Market share là thuật ngữ tiếng Anh trong chuyên ngành quản trị chiến lược, được hiểu là “thị phần” của một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Tìm hiểu về Market share để hiểu tính cạnh và sức mạnh của doanh nghiệp được thể hiện như thế nào qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn nhé.
MỤC LỤC
Market share được dịch ra tiếng Việt là thị phần, tức là tỉ lệ phần trăm thị trường mà doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được. Doanh nghiệp nào có thị phần càng lớn chứng tỏ doanh nghiệp ấy càng thành công và có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế. Doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường là những doanh nghiệp có doanh số cao, nhiều ưu thế về kênh phân phối.
Market share là một trong những khái niệm căn bản cần biết trong ngành Marketing và quản trị chiến lược. Bởi vậy, hiểu rõ về tầm quan trọng của thị phần, đối với mỗi doanh nghiệp mà nói là điều rất quan trọng để có thể nâng giá trị và tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh thị trường.
Thị phần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có được nhiều thị phần trên thị trường sẽ nắm được quyền và có sức mạnh cạnh tranh, tăng được lợi nhuận. Nếu hai doanh nghiệp có thị phần gần như tương đương nhau trên thị trường thì đối thủ nào có thể tăng được thị phần thì có thể giành được sự khác biệt cả về doanh số, chi phí và có được lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đánh đổi thị phần chỉ để lấy kinh phí cho mục đích ngắn hạn đã phải đối mặt với thất bại trước đối thủ cạnh tranh của mình. Họ chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, cách thức này dần dần làm mất đi lượng khách hàng tiềm năng, về lâu dài sẽ làm giảm doanh thu và giảm vị thế đứng của doanh nghiệp trên thị trường.
Thị phần chính là thước đo quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chiếm được thế chủ động và vị trí đứng hàng đầu trong lòng khách hàng. Vị trí dẫn đầu trong thị phần còn giúp doanh nghiệp có được lợi thế về quy mô sản xuất, giảm giá thành, tận dụng được nguồn nguyên liệu, chiếm được kênh phân phối, gia tăng bán hàng và đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi.
Những công ty làm mất thị phần sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, mọi quy trình sản xuất đều trở nên đắt đỏ, từ đó mất đi lợi thế cạnh tranh về giá cả, về kênh phân phối, khuyến mãi, dần dần mất đi khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh và mất đi vị trí đứng trong thị trường.
Thị phần (tỉ lệ thành phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm lĩnh) được tính bằng công thức sau:
Thị phần = Doanh thu bán hàng của doanh nghiệp / Tổng doanh thu của thị trường.
=> Bởi vậy, để có thể giành giật được thị trường với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải tìm cách tăng số lượng sản phẩm bán được, tăng doanh thu, nhất là khi mới bắt đầu xâm nhập thị trường.
Thị phần tương đối (Relative market share) là tỷ lệ so sánh về doanh số của công ty, doanh nghiệp đối với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, từ đó phần nào đánh giá được vị thế của sản phẩm trong thị trường như thế nào.
Công thức tính thị phần tương đối như sau:
Thị phần tương đối = Phần doanh số của doanh nghiệp / Phần doanh số của đối thủ cạnh tranh.
Đánh giá:
Nếu thị phần tương đối < 1, thì lợi thế cạnh tranh thuộc về đối thủ.
Nếu thị phần tương đối > 1, thì lợi thế cạnh tranh thuộc về doanh nghiệp.
Nếu thị phần tương đối = 1, thì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bằng với đối thủ.
Thị phần có những ảnh hưởng nhất định đến các ngành khác nhau:
Với những ngành đã phát triển: Thay đổi nhỏ về thị phần cũng có tác động lớn đến doanh nghiệp
Với những ngành đang tăng trưởng, phát triển: thay đổi trong thị phần ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thậm chí có những doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh dù họ bị mất thị phần.
