Một số người luôn thể hiện thái độ tiêu cực khi làm việc. Họ có thể không thích công việc hoặc công ty của mình. Họ luôn cảm thấy cấp trên thiếu năng lực và bản thân bị đối xử bất công; công ty đang trên đà đi xuống và khách hàng là những người vô giá trị. Tuy nhiên, để vươn lên trong công việc, bạn cần phải học cách đối phó với những đồng nghiệp tiêu cực kiểu này. Chú ý: Hãy nhớ rằng những người tiêu cực này, ở bất kỳ công ty nào cũng đều có và cách tốt nhất để giảm thiểu sự ảnh hưởng của họ là bạn hãy tránh tiếp xúc với những người như vậy. Bạn sẽ không có bất kỳ lý do gì để thường xuyên nói chuyện hay chơi cùng một người đồng nghiệp tiêu cực. Trên thực tế, sự tiêu cực rất dễ lây lan. Bạn sẽ trở nên tiêu cực nếu thường xuyên tiếp xúc với những thứ tiêu cực. Đây là sự thật vì vậy hãy cẩn thận trước khi quá muộn. Sự nghiệp và công việc nên mang lại cho bạn niềm vui, sự thành công chứ không phải nỗi buồn hay sự tiêu cực. Tuy nhiên, đôi khi những người luôn tỏ ra vui vẻ, tích cực lại là những người tiêu cực. Những lý do khiến họ trở nên tiêu cực như vậy nhiều khi cũng rất chính đáng. Nếu ở trong trường hợp của họ, có thể bạn sẽ suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề khác đi, từ đó tạo ra sự khác nhau trong nhận thức và tác phong làm việc. Các mẹo sau sẽ cho bạn lời khuyên về cách đối phó với cả hai loại người tiêu cực như trên, trong trường hợp bạn không thể né tránh họ. Bạn sẽ phải tiếp cận họ theo một cách khác và đôi khi giúp họ tìm cách giải quyết vấn đề tại nơi làm việc.
MỤC LỤC
Bạn cần lắng nghe họ cho đến khi bạn chắc chắn rằng họ cảm thấy được quan tâm và chú ý đến. Đôi khi mọi người cảm thấy tiêu cực và luôn phàn nàn về một điều gì đó vì họ cảm thấy bị cô lập, không ai lắng nghe ý kiến của họ. Hãy hỏi họ lý do vì sao có những cảm xúc như vậy và đảm bảo rằng bạn lắng nghe chúng một cách tích cực.
Quyết định xem liệu đó có phải là những lý do chính đáng để họ có những cảm xúc tiêu cực không. Nếu bạn thấy chúng chính đáng, hãy hỏi xem họ có muốn bạn giúp đỡ giải quyết vấn đề gì không. Nếu họ yêu cầu giúp đỡ, hãy đưa ra những lời khuyên hoặc ý tưởng giúp họ vượt qua cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Những lời khuyên tạm thời nhưng tạo được niềm vui và sự tích cực sẽ rất có ích trong trường hợp này. Tuy nhiên, vai trò của bạn không phải là bác sĩ tâm lý hoặc tư vấn viên. Nhiệm vụ của bạn cũng không phải là đưa ra lời khuyên toàn diện về sự nghiệp hay các định hướng công việc lâu dài. Chỉ dẫn họ đọc các cuốn sách mở mang tâm hồn, tham gia các buổi hội thảo hữu ích hoặc gợi ý họ liên hệ bộ phận nhân sự để giải quyết các khúc mắc... Hãy định rõ giới hạn bản thân khi đưa ra lời khuyên cho đồng nghiệp.
Đồng nghiệp của bạn có thể chỉ muốn bạn lắng nghe; họ không muốn bất kỳ lời khuyên hay sự trợ giúp nào từ bạn cả. Hãy lắng nghe một cách tích cực nhưng cũng đặt ra các giới hạn để sự tiêu cực không thể ảnh hưởng đến bạn.
Chú ý: Việc phải nghe những lời phàn nàn trong khoảng thời gian dài sẽ dần bào mòn năng lượng tích cực của bạn. Đừng để điều đó xảy ra. Hãy nói với người đồng nghiệp đó rằng bạn muốn chuyển sang những chủ đề tích cực hơn. Diễn tả cho họ hiểu rằng những lời phàn nàn đó gây ảnh hưởng xấu đến cảm giác của bạn về công ty và công việc.
Nếu bạn thẳng thắn, hy vọng rằng người tiêu cực đó sẽ ngừng phàn nàn hoặc nếu không may, có thể chuyển mục tiêu sang một nhân viên kém thẳng thắn hơn. Nếu điều này xảy ra, bạn nên gặp cấp trên và báo cáo về những sự việc đang xảy ra. Họ sẽ có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề này và tạo ra một môi trường làm việc tích cực, cân bằng trong công ty.
