close
cách
cách cách cách

Phân tích bài thơ Tỏ Lòng (Thuật Hoài) chuẩn nhất - Ngữ Văn lớp 10

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Các học sinh sẽ được học tác phẩm “Tỏ lòng” của tác giả Phạm Ngũ Lão trong chương trình Ngữ Văn lớp 10. Đây là một tác phẩm thơ mà đã được tác giả gửi gắm vào đó tình yêu nước nồng cháy, khát khao được cống hiến sức lực và tài năng của bản thân cho triều đại, cho đất nước. Với bài phân tích bài thơ Tỏ Lòng (Thuật hoài) - Phạm Ngũ Lão của Vieclam123.vn có thể giúp các học tính phần nào cảm nhận được hào khí anh hùng đời Trần được truyền tải qua từng câu chữ, vần thơ.

1. “Tỏ lòng”- Tiếng nói của người thi sĩ – người anh hùng yêu nước

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của tác giả Phạm Ngũ Lão để thấu hiểu vang vọng nỗi lòng yêu nước nước đến mãnh liệt của chính người thi sĩ – người anh hùng bất khuất đầy cảm phục của dân tộc. Đây được coi như là một kiệt tác hào hùng của dân tộc, luôn chứa chan một tình yêu nước vô bờ bến, lòng tự hào của tác giả đối với dân tộc, thể hiện một thời oanh liệt vẻ vang của các tướng lĩnh đời Trần.

Danh tướng Phạm Ngũ Lão

Bài thơ chính là hào khí của một đấng nam nhi với đầy ắp ý chí và khát vọng chiến công khi Tổ quốc gặp nguy nan. Khi phân tích bài thơ Tỏ lòng chúng ta sẽ hiểu rõ nỗi lòng của tác giá. “Tỏ lòng” còn được coi là một bức tranh tự họa mà chính bản thân danh tướng Phạm Ngũ Lão đã họa lên. Chủ nghĩa yêu nước của tác phẩm được tác giả thể hiện qua những ngôn từ trang nghiêm, cổ kính như: “xông pha trận mạc, cầm ngang ngọn giáo...” Hình ảnh quân đội Sát Thát được hiện lên vô cùng hào khí, đông đảo, với một sức mạnh phi thường mà không kẻ thù nào có thể đánh bại. Khí thế hừng hực ấy có thể đánh tan bất kể kẻ thù nào có ý muốn lăm le xâm lược nước ta.

2. Giới thiệu về tác giả Phạm Ngũ Lão

Tác giả Phạm Ngũ Lão là người con được sinh ra trên mảnh đất Phù Ủng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) vào năm Ất Mão – 1255. Ông sinh vào thời vương triều nhà Trần đang cùng quân dân cả nước đứng lên chống lại quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 2. Xuất thân của ông đã là một huyền thoại đối với dân gian, con người làng Phù Ủng ấy với tính tình khẳng khái, ý chí khác người, luôn phấn đấu không ngừng trên con đường công danh của mình.

Có thể thấy được một người có xuất thân từ miền quê bình thường, nhưng lại lọt vào con mắt của vị đại tướng triều Trần, điều này đã chứng tỏ được tài chí của Phạm Ngũ lão cũng như khả năng dùng người của các thánh tướng thời bấy giờ. Với tài năng thiên bẩm của mình, lại được sự chỉ dạy của đích thân thánh tướng Trần Quốc Tuấn đã giúp ông mau chóng trở thành người vị tướng kiệt xuất trong cả hai lần cùng dân tộc đánh dậy đánh bại quân Nguyên – Mông. Những ngày tháng sau đó, ông trở thành phò tá đắc lực cho ba đời vua Trần, lập không ít chiến công, đánh dẹp quân Chiêm Thành và Ai Lao, cũng như dẹp loạn tại các vùng biên giới.