Có rất nhiều cách để doanh nghiệp có thể tăng thị phần trong thị trường. Một số cách có thể kể đến như:
Việc duy trì mối quan hệ với khách hàng cũ để tiếp tục bán sản phẩm là một trong những cách hiệu quả để doanh nghiệp có thể tăng doanh thu một cách nhanh chóng. Khách hàng cũ đã từng sử dụng sản phẩm nên họ sẽ có niềm tin và sự yêu thích nhất định đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm thực sự chất lượng và quy trình chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp tốt thì khả năng khách hàng cũ tiếp tục sử dụng sản phẩm là rất cao.
Thêm vào đó, khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm nếu có những trải nghiệm tốt, họ sẽ giới thiệu cho bạn bè, họ hàng, người quen về sản phẩm bên bạn. Đó là hình thức marketing (WOM- word of mouth) cực kì hiệu quả. Việc giữ khách hàng cũ cũng sẽ giảm thiểu được tình trạng khách hàng sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh mỗi khi có sản phẩm mới.
Xét về chi phí, chi phí để duy trì mối quan hệ với khách hàng cũ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc doanh nghiệp phải liên tục chạy quảng cáo để tiếp cận đối tượng khách hàng mới. Nếu tỉ lệ khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ bên bạn không cao, doanh nghiệp cũng nên đầu tư thời gian và chi phí để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó khắc phục để đưa khách hàng trở lại.
Một số phương pháp doanh nghiệp có thể sử dụng để tăng sự hài lòng, tin tưởng của khách hàng với sản phẩm như:
Để khách hàng biết được những chứng nhận mà doanh nghiệp đã đạt được về sản phẩm
Có nhiều chương trình khuyến mãi để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của khách hàng
Xây dựng hệ thống tương tác với khách hàng, để khách hàng có thể phản hồi về sản phẩm, bày tỏ những thắc mắc hay vấn đề mà mình gặp phải khi sử dụng sản phẩm.
Biến địa điểm bán hàng trở thành địa điểm trải nghiệm sản phẩm của khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy ấn tượng, thích thú và thoải mái.
Doanh nghiệp cũng có thể tăng thị phần bằng cách đa dạng hóa các kênh tiếp thị sản phẩm để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Các kênh quảng cáo có thể lựa chọn đa dạng như qua truyền hình, báo chí, radio, internet hay các trang mạng xã hội.
Không những đa dạng hóa các kênh tiếp thị mà doanh nghiệp còn cần đa dạng kênh phân phối sản phẩm, không chỉ tập trung vào bán buôn mà còn bán lẻ cho các siêu thị, tạp hóa. Hình thức bán hàng có thể là vận chuyển trực tiếp hoặc bán hàng trực tuyến, bán hàng qua mạng lưới các mối quan hệ.
Đa dạng kênh tiếp thị giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được biết đến nhiều hơn, vì vậy, doanh thu có khả năng tăng cao hơn, từ đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường.
Có thể lấy ví dụ về các hãng bột giặt ở Việt Nam. Ba loại bột giặt chiếm lĩnh thị trường nhiều nhất là OMO, Tide và Viso. Những mặt hàng này đều được phân phối bởi các kênh phân phối rất hiệu quả của Unilever và P&G. Vì vậy, người tiêu dùng có thể tìm thấy những mặt hàng này từ thành thị đến nông thôn, từ những siêu thị lớn đến những cửa hàng bán lẻ.
Cuộc chạy đua về quảng cáo của hai “ông lớn” Unilever và P&G này cũng vô cùng sôi nổi. Số tiền mà hai tập đoàn đa quốc gia này đầu tư cho quảng cáo luôn là những con số khủng. Các nhãn hàng luôn chen kín, dày đặc trong các khung giờ vàng trên các phương tiện truyền thông.
Với những doanh nghiệp đã thành công và có chỗ đứng vững chắc trong một lĩnh vực nhất định, doanh nghiệp thường có xu hướng gia nhập một thị trường mới để tăng thị phần. Trước khi quyết định “lấn sân” sang một thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về cơ hội, thách thức, rủi ro cũng như “những ông lớn” trước đó.
