Trẻ bị biếng ăn gây ra tình trạng kém hấp thu, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng hay tệ hơn là làm suy giảm miễn dịch khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Phải làm gì khi trẻ biếng ăn? Thay vì cuống lên ép con ăn thì các mẹ hãy bình tĩnh và thử làm theo những cách sau nhé.
MỤC LỤC
Nếu con bạn đang biếng ăn khiến cha mẹ lo lắng mà chưa biết cách nào để khắc phục giúp con thích ăn hơn. Trước tiên, bạn hãy chỉ ra những nguyên nhân cụ thể có thể khiến trẻ biếng ăn qua những gợi ý dưới đây.
Khi thực đơn hàng ngày của con cứ lặp lại các món ăn nhàm chán thì khẩu vị của trẻ từ ăn ngon dần cũng dần chuyển sang ngán ngẩm. Đây là một trong những lý do phổ biến gặp phải ở các trẻ biếng ăn.
Khả năng bé biếng ăn hơn ngày thường có thể do bé cảm thấy không khỏe, hoặc bị bệnh. Không chỉ với trẻ con, người lớn khi ốm, cảm cúm cũng đã ăn uống không ngon, có cảm giác chán ăn. Do vậy, các bậc phụ huynh nên để ý đến những biểu hiện hàng ngày của con thường xuyên. Nếu như bé có những dấu hiệu như sốt, ho, hắt xì hơi… hãy đưa trẻ đi khám để tránh tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Không phải món nào bạn thích ăn bé cũng thích ăn. Cho dù những món ăn bạn lên thực đơn cho bé là đủ chất dinh dưỡng nhưng bé không hề biết điều đó. Con đã không thích những món ăn đó, bé sẽ không ăn. Khi bạn càng thúc ép trẻ ăn, vô tình sẽ làm trẻ áp lực trong bữa ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, sợ hãi việc ăn uống.
Nhiều bố mẹ thấy con mình ăn ít, biếng ăn nên thường cho con ăn thêm các bữa phụ trong ngày hoặc trước bữa ăn chính. Nhưng lại không để ý, cho con ăn quá no trong bữa phụ dẫn đến tình trạng bé bỏ bữa chính. Hay có một số gia đình thường chiều con, hay muốn con ăn thêm bữa nhưng lại cho bé ăn những món ăn vặt tiềm tàng nhiều nguy hại cho trẻ như bánh kẹo, khoai tây chiên, bim bim… Những món ăn đó chứa nhiều đường hóa học, nhiều dầu mỡ và tinh bột gây hại cho thể chất và sự phát triển trí não của trẻ.
Đôi khi chỉ vài cái kẹo, mấy miếng bim bim tưởng chừng không vấn đề gì nhưng lại rất ảnh hưởng đến sự ngon miệng trong bữa ăn của bé. Không những thế, ăn quá nhiều còn gây sâu răng, táo bón, rối loạn tiêu hóa, béo phì và các vấn đề tim mạch khác ở trẻ. Vậy nên bố mẹ nên cân nhắc những loại thức ăn trong bữa ăn phụ của trẻ. Tốt nhất nên cho trẻ ăn các loại thức ăn nhẹ, bổ sung thêm vitamin có trong sữa, sữa chua, hoa quả…
Một lý do nữa khiến trẻ biếng ăn đó là thiếu hụt các khoáng chất như là kẽm, selen làm trẻ cảm thấy không ngon miệng, lười ăn. Nếu như bạn không bổ sung kịp thời cho con những dưỡng chất cần thiết, trong thời gian dài biếng ăn trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển trí não.
Khoảng thời gian đầu khi bé đến trường, thay đổi môi trường sống, phải ăn bán trú ở trường sẽ khiến bé chưa kịp thích nghi dẫn đến tình trạng sợ sệt, tâm lý không ổn định, con không muốn ăn. Không khắc phục được tình trạng này sẽ gây ra nhiều những ảnh hưởng về tâm lý, cũng như sức khỏe và thể chất của trẻ.
Nguyên nhân thường thấy nhất ở các đứa trẻ biếng ăn đó là do bé quá ham chơi. Việc bố mẹ thường xuyên dỗ con bằng các trò chơi, cho trẻ nghe ca nhạc, xem tivi trong bữa ăn đã tạo ra những tác động xung quanh khiến bé không tập trung vào bữa ăn. Ngay từ đầu không sửa đã tạo cho trẻ thói quen lười ăn uống ở trẻ.
Khi đã phân tích được những nguyên nhân khiến con chán ăn, ăn ít, bạn hãy đọc thêm những gợi ý về cách giúp trẻ hết biếng ăn dưới đây để áp dụng phù hợp cho trường hợp của mình.
