close
cách
cách cách cách

Một số vấn đề cần biết về bạo hành trẻ em ở các trường mầm non

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bạo hành trẻ em đang là vấn nạn mang tầm quốc tế, nó đang xảy ra với tần suất hàng ngày hàng giờ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề bạo hành trẻ em nhé!

Riêng chỉ trong năm 2018 hàng loạt những vụ bạo hành trẻ em mầm non đã gây bức xúc dư luận:

- Ngày 21/05/2018 tại Trường Mầm non tư thục Mẹ Mười (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) công an quận Thanh Khê đã điều tra, xác định, bắt giữ và kết án bà Đinh Thị Hồng – chủ nhóm trẻ Mẹ Mười từ 1 – 3 năm tù vì tội “bạo hành trẻ em” cụ thể là: bóp miệng, đập vào mặt trẻ vì ăn chậm.

- Sáng ngày 25/07/2018, Tòa án nhân dân quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) đã kết án bị cáo Phạm Mỹ Linh 3 năm tù giam, Phạm Thị Huỳnh 1 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Đào 2 năm tù treo vì tội “hành hạ người khác”  cụ thể là: đánh đập, bạo hành trẻ em bằng bình nước rửa chén, cây lau nhà hoặc dùng chân đạp lên người,...để đánh đập, hành hạ trẻ khi cho các em ăn uống.

- Chiều ngày 28/07/2018, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định bắt giữ khẩn cấp đối tượng Trần Thị Hồng Phúc (1993) – bảo mẫu trường mẫu giáo huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh vì tội “hành hạ trẻ em” cụ thể là: do bé D. Không chịu ăn, liên tục nôn ói, bực tức quá nên Phúc đã tát liên tiếp nhiều phát lên má của bé D. Dẫn đến thương tích nghiêm trọng.

Bạo hành trẻ em đang là vấn nạn mang tầm quốc tế, nó đang xảy ra với tần suất hàng ngày hàng giờ, ở mọi quy mô lớn nhỏ. Vì một nguyên nhân nào đó, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc người bạo hành, dù bạn đang sống trong nền văn minh hiện đại thì điều này vẫn không thể tránh khỏi. Không có vụ bạo hành là giống nhau cả thế nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần cho trẻ em, cộng đồng và xã hội.

Theo thống kê cho thấy:

- Trên thế giới: Theo tổ chức Y tế thế giới – WHO thống kê, có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi là nạn nhân của bạo lực tình dục, hành hạ trẻ em, bóc lột sức lao động. Cùng với đó có khoảng 1,2 triệu trẻ em nhỏ trở thành “hàng hóa” buôn bán mỗi năm. Đó là con số được thống kê vào năm 2012.

- Trên quy mô nước ta: Từ năm 2011 đến 2015, trong khoảng 5 năm nước ta có tới 8200 vụ xâm hại trẻ em, theo thống kê cho thấy số nạn nhân lên tới 9920. Tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng theo từng năm (2010 có 867 vụ, 2011 có 940 vụ, 2014 tăng lên 1382 vụ) và điều đặc biệt đó là số nạn nhân là trẻ em nam ngày càng tăng.

Tất cả những điều trên đây đều liên quan đến bạo hành trẻ em, vậy bạo hành trẻ em là gì? Những hành vi về bạo hành trẻ em tại các trường mầm non cụ thể ra sao hãy cùng Vieclam123.vn tìm hiểu về nội dung này nhé!

1. Bạo hành trẻ em là gì?

Bạo hành trẻ em là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, bạo hành trẻ em chính là những hành vi đối xử tệ bạc cả về thể chất lẫn tinh thần ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Các hành vi cụ thể là: xâm hại tình dục, hành hạ trẻ em, lợi dụng hoặc bỏ bê. Các hành vi này để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với trẻ, trẻ có thể bị tổn hại về: sức khỏe, tâm lý, nhân phẩm, sự phát triển của trẻ. Đặc biệt những hành vi bạo lực này đa phần được thực hiện bởi người trông trẻ, tức giáo viên mầm non.

