close
cách
cách cách cách

Phân tích Hai Đứa Trẻ trong truyện ngắn Hai Đứa Trẻ - Thạch Lam

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Hai đứa trẻ” thể hiện được tình cảm xót thương của Thạch Lam đối với những con người nghèo khổ với lối sống quẩn quanh. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu về dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu để phân tích truyện ngắn "Hai đứa trẻ".

1. Dàn ý chi tiết phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ

1.1 Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

Tác giả: Thạch Lam: ngòi bút của ông thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người nghèo khổ, cốt truyện của ông thường đơn giản hoặc không có cốt truyện, chủ yếu tập trung khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Truyện ngắn của ông thường có sự hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn.

Tác phẩm: “Hai đứa trẻ” là truyện ngắn rút trong tập thơ “nắng trong vườn”. Thông qua bức tranh phố huyện nghèo, nhà thơ đã bày tỏ niềm cảm thương đối với những con người nghèo khổ, cuộc sống tối tăm, bế tắc, đồng thời ông thể hiện niềm cảm thông đối với những kiếp người như họ.

1.2 Thân bài

Bố cục: Truyện ngắn có thể được phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một số khía cạnh thường được đi sâu vào khai thác như:

+Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn, lúc đêm khuya

+Cảnh đợi tàu của chị em Liên và tâm trạng của hai đứa trẻ

+Phân tích nhân vật Liên

+Phân tích nhân vật An

Phân tích chi tiết

*Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn

Cảnh ngày tàn, chiều tàn

+Âm thanh: ở đầu tác phẩm là âm thanh của tiếng trống thu không, tiếng trống từ xa vọng về gợi lên dòng chảy của thời gian.

Âm thanh của tiếng ếch nhái, tiếng muỗi kêu, tiếng rền rĩ của côn trùng, tiếng đàn bầu rời rạc.

+Màu sắc:  Trong cảnh sắc của buổi chiều tàn ấy, nổi bật lên trên nền trời là màu “chân trời phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây như hòn than sắp tàn”, “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”

+Thời gian: Từ ngữ được sử dụng để miêu tả bước đi của thời gian hết sức nhẹ nhàng, “chiều, chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru”, “bóng tối ngập dần”, “giờ khắc ngày tàn”, “trời nhá nhem tối”, “trời bắt đầu đêm”, “đêm tối”. Bước đi của thời gian được miêu tả rất cụ thể, chi tiết, gợi lên sự vận động chậm rãi, lặng lẽ, nhịp sống buồn bã, tẻ nhạt của phố huyện.

=> Âm thanh và màu sắc, cảnh vật gợi lên một không gian chiều tà bị thu hẹp, buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác nơi phố huyện gợi lên cảm giác đơn xơ, tiêu điều, mòn mỏi.

Cảnh chợ tàn

+hình ảnh chợ huyện lúc chiều tàn: “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía”. Hình ảnh còn sót lại của một khu chợ sẽ phần nào phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân nơi đó. Hình ảnh chợ huyện lúc chiều tàn, những vật vô giá trị còn sót lại đã phần nào cho thấy sự nghèo đói nơi đây.

+Những đứa trẻ con nhặt nhạnh những gì còn sót lại như thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì có thể dùng lại được.

*Bức tranh phố huyện về đêm

Tác giả dùng hàng loạt những hình ảnh để miêu tả sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, không gian phố huyện dường như thu hẹp dần, trở nên tù túng, chật hẹp.

+Bóng tối: bóng tối bao trùm hết cả, từ đường phố đến ngõ con, tiếng trống cầm canh ngắn, khô khan, nhanh chóng chìm vào bóng tối, bóng tối đang luồn lách vào từng ngõ ngách vào mọi hoạt động sống của con người.

+Ánh sáng: ánh sáng lẻ tẻ, chỉ là những “khe sáng”, “vệt sáng”, “quầng sáng”, “chấm lửa”, “hột sáng” nhỏ nhoi, ánh sáng từ ngọn đèn của chị Tí được lặp lại 7 lần trong toàn bộ câu chuyện nhưng chỉ là những luồng sáng nhỏ nhoi, hiếm hoi, yếu ớt, không đủ để xua tan bóng tối của màn đêm mà còn càng khiến cho đêm tối trở nên mênh mông hơn.

