Khi bạn chuẩn bị phỏng vấn cho một công việc mới, hãy lưu ý rằng không phải tất cả các câu hỏi đặt ra trong buổi phỏng vấn đều sẽ liên quan trực tiếp đến vị trí công việc bạn ứng tuyển. Nếu người phỏng vấn cảm thấy bạn là một ứng viên lý tưởng cho vị trí công việc, họ sẽ đi sâu hơn với các câu hỏi của mình.
Nếu người phỏng vấn đang cân nhắc bạn cho vị trí công việc, họ sẽ muốn biết liệu bạn có phải là người giỏi toàn diện và phù hợp hoàn toàn với văn hóa công ty không, họ sẽ muốn biết liệu bạn có những niềm đam mê như thế nào. Người phỏng vấn có thể hỏi bạn về sở thích cá nhân, mối quan tâm và các hoạt động ngoài công vì vậy hãy chuẩn bị trước tinh thần để trả lời những câu hỏi như vậy.
Chú ý: Nhà tuyển dụng hỏi thêm về sở thích để tìm hiểu khả năng cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc hằng ngày của bạn.
Họ muốn biết xem bạn có cuộc sống ngoài công việc như thế nào và đảm bảo rằng nó sẽ không ảnh hưởng xấu đến năng suất làm việc của bạn ra sao.
Khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn kiểu này, hãy đưa ra câu trả lời trung thực, nhưng đừng đi quá sâu vào chi tiết, đề phòng trường hợp những sở thích đó sẽ ảnh hưởng đến sự tận tâm, cống hiến với công việc mà bạn đang muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy. Ví dụ, nếu sở thích của bạn là đi du lịch, cách 2-3 tháng bạn đi du lịch 1 lần, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy lo lắng về tiến độ công việc khi thuê bạn.
Trước khi phỏng vấn, hãy tìm hiểu về công ty và xác định xem liệu sở thích hoặc mối quan tâm của bạn phù hợp với văn hóa công ty không. Đó chính là những sở thích bạn nên nhấn mạnh nếu người phỏng vấn ra câu hỏi này. Tránh những câu trả lời khiến bạn trông có vẻ không hứng thú hoặc tệ hơn là trở nên không phù hợp với công việc. Giữ cho câu trả lời của bạn ngắn gọn thôi.
Dưới đây là một số ví dụ các câu trả lời mẫu của Vieclam123 có thể giúp ích cho bạn khi gặp phải những câu hỏi về sở thích cũng như mối quan tâm của bản thân. Bạn có thể tham khảo những ví dụ này và lên ý tưởng cho câu trả lời của riêng mình.
Ví dụ 1: Một trong những sở thích cá nhân của tôi là tập thể dục và tôi nhận ra rằng công ty bạn có một phòng thể hình dành riêng cho các nhân viên. Điều này đối với tôi rất hấp dẫn, không chỉ vì tôi có thể luyện tập ở đó mà tôi còn có nhiều cơ hội gặp gỡ những nhân viên khác trong công ty và làm quen với họ một cách bình thường, tự nhiên hơn.
=> Tập thể dục và các sở thích liên quan đến thể dục, thể thao sẽ thể hiện sức khỏe thể chất, năng lượng, sức sống và khả năng xử lý căng thẳng của bạn. Nếu một ứng viên lớn tuổi tận hưởng việc tập thể dục như một sở thích, nó sẽ góp phần làm nhẹ mối quan tâm của nhà tuyển dụng đến vấn đề tuổi tác của ứng viên. Người phỏng vấn cũng sẽ hài lòng hơn khi biết rằng bạn quan tâm đến việc tìm hiểu các nhân viên - đồng nghiệp cùng công ty, đặc biệt nếu công ty bạn chú trọng phong cách làm việc theo nhóm.
Nhưng hãy nhớ rằng trên tất cả, bạn phải trung thực. Bạn không muốn khoe khoang rằng sở thích của mình là chơi golf nhưng khi được mời đến một buổi giao lưu công ty có hoạt động chơi golf, bạn lại không biết làm gì cả.
