close
cách
cách cách cách

Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng - Ngữ văn lớp 9

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Làng” là câu chuyện viết về tình yêu quê hương, đất nước của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, và điển hình là nhân vật ông Hai đã được nhà văn Kim lân dày công xây dựng. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu tác phẩm này, phân tích nhân vật ông Hai để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật ông Hai đã được tác giả chú trọng xây dựng.

1. Dàn ý phân tích nhân vật ông Hai

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Tác giả: Kim Lân là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, tác phẩm của ông thường viết về cuộc sống của những người dân Kinh Bắc với những tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước.

Tác phẩm: Tác phẩm được sáng tác năm 1948, viết về cuộc sống của người dân tản cư trong cuộc kháng chiến chống Pháp và những tình cảm của họ đối với đất nước, với làng quê của họ.

Cách 2: dẫn dắt từ chủ đề người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tình yêu nước của mỗi người sẽ được thể hiện ở những phương diện khác nhau, trong thời kỳ dân tộc đang phải kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì tình cảm ấy càng được biểu lộ một cách sâu sắc, chân thành. Hiểu rõ tình cảm ấy, Kim Lân đã tinh tế khắc họa tính cách nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” để khẳng định tình yêu nước của dân tộc ta, cụ thể là tầng lớp nông dân đã trở thành một nét đẹp mang tính truyền thống.

1.2 Thân bài

*Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Làng”: Truyện ngắn được viết năm 1948, khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

*Cốt truyện: Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân kể về nhân vật ông Hai, một người yêu làng tha thiết, sau khi tản cư, trong ông vẫn có một tình yêu làng sâu nặng, ông luôn nghe ngóng tin tức về làng. Sự biến đổi trong tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc và khi tin được cải chính đã thể hiện tình cảm yêu làng quê, yêu đất nước của ông Hai nói riêng, cũng như người nông dân Việt Nam thời khi kháng chiến chống Pháp của dân tộc nói chung.

*Phân tích nhân vật ông Hai

-Ông Hai có tình yêu làng sâu sắc, tha thiết:

+Tình cảm của ông với làng Chợ dầu dường như là tình cảm gắn bó máu thịt, đến nơi tản cư mới, ông vẫn thường khoe về làng chợ Dầu thân yêu, thể hiện rõ lòng tự hào về làng và những đóng góp của làng cho cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

+Ông Hai là một người nông dân chân chất, hiền lành, nồng hậu, ông kể về làng, về quê hương một cách chân thành, sôi nổi, thường xuyên bàn tán về những sự kiện nổi bật của kháng chiến.

+Ông Hai yêu làng lắm, ông yêu làng như một đứa con yêu mẹ, ông khoe mọi thứ về làng, từ cái dinh của cụ viên tổng đốc, nhưng tình cảm ấy đã thay đổi khi ông giác ngộ được ánh sáng, lý tưởng của cách mạng, ông căm thù cái dinh cơ ấy bởi chính nó được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của những kiếp người nhỏ bé, khốn khổ.

-Ông Hai có những chuyển biến mới trong tình cảm khi đi theo kháng chiến, nghe theo lý tưởng của cách mạng.

+Khi giác ngộ được lý tưởng cách mạng, ông Hai yêu làng, nhưng theo một cách khác, ông yêu những cuộc khởi nghĩa ở làng, ông yêu những phong trào, những hoạt động cách mạng của làng ông đóng góp vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

+Ông gia nhập phong trào từ hồi còn sớm, ông khoe những buổi tập quân sự, những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông đều là những thành tích mà ông và lớp trai làng đã tạo nên.

=> Chính vì những tình cảm gắn bó ấy mà ông nhất quyết không chịu rời làng đi, đến khi bị buộc phải rời đi thì ông buồn hẳn “ít nói, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm”.

+Khi ở nơi tản cư, chỉ cần nhớ về làng thôi, tâm trạng của ông cũng rạo rực hẳn lên, ông nghĩ về “độ ấy sao mà vui thể” rồi “ông thấy mình như trẻ ra” , trong lòng ông lại thấy vui, “náo nức” hẳn lên.

-Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc

+Ông Hai nhận tin làng mình theo giặc như bị sét đánh ngang tai, ông không tin vào cái tin ấy, làng ông mà lại theo giặc ư!

=> Càng yêu làng, tự hào về làng bao nhiêu thì khi nghe tin làng theo giặc thì ông Hai càng ngỡ ngàng, đau đớn, tủi hồ bấy nhiêu, ông cảm thấy “cổ họng nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân." Rồi ông còn cảm thấy mình không thở nổi, giọng thì lạc hẳn đi.

+Ông Hai cảm thấy tủi nhục vô cùng chỉ biết “cúi gằm mặt xuống mà đi”, nỗi nhục nhã ấy hành hạ ông đến khổ sở, ông sống trong một không khí ảm đạm “gian nhà lặng đi, hiu hắt, ánh lửa vàng nhờ ở ngọn đèn dầu lạc vờn trên nét mặt lo âu của bà lão." Thậm chí gian nhà tĩnh lặng đến nỗi ông còn nghe thấy tiếng thở của gian nhà. 

+Vì cảm thấy tủi hổ mà ông tuyệt giao với tất cả mọi người trong khi trước đó ông là một người hay nói, thích bàn tán chuyện đó đây, vậy mà bây giờ, ông “không dám bước chân ra đến ngoài”

+Cùng với nỗi tủi hổ ấy là nỗi lo, ông lo cho những đứa trẻ ở làng Dầu cũng bị rẻ rúng, hắt hủi, mà chúng nó còn bé thế. Ông lo cho cả dân làng Dầu rồi đây ai người ta làm ăn buôn bán cùng nữa, người ta thù hằn cả cái giống Việt gian bán nước.

+Ông lo cho thân ông, lo cho gia đình ông bị bà chủ nhà đuổi, bởi “"Thật là tuyệt đường sinh sống!"

=> Từ việc yêu làng, khi nghe tin làng theo giặc, ông đâm ra thù làng, không muốn về làng bởi ông nhận thức rất rõ rằng về làng lúc này là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, mặc dù yêu làng nhưng ông lại nghĩ đến cảnh sống nô lệ tăm tối, lầm than trước kia, ông không muốn theo làng chống lại kháng chiến.

+Nỗi lòng của ông Hai giờ đây không biết bày tỏ cùng ai, chỉ có thể tâm sự cùng đứa con thơ. Cuộc trò chuyện ấy đã giúp ông giải tỏa nỗi lòng, đồng thời nhấn mạnh tình yêu nước tha thiết của ông Hai, ông yêu làng thật đấy nhưng tình cảm ấy là khởi nguồn của tình yêu nước thiết tha, nếu phải cho ông lựa chọn giữa làng và nước, ông sẽ chọn đất nước, chọn cụ Hồ kình yêu. Bao nỗi niềm của ông không biết giãi bày cùng ai đành trút cả vào những lời trò chuyện cùng đứa con thơ dại để thể hiện tình yêu đất nước, yêu cụ Hồ của mình vẫn còn vẹn nguyên, không hề thay đổi

=> Lời thủ thỉ của ông với đứa con một lần nữa giúp bộc lộ tâm trạng của ông Hai và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, tình cảm đó bền vững và thiêng liêng, giống như lời ông khẳng định với đứa con, lời nói với mọi người hay chính là lời khẳng định tấm lòng bản thân : “Có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai."

-Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin cải chính:

+Sự thay đổi trong tâm lí ông Hai khi nghe tin làng cải chính, làng ông không theo giặc, ngôi làng mà ông vẫn tự hào vẫn đi theo ánh sáng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

+Ông lại trở về trạng thái tự hào, khoe khoang về làng như chưa bao giờ nghe tin làng theo giặc. Ông khoe khắp nơi về tin cải chính. Ngay cả những mất mát của làng, “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” cũng khiến ông trở nên vui sướng vì đó là những minh chứng tiêu biểu nhất cho làng của ông, làng ông không theo giặc, không bán nước.

+Vẻ mặt ông thì hân hoan, “cái mặt buồn thiu mọi ngày giờ rạng rỡ hẳn lên”, ông lại có nét tươi vui hàng ngày “mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy.