Vào tháng 9 năm 1284, tình hình chiến sự nước nhà có phần phức tạp, Trần Quốc Tuấn đã có quyết định giao cho Phạm Ngũ Lão nhiệm vụ bảo vệ vùng viên giới Đông Bắc của dân tộc, ông đã trở thành một vị tướng trẻ tuổi luôn lập được chiến công hiển hách và tạo dựng được niềm tin to lớn đối với các vị vua và tướng lĩnh đời Trần.

phân tích bài thơ Tỏ Lòng

Phạm Ngũ Lão còn bộc lộ mình là một vị tướng tài ba, kiệt xuất của dân tộc. Danh tiếng của Phạm ngũ Lão luôn khiến cho quân giặc phải ái ngại, khiếp sợ, uy danh của ông được vang xa đến tận quân địch. Trong những ngày kháng chiến gian khổ, nguy hiểm, cùng với sự dày dạn chiến đấu và kinh nghiệm chiến trường đã khiến ông trở thành một biểu tượng niềm tin chiến thắng đối với tất cả các binh lính. Vị tướng xuất thân từ nông dân này, luôn làm được những điều phi thường, khiến tất cả chúng ta đều bất ngờ và nể phục.

Phạm Ngũ Lão còn là một vị tướng luôn có mặt trong những trận chiến cam go, quan trọng, luôn sẵn sàng đẩy cao tinh thần dân tộc, xông lên giết giặc làm gương cho các quân lính. Ông luôn đồng cam cộng khổ, yêu lính như người thân, trên chiến trường luôn là một người quả cảm, tiên phong, dũng cảm, biết phát huy tất cả sở trường để góp phần giúp quân đội giành chiến thắng.

Là người đức độ tài cao, Phạm Ngũ Lão đã là nhân vật đi vào lịch sự được các thế hệ mến mộ, kính trọng, những con người quê hương Phù Ủng luôn thờ và nhớ ơn ông. Đặc biệt là người dân Hưng Yên ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của ông với đất nước, hàng năm đều tổ chức lễ hội Phù Ủng. Cho đến ngày nay, trên khắp cả nước có rất nhiều nơi lập đền thờ để thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão, để đời đời con cháu ghi nhớ công ơn của ông.

>>> Từ lớp 6 cho tới lớp 12 môn Văn liên tục được giảng dạy, chính vì thế sinh viên sư phạm có thể tìm công việc gia sư dạy kèm môn ngữ Văn cho những học sinh đang có nhu cầu qua trang web Việc Làm 123.

3. Xác định yêu cầu của đề bài phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Đây là dạng bài văn phân tích tác phẩm văn học, cụ thể ở đây là một bài thơ của Phạm Ngũ Lão. Do đó, bạn cần trình bày những đánh giá, nhận định về tác phẩm qua từng phần, từng yếu tố của tác phẩm ấy. Sau đó tổng hợp lại. Như vậy, bài làm sẽ phân tích từng bộ phận, từng mặt của tác phẩm để tìm hiểu, nhận định. Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão là bài làm văn phân tích toàn bộ tác phẩm nên các bạn học sinh cần đề cập tới cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm để xem xét, đánh giá. Khi triển khai, bạn sẽ tiến hành phân tích từng phần của tác phẩm một cách đầy đủ, chi tiết cho từng ý. Mỗi ý sẽ chiếm một phần của bài làm.

Cuối cùng, bạn tổng hợp các ý đã phân tích ở trên và đưa ra những đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật.

Về bố cục, bài văn cũng gồm có Mở bài, Thân bài, Kết luận. Trong đó:

* Mở bài: Bạn cần giới thiệu chung về tác phẩm Tỏ Lòng như tác phẩm, tác giả và nội dung cần quan tâm.

  • Tác giả: Phạm Ngũ Lão là người văn võ toàn tài, từng đóng góp nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thời Trần.

  • Tác phẩm: Bài thơ nêu lên những chiến thắng vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là niềm tự hòa, hào khí Đông A, cũng như thể hiện chí trai của đấng nam nhi.

* Thân bài: Bạn tiến hành phân tích từng ý của tác phẩm. Mỗi ý sẽ có một đoạn. Có nhiều cách để triển khai ý của tác phẩm như theo từng cặp thơ, câu thơ hay theo trình tự xuất hiện. Lưu ý, mỗi đoạn cũng có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Các đoạn phải có câu nối, liên kết với nhau.

Cụ thể: Bài thơ có 4 câu thơ, viết thể thất ngôn tứ tuyệt đường luật. Có thể chia bố cục bài thơ làm 2 phần:

  • Hình ảnh sức mạnh quân đội nhà Trần trong hai câu thơ đầu

  • Chí làm trai và nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão trong hai câu thơ cuối

a, Hai câu thơ đầu tiên: Sức mạnh quân đội nhà Trần

“ Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

(Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu

Ba quân như hổ báo, khí thể hùng dũng nuốt trôi trâu)

+ Tư thế: “Cầm ngang ngọn giáo” là tư thế hùng dũng, vững chãi, kiên cường, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ giữ gìn non sông, đất nước, tổ quốc trong thời gian dài từ thế kỉ này sang thế kỉ khác.