Qua các kênh tiếp thị, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng. Một thị trường mới sẽ hướng đến những đối tượng khách hàng mới và tiếp cận được sự chú ý của đông đảo người mua. Từ đó, ngày càng đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Đa dạng sản phẩm từ những sản phẩm sẵn có, sản phẩm truyền thống cũng là một trong những cách thức doanh nghiệp có thể thực hiện để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần. Tuy nhiên, việc nghiên cứu sản phẩm mới để đưa ra thị trường có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và thất bại. Bởi vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng và sẵn sàng các thử nghiệm mới, đánh giá đối thủ cạnh tranh cũng như nghiên cứu thị trường trước khi đưa ra quyết định.
Một ví dụ điển hình của việc đa dạng hóa sản phẩm có thể kể đến chính là các sản phẩm của Unilever. Unilever là một công ty đa quốc gia của Anh và Hà lan chuyên sản xuất các sản phẩm về mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm. Unilever là một trong những công ty đa quốc gia lâu đời nhất với sản phẩm được sử dụng ở trên 190 nước trên thế giới.
Sản phẩm của Unilever ở Việt Nam vô cùng đa dạng, có thể kể đến như OMO, Surf, Lux, Dove, Knorr, Comfort, Vaseline, Pond’s, P/S, Signal, Close up, Sunsilk, Sunlight, Vim,...
Đôi khi việc hiệu quả nhất để tăng thị phần của doanh nghiệp chính là mua lại đối thủ cạnh tranh. Việc mua lại đối thủ cạnh tranh sẽ buộc họ phải rời khỏi cuộc chơi, từ đó bạn nghiễm nhiên mở rộng được thị phần trong thị trường. Nếu không đủ nguồn lực để mua lại đối thủ cạnh tranh thì bạn có thể mua lại danh sách khách hàng của họ. Trong tình hình kinh tế đầy biến động thì việc tận dụng thời cơ sẽ củng cố thêm cho vị trí kinh doanh của bạn.
Thương vụ mua lại đối thủ cạnh tranh nổi trội có thể kể đến trong thời gian gần đây chính là việc Facebook mua lại Instagram. Đây đều là hai trang mạng xã hội được đông đảo người dùng sử dụng.
Ban đầu, khi Instagram vừa mới được sáng lập, ứng dụng mạng xã hội này đã thu hút được hơn 30 triệu người dùng chỉ sau 2 năm hoạt động. Facebook đã chi 1 tỷ USD để mua lại mạng xã hội này. Vậy lý do nào để Facebook thực hiện hành động này và liệu đây có phải là một quyết định sáng suốt?
Thứ nhất, việc mua lại Instagram sẽ giúp Facebook bớt đi một đối thủ cạnh tranh giàu tiềm năng. Facebook có thể đảm bảo được thị phần của mình trên thị trường khi kiểm soát hoạt động của Instagram.
Thứ hai, sự phát triển của Instagram thực sự mang đến doanh thu khủng cho Facebook, theo đó, Instagram hoàn toàn có thể đạt được con số 2 tỷ người dùng trong vòng 5 năm. Đối tượng người dùng của Instagram trẻ hơn, chịu chi hơn nên có sức hút lớn đối với các nhà quảng cáo.
Để có thể hiểu hơn về cuộc chiến tranh giành thị phần trên thị trường, chúng ta có thể đề cập đến một số cuộc cạnh tranh lớn trên một số lĩnh vực tiêu biểu như sau.
Đầu những năm 2000 đã chứng kiến cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa hai thương hiệu bột giặt là OMO và Tide. Tide đã sử dụng chiến lược giảm giá để tăng doanh thu, từ đó tăng thị phần trên thị trường. Đầu tiên, Tide giảm giá bán 20 %, ngay lập tức doanh thu của Tide tăng vọt vì số lượng khách hàng mua Tide tăng lên do giá rẻ.