=> Nghệ thuật tương phản giữa động-tĩnh, giữa ánh sáng-bóng tối, nhịp điệu câu văn chậm rãi đã khiến cho khung cảnh phố huyện dường như ngập trong một bóng tối đậm đặc, ảm đạm, xơ xác.

*Những con người nơi phố huyện: những kiếp người tàn

-Bóng bác phở Siêu chập chờn trong đêm

-Mẹ con chị Tí với những công việc lặt vặt để kiếm sống qua ngày, sáng thì mò cua bắt tép, tối thì dọn đèn nước để bán mặc dù “chả kiếm được bao nhiêu”. Khách hàng của mje con chị toàn là những người dưới đáy của xã hội như anh lính canh mua điếu thuốc..

-Vợ chồng bác Xẩm: tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra ngoài manh chiếu, nghịch những rác bẩn.

-Bà cụ Thi hơi điên với tiếng cười khanh khách dễ sợ, dáng đi liêu xiêu trong bóng tối.

-Những đứa trẻ nghèo nhặt rác sau phiên chợ tàn

-Hai chị em Liên với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu.

=> Nhịp sống của người dân phố huyện cứ diễn ra ngày này qua ngày khác trong cuộc sống quẩn quanh, đơn điệu, tẻ nhạt, nhàm chán, mỏi mòn, không cách nào thoát ra được.

Phân tích truyện ngắn hai đứa trẻ

=> Lời văn của Thạch Lam đượm buồn, giàu chất thơ khi xót thương cho những mảnh đời, số phận như vậy.

*Cảnh đợi tàu và tâm trạng của hai đứa trẻ

-Hình ảnh đoàn tàu được miêu tả theo trình tự thời gian, từ khi sắp đến, khi đi ngang qua phố huyện và khi đã đi khuất sau lũy tre làng, chỉ còn lại những đốm sáng nhỏ.

-Con tàu mang đến một thế giới khác cho người dân phố huyện: Nó đem lại ánh sáng, ánh sáng đủ rực rỡ, đủ mạnh để xuyên thủng màn đêm phố huyện.

+Ánh sáng của con tàu chính là ánh sáng rực rỡ của thị thành, thứ ánh sáng xa lạ đối lập với thứ ánh sáng yếu ớt ở phố huyện.

+Âm thanh của còi tàu, của bánh xe rít trên đường ray và tiếng ồn ào của hành khách trên tàu dường như lấn át đi cái buồn tẻ, đơn điệu của phố huyện, thứ âm thanh này đủ mạnh đủ nhanh để khiến cuộc sống nơi phố huyện nhộn nhịp hơn trong một khoảnh khắc.

+Chờ tàu là thói quen, là niềm vui hàng ngày nhỏ bé của chị em Liên, cũng như là món ăn tinh thần của người dân phố huyện. Đối với chị em Liên, đoàn tàu dường như đem đến một cái gì đó rất mới, một thứ khác hẳn với cuộc sống hàng ngày, mạnh mẽ hơn, rực rỡ ánh sáng hơn, đại diện cho thế giới giàu sang. Hơn thế nữa, nó còn gợi lại kỉ niệm về Hà Nội, về những ngày được bố đưa đi chơi bờ hồ, được ăn những thức quà xanh đỏ.

*Tâm trạng đợi tàu

-Tâm trạng khi chờ tàu: hai chị em đều mong ngóng tàu chạy qua, An dù buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn dặn với chị nếu tàu qua thì nhớ đánh thức em dậy. Liên ngồi yên ngắm sao trời.

-Khi tàu đến: Nhìn thấy ánh sáng phía xa, Liên đã vội gọi em dậy, khi tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn tàu rõ hơn.

-Khi tàu đi qua: hai chị em ngẩn ngơ, tiếc nuối, lặng theo mơ tưởng.

=> Qua việc đợi tàu, Thạch Lam đã thể hiện thái độ cảm thương đối với cuộc sống lay lắt, khao khát nhỏ nhoi của những người nhỏ bé trong xã hội.