Ví dụ 2: Tôi thích các công việc tình nguyện và hoạt động cộng đồng. Tôi tham gia huấn luyện không công cho đội bóng rổ thành phố. Tôi cũng tình nguyện vài giờ mỗi tuần tại một tổ chức xã hội để phân phát quần áo và đồ đạc cho trẻ em gặp khó khăn.
=> Các công việc tình nguyện thể hiện lòng nhân hậu và sự quan tâm của bạn đến mọi người xung quanh. Làm việc cho các tổ chức cộng đồng cũng là một cách tốt để xây dựng các mối quan hệ và tìm kiếm khách hàng tiềm năng có chung sở thích với bạn.
Ví dụ 3: Một trong các hoạt động ngoại khóa của tôi là đảm bảo theo kịp những thay đổi trong lĩnh vực chuyên môn cũng như tiếp tục việc học, trau dồi kiến thức. Như bạn đã biết, chúng ta phải hoàn thành giờ học bắt buộc và vượt qua bài kiểm tra trình độ, kỹ năng mỗi năm. Tôi cải thiện kiến thức chuyên môn của mình bằng cách đọc các cuốn tạp chí chuyên ngành, tham gia các buổi hội thảo và thỉnh thoảng đăng kí lớp học trực tuyến (hoặc truyền thống). Tôi cũng thường được khen thưởng là nhân viên có kỹ năng chuyên môn vững chắc trong công ty.
=> Một số ngành nghề sẽ đòi hỏi bạn phải cập nhật những thay đổi mới nhất bằng cách tham gia các khóa đào tạo và theo dõi các cuộc họp, hội nghị, thường xuyên đọc báo, tạp chí... Chỉ rõ ra rằng bạn làm được tất cả những điều này sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy yên tâm hơn.
Ví dụ 4: Tôi có nhiều sở thích khác nhau. Tôi thích đi bộ đường dài với chú chó của mình mỗi khi có cơ hội. Tôi thích dành thời gian để ở bên gia đình. Tôi cũng rất thích chơi trò sudoku tính giờ hay giải câu đố thường kỳ trên báo. À, tôi thích cả nấu ăn nữa.
=> Nếu bạn trung thực, những điều này được coi là tích cực. Tăng cường thể chất và quan tâm đến vật nuôi, gia đình luôn là những đức tính tốt. Trò chơi giải câu đó và nối số giúp rèn luyện trí thông minh cũng như khả năng suy luận nhanh. Nấu ăn, bày biện trang trí giúp gợi mở một sự sáng tạo nhất định. Những yếu tố này sẽ phần nào ảnh hưởng tích cực đến công việc của bạn - hãy liên hệ chúng với nhau.
Hãy tự tin. Một số người sẽ cảm thấy bất ngờ bởi những câu hỏi không liên quan đến công việc. Đừng để chúng ảnh hưởng đến câu trả lời của bạn. Nếu cần thiết, hãy tạm dừng và suy nghĩ một chút, sau đó trả lời một cách tự tin như bạn đã làm với các câu hỏi phỏng vấn trước.
Cố gắng liên hệ sở thích của bạn với công việc hoặc công ty. Nếu có thể, hãy kết nối sở thích của bạn với nội dung công việc hoặc văn hóa công ty. Điều này sẽ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn đến ngành nghề bạn hứng thú. Ví dụ, nếu bạn đang xin việc trong lĩnh vực trò chơi điện tử, hãy nói đến niềm đam mê của bạn với một số trò chơi điện tử nhất định.
Bạn cũng có thể tập trung câu trả lời của mình vào thể hiện những phẩm chất tích cực, gián tiếp giúp bạn đạt được thành công trong công việc. Ví dụ, nếu công việc của bạn đòi hỏi phải viết và biên tập nhiều, bạn có thể đề cập đến niềm đam mê đọc tiểu thuyết hoặc viết truyện riêng của mình.
Giải thích cách bạn cân bằng sở thích với trách nhiệm trong cuộc sống hằng ngày. Đừng chỉ nêu ra một sở thích và để nó ở đó. Tiếp tục (ngắn gọn) giải thích cách bạn kết nạp sở thích vào cuộc sống của mình. Nếu sở thích của bạn là trồng cây, làm vườn, bạn có thể nói rằng mình tham gia chăm sóc vườn hoa khu phố và dành vài giờ ở đó mỗi cuối tuần. Chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn luôn cố gắng theo đuổi mối quan tâm của mình.
