôi”.

Khổ thơ tiếp theo, tình cảm gắn bó với thiên nhiên và con người miền Tây

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

+Một bức tranh ấm áp, lung linh, rực rỡ sắc màu được vẽ lên, đây chính là đêm hội tưng bừng, sôi nổi, mọi người, mọi cảnh vật đều đắm chìm trong một niềm vui say, ngây ngất, rạo rực.

+Hình ảnh người con gái miền Tây đẹp dịu dàng, e ấp, câu thơ đậm chất lãng mạn, hai chữ “kìa em” là cái nhìn say đắm, đồng thời cũng là sự say mê của những chàng trai hào hoa nơi thành thị với nét đẹp hồn nhiên của người con gái nơi đây.

*Khổ thơ tiếp theo: cảnh sông nước miền Tây

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

+Không gian sông nước miền Tây hiện lên với hình ảnh “hồn lau nẻo bến bờ” và “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” , dòng sông mênh mông

+Hình ảnh con người trên dòng sông hiện lên qua dáng vẻ “dáng người trên độc mộc” , đó là dáng hình mềm mại, uyển chuyển, thành thạo trong công việc hàng ngày nơi miền sông nước. 

+Bức tranh toàn cảnh được nhìn từ một điểm nhìn cao xa, vẻ đẹp của thiên nhiên như hòa quyện với vẻ đẹp con người.

*Khổ thơ tiếp theo: khắc họa chân dung người lính Tây Tiến

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

+Ngoại hình: ngoại hình khác thường do hoàn cảnh chiến trường nghiệt ngã, người lính “không mọc tóc”, da dẻ xanh xao, do thiếu thốn vật chất, cuộc sống kham khổ lại bị bệnh dịch hoành hành.

+”Mắt trừng” là hình ảnh thể hiện nét oai phong của người lính, cái nhìn nảy lửa với quân thù. Nhưng mỗi đêm về, người lính ấy lại có nét lãng mạn, trữ tình, nhẹ nhàng “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” là hình ảnh của người yêu, của người con gái Hà thành duyên dáng, xinh đẹp.

Mở rộng: Nỗi niềm nhớ mong Hà Nội còn được thể hiện trong bài thơ “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi:

“Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

  Ta lại về đây những phố xưa

  Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá

  Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

  Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi

  Lòng ta như lửa đốt dầu sôi”

=>Người lính hiện lên vừa có vẻ đẹp của sự kiên cường, khao khát chiến thắng, đánh tan quân thù, vừa có một tâm hồn đầy mơ mộng, có nỗi nhớ quê hương, nhớ những người thân yêu nơi quê nhà.

*Khổ thơ tiếp theo: hình ảnh bi tráng về cái chết của người lính nơi chiến trường:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

+Đây là hiện thực tàn khốc của chiến tranh, biết bao người con của dân tộc Việt đã phải bỏ mạng nơi chiến trường, đối với người lính Tây Tiến lại còn là những sinh mạng ở nơi “viễn xứ”, không được ngã xuống nơi quê hương đất mẹ yêu dấu mà phải bỏ mạng nơi biên cương xa xôi.

+Từ “rải rác” chính là một nét bi thương bởi số lượng người lính phải bỏ mạng nơi chiến trường nhiều vô kể. 

+Câu nói khẳng định: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” chính là tâm thế của tất cả những người lính sẵn sàng ra nơi chiến trường để bảo vệ Tổ Quốc lúc bấy giờ. Họ chấp nhận rời bỏ quê nhà yêu dấu, nơi có những người yêu thương nhất, sẵn sàng dành cả tuổi trẻ, sức lực, quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để ra nơi chiến trường.

+Mở rộng: những chàng trai “chưa trắng nợ anh hùng” ấy được Chính Hữu khắc họa lại trong bài ngày về:

“Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm 

Rách tả tơi rồi, đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”

+Hai câu thơ tiếp theo đậm chất bi tráng, những người lính gục ngã bên đường không có nổi một mảnh chiếu để che thân, cách nói “áo bào thay chiếu” vừa là hình ảnh thực gợi nỗi bi thương, vừa thể hiện sự thiêng liêng, cách nói giảm nói tránh “anh về đất” làm giảm đi nỗi đau, một cái chết nhẹ nhàng về với đất mẹ.