*Phân tích nhân vật Liên

-Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trước cảnh chiều tàn trên phố huyện, lòng cô bé dậy lên một nỗi buồn man mác không hiểu tại sao chỉ là “chị thấy lòng mình buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”, Liên nhạy cảm trước nỗi đau của con người, cảm nhận được cảnh tối tăm trong cuộc sống hiện tại và luôn khao khát, hướng về ánh sáng.

-Liên là cô bé giàu tình thương: Khi nhìn thấy những đứa trẻ con trong phố nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong buổi chợ chiều, Liên động lòng thương cảm.

-Liên là một cô gái sợ bóng tối, nhưng đêm tối với chị đã trở nên quen lắm, chị chẳng còn sợ nó nữa.

-Liên là một cô bé chu đáo, đảm đang: gia đình nghèo, Liên phải bán hàng để lo cho cuộc sống hàng ngày. Đối với em, Liên luôn luôn lo lắng, chăm sóc ân cần, thương em.

*Phân tích nhân vật An

-Tâm hồn trẻ thơ mà nhạy cảm, tinh tế: An chính là người nhận thức được những biến động rất khẽ của thời gian “chiều, chiều rồi”, “trời nhá nhem tối”, “trời đã bắt đầu đêm”, An cảm nhận được không gian nhỏ hẹp của phố huyện, sự nghèo nàn, đơn sơ, tinh tế nhận ra thứ ánh sáng yếu ớt cuối ngày, luồn lách bám vào mọi cảnh vật khiến An và chị cảm thấy buồn.

-Trái tim biết yêu thương, cảm thông với những kiếp sống nghèo khổ: An thương chị Tí phải vất vả mưu sinh mà chẳng kiếm được bao nhiêu, thương những đứa trẻ nghèo lom khom nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trên nền đất, thương gia đình bác Xẩm với tiếng đàn bầu run bần bật, cảm thông với tính khí hơi điên của bà cụ Thi..

-Tâm hồn biết mơ ước về một tương lai tươi sáng: An cùng chị sống ở một vùng quê hẻo lánh, trông coi cửa hàng phụ mẹ. Tuy sớm giã từ tuổi thơ êm đềm nhưng An lại tìm được niềm vui hàng ngày qua việc chờ tàu, dù buồn ngủ ríu mắt nhưng An vẫn dặn với chị đánh thức dậy.

=> Đoàn tàu gợi cho An nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, An không suy tư, buồn rầu như Liên, sau khi đoàn tàu đi khỏi, cậu bé giục chị đi ngủ.

1.3 Kết bài

Tổng kết lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Giá trị nội dung: Thạch Lam đã miêu tả chân thực kiếp sống mỏi mòn, nghèo nàn, đáng thương của những con người nơi phố huyện. Đồng thời ông cũng thể hiện niềm cảm thương trước những số phận bất hạnh ấy.

Giá trị nghệ thuật: Cốt truyện đơn giản như không có cốt truyện mang đậm phong cách sáng tác của Thạch Lam. Bút pháp miêu tả nội tâm tinh tế, chân thực.

2.  Bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ

Nhắc đến nhà văn lớn trong khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 thì không thể không nhắc tới Thạch Lam. Nguyễn Tuân từng nhận xét rằng: “sáng tác của Thạch Lam đem lại một cái gì đó nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu”. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là minh chứng rõ ràng nhất cho phong cách sáng tác của ông, đem đến cho người đọc nhiều khung bậc cảm xúc.

Giới thiệu về tác giả Thạch Lam

Giới thiệu nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, ông là một cây bút giản dị, dù sinh ra tại mảnh đất thủ đô phồn thịnh nhưng tâm hồn ông lại hết sức mộc mạc, bình phàm. Ông không thích cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ở đô thị mà sinh sống ở một ngôi nhà tranh vách gỗ bên Hồ Tây. Thạch Lam là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, yêu chuộng cái đẹp, luôn hướng tới cái đẹp, cái hoàn mỹ. Ông cho rằng một nhà văn đích thực phải là người cảm nhận được “mọi vẻ đẹp man mác khắp vũ trụ”.

