close
cách
cách cách cách

Thuyết minh về con trâu làng thân thuộc ở làng quê Việt Nam

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Con trâu vốn là một con vật  quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu kỹ hơn những thông tin thú vị về loài động vật hiền lành, chăm chỉ, nhiều lợi ích này qua bài văn thuyết minh về con trâu làng ở Việt Nam.

1. Dàn ý thuyết minh về con trâu về con trâu làng ở Việt Nam

1.1. Mở bài: Giới thiệu về con trâu

Cách 1: Giới thiệu khái quát về con trâu

Một trong những con vật thân thuộc và hữu ích nhất ở làng quê Việt Nam, giúp đỡ người nông dân những công việc đồng áng là con trâu. Con trâu từ lâu đã trở thành người bạn gắn bó với người nông dân, trở thành biểu tượng cho tính cần cù, chăm chỉ, hiền lành của người nông dân Việt.

Cách 2: dẫn dắt từ một câu thơ, câu ca dao về con trâu.

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày là việc nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”

hay:

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

hay trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam

“Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”

Hinh ảnh con trâu hiền lành, chăm chỉ, gắn bó với công việc đồng áng hàng ngày của người nông dân đã trở nên quen thuộc và đi vào ca dao một cách vô cùng tự nhiên. Những chú trâu thong dong gặm cỏ trên đồng, lúc nằm lười dưới gốc cây to, khi chăm chỉ cày trên đồng ruộng có những đặc tính vô cùng thú vị. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về loài vật đáng yêu này nhé.

1.2. Thân bài: Thuyết minh về đặc điểm, công dụng, ý nghĩa của con Trâu

*Nguồn gốc, đặc điểm chung về hình dáng của loài trâu.

- Loài trâu ở Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, có đặc tính hiền lành và biết nghe lời, không hung dữ hoặc nổi loạn như những loài trâu rừng hay loài trâu không thuần. Trâu được nuôi ở rộng khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn.

- Hình dáng và đặc điểm bên ngoài của loài trâu có sự khác biệt giữa giống đực và giống cái, cụ thể:

+ Giống đực: có tầm vóc cao lớn hơn con cái, phía trước thường cao hơn hẳn, phía sau thấp hơn.

+ Giống cái: Con cái thường nhỏ hơn con đực, linh hoạt hơn trong chuyển động.

=> Tuy vậy, nhưng các giống trâu nhìn chung đều hiền lành, đều có những đặc điểm chung, cụ thể như:

+ Cân nặng trung bình khoảng 250-500kg, có sự khác biệt giữa trâu đực, trâu cái và độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của từng chú trâu.

+ Các bộ phận như đầu, cổ, thân, chân, đuôi, và da: đầu dài, trên đầu là cặp sừng dài, cong vút, trán rộng, phẳng, hơi gồ, da khô, mắt to, tròn, đen láy, lanh lẹ, miệng trâu rộng, khít, răng nhiều, nhưng hàm trên không có răng mà chỉ có một miếng đệm rất dai, dẻo. Trâu là loài động vật nhai lại, thường ăn thực vật, đặc biệt là cỏ và có thể nhai được cỏ khô, rơm khô trong mùa đông hay trong điều kiện khan hiếm thức ăn.

+ Chân trâu rất khỏe, có thể chống đỡ cả cơ thể, đuôi trâu to, dài, thường phe phẩy để đuổi một số loài như ruồi, muỗi.

=> Chính những đặc điểm riêng về cơ thể này mà loài trâu rất thích hợp với công việc đồng áng, dễ nuôi, dễ bảo nên có thể chung sống hòa thuận với cuộc sống của người nông dân Việt.

*Lợi ích to lớn mà loài trâu mang lại cho người nông dân Việt.

Trâu là loài vật mang đến rất nhiều lợi ích, không chỉ có giá trị với nông nghiệp mà còn mang lại những giá trị tinh thần to lớn.

+ Trâu được sử dụng với mục đích hỗ trợ người nông dân trong công việc đồng áng, đến mùa cấy gặt hay trồng hoa màu, đất cần được cày bừa lên để thêm phần tơi xốp, trâu sẽ kéo cày đúng như câu nói “con trâu theo trước cái cày theo sau”.