Tuy nhiên, bạn cũng phải tránh thể hiện rằng mình dành toàn bộ (quá nhiều) thời gian cho sở thích cá nhân. Hãy chứng minh rằng bạn có sở thích nhưng cũng có nhiều thời gian để hoàn thành tốt công việc.
Giải thích lý do tại sao bạn yêu thích nó. Bên cạnh việc nói về cách bạn kết nạp sở thích vào cuộc sống hằng ngày như thế nào, hãy giải thích thêm (ngắn gọn) lý do tại sao bạn bạn có mối quan tâm đó. Có lẽ bạn thích làm vườn vì bạn muốn tận hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh. Có thể bạn chơi các môn thể thao đồng đội vì bạn thích làm việc nhóm với người khác. Bằng cách lý giải tại sao bạn yêu thích một điều gì đó, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rõ hơn con người cũng như các yếu tố khiến bạn trở nên khác biệt.
Trả lời một cách ngắn gọn. Hãy cung cấp đầy đủ các thông tin một cách ngắn gọn. Đừng độc thoại 10 phút về loài cây yêu thích hoặc những câu chuyện trước đây của bạn. Câu hỏi về sở thích này chỉ là phần phụ của buổi phỏng vấn.
Hãy trung thực. Hãy đảm bảo những gì nói ra là sở thích thật sự của bạn. Nếu bạn được nhận, nhà tuyển dụng có thể sẽ nhớ sở thích của bạn và phát hiện bạn nói dối khi mời bạn tham gia vào hoạt động của sở thích đó. Đừng tự đưa mình vào hoàn cảnh khó khăn vì lỡ nói dối. Ngoài ra, hãy chuẩn bị cho những câu hỏi có thể xảy ra tiếp theo như nếu bạn nói rằng mình yêu thích phim ảnh, người phỏng vấn có thể hỏi về bộ phim bạn yêu thích nhất hoặc bộ phim cuối cùng bạn xem ở rạp là gì.
Những điều không nên nói
Đừng nói về những sở thích có thể gây tranh cãi. Nếu sở thích của bạn là chống đối đảng, chính trị hoặc sùng bái tôn giáo, hãy giữ điều đó cho riêng mình. Bạn không biết quan điểm của người phỏng vấn là gì, và bạn không muốn xúc phạm họ cũng như đưa ra một chủ đề khó.
Đừng đề cập đến những vấn đề quá cá nhân. Đừng nói về việc cá nhân trừ khi chúng liên quan đến sở thích của bạn. Bạn sẽ không muốn kể về những vấn đề sức khỏe hoặc khó khăn gia đình trong buổi phỏng vấn. Cũng đừng hỏi người phỏng vấn những vấn đề cá nhân tương tự.
Đừng nói quá nhiều về sở thích của bạn. Mặc dù sở thích, các hoạt động ngoại khóa rất quan trọng và chính nhà tuyển dụng là người đã hỏi chúng, đây vẫn không phải là phần quan trọng nhất của buổi phỏng vấn. Hãy giữ cho câu trả lời của bạn ngắn gọn thôi.
Các câu hỏi có thể xảy ra tiếp theo
Bạn có thấy ổn với việc phải làm nhiều giờ trong văn phòng và không có thời gian dành cho sở thích cá nhân không?
Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu phải mang công việc về nhà và nó ảnh hưởng đến khoảng thời gian riêng tư của bạn?
Chuẩn bị trước khi phỏng vấn
Lập trước danh sách 2 đến 3 sở thích hoặc mối quan tâm để không bị bất ngờ trong buổi phỏng vấn.
Hãy trung thực
Đừng phóng đại hoặc bịa ra một sở thích mà bạn không thật sự tận hưởng.
Tránh những ý kiến dễ gây bất đồng quan điểm
Hãy chắc chắn rằng bạn không nói về bất kỳ sở thích nào dễ gây tranh cãi.
>> Tìm hiểu thêm:
Chia sẻ