Phân tích truyện ngắn Hai Đứa Trẻ

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã tái hiện thành công bức tranh sinh động về đời sống nơi phố huyện của người dân, nơi mà hai chị em Liên sinh sống. Truyện ngắn này được rút từ trong tập truyện ngắn “Nắng trong vườn” xoay quanh hai nhân vật chính là Liên và An. Do những biến cố gia đình mà hai chị em Liên phải về phố huyện nghèo sinh sống bằng nghề bán hàng quán nho nhỏ ven đường. Hằng ngày công việc lặp đi lặp lại, sáng mở hàng bán, tối chờ đón đoàn tàu đi ngang phố huyện. Hình ảnh đoàn tàu có ý nghĩa rất lớn với hai chị em Liên, bởi lẽ nó đem hình ảnh tấp nập nơi đô thị, trái ngược với hoàn cảnh của những con người nơi đây. Qua câu chuyện này, Thạch Lam bày tỏ niềm cảm thương chân thành đối với những kiếp người nghèo khổ, sống trong bóng tối, mòn mỏi, tăm tối và thấy được sự trân trọng những mong ước nhỏ bé, bình dị mà ý nghĩa của họ.

Mở đầu tác phẩm là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng nhưng đượm buồn với những âm thanh của ếch nhái, tiếng trống thu không vẳng lên, tiếng muỗi vo ve. Những âm thanh đó chẳng thể nào làm không gian thêm tươi vui, sống động, ngược lại khiến khung cảnh thêm ảm đạm, tĩnh mịch. Hơn nữa, sắc màu chủ đạo là màu đỏ như lửa cháy, gợi lên sự lụi tàn, buồn bã, mệt mỏi. Không gian bị bao trùm bởi sự tĩnh mịch, im ắng đến lạ thường.

Không gian được miêu tả trong bài là bức tranh chiều tàn cùng với sinh hoạt của người dân. Đó là cảnh chợ tàn, mọi người đã ra về từ rất lâu, bỏ lại phố huyện vẻ tĩnh lặng, mở nhạt vốn có của nó. Trên nền chợ chỉ còn lại là vỏ nhãn, vỏ bưởi, vỏ thị, … và những đứa trẻ con nhà nghèo vẫn cố bới, tìm tòi những thứ còn sót lại. Những đứa trẻ nhà nghèo ấy “cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre hay bất cứ thứ gì có thể dùng được của những người bán hàng để lại”. Không gian này không chỉ khiến ta thấy được sự ảm đạm, mệt mỏi mà còn thấy được những kiếp người, những số phận nhỏ bé, lụi tàn, là hiện thân của sự khốn cùng, sống một cuộc sống nghèo khổ trong xã hội đương thời.

Thạch Lam đã miêu tả rất chi tiết và khắc họa sâu sắc hình tượng của người dân nghèo nơi phố huyện, mỗi người một vẻ khác nhau nhưng họ đều là hiện thân của tầng lớp sống đói nghèo, hắt hiu và tẻ nhạt. Ông viết về họ bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm với cuộc sống của họ. Họ là mẹ con chị Tí với quán hàng ế ẩm quanh năm, là bà cụ Thi suốt ngày say xỉn với tiếng cười ghê rợn đi hút vào trong bóng tối, là bác Siêu với gánh phở hạng sang nên ít người qua lại hay là gia đình bác xẩm với tiếng đàn bầu run bần bật trong đêm. Họ đều là những người nhỏ bé, vô danh, sống lê lết từng ngày trong sự tù túng, ảm đạm, là hiện thân cho lớp người đương thời.

Bức tranh phố huyện khi về đêm, các nhà đã lên đèn nhưng nguồn ánh sáng yếu ớt ấy chỉ làm cho khung cảnh thêm tù túng, bóng đêm chiến thắng, bao trùm toàn bộ. Ấy là ánh sáng của nhà bác phở Mĩ, ánh đèn dầu leo lét, dường như xung quanh Liên đang bao trùm bởi toàn bóng tối. Bác phở siêu lom khom nhóm lửa, khiến cho “bóng bác càng mênh mang ngả xuống một vùng và kéo đến tận đằng xa”. Bức tranh không hoàn toàn là bóng tối, vẫn có những ánh đèn nhưng nó heo hắt, yếu ớt, càng khiến cho khung cảnh thêm ảm đạm, tẻ nhạt, mọi người mệt mỏi, không hề có sự tương tác với nhau. Bóng tối ấy được miêu tả dưới nhiều hình thái khác nhau nhưng trải dài suốt từ đầu tới cuối tác phẩm, gợi cho người đọc hình dung sâu sắc hơn về kiếp sống bế tắc, quẩn quanh, sự vô vọng, u ám của những kiếp người.

