close
cách
cách cách cách

Tổng hợp các quy tắc viết hoa trong tiếng Việt và các lưu ý cần biết

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Vấn đề viết Hoa là một trong những phần quan trọng về chính tả mà ai cũng cần biết. Sau đây là quy tắc viết hoa trong tiếng Việt đầy đủ nhất để bạn tham khảo và vận dụng cho đúng nhé. Mặc dù trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều thể loại văn bản khác nhau. Nhưng quy tắc viết hoa trong tiếng Việt giữa các văn bản này không có nhiều sự khác biệt, vẫn tồn tại ở đó những quy tắc chính tả, viết hoa trong văn bản xác định cần đúng quy chuẩn được đặt ra. Đặc biệt trong công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhằm mục đích thống nhất và chuẩn hóa ngôn ngữ tiếng Việt tốt hơn với mọi người. Trong đó, vấn đề viết hoa cũng là nội dung quan trọng và được nhiều người quan tâm trong vấn đề này. Viết hoa đúng theo quy định của tiếng Việt không phải là chuyện đơn giản. Bởi, tiếng Việt ngày nay sử dụng mẫu tự Latin nên có quy định về vấn đề viết hoa. Quy tắc viết hoa trong tiếng Việt rất đa dạng mà bạn cần nắm vững lý thuyết để áp dụng vào viết đúng trong những trường hợp cụ thể. Dưới đây là những trường hợp mà bạn cần phải áp dụng quy tắc viết hoa trong tiếng Việt khi thực hiện các văn bản hay viết chữ.

 

quy tắc viết hoa trong tiếng Việt

1. Viết hoa phụ âm đầu của chữ đứng đầu câu

Bất kỳ trong trường hợp nào bạn mở đầu một câu đều cần phải viết hoa chữ cái đầu tiên, chữ đầu tiên nếu từ đó không có phụ âm đầu. Đó là sự đánh dấu mốc bắt đầu một câu để người đọc có thể nhận biết, giúp câu văn rõ ràng, mạnh lạc, ý tưởng khúc chiết, dễ tiếp thu. Quy định viết hoa này bắt buộc trong chuẩn chính tả tiếng Việt hiện đại, được thống nhất trên toàn quốc hay sử dụng tiếng Việt ở bất kì nơi đâu khi soạn thảo văn bản và sử dụng tiếng Việt đều cần tuân theo quy định này.

Theo các nhà nghiên cứu, quy định này xác lập chưa lâu lắm. Trong khi, chữ quốc ngữ ra đời vào thế kỷ 17, lúc đó chưa có quy định viết hoa này. Theo sách Phép giảng tám ngày của Alexandre De Rhodes in bản tiếng Latin – Việt năm 1651, quy định viết chữ quốc ngữ là “viết hoa ở đoạn xuống hàng và thụt đầu dòng” còn các câu trong đoạn văn sẽ viết thường tất kể cả chữ cái đầu.

Lối viết hoa chữ cái đầu của một từ xuất hiện vào tháng 4/1865 trên tờ báo Gia Định, tờ báo dùng chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Từ đó, lối viết hoa chữ cái đầu này được áp dụng. Những trường hợp mở đầu một câu như sau:

1.1. Viết hoa sau dấu chấm

Mở đầu văn bản, mở đầu đoạn người ta đều viết hoa phụ âm/âm đầu của từ đầu tiên. Đặc biệt cứ sau dấu chấm câu, người ta phải viết hoa phụ âm đầu của từ đứng đầu câu kế tiếp. Cùng với dấu chấm câu còn có dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) còn gọi là dấu cảm thán là những dấu kết thúc một câu. Cho nên, từ đứng sau những dấu này đều phải viết hoa phụ âm/âm đầu tiên của từ.

Riêng dấu chấm lửng có những khác biệt một chút. Dấu chấm lửng có thể là để kết thúc một câu, có thể nằm ở giữa câu khi liệt kê hay do ý định của người viết để diễn tả sự ngắt quãng, gây bất ngờ hay muốn kéo dài về âm thanh. Do đó, khi dấu chấm lửng đứng ở cuối câu, từ đầu tiên của câu kế tiếp sẽ phải viết hoa theo quy định. Khi dấu chấm lửng đặt ở giữa câu với những chủ ý của người viết sẽ không viết hoa từ tiếp sau đó.

Ví dụ: Vườn hoa quả trồng nhiều loại cây như mít, chuối, cam, chanh… xanh tươi, rất sai quả.

Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương… (trích thơ Hàn Mặc Tử)

1.2. Quy định về viết hoa sau dấu hai chấm

Từ đứng sau dấu hai chấm có trường hợp viết hoa, có trường hợp không. Quy định này vẫn chưa rõ ràng, thống nhất nên có nhiều ý kiến khác nhau.

1.3. Quy định về viết hoa sau dấu chấm phẩy

Đối với dấu chấm phẩy, quy định viết hoa cũng giống như trong dấu chấm lửng, tùy vào từng trường hợp mà viết hoa. Những câu văn ngăn bởi các dấu chấm phẩy khá độc lập về ngữ nghĩa, thông thường, chữ tiếp theo sau vẫn viết thường.

Trong các văn bản hành chính, đặc biệt ở phần “căn cứ”, “xét đề nghị” và “chiếu theo” nêu ở đầu đoạn sẽ xuống dòng và viết hoa theo quy định sau các dấu chấm phẩy.

2. Quy định về viết hoa tu từ

Thông thường, trong quy tắc viết hoa trong tiếng Việt, người ta sẽ không viết hoa danh từ chung nếu không nằm ở đầu câu. Riêng trong những trường hợp nhất định, người ta muốn nhấn mạnh một từ nào đó, muốn từ này mang sắc thái biểu cảm, người ta sẽ viết hoa. Ví dụ: Con Người, hai tiếng vang lên… (M.Gorki)

Như vậy, viết hoa danh từ chung thường thể hiện sự tôn kính, làm câu văn thêm độc đáo hơn. Đây gọi là lối viết hoa tu từ.

Những danh từ chung ghi tước vị, chức vụ, cấp bậc hoặc những yếu tố gắn với tên riêng như các bậc danh nhân thường áp dụng cách viết hoa tu từ. Tuy nhiên, thực tế, cách viết này cũng đa dạng, không có sự thống nhất.

Ví dụ: Phù Đổng Thiên Vương hoặc Phù Đổng thiên vương hay Phù Đổng Thiên vương. Cũng như người ta thường phân vân không biết viết chúa Nguyễn, chúa Trịnh hay Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh; vua Lê, vua Nguyễn hay Vua Lê, Vua Nguyễn. Viết chữ nghè Tân, trạng Quỳnh, tú Xương… hay Nghè Tân, Trạng Quỳnh, Tú Xương… Do đó, đây là hai cách viết vẫn được mọi người sử dụng hiện nay, chưa có sự thống nhất.

Lối viết hoa tu từ có trước so với lối viết hoa cú pháp. Xuất hiện từ khi có chữ quốc ngữ vào thế kỷ 17, viết hoa tu từ và viết hoa cú pháp đều được người Việt sử dụng lâu nay.

Tuy nhiên, cách viết hoa này có một số điểm sẽ đối lập với danh từ chung và danh từ riêng, đặc biệt trong cách viết hoa gọi tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể và sản phẩm. Trong khi đó, cách viết hoa là để phân biệt giữa danh từ riêng và chung trong cách thể hiện văn bản.

3. Quy định về cách viết hoa trong tiếng Việt với danh từ riêng

Theo định nghĩa ấn phẩm Hoạt động của từ tiếng Việt của Đái Xuân Ninh biên soạn do NXB Khoa học xã hội, HN 1978, danh từ riêng chỉ tên gọi của một vật, một người hay một tập thể riêng biệt. Xét về chức năng ý nghĩa, danh từ riêng và danh từ chung có sự phân biệt rõ ràng. Trong đó, danh từ chung dùng để gọi tên một loạt sự vật, không gọi riêng từng sự vật riêng. Điểm khác biệt với danh từ riêng là danh từ chung sẽ chứa đựng nội dung ý nghĩa nhất định, bao gồm cả tên gọi một sự vật duy nhất như mặt trăng, mặt trời.

Trong quy định về văn bản tiếng Việt, danh từ riêng có điểm đặc thù là bao giờ cũng viết hoa. Tuy nhiên, trong chuyên luận Tiếng Việt trên đường phát triển – NXB Khoa học xã hội, HN 1982 có viết hoa danh từ riêng không có sự ổn định và thống nhất theo một chuẩn riêng. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét quy định viết hoa họ tên người và địa danh để thấy sự đa dạng.

Quy tắc viết hoa danh từ riêng trong tiếng Việt mà bạn cần biết.