=> Ông Hai là điển hình cho người nông dân Bắc Bộ Việt Nam với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc trong thời kì kháng chiến của dân tộc. Tình yêu của ông to lớn, mãnh liệt, với đất nước nói chung chứ không giới hạn trong tình yêu với nơi ông sinh ra và lớn lên. “Tình yêu làng xóm trở nên tình yêu quê hương đất nước” bởi vậy tình yêu làng của ông gắn bó với tình yêu nước và cuộc kháng chiến của dân tộc.

*Nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật của Kim Lân

Có lẽ, khi phân tích tác phẩm “Làng” ta không thể không nhắc tời nghệ thuật đặc sắc mà tác giả đã sử dụng, từ đó thể hiện tài hoa nghệ thuật trong việc viết truyện ngắn của Kim Lân.

-Nghệ thuật tạo dựng tình huống đặc sắc làm nổi bật tính cách nhân vật:

+Tác giả đặt nhân vật của mình vào những tình huống bất ngờ, éo le, một con người luôn yêu quý và tự hào về làng nay nghe tin làng theo giặc, từ đó trong nhân vật có một sự chuyển biến tình cảm mạnh mẽ. Tình huống được đặt ra rất khéo léo dường như để thử thách tình yêu nước của ông Hai, để rồi từ đó, khi nút thắt được cởi bỏ (Tin làng theo giặc được cải chính) ta càng nhận thấy tình yêu quê hương, yêu làng, yêu đất nước của nhân vật ông Hai sâu sắc và đáng quý trọng biết nhường nào.

-Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật:

+Tâm trạng của ông Hai có những sự biến chuyển mạnh mẽ, diễn biến phức tạp, mạnh mẽ kể từ khi nghe tin làng theo giặc đến khi tin được cải chính, tình yêu nước, yêu làng của ông càng trở nên sâu sắc.

+Nhiều đoạn cảm xúc của ông Hai tạo ấn tượng với người đọc, để lại ám ảnh khó quên khi ông phải lựa chọn giữa tình yêu làng với tình yêu nước.

-Nghệ thuật sử dụng từ ngữ của Kim Lân:

+Khi xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật ông Hai, nhà văn Kim Lân đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật có sự thống nhất về sắc điệu, giọng văn giống như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân, tạo cảm giác thân thuộc, điển hình của người nông dân Việt.

1.3 Kết bài

Tổng kết về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Giá trị nội dung: Qua tác phẩm “Làng” đặc biệt là những diễn biến tinh tế trong nội tâm của nhân vật ông Hai, ta thấy một tình yêu quê hương, yêu đất nước tha thiết, tinh thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam ở mọi hoàn cảnh.

Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng tình huống, khắc họa và miêu tả nội tâm nhân vật độc đáo chỉ có ở nhà văn Kim Lân, lời văn chân thật như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân Việt.

2. Bài văn mẫu tiêu biểu phân tích nhân vật ông Hai

Đề bài: Phân tích nhân vật ông hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

Phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng

Bài làm:

Nhà văn Kim Lân, một cây bút vàng trong làng văn học dân gian Việt Nam, sinh ra trong một ngôi làng ở Bắc Ninh với truyền thống văn hóa yêu nước, yêu cách mạng sâu sắc. Ông nổi tiếng với những tác phẩm truyện ngắn viết về hình ảnh và đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam thế kỷ XX. Sự nghiệp thơ văn của Kim Lân tuy không quá đồ sộ nhưng lại có những điểm nhấn, nét độc đáo riêng việt. Một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Lân được viết vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp là tác phẩm “ Làng” của Kim Lân. Tác phẩm kể về nhân vật ông Hai, một người nông dân cần cù, chất phác, dành tình yêu to lớn với làng, với nước, được thể hiện thông qua những diễn biến tâm trạng, cuộc đấu tranh gay gắt trong nội tâm nhân vật.