Hai chị em Liên và An là những cô cậu bé đến tuổi đi học, tuổi đến trường, lẽ ra phải được chăm sóc chu đáo, được lo cho mọi thứ nhưng lại phải tự mình kiếm sống, tự chăm sóc cho nhau. Hai chị em trông coi hàng cho mẹ, bán những thứ linh tinh như vài quả sơn đen, mấy bánh xà phòng hay điếu thuốc, … Cuộc sống đã nghèo khổ về vật chất mà còn tăm tối về tinh thần. Chúng ngày ngày phải giam mình, tự cầm cố tuổi xuân, sức trẻ nơi phố huyện đói nghèo này và có thể sẽ chẳng thể nào biết được thế giới ngoài kia nhiều màu sắc như thế nào.

Ga tàu đêm

Với phong cách lãng mạn, yêu mến và trân trọng sự sống, Thạch Lam sẽ không đơn thuần dừng lại ở việc khắc họa bức tranh hiện thực nơi phố huyện. Thay vào đó, ông cố gắng đi tìm hiểu chất ngọc sáng ẩn sâu bên trong mỗi con người, đào sâu và phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của mỗi người. Trong khoảnh khắc của ngày tàn, khi bóng tối tràn ngập mọi nơi, Thạch Lam tinh tế khi miêu tả những khoảnh khắc đẹp đẽ thông qua cảm nhận của cô bé Liên. Đây là một cô bé thơ mộng, với nhiều ước muốn và khao khát. Cô bé thích ngắm bầu trời đêm với ngàn sao lấp lánh, tưởng tượng đó là dải ngân hà. “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ…” Đây đúng là cô bé nhạy cảm, tinh tế và lạc quan, khi bóng tối dường như bao trùm cả khu phố thì em vẫn tìm được những nguồn ánh sáng khác nhau. Nhưng những nguồn ánh sáng ấy vẫn còn yếu ớt, mong manh không đủ xua tan bóng tối. Đây há chẳng phải là khát khao đổi đời, thoát khỏi cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, u ám của người dân nơi đây.

Không chỉ có một tâm hồn nhạy bén, một khát khao lớn lao mà Liên còn là một cô bé biết đồng cảm, quan tâm tới những kiếp người nhỏ bé quanh mình. Dù cuộc sống không khấm khá hơn họ là bao nhưng cô bé vẫn luôn bày tỏ sự yêu thương với những đứa trẻ nghèo, quan tâm tới mẹ con chị Tí. Thạch Lam từng quan niệm rằng: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ, người khổ cách này người khổ cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ”. Hai đứa trẻ đã tự tìm cho mình niềm vui khi nghĩ lại  những kỉ niệm trong quá khứ tràn đầy tiếng cười và vui vẻ. Ấy là khi chúng còn ở Hà Nội, được đi chơi nhiều nơi, được uống những đồ uống xanh đỏ, là cuộc sống trái ngược hoàn toàn với thực tại. Tuy nhiên, Liên không hề ghét bỏ cuộc sống này, hai chị em chỉ lặng lẽ ngắm nhìn, quan sát những vì sao, sẻ chia với những kiếp người nghèo khổ nơi đây.

Nhưng có lẽ, khoảnh khắc đẹp đẽ, rực rỡ nhất đối với chị em Liên nói riêng và cả người dân khu phố huyện nói chung là khi đoàn tàu ngang qua phố huyện. Nó đem đến một thế giới khác cho người dân nơi đây: ánh sáng xa lạ, âm thanh náo nức, tiếng ồn ào tấp nập của hành khác, … hoàn toàn đối lập với thực tại nơi phố huyện này. Không ai ngủ, không ai về trước khi đoàn tàu đi qua, ai cũng cố chờ, cố thức, không phải để bán thêm thứ gì mà đơn giản là được chứng kiến, được cảm nhận chút ánh sáng của sự sống, niềm tin và hi vọng. Mặc dù đã buồn ngủ nhưng An vẫn dặn chị khi nào đoàn tàu tới nhớ gọi em dậy.