Bạo hành trẻ em có 5 loại:

- Bạo hành về thể chất (Physical abuse)

- Bạo hành về tình dục (Sexual abuse)

- Bạo hành về tâm lý (Psychological/Emotional abuse)

- Bỏ bê (Neglect and negligent treatment)

- Lạm dụng (Exploitation)

2. Phân loại và những hành vi bạo hành trẻ em

2.1. Bạo hành về thể chất (Physical abuse)

Bạo hành về thể chất ở các trường mầm non chính là những hành vi bạo lực gây thương tích cho đứa trẻ do người trông trẻ gây nên. Một số hành vi cụ thể bạo hành về thể chất bao gồm:

- Đánh đập trẻ em (đấm, đá, tát, nắm tóc, dùng roi, đạp chân,...)

- Bóp cổ trẻ, lắc trẻ một cách thô bạo

- Ném, xô đẩy trẻ

- Làm bỏng, đốt trẻ

- Cắn trẻ...

Tất cả những hành vi trên đây đều gây thiệt hại đến sức khỏe, thể chất, đôi khi còn ảnh hưởng đến cả tinh thần, tâm lý của trẻ. Cụ thể như trong một số trường hợp:

- Giáo viên mầm non cầm dép đánh trẻ: giáo viên mầm non Sen Vàng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm dép đánh em bé, không chỉ có vậy cô giáo còn tát và chửi học sinh những câu nói tục tĩu, vô văn hóa. Kết quả, 2 giáo viên này đã bị sa thải và nhận quyết định xử phạt với mức tiền mặt là 2,5 triệu đồng.

- Hiệu trưởng Trường Mầm non dốc đầu trẻ em: hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) có hành vi bạo hành dốc đầu cháu bé mới 5 tuổi vào máy vặt lông gà. Sự việc chấm dứt khi bà Vũ Thị Hằng bị cách chức và điều sang trường khác giảng dạy, hai giáo viên liên quan đến vụ việc bị kỷ luật cảnh báo, điều sang trường khác giảng dạy.

2.2. Bạo hành tình dục (Sexual abuse)

Bạo hành tình dục

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bạo hành tình dục có nghĩa là những hành vi bạo lực xâm phạm đến thể xác (touching), hoặc những hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến tinh thần (non – touching). Bạo lực về tình dục bao gồm các hành vi:

- Bạo hành tình dục về thể xác (touching):

+ Sử dụng một bộ phận cơ thể hoặc một vật gì đó thực hiện hành vi bạo hành tình dục

+ Đụng chạm hoặc có những hành vi mơn trớn đến trẻ một cách không phù hợp

+ Bắt ép trẻ thực hiện các hành vi đồi trụy như chạm vào bộ phận sinh dục của người lớn...

- Bạo hành tình dục về mặt tâm lý (non – touching):

+ Bắt trẻ tiếp xúc với các văn hóa đồi trụy

+ Phô bày một cách không đúng đắn, những điều phản cảm trước mặt trẻ

+ Cố tình thủ dâm trước mặt các em bé

+ Dùng trẻ em để sản xuất các sản phẩm khiêu dâm như là: phim ảnh, quảng cáo,...

Ở nước ta, các vụ bạo hành tình dục trẻ em những năm gần đây cũng là vấn đề các bậc cha mẹ quan tâm và lo lắng. Nhưng các bậc phụ huynh có thể yên tâm rằng, cho đến nay vẫn chưa có một vụ xâm hại tình dục trẻ em ở trường mầm non nào xảy ra.