Con mè nheo không chịu ăn thực ra là do con chưa thực sự đói. Nếu như bạn quá thúc ép con ăn thì bữa ăn thực sự là một trận chiến. Bố mẹ nên thử trong vài ngày liên tục không ép bé ăn mà để con tự kêu đói, tự nhắc đến bữa ăn của mình hoặc có những dấu hiệu cho thấy bé đói bụng thực sự. Sau đó, bạn có thể tìm hiểu thời gian biểu đói bụng của con. Cho bé ăn vào những khung giờ cố định hàng ngày bạn sẽ thấy mình không cần mất thời gian giục con ăn, không còn những áp lực trong mỗi bữa ăn nữa.
Hơn nữa khi bé đói bụng chính là lúc con muốn ăn và cảm thấy ăn ngon miệng hơn cho nên mới có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chắc chắn bố mẹ sẽ cực kỳ bất ngờ khi con mình biết đói ăn, ăn ngon lành và không còn quấy nhiễu như mọi ngày nữa.
Thấy trẻ biếng ăn, các phụ huynh thường bị tâm lý là phải tìm đủ mọi cách để dỗ con ăn được nhiều như cho con đi ăn rong, nhồi nhét, cho con xem hoạt hình để con ăn… Tuy nhiên, việc này lại không đem lại hiệu quả, bé càng cảm thấy sợ hãi mỗi bữa ăn, chống đối và chán ăn.
Do vậy, khi trẻ đã no và không muốn ăn nữa, cha mẹ nên dừng bữa ăn và tôn trọng quyết định của con. Cha mẹ chỉ nên là người hướng dẫn và khuyến khích con ăn. Bắt đầu từ 9 tháng đến 1 tuổi, mẹ có thể dạy con cầm thìa để con tự có những khám phá trong bữa ăn. Đó cũng là một cách để bé rèn tính tự lập từ nhỏ.
Đối với những đứa trẻ biếng ăn, một bát cơm đầy ắp chắc chắn không hứng thú được sự thèm ăn của con. Bạn không nên so sánh với bát cơm của bé hàng xóm để áp dụng vào cho con mình. Đôi khi chỉ cần một chút cơm, vài miếng thịt với bát canh nhỏ thôi bạn sẽ thấy con ăn hoàn toàn khác. Phần ăn vừa đủ với bé sẽ kích thích bé muốn ăn hơn, bé sẽ không phải cùng bố mẹ chiến đấu với bát cơm to, đầy ụ nữa.
Các cha mẹ hãy thử chia nhỏ các bữa ăn trong ngày của con, giúp con ăn ngon miệng lại tiêu hóa tốt hơn. Ví dụ giữa bữa sáng và bữa trưa thay vì cho con ăn cả bát cháo to hay một lưng cơm thì vài miếng đu đủ, hay một quả chuối cũng đủ để con ăn ngon miệng vào bữa trưa.
Con không chịu ăn, cha mẹ cố gắng tìm cách cho bé ăn bằng nhiều kiểu khiến kéo dài thời gian bữa ăn của trẻ. Điều này làm thức ăn của con không còn ngon, khiến bé càng thêm chán ăn. Chính điều này khiến khoảng cách mỗi bữa ăn của trẻ bị thu hẹp lại, con chưa kịp tiêu hóa hết bữa này đã chuẩn bị phải ăn tiếp bữa sau.
Tốt nhất mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài tối đa là 30 phút. Nếu bé không chịu ăn, không hấp thu được nhiều thì nên dừng bữa ăn lại và cố gắng cho con ăn vào bữa sau, hoặc tăng thêm bữa phụ cho bé.
Có cách nào để giúp trẻ hết biếng ăn đây? Nếu như mẹ luôn áp dụng một món ăn vào các bữa hay bày biện theo lối quen thuộc, không bắt mắt thì cũng chẳng ngạc nhiên rằng con sẽ từ chối bằng những cái lắc đầu, xua tay trong các bữa ăn. Việc các mẹ cần làm là phải thay đổi ngày vào các bữa sau! Có thể vẫn là các thực phẩm quen thuộc hàng ngày như thịt, cá, trứng, rau… nhưng mẹ chỉ cần thử thay đổi cách chế biến mới, bày biện trang trí đáng yêu với nhiều màu sắc trong đĩa ăn của con.
Chỉ cần một vài bông hoa cà rốt, bên cạnh búp súp lơ xanh xanh với miếng trứng hình mặt trăng cũng đủ để bé thấy thích thú. Hay đơn giản hơn là thay đổi chén đĩa mới, bắt mắt cũng khơi dậy sự tò mò của trẻ. Ngoài ra, các mẹ hãy lên cho con thực đơn hàng tuần đa dạng và hấp dẫn. Nếu như ngày nào mẹ cũng dọn lên cho bé một món ăn không thay đổi thì chẳng còn ngạc nhiên khi bé không muốn ăn. Thay đổi món ăn thường xuyên vừa bổ sung đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, vừa khiến con hăng hái hơn trong các bữa ăn.
