Vốn lưu động là loại vốn được sử dụng để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy vốn lưu động là gì? Ý nghĩa của vốn lưu động ra sao, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn nhé.
Vốn lưu động hay còn gọi là Working Capital, là một phần vốn hoạt động của doanh nghiệp. Có vốn lưu động, doanh nghiệp mới có thể duy trì hoạt động kinh doanh hàng ngày. Nếu không đủ vốn lưu động, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể sẽ bị gián đoạn hoặc nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến phá sản.
Vốn lưu động được tính theo công thức:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn - Các khoản nợ ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn trong doanh nghiệp là các khoản tiền hoặc các khoản tương đương tiền mà doanh nghiệp có được. Số tài sản này có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian dưới 1 năm.
Các khoản nợ ngắn hạn bao gồm các khoản cần trả cho nhà cung cấp, các khoản tiền nhận trước từ người mua hàng, các khoản thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước, các khoản phải trả cho người lao động, trả nội bộ ngắn hạn, phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Theo công thức trên, doanh nghiệp có thể tính được vốn lưu động. Nếu vốn lưu động là số dương chứng tỏ tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đang lớn hơn các khoản nợ ngắn hạn. Điều này chỉ ra rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể diễn ra bình thường.
Nếu vốn lưu động là số âm chứng tỏ tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đang nhỏ hơn nợ ngắn hạn. Tình tràng vốn lưu động âm khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái nguy hiểm bởi khả năng doanh nghiệp phá sản là rất cao.
Vòng quay vốn lưu động là số ngày hoàn thành chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số vòng quay vốn lưu động là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá được hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Công thức tính vòng quay vốn lưu động như sau:
Vòng quay vốn lưu động = Doanh thu thuần / Vốn lưu động bình quân
Trong đó:
Doanh thu thuần: là số tiền doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng
Vốn lưu động bình quân: vốn lưu động bình quân hàng năm bằng tổng vốn lưu động của 12 tháng chia cho 12.
=> Vòng quay vốn lưu động càng lớn chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động tốt, tỷ lệ lợi nhuận cao, khả năng thu hồi vốn tốt và nhanh, giảm thiểu được hàng tồn kho.
=> Vòng quay vốn lưu động càng nhỏ chứng tỏ công ty đang gặp vấn đề trong kinh doanh, tỷ lệ lợi nhuận không cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, chậm phát triển, không thu được lợi nhuận.
Để có thể quản lý vòng quay vốn lưu động, doanh nghiệp cần thực hiện công tác:
Quản lý hàng tồn kho: quản lý hàng tồn kho hiệu quả để đưa ra hướng kinh doanh hợp lý, tránh tình trạng sản xuất tràn lan, dư thừa hàng hóa, giúp giảm thiểu chi phí, đảm bảo không sử dụng phung phí vốn lưu động vào hoạt động không hiệu quả.
Quản lý tiền mặt: Quản lý tiền mặt tốt để biết được tình hình tài chính trong kinh doanh, từ đó quản lý tốt chi phí bán hàng cũng như kịp thời bổ sung thêm tiền mặt để chi trả cho các khoản phát sinh.
Quản lý nợ: Quản lý tốt các khoản nợ giúp doanh nghiệp quản lý tốt vòng quay vốn lưu động. Nếu doanh nghiệp bán hàng cho khách nhưng không thu hồi tiền trong thời hạn cho phép sẽ dễ dẫn đến không đủ vốn để tiếp tục đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp cần có biện pháp thu hồi nợ để đáp ứng tình hình kinh doanh.
Hy vọng bài viết trên đây của Vieclam123 đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu hơn “vốn lưu động là gì”. Hãy theo dõi thêm nhiều bài viết của Vieclam123.vn để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé.
>> Xem thêm tin:
Chia sẻ