Rèn luyện lòng can đảm và cho họ biết suy nghĩ của bạn về vấn đề họ đang gặp phải. Hãy nói rằng bạn hiểu những điều họ quan tâm và bạn quan tâm đ0ến hạnh phúc của họ, nhưng bạn không đồng ý với đánh giá của họ về vấn đề. Ví dụ, bạn không đồng ý với việc họ cho rằng ban quản lý đã nói dối hay giữ thông tin sai lệch để đánh lừa nhân viên. Bạn tin rằng thông tin chuẩn đã được đưa ra ngay khi có.
Dừng lại một cách tế nhị trước các chủ đề quá nhạy cảm. Họ có thể tận dụng tình hình để khơi dậy sự cảm thông từ bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy sự tiêu cực như vậy là không cần thiết và sai sự thật, đừng quá cố gắng lắng nghe hay phân bua nếu họ cứ khăng khăng với ý kiến của mình.
Chú ý: Nếu cứ cố gắng giảng giải, phân bua, lâu ngày, bạn sẽ chỉ càng khuyến khích những suy nghĩ tiêu cực gia tăng trong hành vi và thái độ của bạn. Bạn sẽ tự biến mình thành một ‘cục nam châm tiêu cực’. Sự tiêu cực sẽ dần thấm nhuần vào phong cách làm việc và từ từ bạn sẽ trở thành một người tiêu cực.
Đối phó với những người này bằng cách dành càng ít thời gian cho họ càng tốt. Cũng giống như việc bạn đặt ra giới hạn cho những đồng nghiệp tiêu cực có lý do (chính đáng hoặc không chính đáng), hãy xác định giới hạn với những người luôn có suy nghĩ tiêu cực.
Nguyên nhân cho sự tiêu cực của họ không phải là mối quan tâm hàng đầu với bạn. Mỗi người sẽ có một câu chuyện của họ. Đừng để những câu chuyện hay hoàn cảnh gây bất bình của họ tác động đến góc nhìn tích cực của bạn. Sự tiêu cực là điều bạn có thể lựa chọn theo hay không theo, vì vậy hãy lựa chọn một cách thật khôn ngoan.
Những người luôn suy nghĩ tiêu cực cần một công việc mới, một công ty mới, một sự nghiệp mới, một hy vọng mới, một cuộc sống mới hoặc sự tư vấn mới. Họ không cần bạn giúp họ chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng một lần nữa khi phải kể lại câu chuyện. Điều này sẽ không tốt cho cả bạn, đồng nghiệp của bạn và văn hóa công ty.
Tránh dành thời gian riêng cho họ (vì tất cả các lý do trên).
Nếu không thể tránh được, hãy đặt ra các giới hạn khi làm việc với người tiêu cực. Đừng để bản thân bị cuốn vào những cuộc thảo luận tiêu cực. Hãy nói với họ rằng bạn thích những suy nghĩ tích cực về công việc hơn. Tránh việc trở thành khán giả cho họ phô diễn sự tiêu cực của mình.
Đề nghị những người tiêu cực tìm sự hỗ trợ từ bộ phận nhân sự hoặc người quản lý của họ. Cố gắng hướng dẫn người đó nhận được sự giúp đỡ để giải quyết các vấn đề của bản thân.
Nếu tất cả các điều trên đều thất bại, hãy nói chuyện với cấp trên hoặc nhân viên phòng nhân sự về những gì bạn gặp phải khi làm việc với người tiêu cực và những điều bạn mong muốn khi làm việc ở công ty. Họ sẽ có thể đưa ra lời khuyên, giúp bạn giải quyết vấn đề hoặc nói chuyện với người tiêu cực để đảm bảo một môi trường làm việc lành mạnh cho bạn.
Hãy nhớ rằng, sự tiêu cực trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc và văn hóa công ty. Đây là một hành vi có thể cần đến các biện pháp kỷ luật hoặc sa thải nhân viên nếu cần thiết.
Nếu sự tiêu cực giữa các nhân viên trong công ty bạn cứ mãi kéo dài dài dai dẳng mà không được giải quyết, có thể bạn sẽ muốn xem xét tìm một công việc mới. Sự tiêu cực sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, lâu dần bạn sẽ cảm thấy chán nản, kiệt sức, làm giảm chất lượng cuộc sống và tác phong làm việc của bạn. Bạn sẽ không muốn thay đổi thành một con người khác chỉ vì những điều như vậy. Nếu có thể, bạn hãy thiết lập một phong cách, văn hóa làm việc cho riêng mình. Tuy nhiên, văn hóa công ty là sự đóng góp của nhiều cá thể và nếu không ai chịu thay đổi hay cải thiện tình hình, sớm hay muộn bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực đó.
>> Xem thêm tin:
MỤC LỤC
Chia sẻ