+ Trâu có thể sinh sản và tạo ra nhiều lứa trâu, trâu con có thể được nuôi lớn để tiếp tục phục vụ cày bừa, cũng có thể được bán đi để có thêm thu nhập. Trâu 3 năm tuổi có thể đẻ được lứa đầu, một đời trâu có thể đẻ được từ 5-6 nghé con.

+ Trâu được sử dụng như một nguồn cung cấp thịt cho con người, khả năng cho thịt của trâu là 45%, hơn thế nữa, trâu còn có khả năng cho sữa, da trâu có thể làm được mặt trống, làm giày, sừng trâu có thể làm đồ mỹ nghệ hoặc đồ trang trí trong nhà.

+ Một trong những lợi ích to lớn mà trâu đóng góp cho việc phát triển nông nghiệp là tạo ra phân trâu, hữu ích trong việc nuôi dưỡng cây trồng, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, tiết kiệm được một khoản chi phí khác cho người nông dân.

- Bên cạnh những lợi ích về nông nghiệp, trâu còn gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

+ Trâu từ lâu đã trở thành người bạn của người nông dân trên ruộng đồng, những hôm cày bừa vất vả hay những lúc nghỉ ngơi dưới bóng cây đều có trâu làm bạn.

+ Những đứa trẻ nông thôn ngay từ bé đã được đi chăn trâu, cắt cỏ, những hôm dắt trâu ra đồng, tụ tập với những trò chơi thả diều, nướng ngô khoai => Loài trâu gắn bó với những kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp không thể nào quên đối với mỗi người.

+ Trâu còn xuất hiện trong các lễ hội, mang đến sự giải trí và giá trị tinh thần cao cho những người đi xem hội, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa Việt. Một số lễ hội chọi trâu nổi tiếng như hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, hội đâm trâu ở Tây Nguyên, là biểu tượng của Sea Game 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam.

1.3. Kết bài: Khái quát lại nội dung về con Trâu

Tổng kết lại nội dung thuyết minh, nêu cảm nghĩ cá nhân

Trâu là loài vật thích hợp với cuộc sống thôn quê Việt Nam. Chính bởi những lợi ích to lớn cũng như giá trị mà trâu mang lại, loài vật hiền lành này được yêu quý bởi biết bao thế hệ người nông dân Việt. 

2. Bài văn mẫu thuyết minh về con trâu làng ở Việt Nam

2.1. Bài văn mẫu thuyết minh về con trâu làng ở Việt Nam số 1

Con trâu là hình ảnh vô cùng quen thuộc, gắn bó mật thiết với làng quê Việt Nam, với những khóm tre, cánh đồng ruộng và người nông dân chân lấm tay bùn, không gì có thể thay thế được. Từ bao đời nay, mỗi khi nhắc đến con trâu là chúng ta sẽ lại nghĩ ngay đến những vai trò, lợi ích vô cùng to lớn của nó đối với nền nông nghiệp của nước nhà. Đó cũng chính là biểu tượng của việc không ngại gian khổ của người nông dân Việt Nam.

Những con trâu ở Việt Nam hiện nay là những con trâu rừng đã được đưa về nuôi và thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố khá rộng rãi ở khắp Việt Nam và một số nước ở châu Á. Người Việt không chỉ biết săn trâu mà còn biết thuần hóa những con trâu rừng biến chúng thành vật nuôi, lợi dụng sức khỏe của trâu để phục trong việc đồng áng, hỗ trợ trong lao động sản xuất. Trâu là một loại động vật ăn cỏ thuộc lớp có vú, thân hình của trâu vô cùng to lớn, lông mọc ở trên thân con trâu là lông mao thường có màu đen đậm. Da trâu rất là dày và bóng loáng, có thể màu đen hoặc màu đen vàng. Hai tai của trâu như hai cái lá sung lúc nào cũng vẫy vẫy để đuổi ruồi. Bên cạnh đó tai trâu cũng vô cùng thính giúp trâu có thể nghe được tất cả những âm thanh từ khá xa. Mũi trâu lúc nào cũng ươn ướt, màu đen, người ta thường luồn dây thừng vào mũi trâu để dễ kéo đi theo ý muốn của mình. Mắt của trâu rất to và tròn, trâu và bò đều là 2 động vật thuộc nhóm động vật nhai lại do chúng chỉ có một hàm răng dưới để nhai thức ăn. So với kích thước của cơ thể thì đuôi của trâu hơi ngắn. Hai cái sừng trâu ở phía trên đầu uốn cong như hình lưỡi liềm giúp trâu bảo vệ bản thân trước sự tấn công của kẻ thù Sừng trâu khá dài nhưng phía bên trong thì đều rỗng tuếch. Trâu mỗi năm sẽ sinh con từ 1 đến 2 lần, mỗi lần là một con. Những con trâu mới được sinh ra được gọi là nghé, nghé vừa chào đời sẽ có cân nặng khoảng 20-25 kg. Khi mới sinh ra khoảng vài giờ đến một ngày thì nghe đã có thể tự đứng dậy, mấy ngày sau có thể mở mắt và đi lại bú sữa mẹ. Trâu nuôi con bằng sữa tiết ra từ tuyết vú. Những chú nghé lớn rất nhanh và chưa có sừng như trâu trưởng thành còn lại các bộ phận khác không hề khác so với trâu mẹ.