=> Hình ảnh non sông kỳ vĩ, thời gian dài càng thể hiện ý chí bền bỉ chiến đấu của đấng nam nhi, nâng tầm vóc của người anh hùng bảo vệ tổ quốc trở nên lớn lao, kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, trời đất, cũng với sự trường tồn của thời gian.

+ “Tam quân”: hình ảnh chỉ quân đội nhà Trần, thể hiện sức mạnh to lớn, hùng hậu. Phép so sánh “tì hổ” “khí thôn ngưu” càng làm cụ thể hóa sức mạnh đó. Hổ báo là loài mãnh thú chốn rừng sâu, có sức mạnh dũng mãnh, khí thế hừng hực, có thể “nuốt trôi trâu”.

=> Sức mạnh, khí thể này của quân đội nhà Trần để đập tan âm mưu xâm lược của quân thù. Trong câu thơ đan xen niềm tự hào dân tộc của tác giả, một người con yêu nước tha thiết.

Tác phẩm Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

b, Chí làm trai và nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” 

(Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh

Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu)

+ Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, nợ công danh là món nợ với đời của thân trai ngay từ khi sinh ra cần phải làm được điều gì đó có ích, đóng góp cho non sông, đất nước. “Nợ công danh” bao gồm hai phương diện, thứ nhất là lập công, thứ hai là lập danh, để lại danh tiếng cho đời.

+ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão: Phạm Ngũ Lão cho rằng thân là đấng nam nhi mà không trả nợ công danh thì nên cảm thấy hổ thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Câu chuyện về Vũ Hầu (Khổng Minh) tức là người tận tâm tận lực với chủ tướng, với non sông đất nước cho đến hơi thở cuối cùng, để lại tiếng vang và là tấm gương sáng cho hậu thế.

=> Phạm Ngũ Lão cũng là người chăm lo cho việc nước nhà, đóng góp nhiều công lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là một tướng lập nhiều công trạng thời Trần. Vậy mà ông vẫn cảm thấy hổ thẹn, vẫn thấy bản thân cống hiến chưa đủ. 

=> Nỗi thẹn hết sức cao cả, thể hiện một nhân cách lớn luôn khao khát, hoài bão cống hiến, đóng góp thật nhiều cho non sông, đất nước. Nỗi thẹn ấy đã đánh thức ý chí làm trai cho các trang nam từ của đời Trần, khơi dậy ý chí luôn sẵn sàng chiến đấu khi đất nước gặp gian nguy.

Cuối cùng, bạn tổng hợp kết quả sau khi phân tích tác phẩm để đưa ra đánh giá chung, nhận định về tác phẩm Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

* Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm và nêu bài học ý nghĩa đối với lịch sử văn học, đối với người đọc ngày nay.

Tiếp theo, chúng ta cùng tham khảo bài làm văn phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão để tham khảo cho mình dưới đây nhé. 

4. Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

4.1. Phân tích bài thơ Tỏ lòng số 1

Chính bởi Phạm Ngũ Lão là người chinh chiến trên chiến trường nhiều năm, nên ông luôn đề cao vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng dân tộc, anh dũng, hiên ngang với tư tưởng lớn lao, thế nên ngay trong hai câu thơ đầu tác giả đã thể hiện hình ảnh người anh hùng với khí chất hùng dũng:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quốc tì hổ khí thôn ngưu”

                                                                                                                        Dịch thơ:

“Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”

Trong câu thơ đầu, từ “Hoành sóc” mà tác giả sử dụng có nghĩa là “múa giáo”, ý muốn nói đến hình ảnh người anh hùng đang hiên ngang cầm mũi giáo trên tay đứng bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, khi sử dụng từ “Hoành sóc” tác giả mới có thể diễn tả hết được khí thế hiên ngang của một con người với tinh thần anh dũng, sắt đá, trần đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dâng cao ngọn giáo, xả thân vì nước.