Kim Lân từ xưa nổi tiếng là một cây bút độc đáo thấm đẫm tâm hồn Việt, là nhà văn xuất sắc những năm thế kỷ XX trong nền văn học Việt Nam. Làng được Kim Lân viết trong năm 1948 với bối cảnh được xây dựng thời kháng chiến chống Pháp, trong công cuộc tản cư của dân chúng. Ông Hai vốn là dân gốc của làng Chợ Dầu, vì mong muốn được cống hiến và phục vụ cho kháng chiến oanh liệt của dân tộc, ông và gia đình đã đi tản cư đến một vùng quê khác. Tại nơi xa xứ, ông Hai luôn đau đáu nỗi nhớ nhung dành cho quê nhà, cho cái làng thân thương với đầy ắp những kỷ niệm.

Trước hết, ông Hai là mẫu người điển hình cho một người nông dân thật thà, chất phác và nồng hậu. Rời bỏ cái nơi vốn đã gắn bó bao năm nay, tới nơi tản cư, ông Hai vẫn không khỏi quên đi hình bóng ngôi  làng của mình. Tới nơi ở mới, ông vẫn luôn muốn tìm lại những hồi ức tháng năm còn gắn bó với cái làng Chợ Dừa. Bởi vậy mà ông Hai rất hay kể cho nhà hàng xóm về làng Chợ Dầu vĩ đại, yêu quý của ông cùng những tâm tư, nghĩ suy về cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc. Ở đây, ông Hai hàng ngày đi nghe báo, nghe chuyện từ mọi người về chủ đề kháng chiến. Ông liên tục mong muốn được cập nhật những thông tin tức thời nhất về diễn biến của cuộc kháng chiến. Điều này chứng tỏ rằng ông Hai là một người nông dân dành sự quan tâm rất đặc biệt, một tình yêu sâu sắc cho vận mệnh nước nhà, ông luôn đau đáu gánh nặng và nỗi khổ của dân tộc. Cái sở thích đi nghe báo của ông Hai rất đặc biệt, ở chỗ ông Hai không biết đọc chữ, hàng ngày ông chỉ đi nghe báo, tức là nghe lại lời đọc to của người khác khi họ đọc. Ông Hai rất ghét những anh bạn biết chữ mà đọc báo, không đọc to cho ông nghe ké, theo ông thì họ là những người thích “ ra vẻ ta đây”. Con người ông Hai thật thà, chất phác, dù không biết chữ nhưng cũng không ngăn nổi tinh thần ham nghe ngóng tin chính trị của ông. Ông Hai còn thích đi kể cho mọi người xung quanh, để ai ai cũng đang biết về thế sự thời cuộc, khi đi đính chính tin, ông Hai lại rất thích chơi chữ. Ông tự hào hô to với dân làng: “Toàn là sai sự mục đích cả…” , lối nói của ông Hai còn được thêm từ, theo cách ông Hai là người chơi chữ rất giỏi. Những nét tính cách độc đáo đó không làm cho mọi người xung quanh cảm thấy không hài lòng hay làm cho họ thay đổi cách nhìn về con người ông. Mà đây chỉ là một nét tính cách rất đáng yêu, đáng mến của người nông dân. 