3.1. Quy định cách viết hoa họ tên người

Dù cùng một họ tên người nhưng người ta sử dụng song song nhiều cách viết hoa khác nhau lâu nay. Ví dụ viết họ tên người Công Huyền Tôn Nữ Lưu Ly hay Công huyện tôn nữ lưu Ly, Công huyền Tôn nữ Lưu Ly, Công – Huyền – Tôn – Nữ - Lưu Ly.

3.2. Quy định cách viết hoa tên địa danh

Quy định cách viết hoa địa danh cũng tồn tại nhiều cách khác nhau. Ví dụ như cách viết Sài Gòn, Sài-Gòn, Sài gòn… Vào năm 1984, theo Quyết định số 240/QĐ, thống nhất trên toàn quốc về chuẩn chính tả, về quy tắc viết hoa trong tiếng Việt do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký như sau: Cách viết tên người, tên nơi chốn sẽ viết hoa chữ cái đầu là phụ âm/âm đầu không dùng gạch nối. Ví dụ như Quang Trung, Vũng Tàu, Hà Nội… Chuẩn chính tả này áp dụng trong tất cả các văn bản.

Nhưng thực tế, nhiều người vẫn băn khoăn viết miền Nam hay Miền Nam, Bắc Bộ hay Bắc bộ. Đặc biệt thêm tọa độ càng lúng túng hơn như miền cực Nam Trung Bộ hay Miền Cực Nam Trung Bộ hay miền cực nam Trung Bộ? Viết là sông Hồng hay Sông Hồng, Đồng Bằng Sông Cửu Long hay đồng bằng sông Cửu Long.

Thêm nữa viết hoa cấp bậc, tước vị, biệt hiệu hay chức vụ không cũng chưa có sự thống nhất chuẩn. Ví dụ như viết Xuân tóc đỏ hay Xuân Tóc Đỏ…

3.3. Quy định cách viết hoa tên riêng không phải tiếng Việt

Trường hợp viết tiếng nước ngoài du nhập, không phải tiếng Việt được quy định trong Quyết định 240/QĐ trong Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt có ghi:

* Nếu tên riêng dùng nguyên chữ của chữ cái Latin sẽ giữ đúng nguyên bản tất cả các chữ cái còn dấu phụ trong nguyên ngữ có thể lược đi. Ví dụ như tên Paris, Petofi, Shakespeare…

* Nếu tên riêng có nguyên ngữ thuộc hệ thống chữ cái khác tiếng Việt sẽ dùng lối chuyển từ sang chữ cái Latin. Ví dụ Moskva, Lomonosov

* Nếu tên riêng có nguyên ngữ không ghi từng âm bằng chữ cái sẽ dùng lối phiên âm chính thức của chữ cái Latin. Đó là cách phiên âm được dùng trên thế giới phổ biến. Ví dụ như Kyoto, Tokyo…

* Nếu tên riêng được sử dụng rộng rãi trên thế giới theo hệ thống chữ cái Latin khác với nguyên ngữ sẽ dùng tên riêng vẫn được mọi người dùng. Ví dụ như Bangkok có nguyên ngữ là Krung Thep hay Hungary có nguyên ngữ là Magyarorszag.

* Trường hợp tên viết sông núi sẽ dùng tên gọi phổ biến mà thế giới thường dùng vì sông núi rộng lớn có mặt ở nhiều quốc gia lãnh thổ. Đồng thời, những tên riêng theo từng địa phương vẫn có mặt ở những văn bản khác nhất định. Ví dụ như sông Danube/Duna/Donau/Dunares…

* Sẽ dùng lối dịch nghĩa phù hợp cho những tên riêng, bộ phận tên riêng có nghĩa. Ví dụ như Guinea xích đạo, Biển Đen.

* Tên riêng có phiên âm quen dùng trong tiếng Việt sẽ không cần thay đổi trừ trường hợp có yêu cầu đặc biệt. Ví dụ như Bắc Kinh, Pháp, Hy Lạp hay Lỗ Tấn… Có khác biệt như Ý hay Italia, Úc hay Australia. Có một số tên riêng sử dụng các cách viết, tên gọi khác như La Mã hay Roma…

* Trong ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tên riêng không phải tiếng Kinh cũng khó có sự thống nhất. Nhiều tên riêng được viết theo các kiểu khác nhau vẫn tồn tại như Moskva/Moscou/Moscow/Mát-xcơ-va/Matxcơva/Mạc Tư Khoa hay Shakespeare/Sếch-xpia/Xêchxpia.