Phạm Ngũ Lão không hề chỉ định rõ chủ ngữ là ai, nhưng khi đọc ai cũng có thể liên tưởng đến ông đang nói về một người anh hùng dân tộc – những con người không phân biệt bất kể thời gian, không gian hoàn cảnh như thế nào, học chỉ cần biết rằng dù là nơi đâu trên mảnh đất này đều là tình yêu của họ, và rồi dù có phải “ tải mấy thu” thì họ vẫn luôn như vậy, vẫn luôn một lòng yêu nước đến bất tận, và từ những con người trân quý như vậy, đạo tạo ra một quân đội hùng mạnh:

“Tam quốc tì hổ khí thôn ngưu”

Câu thơ này có thể được hiểu theo 2 cách, có thể hiểu rằng “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” và người đọc cũng có thể hiểu theo ý khí thế như là sao Ngưu, át cả sao trời. Có lẽ, không có một câu văn hay bất kể từ ngữ nào có thể diễn tả về sự hùng hậu và chí khí của đội quân nhà Trần, đến mức mà tác giả còn phải mượn hình ảnh sao Ngưu để diễn tả.

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

                                                                                                                        Dịch thơ:

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Đối với tác giả Phạm Ngũ Lão, một đấng nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất” phải lập được công danh với đất nước. Tư tưởng cao cả của ông được thể hiện qua câu “Nam nhi vị liễu công danh trái”. Ngay từ ngày còn là một thanh niên, ông không bao giờ cho phép mình được tầm thường, thấp kém, ông luôn tự hướng mình đến những điều mạnh mẽ lớn lao. Bởi vậy, khi nhìn đến hình ảnh Vũ hầu ông lại khiêm tốn và sử dụng từ “luống thẹn”.

Vũ hầu chính là Gia Cát Lượng, một người tài trong thời Tam Quốc, có công lớn trong việc giúp Lưu Bị gầy dựng lại triều đại nhà Hán, sau được phong làm Vũ Lượng hầu (thường được gọi tắt là Vũ hầu). Không phải không có lý gì khi Phạm Ngũ Lão lại nhắc tới vị danh tướng này trong các vần thơ của mình, đó chính vì Vũ hầu chính là động lực, là lý tưởng cao đẹp để ông có những cố gắng và cống hiến hết sức mình cho dân tộc.

Cả cuộc đời của Phạm Ngũ Lão, ông luôn muốn được làm gì đó cho nước, cho dân. Sự bày tỏ sự hổ thẹn của mình càng khiến cho người đọc cảm nhận được nhân cách cao cả của ông, ông có một lý tưởng thực sự của một người anh hùng, xứng đáng trở thành một đấng nam nhi ở thiên hạ. Thế nhưng đối với ông, như thế vẫn là chưa đủ, ông vẫn luôn cảm thấy sự cống hiến của bản thân dành cho đất nước là quá ít. Từ đó ông luôn tự nhủ với bản thân mình phải thật sự cố gắng hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa. Những lời văn, ý thơ, từ ngữ được ông sử dụng với giọng điệu đầy hào hùng, dứt khoát đã góp phần không nhỏ thể hiện lòng quyết tâm cùng với tâm tư tình cảm của Phạm Ngũ Lão, người đọc hoàn toàn có thể thấy ông là một vị tướng “văn võ song toàn”.

Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) để cảm nhận ý nghĩa sâu sắc trong từng áng văn. Qua tác phẩm thơ của ông, Phạm Ngũ Lão đã để lại cho các thế hệ sau này một bài học quý báu, sâu sắc về lý tưởng sống, ông hướng cho các thế hệ mai sau một suy nghĩ sống là phải không ngừng phấn đấu, không ngừng vươn lên, luôn hướng bản thân đến những điều tốt đẹp, luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình để góp phần bảo vệ quê hương, tổ quốc, non sông thân yêu.

Chí khí hào hùng của các chiến sỹ đời Trần

Với biện pháp tu từ “Thậm xưng” được tác giả sử dụng chính trong bài thơ đã tăng thêm phần sáng tạo, chính vì vậy những hình tượng thơ trong bài luôn mang một tầm vóc vũ trụ. Những hình ảnh được tác giả mang ra so sánh trong bài thơ cũng hết sức độc đáo, nó không chỉ khơi nguồn cảm hứng trong thơ ca mà còn thể hiện sức mạnh dân tộc to lớn, trở thành một thành tích thơ ca sáng gia trong nền văn học nước nhà thời bấy giờ.