con trâu là con vật quen thuộc với người dân Việt Nam

Trâu có hai loại là trâu đực và trâu cái, chúng đều có đặc tính, bản chất giống nhau nhưng hình dáng và kích thước thì khác nhau tuy nhiên không đáng kể.Trâu đực thường có ngoại hình bên ngoài to lớn hơn trâu cái, những cái sừng cũng to, nhọn và dày hơn, đôi chân thì chắc chắn , lúc chạy vô cùng nhanh. Đầu trâu đực thường có kích thước lớn hơn trâu cái một chút. Tuy có sự khác nhau như vậy nhưng bản chất những con trâu lại là con vật hiền lành nhưng khá nặng nề trong việc đi lại. Mỗi con trâu trưởng thành thường nặng từ 300-600 kg tùy vào sức khỏe và thể trạng của mỗi con. Sức chịu lực của trâu rất dẻo dai, nó có thể kéo được rất nhiều đồ đạc có khối lượng lớn hơn cân nặng của nó. Không giống như những động vật khác thì trâu có một kiểu ngủ khá đặc biệt đó là hai chân của trâu sẽ gập vào trong và đầu sẽ để trên đó để ngủ. Để có thể nuôi được trâu không hề khó như mọi người vẫn nghĩ. Vì trâu làm việc từ sáng đến tối nên cho ăn 3 bữa chính là sáng sớm, trưa, tối. Cỏ là thức ăn chính của những con trâu nên vào mùa xuân và mùa hạ chúng ta có thể dễ dàng tìm được cỏ trên những cánh đồng, những đồi cỏ để cho trâu ăn. Còn vào những ngày đông rét buốt nhất là các tỉnh thành ở phía Bắc nhiệt độ có thể xuống tới 5-7 độ C vì vậy cỏ không thể mọc được. Cho nên tốt nhất chúng ta nên dự trữ trước cỏ khô hoặc rơm rạ cho cho trâu ăn. Ủ xanh cỏ cũng là cũng là một cách rất tốt vừa giúp cỏ được tươi lâu, cỏ được ủ bổ sung hệ vi sinh cho đường ruột giúp hệ tiêu hóa của những con trâu hoạt động tốt hơn. Sau khi trâu làm việc mệt nhọc mới về đừng cho trâu ăn ngay mà hãy cho chúng được nghỉ ngơi rồi pha ít nước muối pha loãng sau đó ta mới cho trâu ăn. Hằng ngày phải cũng cấp đủ nước cho những con trâu với 20 lít nước/ 1 con trâu/ 1 ngày. Muốn những con trâu luôn được khỏe mạnh để chúng hỗ trợ trong việc đồng áng thì cần phải có chế độ chăm sóc, ăn uống, ngủ nghỉ thật phù hợp và chu đáo. Sau khi từ cánh đồng về, hãy xoa bóp vai cày cho những con trâu bởi đó là bộ phận sử dụng nhiều nhất trong ngày. Tắm mỗi ngày khoảng 30-45 phút để có thể điều hòa được nhiệt độ cơ thể của chúng. Trong mỗi buổi cày , không nên bắt trâu cày liên tục trong nhiều giờ mà cần cho trâu nghỉ ngơi từ 3-5 lần , mỗi lần như vậy khoảng 15-20 phút để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chúng, tránh để trâu làm việc quá lâu sẽ không hiệu quả.Còn nếu trâu phải làm việc cả tuần thì cần cho chúng nghỉ một ngày không nên bắt chúng làm việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và lâu dần sẽ bị suy yếu. Nếu trong quá trình làm việc mà thấy sức của những con trâu có dấu hiệu bị sụt giảm cần cho nghỉ ngơi 1 tuần để cho lại sức, bồ bổ nhiều cỏ tươi và cháo cám. Đối với những người nông dân thì con trâu chính là tất cả tài sản của họ cho nên việc chăm sóc, bảo vệ chúng là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.

