Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, khiến môi trường sống và sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi bạn cảm thấy môi trường xung quanh có nguy cơ ô nhiễm hoặc đang ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình bạn, thì bạn cần làm đơn khiếu nại hoặc tố giác với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề ô nhiễm môi trường đó. Cùng tìm hiểu các thông tin về mẫu đơn khiếu nại về ô nhiễm môi trường qua bài viết dưới đây nhé!
MỤC LỤC
Đơn khiếu nại về ô nhiễm môi trường là mẫu đơn được sử dụng khi bạn cảm thấy môi trường xung quanh đang bị ô nhiễm, bạn sẽ thể hiện ý kiến cá nhân của bạn hoặc tập thể nào đó về hành vi của tập thể, cá nhân khác khiến môi trường đó bị ô nhiễm. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể nhìn thấy được, cảm nhận được, hoặc cũng có thể sử dụng dụng cụ chuyên môn để kiểm tra.
Môi trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn và những người xung quanh, do đó để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề này, bạn cần tiến hành làm đơn khiếu nại về việc cá nhân, tập thể nào đó khiến môi trường bị nguy hại.
Xem thêm: Toàn bộ thông tin về mẫu đơn khiếu nại tiếng ồn dành cho ai chưa biết
Để tố cáo, khiếu nại về hành vi ô nhiễm môi trường, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn tố cáo, khiếu nại về hành vi cá nhân, tập thể gây ô nhiễm môi trường.
- CCCD hoặc CMND người viết đơn, nếu gửi đơn nặc danh thì có thể không cần sử dụng.
- Bằng chứng, căn cứ chứng minh hành vi khiến môi trường bị ô nhiễm và có thể có hậu quả kèm theo.
- Các tài liệu khác liên quan.
Khi cá nhân phát hiện cá nhân, tổ chức nào đó có các hành vi khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng, thì có thể làm đơn khiếu nại, tố giác tới cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý, ngăn chặn hay phòng ngừa các hậu quả do cá nhân, tổ chức có hành vi ô nhiễm môi trường gây ra.
Khi viết đơn khiếu nại về vấn đề ô nhiễm môi trường, bạn có thể gửi lá đơn tới Cơ quan công an địa phương, Ủy ban nhân dân địa phương nơi bạn sinh sống (cấp xã, phường, thị trấn), gửi tới Phòng tài nguyên và môi trường, Thanh tra của những cơ quan quản lý tương đương có thẩm quyền hay gửi tới Sở tài nguyên môi trường cấp tỉnh/ thành phố.
Mở đầu đơn khiếu nại về ô nhiễm môi trường, không thể thiếu quốc hiệu, tiêu ngữ, thời gian và ngày tháng viết đơn. Tiếp đó, bạn cần ghi rõ tên lá đơn nổi bật căn giữa, có thể viết “ĐƠN TỐ CÁO KHIẾU NẠI VỀ HÀNH VI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG” hoặc:
“ĐƠN TỐ CÁO
(V/v: Hành vi gây ô nhiễm môi trường)”
Tiếp theo, bạn kính gửi lá đơn tới Ủy ban nhân nhân địa phương bạn sinh sống hoặc các cơ quan có thẩm quyền mà chúng tôi đã liệt kê ở trên.
Người viết đơn tố cáo, khiếu nại về các hành vi khiến môi trường bị ô nhiễm cần điền đầy đủ các thông tin như sau: Họ tên đầy đủ của người khiếu nại; năm sinh; thẻ Căn cước công dân/ số Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu có đủ ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ đăng ký thường trú của người viết đơn; số điện thoại liên lạc và địa chỉ liên hệ.
Nếu người làm đơn biết ai là người khiến môi trường bị ô nhiễm, cần nêu rõ các thông tin về người đó, gồm có các nội dung sau: Họ tên của tổ chức hay cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường; nếu có địa chỉ cư trú, làm việc hoặc trụ sở thì cần ghi rõ; đối tượng bị khiếu nại; số điện thoại (nếu có).
Bạn cần nêu rõ thông tin của đối tượng bị khiếu nại, nêu rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường đó do ai thực hiện, thực hiện vào lúc nào và xảy ra ở đâu.
Trong đơn khiếu nại về vấn đề ô nhiễm môi trường, đây chính là nội dung quan trọng nhất, bạn cần phải tóm tắt lại sự việc về hành vi gây ô nhiễm môi trường của cơ quan, cá nhân nào đó, đồng thời để cơ quan thẩm quyền dễ giải quyết, bạn cần nêu đầy đủ các tình tiết trong lá đơn.