Khi đoàn tàu tới, nhiều tiếng reo hò vui sướng, tiếng tít còi inh ỏi, kéo dài làn khói sáng trắng xuất hiện từ phía xa xa. Đoàn tàu đến mang theo bao âm thanh như : “tiếng xe rít mạnh vào ghi”, “tiếng còi rít lên”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, … Không chỉ vậy, tàu đến đem theo ánh sáng rực, sáng trưng, chiếu cả xuống đường, “đồng và kền lấp lánh” gắn với cuộc sống giàu sang. Việc chờ tàu đã trở thành một việc như cơm bữa của hai chị em. Liên hi vọng được nhìn thấy đoàn tàu đi qua, được nhìn thấy những điều mới mẻ, khác lạ so với cuộc sống hiện tại. Con tàu không chỉ đơn thuần đem tới ánh sáng, âm thanh mà nó còn chở bao kỉ niệm, hồi ức vui vẻ, no đủ trước kia của hai chị em. Chuyến tàu ấy cũng giúp Liên nhận rõ hơn sự tù túng, ảm đạm, hắt hiu, u buồn của nơi phố huyện này. Khi tàu đi qua, người ta vẫn cố nhìn cho tới khi nó khuất hẳn.

Đến với “Hai đứa trẻ”,  người đọc ít nhiều sẽ cảm nhận sâu sắc hình ảnh chuyến tàu đêm, bởi lẽ nó mang nhiều ý nghĩa, là điểm sáng của toàn bài. Nó đại diện cho cuộc sống giàu sang, tấp nập, no đủ, tràn ngập ánh sáng, đối lập hoàn toàn với cuộc sống nơi phố huyện này, đìu hiu, ảm đạm, tối tăm và vô vọng. Cô bé Liên đại diện cho lớp người muốn thay đổi, dám mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, vui tươi như khi đoàn tàu đi qua. Dù chỉ trong chốc lát, nhưng chuyến tàu vụt qua để lại nhiều cảm xúc trong mỗi người dân phố huyện.

Chúng ta có thể thấy cốt truyền rất đơn giản, không quá nhiều tình tiết, không cao trao, mọi sự việc diễn ra êm đềm, nhẹ nhàng. Đây đơn giản chỉ là những mạch cảm xúc, những suy nghĩ của nhân vật Liên mà tạo thành tác phẩm mang nhiều nét ý nghĩa và tác động sâu sắc tới người đọc. Thạch Lam rất thành công trong việc sử dụng bút pháp tương phản đối lập. Ấy là sự đối lập giữa bóng tối khu phố huyện và ánh sáng của đoàn tàu, sự đối lập giữa sự yên tĩnh và ồn ào khi đoàn tàu đi qua, … Nhờ bút pháp nghệ thuật này, Thạch Lam đã góp phần nhấn mạnh, khắc họa sâu sắc cuộc sống tù túng, ảm đạm, vô vọng của người dân nơi đây. Hơn nữa, ta cũng thấy được tâm trạng và cảm xúc của hai chị em Liên, thấy được niềm khát khao thay đổi cuộc sống, ước mơ về một cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Với chất văn rất riêng, từ ngữ lôi cuốn, dễ hiểu kết hợp với bút pháp nghệ thuật tinh tế, Thạch Lam đã làm nên tác phẩm ấn tượng, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Tóm lại, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” như tiếng nói, tiếng than thở, là sự đồng cảm cho kiếp người nghèo khổ, vô vọng tỏng xã hội trước cách mạng tháng Tám bấy giờ. Tác phẩm là một thành công của Thạch Lam, lên án gay gắt chế độ thực dân phong kiến, áp bức người dân. Qua tác phẩm này, ta càng thêm đồng cảm, xót thương cho số phận của họ và trân trọng những khát vọng đổi đời của người dân lúc bấy giờ.

Hy vọng qua dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích truyện ngắn "Hai đứa trẻ", bạn có thể hiểu rõ hơn về những giá trị của tác phẩm này cũng như học môn Ngữ Văn tốt hơn.

>> Tham khảo thêm bài liên quan:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.