Quanh năm suôt tháng những con trâu cùng người nông dân chăm lo chuyện đồng áng. Những con trâu to khỏe, chăm chỉ, cần cù nên thường phải làm những công việc rất nặng nhọc, vất vả của nhà nông. Từ sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc, những con trâu đã cùng những người nông dân ở trên những cánh đồng cho đến khi màn đêm đã buông xuống những con trâu vẫn miệt mài bên những luống cày..

con trâu là con vật mang lại nhiều lợi ích

Trâu là nguồn cung cấp sức kéo vô cùng quan trọng cho người nông dân, lực kéo trung bình của một con trâu ở trên những cánh đồng là khoảng 70-80 kg. Những con trâu loại A mỗi ngày cày được 3-4 sào ruộng, loại B sẽ là khoảng 2-3 sào ruộng và cuối cùng loại C là từ 1,5-2 kg. Sức của con trâu còn được sử dụng để kéo đồ đạc, chở hàng hóa nếu ở trên đường tốt thì có thể kéo được 700-800 kg còn nếu ở trên đường xấu thì ccó thể kéo được 400-500 kg. Trong trường hợp kéo trên đường nhựa thì có thể lên tới 1 tấn hàng, trường hợp kéo trên đường đồi núi những chú trâu có thể kéo được 1m^3gỗ trên đoạn đường từ 3-5 km. Trâu làm việc với cường độ mạnh như vậy, sử dụng nhiều sức lực như vậy nhưng bữa ăn của trâu vô cùng đơn giản chỉ có rơm và cỏ. Trâu cũng là một nguồn cung cấp thực phẩm cho con người sử dụng. Thịt trâu chứa nguồn dinh dưỡng chất đạm rất cao và chất béo khá thấp. Bên cạnh đó sữa trâu cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo vô cùng dồi dào. Da của con trâu có thể dùng làm mặt trống hoặc làm giày dép. Sừng trâu được sử dụng để sản xuất đồ mĩ nghệ như lược, tù và,… Con trâu không chỉ đóng góp vào đời sống vật chất của người nông dân Việt Nam mà còn đóng góp vô cùng lớn vào đời sống tinh thần của mọi người dân nơi đây. Đã từ xa xưa, trâu là một trong 12 con giáp và trở thành con vật gắn liền với tuổi đời của con người sinh năm con trâu, những người mang tuổi trâu thường rất hiền lành và chịu khó. Trong đời sống tinh thần, con trâu là một con vật vô cùng thiêng liêng và được tôn trọng dùng để tế lễ thần linh vào trong các ngày lễ như lễ hội cơm mới, lễ hội xuống đồng. Những con trâu chăm chỉ cũng gắn liền với các lễ hội, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Những con trâu được chăm sóc một cách vô cùng cẩn thận, được luyện tập chu đáo. Những con trâu tham gia vào lễ hội đều có thân hình to lớn, vạm vỡ với cặp sừng hình vòng cung nhọn hoắt, da trâu đen bóng loáng tất cả như chỉ chờ lệnh được vào sân. Trong tiếng trống rộn ràng cùng tiếng ro hò nhiệt tình của những người cổ vũ hai con trâu đấu với nhau.Tìm Trâu là một động vật rất to lớn và chịu khó. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, những cánh đồng lúa, những mảnh ruộng cày đã gắn bó với đời sống của những người nông dân Việt Nam từ bao đời nay. Công việc đồng áng vô cùng khó khăn và vất vả nhưng những người nông dân vẫn luôn có một “người bạn” ở cạnh giúp đỡ mình đó là chú trâu. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù có gian nan vất vả chỉ cần người nông dân cần đến thì những con trâu sẵn sàng, không ngại gian lao để cùng người nông dân cày cấy những thửa ruống đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Người nông dân vẫn hay nói với nhau rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng những con trâu thì không cần gì ngoài những ngọn cỏ ngoài đồng cùng một nơi để nghỉ ngơi lúc hoàn thành công việc. Những ngày nhàn rỗi, trâu lại làm bạn với tiếng sao trong trẻo trên đồi cỏ, những cánh diều mộng mơ của những đứa trẻ mục đồng. Những chú bé cưỡi trên lưng trâu đùa nghịch tạo nên những kỷ niệm tuổi thơ khó quên trong cuộc đời của các em cho đến tận sau này. Là một loài động vật giúp ích cho những người nông dân ngoài ra những con trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu chứa rất nhiều hàm lượng chất đạm và chứa ít hàm lượng chất béo. Sữa trâu cung cấp cho người sử dụng một lượng chất đạm và chất béo dồi dào. Da trâu được sử dụng trong việc sản xuất mặt trống, làm giày dép. Sừng trâu sẽ được sử dụng làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và,…Con trâu còn gắn liền với lễ hội truyền thống của nước Việt Nam như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc một cách chu đáo, cẩn thận từ rất lâu để chuẩn bị thật tốt cho ngày lễ hôm đó. Con nào cũng rất vạm vỡ, sừng cong và nhọn hoắt, da bóng loáng trông rất oai phong hùng dũng chỉ chờ vào sân để thi đấu trong tiếng trống giục giã, trong tiếng reo hò của người cổ vũ. Tìm hiểu nguồn gốc của lễ hội chọi trâu thì nó mang ý nghĩa vô cùng lớn lao và quan trọng. Ngoài để vui chơi, giao lưu thì còn để tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần đã giúp đỡ trong thời gian vừa qua ; vừa để duy trì kỷ cương phong tục của làng xã và cầu nguyện cho công việc được thuận lợi. Ngoài ra chúng ta có thể kể thêm một lễ hội đó là lễ hội đâm trâu. Đây là phong tục tập quán của những người dân ở Tây Nguyên. Câu trâu bị giết sẽ được đưa đi xẻ thịt và chia đều cho tất cả những hộ gia đình ở buôn làng cùng chúc mừng một mùa màng thội thu. Người Đồ Sơn gắn lễ hội chọi trâu với việc thờ cúng thành hoàng làng với mong muốn những chuyến đi ra biển thuận buồm xuôi gió vì vậy ngày hội càng trở nên thiêng liêng và trang trọng.