Qua bài phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão sẽ thấy rằng tác giả đã thể hiện thành công, nổi bật hình ảnh người chiến sĩ anh hùng với những khao khát, ước mơ cháy bỏng có thể lập được chiến công để báo nợ đất nước, báo đáp ơn vua. Khát vọng ấy, thể hiện rực rỡ tấm lòng kiên trung, ái quốc của người anh hùng dân tộc. Bài thơ được ông viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với giọng điệu oai vệ, hùng tráng, ngôn ngữ, ý thơ lại mạnh mẽ, hàm súc, bài thơ như một khúc tráng ca, nêu cao hình ảnh của những người chiến sĩ đời Trần.

Đặc biệt người đọc có thể lấy hình ảnh oai hùng, lẫm liệt của quân dân nhà Trần để làm tấm gương học tập và noi theo. Bản thân là một đấng nam nhi hãy luôn thẳng thắn, kiên cường, luôn sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ đất nước bất cứ ở nơi đâu và khi nào. Trong cuộc sống hiện tại, một số bạn trẻ còn đang chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân, vẫn mải chơi bời, không chú tâm đến học tập và chưa có các hành động để xây dựng một tương lai tốt đẹp, vậy thì ngay bây giờ, hãy  đặt lại cho bản thân những suy nghĩ đúng đắn, bắt tay ngay vào việc phấn đấu hoàn thiện bản thân, mà trước hết đó chính là quyết tâm học tập. Đồng thời cần loại bỏ những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội ra khỏi cuộc sống bản thân, để góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp, văn minh hơn.

Bài phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, chỉ vẻn vẹn có bốn câu thơ ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa bên trong là nỗi lòng bao la của vị tướng sĩ hào hùng. Bài thơ cũng chính là bài học giáo dục ý thức thế hệ trẻ nước nhà bây giờ và mai sau, tất cả đã tạo nên một giá trị lớn lao cho bài thơ. Hy vọng rằng khi đọc bài phân tích bài thơ Tỏ lòng của Vieclam123.vn có thể giúp các bạn học sinh hiểu được ý nghĩa sâu xa mà tác giả Phạm Ngũ Lão muốn gửi gắm qua bài thơ, từ đó có thể trau dồi thêm cho bản thân thật nhiều các kiến thức nhân văn phục vụ chính các em trong cuộc sống hàng ngày.

4.2. Phân tích bài thơ Tỏ lòng số 2

Đề bài: Hình tượng người anh hùng trong bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão.

Phân tích bài thơ Tỏ lòng

Bài làm:

Mỗi tác phẩm không chỉ là tiếng lòng của người nghệ sĩ thể hiện dưới ngòi bút mà còn là vũ khí trong mỗi trận đánh, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để chiến thắng quân thù. Bởi vậy mà trong hai câu thơ của Raxun Gamzatop đã viết:

“Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh”

Và bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão cũng là một trong những khúc tráng ca lẫm liệt, khơi dậy niềm tin và sức mạnh cho những chiến sĩ thời bấy giờ, tinh thần quyết thắng trước mọi thế lực xâm lược. Sức mạnh của người anh hùng dân tộc trong bài thơ tỏa ra trong từng câu chữ.

Tác giả Phạm Ngũ Lão, từng là một tướng sĩ thời Trần, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Trong không khí sục sôi của dân tộc thời bấy giờ, với khí thế “Sát Thát”, là một người văn võ toàn tài, ông đã tự họa lên vẻ đẹp của người anh hùng trong thời đại hào khí Đông A qua “Thuật hoài”.

Sức mạnh của người anh hùng thời Trần trước tiên được thể hiện ở hình ảnh “múa giáo non sông cáp kỷ thu”:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”

(Cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông đã mấy thu)

Người anh hùng hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ, tư thế hiên ngang sánh tầm với non sông, đất nước cùng với sự trường tồn của thời gian. Cây giáo trong tay là thứ vũ khí để bảo vệ non sông, đất nước. Trong bản phiên âm, vẻ đẹp của người anh hùng được hiện lên ngay qua hình ảnh “Hoành sóc”-cầm ngang ngọn giáo, nhưng trong bản dịch thơ lại chuyển thành “múa giáo” làm mất đi sự uy nghiêm, chưa thể hiện được hết sự kỳ vĩ, vững chắc, quyết tâm.