+Hình ảnh sông Mã xuất hiện lần 2 trong bài thơ cùng khúc ca bi tráng “gầm lên khúc độc hành”, dường như sông núi hùng vĩ cũng thấu hiểu nỗi đau của con người khiến cho bức tranh những người anh hùng dân tộc hiện lên càng hào hùng giữa thiên nhiên dữ dội, đầy âm hưởng.

=> Cái chết của người lính Tây Tiến có sự chứng kiến của núi sông, đất trời, khúc nhạc bi tráng, cái chết dường như đã trở nên bất tử.

*Khổ thơ cuối cùng

“Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

+Câu thơ tả thực, nhưng lại đậm chất lãng mạn, trữ tình "Tây Tiến người đi không hẹn ước, người lính một khi đã ra trận sẽ không dám hứa hẹn ngày trở về bởi ai cũng hiểu sự khắc nghiệt, dữ dội của chiến trường, không ai có thể lường trước điều gì. Đường đi ra chiến trường xa xôi, gợi lên sự chia phôi, không biết ngày trở về, giống như trong thơ cổ từng viết “nhất khứ bất phục hoàn”.

+Mở rộng: Trong bài thơ “Tống biệt hành” , Thâm Tâm cũng viết về những cảm xúc khi người lính phải rời xa gia đình, xa quê hương để ra trận:

“Người đi ừ nhỉ người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu cay.”

hay: 

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

(Đất nước_Nguyễn Đình Thi)

Những người lính ấy ra nơi chiến trường, bỏ lại sau lưng tất cả nỗi nhớ quê nhà:

“Ba năm rồi gửi lại quê hương,

  Mái lều gianh,

  Tiếng mõ đêm trường,

  Luống cày đất đỏ,

  Ít nhiều người vợ trẻ

  Mòn chân bên cối gạo canh khuya.”

(Nhớ_Hồng Nguyên)

Trong một bài thơ khác “Bộ đội về làng” (Hoàng Trung Thông) đã được Văn Phụng phổ nhạc: 

“Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi

 Các anh đi đến bao giờ trở lại.”

+Mùa xuân ấy chính là thời điểm lịch sử, mùa xuân năm 1947 thành lập đoàn quân Tây Tiến. Hai câu thơ khẳng định sự gắn bó với binh đoàn Tây Tiến, nhà thơ khằng định những ai đã ở trong binh đoàn Tây Tiến năm ấy sẽ luôn nhớ mãi về những kỉ niệm không thể nào quên được ấy.

1.3 Kết bài

Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

Giá trị nội dung: Bài thơ là nỗi nhớ của tác giả về binh đoàn Tây Tiến, những tháng ngày gắn bó với thiên nhiên và con người miền Tây, gắn bó với đồng đội, cùng nhau trải qua gian khó, không thể nào quên được. Nhà thơ đã vẽ lên vẻ đẹp bức tranh Tây Tiến vừa hoang sơ,hùng vĩ, vừa tráng lệ, thơ mộng, đậm chất trữ tình, người lính Tây Tiến vừa kiên cường, vừa lãng mạn, hào hoa.

Giá trị nghệ thuật: Với bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn, hình ảnh thơ phong phú, gần gũi, chân thực, ngôn ngữ thơ linh hoạt, đa dạng với nhiều biện pháp tu từ, Quang Dũng đã viết lên một bài thơ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

2. Bài văn phân tích bài thơ“Tây Tiến” 

Khi đề cập đến đề tài những người chiến sĩ, bộ đội cụ Hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, không thể nào quên được tác phẩm "Tây Tiến" của nhà thơ xứ Đoài - Quang Dũng. Đây được coi là đứa con đầu lòng không những của nhà thơ Quang Dũng mà còn của cả nền thơ kháng chiến. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu những năm kháng chiến gian khổ, mất mát đau thương nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc ta.

2.1 Bài văn mẫu số 1 phân tích bài thơ Tây Tiến

Giới thiệu về tác giả Quang Dũng.