* Trường hợp danh từ chung như mặt trời/quả đất theo quy định sẽ không viết hoa nhưng sách báo vẫn in Mặt trời/Quả đất. Nếu xét trên bình diện danh từ chung và danh từ riêng, trường hợp này rất dễ nhầm lẫm.

4. Quy định về quy tắc viết hoa trong tiếng Việt để biệt hóa tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể và sản phẩm

Những tên riêng của cơ quan, tổ chức, công ty, xí nghiệp, đoàn thể hay sở, ban, trường học, phòng và sản phẩm sẽ là những danh từ riêng hoặc chỉ chứa một vài danh tư riêng. Theo bản Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt với Quyết định 240/QĐ quy định:

Quy tắc viết hoa tên riêng cơ quan, công ty, xí nghiệp trong tiếng Việt.

4.1. Quy định về viết hoa tên riêng của các cơ quan, tổ chức

* Viết hoa chữ cái đầu/âm tiết đầu của từ đầu tiên trong tổ hợp từ dùng gọi tên riêng của tổ chức, cơ quan. Ví dụ Trường đại học ngoại ngữ Hà Nội, Trường đại học công nghiệp Hà Nội… Nhưng trong văn bản lại in rõ Bộ Giáo Dục. Từ “Bộ Giáo Dục” là ngược với quy định về quy tắc viết hoa trong tiếng Việt trong nội dung văn bản quyết định. Lẽ ra phải viết là Bộ giáo dục mới đúng quy chuẩn.

Trong khi đó, thực tế cũng không áp dụng nghiêm túc điều này vì những lý do: Nhiều khi tên gọi của các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể thường rất dài, bao gồm đầy đủ cấp độ của tổ chức, cơ quan đó trong hệ thống nào đấy. Ví dụ, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm…, Trường đại học công nghiệp, kỹ thuật Hưng Yên.

* Nhiều trường hợp, danh từ chung sử dụng làm danh từ riêng khi gọi tên sản phẩm hay cơ quan. Cách viết cũng tồn tại nhiều kiểu. Ví dụ như Tạp chí Tài Hoa Trẻ/Tài hoa trẻ, Báo Giáo dục và Thời đại/Giáo dục và Thời đại/Giáo Dục và Thời Đại. Nhưng người ta thường viết hoa tất cả các cụm từ như Thế Giới Mới, Khoa Học Phổ Thông, Nhân Dân… Theo đó, có người cho rằng tên các tác phẩm cũng phải viết hoa cả cụm từ như tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa, tập truyện Anh Phải Sống hay bức tranh Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ… Thậm chí có người cho rằng viết hoa tất cả như Xí Nghiệp Bóng Đèn-Phích Nước Rạng Đông Hà Nội.

4.2. Xu hướng viết hoa không theo âm tiết mà theo từ đối với tên gọi cơ quan, tổ chức

Xu hướng viết hoa tên gọi cơ quan, tổ chức hiện nay có nhiều cách khác nhau, chưa có thống nhất chung và sử dụng. Tuy nhiên, người ta thường viết hoa chữ cái đầu của từ đầu tiên và các từ của bộ phận tạo thành tên riêng như Bộ Thông tin, Tuyên truyền, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang, Hội sinh viên Việt Nam, Phòng Nghiên cứu khoa học. Nhưng có trường hợp viết Nhà hát Tuồng Đào Tấn lại dễ gây ngộ nhận nên cần viết là Nhà hát tuồng Đào Tấn nhưng không có nhiều.

Vì chưa có sự thống nhất nên những chuyên gia ngôn ngữ cho rằng cần chuẩn hóa chính tả tiếng Việt càng sớm càng tốt để có sự nhất trí cao dựa trên cơ sở khoa học áp dụng cho tiếng Việt. Để khắc phục tình trạng rối rắm trong cách viết hoa như hiện nay, chúng ta cần có những khảo sát và nghiên cứu triệt để.

Với những thông tin chia sẻ về quy tắc viết hoa trong tiếng Việt ở trên, bạn có thể tham khảo để thấy sự đa dạng của tiếng Việt và có thể linh hoạt sử dụng sao cho phù hợp, theo chính tả phổ biến với xu hướng mà mọi người dùng hiện nay cho tới khi có quy chuẩn chung nhất áp dụng trong tiếng Việt. 

>> Tìm hiểu thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.