Hình ảnh người anh hùng cầm vũ khí bảo vệ tổ quốc ấy đã góp phần làm nên sự vững mạnh của cả một đội quân:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

“Tam quân” khiến ta liên tưởng đến quân đội thời Trần nhưng trên hết đó chính là sức mạnh toàn dân đồng lòng, từ vua quan đến các bậc thường dân đều chung sức mạnh đẩy lùi giặc ngoại xâm. Nghệ thuật so sánh “tì hổ”, “khí thôn ngưu” đã khái quát hóa tinh thần của đội quân “sát thát” vừa có sức mạnh vũ bão như loài hổ “Chúa tể của rừng xanh”, vừa có chí khí ngút trời có thể lấn át được cả bầy trâu. 

Hai câu thơ với nghệ thuật so sánh, hình ảnh ước lệ, gợi tả đã khẳng định sức mạnh của dân tộc trước kẻ thù xâm lăng. Khí thể hùng mạnh ấy đã làm tăng thêm niềm tin, khơi dậy sự quyết thắng của dân tộc, quyết bảo vệ lãnh thổ, đánh tan kẻ thù.

Bài thơ không chỉ đẹp ở vẻ đẹp của người anh hùng mà còn đẹp ở ý chí, tâm hồn đẹp của một nhân cách thanh cao qua hai câu thơ cuối cùng:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Câu thơ đề cập đến chí làm trai, tráng chí của người anh hùng thời Trần, cũng là lí tưởng sống của biết bao thế hệ trai tráng khác qua các thời đại:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

( Nguyễn Công Trứ)

hay trong bài “Cảm hoài” của Đặng Dung cũng nhắc tới mối thù của nước nhà:

“Quốc thù chưa trả già sao vội

Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy”

Trong câu thơ của Phạm Ngũ Lão có bày tỏ khát vọng được lập công, cống hiến cho đất nước, lưu danh muôn đời như các bậc tiền nhân lỗi lạc. Bản thân ông đã là người văn võ song toàn, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc, nhưng ông vẫn cảm thấy như vậy chưa đủ, vẫn chưa trả được “nợ công danh” với đời nên còn cảm thấy hổ thẹn khi nghe chuyện “Vũ Hầu”. Vũ Hầu là nhân vật nổi tiếng thời Hán, lập nhiều công lớn, là một trung thần luôn tận tâm vì nước cho đến tận lúc chết đi. Cách nói của Phạm Ngũ Lão thể hiện hoài bão, khát vọng của đấng nam nhi muốn hiến dâng tài trí cho đất nước.

Trong bài thơ “Thu vịnh”, Nguyễn Khuyến cũng thể hiện cải “thẹn” khác rất cao đẹp:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

Cái thẹn của Nguyễn Khuyến là cái thẹn của một nhà nho, còn cái thẹn của Phạm Ngũ Lão là cái thẹn của một bậc anh hùng, muốn góp hết sức mình cho đất nước.

Như vậy, qua bài thơ, vẻ đẹp người anh hùng “Sát thát” hiện lên vô cùng rõ nét qua bút pháp nghệ thuật đặc sắc, ngôn ngữ tráng lệ, gợi ra dáng vóc của người anh hùng trong thần thoại, người dũng sĩ trong sử thi. Bài thơ còn là lời “tỏ lòng”, “tỏ chí” của một đấng nam nhi, một bậc trung quân ái quốc.

Vẻ đẹp của “Thuật Hoài” cùng với những sáng tác khác cùng thời như “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã làm sáng ngời hào khí Đông A thời bấy giờ. Đọc những sáng tác với vẻ đẹp sáng rực ấy, bản thân thế hệ trẻ chúng ta trong cuộc sống hiện nay cũng cần nhìn nhận lại lối sống của mình. Trước hết là ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mặt thể chất. Sau đó là nuôi dưỡng tâm hồn, với tinh thần yêu nước, sống có lí tưởng, đóng góp cho cuộc đời.

Mỗi người trong cuộc đời không nên ngủ quên trên chiến thắng mà cần phải sống có lí tưởng, hoài bão, cống hiến hơn nữa. Bởi “Những khát vọng tốt đẹp chính là cơn gió đẩy con thuyền cuộc đời mặc dù nó vẫn thường gây nên những cơn giông tố” (Safontaine). Hay “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống. Chúng ta mỗi thế hệ trẻ cần khắc ghi lời dạy của ông cha, đưa đất nước ngày càng tiến bộ đi lên, vượt qua những chông gai, thử thách, bão tố:

“Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

(Nguyễn Việt Chiến)

Đăng ký khóa học IELTS

>> Tham khảo thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.