Quang Dũng sinh ra và lớn lên tại Đan Phượng, Hà Tây hiện nay là Hà Nội hay còn biết đến với tên gọi là xứ Đoài. Mảnh đất ông sinh ra và lớn lên đã đi vào nhiều vẫn thơ lãng mạn. Quang Dũng là một nhà thơ đa tài, bởi không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng của đất nước mà còn là một người hoạ sĩ, một người nhạc sĩ. Chính vì vậy, trong các tác phẩm của ông có chất nhạc, chất họa rất rõ ràng, cộng hưởng và mang lại thăng hoa trong từng câu chữ. Đồng thời, Quang Dũng còn là người chiến sĩ ưu tú. Ông viết thơ bằng chính sự trải nghiệm thực tế của mình trên chiến trường qua những ngày tháng đấu tranh gian khổ. Thơ ông chứa đầy chất lãng mạn, hồn hậu và phóng khoáng.

Khác với xuất thân của người lính trong "Đồng chí" của Chính Hữu là những người nông dân từ mọi miền, từ mọi độ tuổi thì người lính trong Tây Tiến là những học sinh, sinh viên đất thủ đô vừa rời ghế nhà trường đi thẳng vào chiến trường. Đón cũng là một điểm khác biệt tạo nên chất lãng mạn, hào hoa trong thơ Quang Dũng. Bài thơ được viết trong một chiều mưa ở Phù Lưu Chanh khi tác giả nhớ về những người đồng chí, đồng đội của mình trong binh đoàn Tây Tiến. Tác phẩm khắc hoạ thành công vẻ đẹp hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Phân tích bài thơ tây tiến

Phân tích bài thơ Tây Tiến

Với nhan đề bài thơ, khi sáng tác bài thơ có nhan đề là "Nhớ Tây Tiến". Tuy nhiên sau một thời gian, chính Quang Dũng đã đổi nhan đề thành "Tây tiến". Tại sao lại như vậy? Tại vì tác giả muốn cô đọng ý thơ, nỗi nhớ này đã trải dài  xuyên suốt trở thành tư tưởng bài thơ rồi. Tác giả muốn người đọc tự nhận ra và cảm nhận nỗi nhớ này trong quá trình đọc hiểu bài thơ chứ không phải nhìn thấy ngay từ ở nhan đề. 

Khổ thơ đầu là nỗi nhớ của tác giả về chặng đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến. 

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi 

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Hai câu thơ mở đầu có tính chất như những lợi gợi dẫn, gợi nhớ, gợi thương. Ấn tượng đầu tiên về bài thơ là lời gọi "tây tiến ơi", tiếng gọi tha thiết, trìu mến, thân thương và đầy  khắc khoải. Tây Tiến như không còn là một địa danh nữa mà hình như là một người thân yêu, ruột thịt của nhà thơ. Mở đầu bài thơ với nỗi nhớ gắn bó, tha thiết đối với vùng đất mà mình từng gắn bó, từng đi qua. Trong nỗi nhớ chung về Tây Tiến, nỗi nhớ riêng đầu tiên được nhắc tới, được gọi bằng tên là hình ảnh "Sông Mã". Hình ảnh này cũng được nhắc tới ở gần cuối bài thơ như một nghệ thuật đối xứng. Bởi dòng sông này chảy dài theo suốt những cung đường hành quân của những người lính Tây Tiến, như một người bạn đồng hành như một chứng nhân lịch sử đã dõi theo từng bước chân hành quân của người lính anh dũng. Cùng với sông Mã là hình ảnh rừng núi "nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Đó là những ấn tượng đầu tiên về vùng đất này, những thanh niên Hà thành đã quá quen với những cung đường phẳng tắp người người người qua lại thì hình ảnh núi rừng lại trở nên quá đỗi lạ lẫm. Sự khác biệt đối lập này đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho người chiến sĩ ngày đầu hành quân. Điệp từ nhớ ở hai câu thơ đầu nhấn mạnh nỗi nhớ của mình, và cho thấy rằng đó là những kỷ niệm không thể nào quên với nhà thơ Quang Dũng. 