con trâu gắn liền với những lễ hội

Hình ảnh những con trâu đã in sâu vào trong ký ức của những đứa bé lớn lên tại vùng quê. Chắc ai cũng biết Đinh Bộ Lĩnh đã làm nên lịch sử khi thống lĩnh được 12 sứ quân, người đã từng có một tuổi thơ gắn bó với những những con trâu qua những trò đánh trận giả hay là trò đua trâu đầy hấp dẫn. Chắc rằng mỗi chúng ta đều đã bắt gặp hình ảnh rất nên thơ của làng quê Việt Nam đó là hình ảnh những chú bé mục đồng ngồi trên lưng trâu đọc sách hay hình ảnh những cậu bé mục đồng đang thổi sáo bên những con trâu,… tất cả những hình ảnh đó đều trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân tranh Đông Hồ và các nhà văn học.Con trâu là biểu tượng của Seagames 22 Đông Nam Á được tổ chức ngay tại Việt Nam. Biểu tượng con trâu vàng mặc bộ quần áo của các vận động viên của nước khác vào ngày 25/12/2002 đã tôn vinh sự trân trọng và yêu quý của người dân Việt Nam dành cho con trâu. Mang một ý nghĩa hết sức to lớn về mọi mặt trong đời sống của những người nông dân, con trâu đã trở thành một con vật không thể thiếu và xứng đáng để họ có trách nhiệm bảo vệ, nâng niu và quý trọng. Cho dù bây giờ cuộc sống hiện đại, có rất nhiều các loại máy móc thay thế vai trò của những con trâu trong lao động sản xuất nhưng ý nghĩa của nó mang lại thì không gì có thể thay thế được trong cuộc sống của nông dân Việt Nam với hình ảnh cần cù, chung thủy đã in sâu vào trái tim mỗi người.