Không những vậy, ông Hai còn là hình ảnh tiêu biểu, đáng quý cho người nông dân bởi lòng yêu nước nồng nàn, sâu nặng. Trước tới nay, với người nông dân, ngôi làng là một điều gì đó rất quan trọng với họ. Làng là nơi sinh ra của họ, là nơi có người thân, có ruộng đồng, từng tấc đất, tấc ruộng đều quý giá vô cùng. Làng là nơi gắn bó tự đời này qua đời khác của người nông dân, làng như tất cả những gì mà họ có, như máu thịt trên da vậy. Những năm trước cách mạng tháng tám, ông Hai cũng rơi vào tình trạng khốn khổ, nghèo túng, thuộc hạng “ khố rách áo ôm” nhất nhì trong làng. Ông Hai đã từng có lần bị những tên hương lý ở trong làng đuổi đi, trục xuất khỏi làng, ông phải lang thang khắp nơi, có những thời gian ông phải phiêu bạt xuống tận đất Sài Gòn để kiếm ăn qua ngày. Sau bao năm bôn ba, xa cách quê hương đi tha hương cầu thực, ông Hai đã trải qua bao cay đắng, khổ nhục. Hẳn không ai có thể thấu hiểu được nỗi nhớ quê hương nó đau thương, thấm được những khổ sở phải trải qua khi rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng ông Hai, đặc biệt lại trong tình trạng đang tha hương cầu thực. Cứ thấy cách ông Hai ngày ngày đi kể, đi khoe với khắp mọi người về cái làng Chợ Dầu của mình là đã đủ chứng minh cho sự tự hào và tình yêu rất lớn của ông dành cho quê hương. Trước cách mạng, ông vui vẻ đầy hãnh diện khi đi khoe về cái dinh cơ của “cụ thượng”  làng ông mặc dù viên quan tổng đốc cũng không có họ hàng gì với ông. Tuy vậy, sau cách mạng, ông đã không còn hứng khởi cũng như không còn thích đi khoe về cái dinh cơ đó, bởi ông đã hiểu ra một điều, chính cái lăng thự đó đã làm cho người dân làng ông phải chịu khổ, làm ông phải khổ, phải ra cơ sự như bây giờ. Có thể chắc rằng tình yêu ông dành cho cái làng quê của ông rất lớn, vậy mà ông bị buộc phải rời xa nó, tưởng như phải rời xa đứa con thơ của mình, rời xa máu thịt của mình vậy. Xa quê, đau đáu nỗi nhớ quê khiến con người ông hay buồn khổ, sinh nỗi bực bội, “ ít nói, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm”. Ở nơi xa quê, ông lúc nào cũng nhớ lại những kỷ niệm vui vẻ khi cùng anh em, “ sao độ ấy vui thế”. Mỗi lần khi nhớ lại, những kỷ niệm đó làm ông phấn khởi, náo nức hẳn lên, ông tự thấy mình như trẻ ra. 

Phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng

Đang trong niềm hân hoan tự hào về làng của mình, ông Hai điếng người, nghẹn ắng khi nghe tin đồn về làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Trong lúc vui vẻ khoe về cái làng của ông, trong lúc mà “ ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá” thì ông nghe tin hung từ một người đàn bà tản cư. Mụ vừa cho con nhỏ bú, vừa ngấm nguýt kể về làng Chợ Dầu, mụ nói làng Chợ Dầu của ông chẳng có “ tinh thần” gì cả. Rằng cái làng của ông lại đi làm Việt gian, lúc này cổ lão như nghẹn ắng lại không thở nổi được, ông thất thần một lúc. Mất một lát đứng hình, ông cố trấn an bản thân mình, trong ông diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Trong lòng ông luôn tin tưởng, kiêu hãnh tự hào về cái làng của mình, nhưng sao người đàn bà kia lại nói bằng cái giọng rất chắc chắn đến như vậy. Ông đánh trống lảng, ra về rồi trăn trở, mặt ông tê rân rân, lời người đàn bà khiến ông đau điếng người, như ruột gan ông thắt lại. Về nhà, ông tủi hổ, nghẹn ngào vô cùng, ông lo lắng chẳng lẽ con làng là dân Việt gian thật hay sao. Lúc này, tâm trạng ông Hai như bị giằng xé dữ dội, một bên là sự tin tưởng với cái làng, một bên là tin hung làng đi theo giặc. Mỗi lần ra ngoài, nghe đám đông tụm lại nói về làng Việt gian, ông Hai chỉ biết cúi gằm mặt mà đi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người ta đang nhắc tới làng ông, khiến ông lo lắng, dằn vặt vô cùng. Trong lúc này, Kim Lâm đã diễn tả rất thành công về diễn biến tâm lí, đấu tranh gay gắt, dữ dội trong tâm trạng của ông Hai khiến ông rơi vào tình trạng đau xót tột cùng. 