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Trong sự hồi tưởng của Quang Dũng cung đường tây tiến mở ra theo cả chiều thời gian và chiều không gian. Tác giả sử dụng rất nhiều địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Lai Châu  mở ra trong hình dung người đọc về các miền đất xa xôi, miền rừng núi hoang vắng. Và mỗi lần nhắc đến tên một địa danh là một lần gợi nhớ về một ký ức gắn liền với những người chiến sĩ trên từng bước hành quân.Tác giả tập trung khắc hoạ hài ấn tượng : sương và dốc núi. "Sài Khao sương lấp”,  "Sương lấp" là sương che kín, dày đặc, phủ mờ cả con đường đi, cản trở tầm nhìn của những người chiến sĩ. Đồng thời sương cũng đi kèm với không khí lạnh giá, rét buốt đến tê người nơi núi rừng khiến cho đoàn quân gặp rất nhiều khó khăn, mỏi mệt "đoàn quân mỏi". Tuy vậy, Quang Dũng vẫn nhớ đến màn sương dày đặc bằng lăng kính lãng mạn của mình thông qua việc so sánh với hình ảnh "hoa về". Tưởng tượng hình ảnh sương như đùn đùn tạo thành hình hoa, động từ “về” diễn tả sự quây tụ góp phần xua đi nỗi cô đơn, lạnh giá trong tâm hồn của những người lính. Có thể thấy, sương mang đến cái lạnh, cái rét buốt ngấm sâu vào từng thớ thịt của đoàn người nhưng mọi khó khăn gian khổ đấy lại được tác giả nhớ đến với một khung cảnh đêm thật thơ mộng “đêm hơi”.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”

Chỉ với ba câu thơ trên, kết hợp nhịp thơ 4/3 cắt ngang câu thơ và sử dụng toàn thanh trắc Quang Dũng đã vẽ ra trước mắt người đọc địa hình núi non vô cùng hiểm trở của vùng đất Tây Bắc- cung đường đoàn binh Tây Tiến hành quân qua . Các từ láy tượng hình “khúc khủy” “thăm thẳm”, người lính Tây Tiến treo mình trên sườn núi đá một bên là vực sâu thăm thẳm một bên là núi cao khúc khủy. “Heo hút” thể hiện sự vắng vẻ, không có sự qua lại hoạt động của con người trên những cung đường mà chiến sĩ hành quân qua. Điệp từ “ngàn”, phép đối xứng lên>< xuống, khiến ta hình dung địa hình hết dốc cao này lại đến dốc cao khác, liên tiếp nhau, dốc lên cao rồi đột ngột xuống thấp. Khó khăn chồng chất khó khăn. Chỉ với ba câu thơ, Quang Dũng đã vẽ ra thành công vùng địa bàn núi non hiểm trở ở Tây bắc bộ nơi mà đoàn quân từng hoạt động. Hình ảnh đặc biệt “súng ngửi trời”, dù đứng trong khắc nghiệt của địa hình gập ghềnh khúc khủy thì người lính vẫn đứng lên làm chủ thiên nhiên mình, làm chủ quê hương mình, làm chủ đất nước mình. Thể hiện tinh thần chiến đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi “

Sau những vần thơ gieo toàn thanh chắc thì đến câu thơ này Quang Dũng gieo toàn thanh bằng để gợi lại sự bình yên, bình tâm sau những thử thách của địa hình vùng núi cao.  Sự bình yên đấy thể hiện qua hình ảnh bản làng, “nhà ai” tức là người chiến sĩ đi đến bất cứ đâu thì đều có sự chào đón của mọi người. Suốt dọc đường hoang vắng, tìm được một nơi cư trú, nghỉ chân như mang đến sự ấm áp, yên bình cho người lính.
Cung đường được mở ra theo chiều thời gian:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

“ Chiều chiều” “đêm đêm” các từ láy gợi tả thời gian hành quân có tính chất tuần hoàn chu kì. Song hành với thời gian ấy là liên tiếp những gian nan, thử thách hiện ra với người lính. Các anh thường xuyên phải đi qua những vùng u tì quốc, rừng thiêng nước độc nên luôn luôn ám ảnh “thác gầm thét”. Hình ảnh “cọp trêu người” càng khiến ta rùng mình, hổ có thể ăn thịt người bất cứ lúc nào. Ấy thế mà với tâm thế của người lính, đe dọa từ những con cọp hung dữ chỉ như là “trêu người”.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Điểm thành công của khổ thơ thứ nhất còn được thể hiện qua sự lãng mạn hóa cái chết trong cuộc đấu tranh với kẻ thù của người lính:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời !”