2.2. Bài văn mẫu thuyết minh về con trâu làng ở Việt Nam số 2

“Ai bảo chăn trâu là khổ

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”

(Quê hương_Giang Nam)

Đã từ lâu, hình ảnh con trâu không chỉ gắn với cái cuốc,cái cày, những công việc đồng áng mà còn gắn bó với kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp của nhiều thế hệ trẻ. Con trâu đã trở thành người bạn của người nông dân Việt, đóng một vai trò quan trọng, không chỉ đối với nông nghiệp mà còn có giá trị tinh thần to lớn.

Trâu Việt Nam là giống trâu thuần chủng, hiền lành, được gọi là trâu đầm lầy, xuất hiện ở khắp các vùng nông thôn trên mọi miền Tổ Quốc. 

Về đặc điểm hình dáng, trâu có sự khác biệt giữa giống đực và giống cái, giống đực thường to hơn, giống cái nhỏ hơn nhưng lại linh hoạt hơn trong chuyển động. Trâu có đầy đủ các bộ phận như đầu, cổ, thân mình, chân, đuôi. Điều đặc biệt, trâu có miệng rộng, chỉ có một hàm dưới, hàm trên không có răng chỉ có miếng đệm rất dẻo, dẻo, phù hợp với đặc tính của động vật nhai lại. Nói về đặc điểm này của loài trâu, có một bài ca dao như sau:

“Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao”

Câu ca dao trên đồng thời cũng nói thêm về một đặc tính nữa của loài vật này là rất dễ nuôi, thức ăn chính là cỏ, một loài cây phổ biến và dễ tìm ở vùng nông thôn Việt Nam.

Loài trâu to khỏe phù hợp với tính chất công việc là cày bừa, làm những công việc nặng nhọc hỗ trợ người nông dân. Bên cạnh đó, trâu cũng mang đến nhiều giá trị khác như nuôi lấy thịt, da trâu làm đồ trang trí, trang sức, vật dụng, sừng trâu làm đồ mỹ nghệ. Đúng như ca dao xưa đúc kết:

“Thời sống mày đã thương tao

Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày

Thịt mày tao nấu linh đình

Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ

Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa.”

Không chỉ góp phần quan trọng trong đời sống vật chất, con trâu còn đóng góp to lớn vào nâng cao giá trị tinh thần của người Việt. Trâu là con một con vật xuất hiện trong 12 con giáp, là những con vật thân thuộc nhất của người Việt. Những người tuổi trâu thường là người hiền lành, chăm chỉ, cần cù, giống như đặc tính của linh vật thiêng liêng đại diện cho nó.

Trâu trở thành người bạn của người nông dân cả những khi ở trên ruộng đồng hay những lúc nghỉ ngơi. Đối với trẻ thơ, trâu còn là loài vật gắn với những kỉ niệm không thể nào quên, những buổi thả diều, cắt cỏ, những buổi nhặt rạ nướng khoai trong khi chăn trâu, những khi gió mát được nằm trên thảm cỏ xanh tươi mơ mộng…

Hơn thế nữa, trâu còn gắn với những lễ hội đình đám, thu hút đông đảo người xem, như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo, con nào cũng vạm vỡ, to khỏe, sừng cong vút, hứa hẹn mang đến cho khán giả những màn biểu diễn tốt nhất. Âm thanh rộn rã, sống động, giục giã và không khí háo hức trong lễ hội là một nét đặc trưng ở Việt Nam. Ngoài ra, ở một số vùng như ở Tây Nguyên còn có lễ hội đâm trâu với mục đích cầu mong cho buôn làng một mùa màng bội thu.

Con trâu của quê hương đất Việt còn vượt ra khỏi lũy tre làng để trở thành biểu tượng của SEA Game 22, tượng trưng cho sức mạnh, tinh thần thượng võ, sự trung thực. Hình ảnh chú trâu xuất hiện làm hình ảnh trang trí cho nhiều vật dụng và đồ trang trí càng thể hiện sự thân thuộc và tầm quan trọng của loài vật này trong cuộc sống của người Việt.

Như vậy, chắc hẳn mỗi người đã có những hiểu biết chung nhất về con trâu Việt Nam, loài vật hiền lành, chăm chỉ, mang tới nhiều giá trị quý báu. Loài vật này sẽ mãi trở thành biểu tượng thân quen của mỗi người con đất Việt.

Trên đây là dàn ý chi tiết và bài văn mẫu thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam. Vieclam123.vn chúc các bạn học tốt và đạt điểm cao trong các kì thi.

>> Tham khảo thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.