Không chịu thua kém, OMO cũng lập tức giảm giá bán xuống 20 %, sau đó Tide tiếp tục giảm giá xuống 15 %, đồng thời bù giá cho lượng hàng thị trường đã nhập về từ đợt trước. OMO quyết tâm giữ vững thị trường bằng cách giảm giá lần 2 cùng việc đẩy mạnh việc khóa công suất sản xuất của đối thủ bằng cách kí kết các hợp đồng gia công bột giặt độc quyền trên toàn quốc.
Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của OMO, giữ vững được thị phần trên thị trường và giữ nguyên giá bán.
Bên cạnh cuộc chiến về giá bán tiêu biểu này, Unilever vẫn liên tục cạnh tranh bằng cách tung ra nhiều sản phẩm mới với lợi thế cạnh tranh cao để chiếm được thị phần. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước với Tide, P&G tung ra sản phẩm Aba và Ariel với chiến lược giá ngang ngửa OMO, và tập trung vào phân khúc khách hàng thấp hơn một chút cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường. P&G đầu tư mạnh vào các chiến lược quảng cáo, mời ngôi sao giải trí để làm đại diện thương hiệu, tổ chức các sự kiện cho người tiêu dùng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng cũng như cho các nhà bán lẻ.
Có thể nói, cuộc chiến giữa Unilever và P&G là cuộc chiến dài hạn. Hai ông lớn vẫn từng ngày duy trì nỗ lực để chiếm lĩnh thị trường.
Cocacola và Pepsi là 2 tập đoàn lớn đang chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong ngành đồ uống không cồn. Cocacola là cái tên xuất hiện trước, trong khi trải qua nhiều khó khăn, thất bại, Pepsi mới có thể có được vị thế đứng như hiện nay trên thị trường.
Ngay từ đầu những năm 1920, Cola đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và trở thành công ty thu được lợi nhuận lớn nhất trong ngành đồ uống có ga. Sau đó, Pepsi áp dụng chiến lược giảm giá, tăng dung tích sản phẩm đồ uống (chai pepsi 10 ounce có giá 5 xu trong khi chai coca 6 ounce có giá 10 xu). Nhờ vậy mà doanh số của Pepsi tăng lên gấp 3 lần.
Bước ngoặt của Pepsi chính là vào những năm 2000, khi có những bước tiến vượt bậc trong việc chiếm lĩnh thị phần. Ở lĩnh vực nước giải khát, Pepsi chỉ chiếm 21% thị phần trong khi Cocacola chiếm đến 50 % thị phần. Giải pháp được đưa ra là Pepsi tìm kiếm thị phần trong những sản phẩm mới bằng việc mua lại tập đoàn Quaker Oats-thương hiệu nước uống dành cho người tập thể thao và các loại bánh quy, bánh mặn. Nhờ chiến lược này mà Pepsi mở rộng được thị phần trong khi Coca giảm 14 %.
Nhờ việc lấn sân sang thị trường mới là các loại bánh mà Pepsi giảm thiểu được nguy cơ đánh mất thị phần khi nhu cầu tiêu thụ nước ngọt của người tiêu dùng giảm.
Coca Cola và Pepsi vẫn đang chạy đua bằng việc tung ra hàng loạt các chiến dịch quảng cáo. Đây được coi là cuộc chiến không hồi kết khi Coca và Pepsi vẫn cạnh tranh nhau trên từng sản phẩm ra mắt, từ thiết kế mẫu mã đến giá cả.
Như vậy, trên đây là những thông tin cơ bản trả lời cho câu hỏi Market share là gì. Nếu bạn đang học những khối ngành về kinh tế thì đây sẽ là những kiến thức hết sức cần thiết để bạn có thể học tốt được môn học và vận dụng trong công việc tương lai. Vieclam123.vn chúc các bạn học tốt.
>> Xem thêm:
MỤC LỤC
Chia sẻ