Sức mạnh văn chương được đổ dồn vào từ láy “dãi dầu”. Nhớ về bao khó khăn, gian khổ thử thách của thiên nhiên không biết người lính sẽ ngã xuống lúc nào, hy sinh lúc nào, gục xuống lúc nào, Quang Dũng viết “không bước nữa” chuyển thế chủ động sang cho người lính. Cái chết đối với người lính nhẹ như tơ hồng, như một giấc ngủ. Họ ngã xuống để tổ quốc đứng lên. Họ ngã xuống vì sự tự do, hạnh phúc của quê hương đất nước của hàng nghìn hàng vạn người dân hiền lành, chất phác. Thế thì có gì phải sợ? Họ ra đi vẫn mang theo hành trang quân ngũ, tư thế của những người chiến sĩ chiến đấu  hi sinh vì tổ quốc “Gục lên súng mũ”.

“Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Nhớ về chặng đường hành quân là những bữa ăn thắm tình đồng chí, đồng đội với những món ăn mang hương vị dân dã, đạm bạc nhưng mang đầy bản sắc dân tộc, nào là “cơm lên khói” nào là”thơm nếp xôi”. Chặng đường dừng chân, nghỉ ngơi của đoàn quân đã khép lại khổ thơ đầu với nỗi nhớ nhung, hồi tưởng về những cung đường Tây Tiến chất đầy những chông gai, thử thách của nhà thơ Quang Dũng.
Nhớ về Tây Tiến, nhà thơ không chỉ nhớ về cung đường hành quân mà con nhớ về con người nơi đây:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Đó là khoảnh khắc, các anh được cùng sinh hoạt và giao lưu với những dân làng vùng cao vùng xa trong những đêm tạm dừng chân. Hình ảnh “đuốc hoa” thường xuất hiện trong đêm tân hôn thể hiện sự hỉ hoan, vui mừng, hạnh phúc. Qua cái nhìn dí dỏm của người chiến sĩ “đuốc hoa” ở đây như bừng tỉnh lên niềm tin vào cách mạng, vào chiến thắng. Họ được chào đón nồng hậu bởi những âm điệu dân tộc: tiếng “khèn”, “man điệu”, “nhạc” và nhớ về dáng vẻ sửa soạn xinh đẹp, tươm tất của những cô gái bản làng “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Đây là những dòng thơ đầy chất nhạc, chất thơ đặc sắc trong hồn thơ Quang Dũng khi nhớ về Tây Tiến.

“ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Trái ngược với hình ảnh núi non gập ghềnh khúc khuỷu, thiên nhiên vùng đất Tây Bắc còn mang trong mình vẻ đẹp nhẹ nhàng, thấm đượm lòng người khiến ai đi qua cũng phải lưu luyến nhớ về. Sở dĩ Quang Dũng đưa vào địa danh “Châu Mộc” bởi nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp, rất nên thơ, một vẻ đẹp rất Tây Bắc rất lãng mạn. “Chiều sương” mở ra một vùng không gian hoang dã được bao phủ bởi lớp sương mù, vùng đất hiện ra mơ màng như một miền cổ tích. Các hình ảnh “lau”, “hoa” là những sự vật vô tri vô giác nhưng qua lăng kính của tác giả chúng như có cả một tâm hồn. Điệp từ “có nhớ- có thấy” gợi lên sự nhớ nhung quyến luyến không thôi của nhà thơ. Ai nói rằng nơi đây chỉ có hoang vu, hẻo lánh, rừng thiên nước độc? Tây Bắc cũng có những nét đẹp riêng, vô cùng nhẹ nhàng, nên thơ nên tình khiến cho tâm hồn con người lúc nào cũng được hòa cùng thiên nhiên, đồng điệu cùng thiên nhiên cảnh vật.

“ Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”

Khổ thơ cuối nhà thơ đã khắc họa thành công bức tượng đài về người lính. Mỗi một câu thơ như một nét vẽ khắc lên từng vẻ đẹp của hình ảnh người bộ đội cụ Hồ. Những người chiến sĩ trên cung đường chiến đấu gặp phải căn bệnh sốt rét rụng hết tóc, da dẻ xanh xao. Đó là những tổn hại, nỗi đau về thể chất. Thế nhưng qua cách nhìn của Quang Dũng, ông nói về chúng rất hiển nhiên và ung dung chỉ là “không mọc tóc” và màu da xanh này trùng với màu xanh của lá lại giúp chiến sĩ ngụy trang trong rừng núi ngăn cản sự chú ý của kẻ địch. Đó là tinh thần lạc quan trước mọi gian khổ, cách nói dí dỏm của nhà thơ như biến thách thức thành cơ hội. Các anh hiện lên ốm nhưng không hề yêu, ngược lại còn dữ dội, oai linh khiến cho quân địch phải khiếp sợ.

Về vẻ đẹp tâm hồn của người lính, trong suốt thời gian đấu tranh với kẻ thù họ thường gửi những yêu thương, tâm tư qua biên giới. Vậy thì họ nhớ về ai? Có nhiều người nói “dáng kiều thơm” ở đây là hình ảnh người con gái – người thương của các chiến sĩ. Nhưng các anh ra đi khi còn rất trẻ có những người chưa mảnh tình vắt vai. “Dáng kiều thơm” ở đây có thể hiểu là hình ảnh của thủ đô Hà Nội. Bởi họ là những tri thức sài thành, khi rời xa quê hương họ nhớ về quê hương như dáng vẻ của một người con gái là hoàn toàn hợp lý. Trong đoạn thơ này, nhà thơ sử dụng hàng loạt các từ hán việt: “mồ viễn xứ”, “áo bào”, “khúc độc hành”, “biên cương” đem đến tinh thần bi tráng. Viết về đau thương, mất mát nhưng lại toát ra vẻ đẹp hào hùng, bất tử. Trên chặng đường của người lính, đã có những nấm mồ, họ sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng gục xuống. Chiến sĩ có thể chết đường, chết vì bệnh sốt rét, chết vì chiến đấu với kẻ thù nhưng họ vẫn luôn kiên cường, không một chút sợ hãi vì sau lưng họ là đồng đội là tổ quốc chính vì vậy Quang Dũng viết “chẳng tiếc đời xanh”. Những chiến binh là những trai trẻ, đi “không hẹn ước”, không hẹn ngày trở về, nếu học có trở về là trở về cùng chiến thắng của quân ta, thất bại của quân giặc. “Áo bào” là hình ảnh chiếu gói bọc lại người lính đưa họ về với đất mẹ khi ra đi mãi mãi. Với tác giả đó như một loại áo bào. Nói về bi thương nhưng không bị mà ngược lại mang đầy tráng lệ, hùng dũng. Vẻ đẹp của người lính bước vào trong thơ ca là một bức tượng đài quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

2.2 Bài văn mẫu số 2 phân tích bài thơ Tây Tiến

Đề bài: Cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Mở bài:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

(Đất nước_Nguyễn Đình Thi)

Đây là những vần thơ rất đẹp về người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Có biết bao nhà thơ đã lấy hình ảnh ấy làm cảm hứng cho những sáng tác của mình, chính những kỉ niệm thực tế, trải nghiệm thực đã chắp bút cho những người nghệ sĩ tài hoa sáng tác nên những tác phẩm để đời. Quang Dũng cũng nhớ về những kỉ niệm đã từng gắn bó với đoàn quân Tây Tiến để sáng tác bài thơ “Tây Tiến” với hai cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lãng mạn và bi tráng,

Cảm hứng lãng mạn trong văn học chính là cảm hứng từ một cái tôi tràn đầy cảm xúc, từ đó tìm thấy vẻ đẹp trong những sự vật, sự việc, làm cho chúng trở nên độc đáo, vượt lên trên khỏi những cái tầm thường hàng ngày. Trong bài thơ “Tây Tiến”, cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở việc khắc họa thiên nhiên vùng rừng núi miền Tây hoang sơ, tráng lệ và hình ảnh người lính Tây Tiến hào hoa, lãng mạn, đậm chất của chàng trai Hà thành.

Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng miền Tây được Quang Dũng sử dụng bút pháp cường điệu để miêu tả, điển hình là những hình ảnh “Sài Khao sương lấp”, “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Núi rừng bị che phủ bởi lớp sương buổi sớm, buổi tối cũng toàn là hơi sương. Đây là một đặc tính rất chân thực của thiên nhiên vùng núi rừng, gợi sự âm u, hoang dại.