Từ chỗ yêu làng của mình hết mực, tâm trạng ông Hai chuyển sang thù làng của mình. Sau những dằn vặt dữ dội trong nội tâm, ông Hai cuối cùng cũng lấy đủ dũng khí, nghe theo tiếng gọi của dân tộc mà từ dã cái làng ông vốn yêu mến, tự hào vô cùng. Ông Hai khẳng khái tuyên bố sẽ không về cái làng của ông nữa, vì “ chúng nó theo Tây cả rồi”. Với ông, bây giờ mà về làng là chịu kham theo giặc, là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, và với ông là không thể được. Nói ra được những lời này mà ruột gan ông đau quặn, “ nước mắt ông giàn ra”. làng thì ông yêu thật, nhưng làng mà theo giặc thì nhất quyết phải thù. Lúc này, tình yêu giữa ngôi làng của ông xung đột gay gắt với tình yêu đất nước khiến ông Hai rơi vào tình trạng đau đớn vô cùng. Tuy vậy, tình yêu nước của ông vô cùng lớn lao, vĩ đại, nó bao trùm lên trên cả tình yêu làng, ông đã xác định rõ ràng là như vậy, nhưng vẫn không thể chối bỏ được sự đau xót, tủi nhục. Ông tiếp tục rơi vào bế tắc hơn nữa khi tại đây, ông lại bị mụ chủ nhà nói xỉa, đánh tiếng hòng ý muốn đuổi gia đình ông đi. Không còn cách nào khác, ông Hai đành giãi bày tâm sự của mình với đứa con nhỏ ngây thơ. Ông nói với con, nhưng thực chất chính để tự trấn an tâm mình, tự nói với chính lòng mình. Ông muốn tỏ lòng yêu thương, nỗi nhớ dành cho ngôi làng nhưng bên cạnh đó là một lòng son sắc, hướng về Đảng, về cách mạng Việt Nam. Nói chuyện với con, lão như được giãi bày tâm can, làng thì yêu đó, nhưng tình yêu nước vẫn bao trùm lên tình yêu làng. Đoạn văn trên, Kim Lân đã xây dựng hình tượng một ông Hai son sắc với mệnh nước, với kháng chiến, với cụ Hồ. Những lời nói thốt ra từ cậu con trai như một lời thề đanh thép khẳng định cho tinh thần một lòng hướng về đất nước của ông.

Tiếp theo, tâm trạng ông Hai như sống lại bởi tin cải chính, rằng làng ông không phải Việt gian. Lúc này, ông Hai như sống lại thực sự. Tất cả những đau đớn, xót xa, tủi nhục như biến mất, thay vào đó, ông vui vẻ, hạnh phúc và phấn khởi vô cùng. Điều này hiện rõ trên nét mặt, cử chỉ và cả điệu cười của ông: “ mồm bỏm bẻm nhai, cặp mắt hung đỏ hấp háy”. Ông như được thổi vào một cơn gió hồi sinh. Và thế là ông lại tiếp tục đi khoe khắp nơi về ngôi làng của ông, rằng làng của ông bị Tây nó đốt sạch, rằng tất cả mọi bịa đặt về làng ông đều sai. Lúc này trong ông Hai ngập tràn niềm hồ hởi vì làng của ông đã được minh oan. Cái tin đó lại khiến ông yêu cái làng của mình, yêu kháng chiến đến vô bờ. 

Kim Lân đã cô cùng thành công khi khai thác diễn biến tâm lí nhân vật theo nhiều chiều sâu khác nhau, đặt vào những tình huống mâu thuẫn một cách ăn ý. Điều này giúp thể hiện tâm trạng nhân vật một cách tự nhiên, tài tình mà lại rất hợp lý qua biểu hiện, ngôn ngữ đối thoại, hành vi cử chỉ cũng như những dòng suy nghĩ độc thoại nội tâm. Cách dùng ngôn ngữ đậm chất dân gian, lời ăn tiếng nói của người nông dân.

Hình tượng nhân vật ông Hai trong “ Làng” được Kim Lân vẽ lên thật tinh tế với nhiều cung bậc cảm, xúc khác nhau. Ông Hai, một người nông dân chất phác, hồn hậu, yêu làng, yêu nước vô cùng. Điều này cũng chứng tỏ cho những hiểu biết tinh tế, sâu sắc của Kim Lân về những người nông dân Việt Nam cũng như tài năng viết truyện của ông. 

Hy vọng qua bài viết phân tích nhân vật ông Hai này, các bạn có thể tham khảo và làm tốt hơn trong những bài văn của mình.

>> Tham khảo thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.