2.3. Bạo hành về tâm lý (Psychological/Emotional abuse)

Bạo hành tâm lý là những lời nói, thái độ, hành vi ngược đãi, sỉ nhục của giáo viên mầm non làm tổn hại đến tâm sinh lý của trẻ. Bạo hành có thể xuất phát từ hành vi của những người thiếu đạo đức và độc ác nhưng phần lớn bạo hành xuất phát từ sự sai lầm về nhận thức. Một số hành vi bạo hành tâm sinh lý cho trẻ bao gồm:

- Từ chối hay bỏ bê (Rejecting or ignoring):

+ Nói với trẻ rằng: không có một ai yêu thương và mong muốn sự tồn tại của trẻ

- Nhạo báng hay nhục mạ (Humiliating or shaming):

+ Gọi trẻ bằng những cái tên gọi mang tính chất hạ thấp nhân phẩm

+ Chỉ trích, nhạo báng, nhục mạ trẻ

+ Sử dụng những lời nói, từ ngữ hoặc những hành vi phá hủy lòng tự trọng của trẻ

- Khủng bố tinh thần (Terrorizing)

+ Đập, phá đồ, la hét vào mặt các bé

+ Đổ thừa, vu khống cho trẻ

+ Đe dọa hoặc phạt trẻ bằng các hình thức như bỏ rơi, nhốt trong phòng tối nhiều giờ, đánh đập tàn bạo

+ Lợi dụng điểm yếu của trẻ để bạo hành

2.4. Bỏ bê (Neglect and negligent treatment)

Bỏ bê

Bỏ bê là hành vi của người trông trẻ không cung cấp cho trẻ sự quan tâm, giám sát. Bỏ bê có thể chia làm 4 nhóm: bỏ bê về mặt vật chất, bỏ bê về mặt tinh thần, bỏ bê về mặt sức khỏe, bỏ bê về mặt giáo dục.

- Bỏ bê về mặt vật chất:

+ Không cho trẻ ăn uống đầy đủ, luôn cho trẻ em những thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng, dơ bẩn

+ Không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ sống trong môi trường dơ bẩn, không an toàn

- Bỏ bê về mặt tinh thần:

+ Cô lập trẻ với bạn bè

+ Để trẻ chứng kiến những hành vi bạo lực trẻ em

- Bỏ bê về mặt sức khỏe:

+ Không thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh cho trẻ

+ Không đưa trẻ xuống phòng y tế khi thấy trẻ có những biểu hiện không tốt về sức khỏe

- Bỏ bê về mặt giáo dục: Mặc kệ cho trẻ có những thái độ không tốt trong học tập

2.5. Lạm dụng trẻ em (Exploitation)

Lạm dụng trẻ em là hành vi sử dụng trẻ nhỏ để thu được sức lao động, lợi nhuận, thỏa mãn ham muốn tình dục, hay những lợi ích cá nhân khác. Lạm dụng trẻ em thường dẫn đến những hành động bạo lực, tàn bạo đối với trẻ, để lại những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt của trẻ.

Bất cứ vấn đề gì cũng có nguyên nhân của nó và bạo hành trẻ em tại các trường mầm non cũng vậy. Nguyên nhân của các hiện tượng bạo hành trẻ em tại Việt Nam xuất phát từ chính sự điều hành của cơ quan nhà nước và các cơ quan quản lý giáo dục, gia đình, xã hội, nhà trường, đặc biệt là giáo viên mầm non là nguyên nhân tác động trực tiếp đến các hành vi bạo hành trẻ em tại các trường mầm non. Hành vi bạo hành trẻ em để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, tâm sinh lý của trẻ, sự phát triển nhân cách của trẻ, tương lai của trẻ. Cần đề ra những biện pháp khắc phục phù hợp để hạn chế các hành vi bạo hành trẻ em ở các trường mầm non, nghiêm khắc xử lý đối với các hành vi cá nhân có hành vi bạo hành trẻ em để cùng nhau xây dựng thế hệ tương lai tốt đẹp hơn.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về hành vi “bạo hành trẻ em” tại các trường mầm non ở Việt Nam. Hy vọng bài viết “Một số vấn đề cần biết về bạo hành trẻ em ở trường mầm non” có thể cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho bạn đọc!

>> Đọc thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.