Những con dốc cũng được miêu tả bằng những câu văn đậm chất thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “heo hút cồn mây”, “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Dốc núi thăm thăm, đèo cao chập chùng, còn tiềm ẩn những hiểm nguy nhưng qua những vần thơ, giọng điệu tạo âm hưởng khiến ta thấy được cái đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, hào hùng.

Thiên nhiên miền Tây hùng vĩ nhưng cũng tiềm ẩn biết bao hiểm nguy còn được thể hiện qua âm thanh của thác nước, của tiếng cọp “trêu” người, tiếng “sông Mã gầm lên”. Đây là bức tranh thiên nhiên oai hùng mà Quang Dũng đã khắc họa bằng ngòi bút tài hoa của mình.

Nét lãng mạn, vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên còn được thể hiện qua hình ảnh hồn lau bên bờ sông, có dòng nước lũ hoa đong đưa. Một loạt các địa danh cũng đồng thời được nhắc tới như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch..gợi nhắc về kỉ niệm gắn với từng địa danh ở từng thời điểm trong ngày, đồng thời gợi về những cuộc hành quân gian khổ qua những chặng đường núi non hiểm trở, thử thách, không quản ngày đêm.

Ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng còn hướng về những chàng trai với tâm hồn mơ mộng. Phải là một người yêu thiên nhiên, yêu không gian núi rừng, người lính mới có thể cảm nhận được cảnh vật núi rừng, sông nước miền Tây hoang sơ, đẹp đến vậy. Không những thế, người lính còn có một tâm hồn hào hoa, lãng tử khi nhìn người con gái đẹp với ánh mắt say mê “kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp”. Người lính ấy ra chiến trường nhưng vẫn mang trong mình nỗi nhớ về Hà thành, nhớ về quê hương mỗi đêm về “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Với ngòi bút tài hoa, tâm hồn lãng mạn, hình ảnh thiên nhiên và con người trong thơ của Quang Dũng hiện lên đậm chất trữ tình, giàu chất thơ. Không chỉ là cảm hứng lãng mạn, bài thơ còn đậm tình thần bi tráng, cái bi tráng của việc miêu tả hiện thực đau khổ, nhiều gian truân nhưng không hề bi lụy mà là bi tráng, hào hùng.

Tinh thần bi tráng trong bài thơ thể hiện ở chỗ nhà thơ không hề né tránh cái chết, có nhắc tới cái chết những là một cái chết hào hùng, cái chết bất tử của người lính nơi chiến trường:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Bỏ quên sũng mũ bỏ quên đời”

hay 

“Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Trong “Chinh phụ ngâm”, cảnh chiến trường khốc liệt được diễn tả bằng câu thơ thê lương:

“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”

Hoàng Lộc trong bài thơ “Viếng bạn” cũng viết về cảnh tiễn đưa nơi chiến trường:

“Ở đây không manh ván

Chôn anh bằng tấm chăn

Của đồng bào Cứa Ngàn

Tặng tôi ngày sơ tán”

Câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến vừa tả thực, vừa đẩy lêm cảm xúc bi tráng, khiến cảnh tiến đưa đồng đội trở nên trang nghiêm, cổ kính, cụm từ “anh về đất” nói về cái chết nhưng lại mang đến cảm xúc nhẹ nhàng, biến cái chết của người lính trở nên bất tử. Cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài thơ Tây Tiến luôn đan xen, hòa quyện và không tách rời nhau, hai mạch cảm xúc này xuyên suốt bài thơ khiến cho tác phẩm có vẻ đẹp riêng và giá trị bền vững theo năm tháng.

Như vậy, xuyên suốt bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về một thời khó khăn nhưng oai hùng bên cạnh đồng đội của mình, đồng thời khắc họa thành công hình ảnh tráng lệ của người bộ đội cụ Hồ. “Tây Tiến” đã để lại trong lòng người yêu văn chương dấu ấn không thể phai mờ về quãng thời gian chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Hy vọng qua bài phân tích bài thơ Tây Tiến trên đây, các bạn đã có được nguồn tham khảo hữu ích và có thể đạt được điểm cao trong các kì thi.

>> Tham khảo thêm một số bài văn mẫu:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.