Đôi khi bạn cũng nên đặt cho con câu hỏi như “Con muốn ăn món gì?” và đưa thực đơn các món ăn cho bé lựa chọn. Có thể bé sẽ chẳng biết chọn gì, nhưng có thể bé sẽ chỉ ra món mà con yêu thích.
Bạn có thể thử sử dụng bí quyết của các mẹ đó là “bình mới rượu cũ”. Nếu như bé không thích ăn thịt với cơm bạn có thể làm món bánh mì kẹp thịt, hay thay vì để canh ra bát có thể cho vào cốc như các món nước hoa quả khác. Với những biến tấu nho nhỏ trong bữa ăn bé sẽ thích thú hơn nhiều.
Đừng ép con phải ăn những món con không thích. Bé không muốn ăn thịt bạn có thể bổ sung cho con những thực phẩm khác như trứng, xúc xích, giò chả hoặc cá. Hay bé sợ ăn rau, cha mẹ đừng quá bực bội quát mắt con mà hãy bổ sung thêm các loại quả, chất xơ trong các bữa ăn phụ cho bé.
Đồng thời, các bậc phụ huynh phải lưu ý, cho con ăn vặt khoa học. Như đã nói ở trên, thì nguyên nhân gây ra biếng ăn ở trẻ đó là cho con ăn quá no các bữa phụ với các đồ ăn vặt gây hại đến sức khỏe của trẻ. Lựa chọn cho trẻ những đồ ăn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe rồi nhưng ăn sao cho khoa học và phù hợp thì đấy mới thực sự quan trọng. Bạn không nên cho uống sữa hay ăn vặt ngay trước bữa chính, thời gian các bữa ăn nên được giãn cách để trẻ có thể kịp tiêu hóa. Không nên cho bé ăn quá 2 bữa phụ mỗi ngày với các đồ ăn chứa quá nhiều chất dinh dưỡng, chỉ nên cho bé ăn nếu con thật sự có nhu cầu. Ngoài ra, bố mẹ cũng phải để ý không nên cho con uống sữa, nước hoa quả ngay sau khi vừa ăn bữa chính vì có thể gây nên tình trạng quá tải đối với dạ dày của con.
Quy tắc 3 không trên bàn ăn là gì? Đó là không tivi, không ăn rong và không đồ chơi. Như đã đề cập rất nhiều ở phần trước thì chính việc cho trẻ xem tivi, ăn rong hay chơi đồ chơi đã tạo cho trẻ thói quen xấu trong ăn uống, làm mất thời gian trong các bữa ăn và là nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Để tránh phạm vào những quy tắc trên, bạn hãy để bé cùng ngồi ăn cơm với gia đình thay vì tách bữa ăn của trẻ. Cả nhà cùng nhau vừa ăn vừa trò chuyện vừa khiến không khí bữa ăn thêm ấm cúng vừa khiến bé thích thú xúc hết bát cơm lúc nào không hay.
Khuyến khích con vận động, chạy nhảy, tập thể dục nhiều hơn. Đây là một cách giúp trẻ hết biếng ăn, tăng khả năng hấp thu tốt hơn. Bố mẹ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những biểu hiện tích cực của trẻ trong các bữa ăn.
Trẻ em rất thích được khen ngợi. Vì vậy khi con thử một loại đồ ăn mới thì đừng ngần ngại tặng cho bé những lời khen vui vẻ như “Hôm nay con vừa ăn thử su su rồi đấy, con ngoan quá!” Như vậy mỗi khi con ăn ngoan hãy cung cấp những phần thưởng khích lệ bé, khen con bằng những câu động viên. Sau này, khi thử đồ ăn mới bé sẽ tự giác có phản xạ mà không cần bố mẹ ép buộc.
Tăng cường bổ sung thêm vitamin nhóm B, selen, kẽm cũng là một giải pháp hay giúp trẻ hết biếng ăn. Đây là những vi chất quan trọng kích thích sự thèm ăn tự nhiên của trẻ. Các phụ huynh có thể tham khảo bổ sung cho con qua các thực phẩm có chứa dinh dưỡng trên hoặc những sản phẩm bổ sung kẽm, selen, FOS,lysine…
Qua những chia sẻ ở trên, các cha mẹ hãy tham khảo để giúp con mình hết biếng ăn, trở nên hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, hồng hào mỗi ngày nhé. Hy vọng, những kinh nghiệm ở trên đã mang tới cho bạn những điều mà mình đang quan tâm.
>> Tham khảo thêm:
MỤC LỤC
Chia sẻ