Nội dung của sự việc cần ghi tóm tắt, rõ ràng, ngắn gọn và trung thực, bạn cần cho cơ quan thẩm quyền biết rõ các nội dung như: hành vi ô nhiễm môi trường xảy ra lúc nào, ở đâu, hành vi ô nhiễm xuất hiện từ thời điểm nào, đó là ô nhiễm gì (ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm đất…), hành vi kéo dài trong bao lâu và tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi này…
Đồng thời, bạn cần nêu rõ các thiệt hại xảy ra và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm về vấn đề ô nhiễm môi trường này, khiến lợi ích của bản thân bị xâm phạm ra sao (ví dụ như ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, nguồn nước bị nhiễm độc, khiến bản thân và gia đình bị bệnh tật, ô nhiễm đất khiến bản thân không thể canh tác trên đất của mình…)
Chẳng hạn: "Vào năm 20xx, khu vực chợ ABC, công ty A đã đặt nhà máy sản xuất phân bón từ ngày 12/12. Sau đó khoảng 2 tháng, tức tháng 3/20xy, khu vực xung quanh nhà máy xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc, nước thải của nhà máy có màu đen. Bên cạnh đó, khói thải từ nhà máy bốc lên khiến không khí luôn ngột ngạt, nước ô nhiễm chảy vào nguồn nước sinh hoạt khiến cư dân sống xung quanh nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống người dân.
Tuy phía cư dân đã yêu cầu phía quản lý nhà máy có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh để nguồn nước, không khí của người dân bị ảnh hưởng, nhưng tới nay đã 5 tháng mà nhà máy vẫn chưa tiến hành xử lý.”
Bạn cần nêu rõ quá trình mà bản thân khiếu nại và kết quả ra sao, có thể nêu rõ đã đưa ra vấn đề này cho cơ quan nào, kết quả giải quyết ra sao trong lá đơn của mình.
Khi viết đơn khiếu nại về việc ô nhiễm môi trường, bạn cần đưa ra dẫn chứng liên quan và căn cứ pháp lý đúng quy định.
Một số căn cứ pháp lý và dẫn chứng mà bạn có thể tham khảo như sau: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Điều 7 Luật Bảo vệ Môi trường 2014; Nghị định 179/2013/NĐ-CP hoặc Thông tư 07/2014/TT-TTCP; Khảo sát của người dân xung quanh về mức độ ô nhiễm; kết quả giám định về mức độ ô nhiễm của các cơ quan tổ chức; quy chuẩn về kỹ thuật môi trường.
Tiếp đó, bạn cần nêu được yêu cầu khiếu nại của bản thân mình, có thể đưa ra các yêu cầu như: Đòi cá nhân, tổ chức bồi thường và nêu rõ mức độ bồi thường với hành vi ô nhiễm đó; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám định, thẩm tra, xác minh về mức độ môi trường bị ô nhiễm; buộc tổ chức, cá nhân khiến môi trường bị ô nhiễm dừng ngay hành vi của mình…
Xem thêm: Tìm hiểu mẫu đơn rút đơn khởi kiện và hướng dẫn chi tiết liên quan
Giống với các lá đơn khác, trong phần kết thúc đơn, người viết cần cam đoan những nội dung mà bản thân đã trình bày là đúng và bạn sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà bạn đã đưa ra trong lá đơn. Cuối cùng, người viết đơn không được sao chụp chữ ký mà cần ghi rõ họ, tên, chữ ký của mình.
Để cơ quan có thẩm quyền tin tưởng và tăng tính xác thực của lá đơn, bạn cần đưa ra tài liệu đi kèm để chứng minh những điều bản thân nói là đúng sự thật, chứng minh hành vi đó vi phạm pháp luật thế nào, gây thiệt hại ra sao…
Bạn có thể đưa vào các dẫn chứng và tài liệu kèm theo lá đơn như: Video quay, hình ảnh chụp về hành vi ô nhiễm; ý kiến của người dân trong khu vực bị ô nhiễm được thể hiện bằng văn bản; biên bản ghi nội dung cuộc họp mà các bên thực hiện giải quyết ô nhiễm; đưa ra một số minh chứng hành vi đó gây thiệt hại cho môi trường…
Bạn có thể tải mẫu đơn khiếu nại về vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây:
Hy vọng qua bài viết này của vieclam123, bạn đã biết được cách viết mẫu đơn khiếu nại về ô nhiễm môi trường và một số thông tin khác. Khi phát hiện hành vi ô nhiễm môi trường, để cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý, bạn cần gửi ngay đơn khiếu nại hay tố cáo lên cơ quan quản lý. Lưu ý rằng, các nội dung trong lá đơn cần trung thực, ngắn gọn, nêu được tóm tắt nội dung hành vi gây ô nhiễm và cần có các tài liệu kèm theo để minh chứng những điều bạn nói là sự thật.
Để xác nhận mình đang cư trú tại địa phương nào đó, bạn cần phải viết giấy xác nhận thường trú tại địa phương. Truy cập bài viết dưới đây để biết được cách viết giấy xác nhận thường trú tại địa phương nhé!
MỤC LỤC
Chia sẻ