Chủ động lắng nghe là gì và tại sao nó lại quan trọng với sự nghiệp, công việc của bạn? Chủ động lắng nghe là quá trình một cá nhân tiếp nhận thông tin từ một người hay một nhóm người khác. Hành động này liên quan đến sự tập trung, chú ý trong cuộc trò chuyện, không gây gián đoạn và dành thời gian để hiểu những gì người nói đang nhắc đến. Yếu tố “chủ động” ở đây có nghĩa là bạn cần từng bước tìm thấy, rút ra được những chi tiết có thể không được nêu ra trực tiếp trong cuộc trò chuyện. Chú ý: Là một người nghe tích cực, bạn nên bằng mọi giá tránh gây gián đoạn, biết tóm tắt và nhớ lại những gì mình đã nghe, đồng thời quan sát ngôn ngữ cơ thể của người nói để tăng thêm mức độ hiểu biết về câu chuyện. Chủ động lắng nghe là một kỹ năng hữu ích cho tất cả các nhân viên muốn phát triển hơn nữa. Kỹ năng này sẽ giúp các bạn hiểu sâu sắc những gì mọi người đang nhắc đến trong các buổi trò chuyện hoặc cuộc họp (không chỉ những điều bạn muốn nghe hoặc những điều bạn nghĩ rằng mình nghe thấy). Đây cũng là một kỹ năng đặc biệt hữu ích để sử dụng trong các cuộc phỏng vấn xin việc, vì nó sẽ giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tích cực với người phỏng vấn của mình.
Tương tự như các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, chủ động lắng nghe là một loại kỹ năng mềm, được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Khi phỏng vấn xin việc, hãy sử dụng kỹ năng này để thể hiện cho người phỏng vấn thấy các kỹ năng cá nhân của bạn có thể thu hút người khác như thế nào.
Kỹ năng chủ động lắng nghe giúp chuyển hướng sự chú ý của bạn từ những điều bạn đang suy nghĩ trong đầu sang nhu cầu của các nhà tuyển dụng hoặc người đang phỏng vấn bạn. Điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và thoải mái hơn khi phỏng vấn.
Bằng cách đặt sự chú ý của bạn lên người phỏng vấn, thông qua việc lắng nghe một cách tích cực, bạn sẽ chứng minh được rằng bạn:
Quan tâm đến những thách thức và sự thành công của công ty
Sẵn sàng giúp họ giải quyết các vấn đề trong công việc
Là một nhân viên hòa đồng, không chỉ muốn làm việc cho chính bản thân bạn
Chú ý: Điều quan trọng nhất ở đây là bạn hãy chú ý đừng ngắt lời người phỏng vấn, hoặc tệ hơn là đưa ra câu trả lời trước khi người phỏng vấn kết thúc câu hỏi của họ. Hãy lắng nghe thật kỹ các câu hỏi của người phỏng vấn, hỏi lại nội dung nếu cần thiết và đợi cho đến khi người phỏng vấn nói xong mới đưa ra câu trả lời.
Có rất nhiều loại kỹ thuật của lắng nghe chủ động sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn.
Các kỹ thuật của kỹ năng lắng nghe tích cực bao gồm:
Xây dựng được lòng tin và thiết lập các mối quan hệ
Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề được nhắc tới
Diễn giải để thể hiện sự hiểu biết
Sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ để thể hiện sự hiểu biết như gật đầu, giao tiếp bằng ánh mắt và nghiêng người về phía trước
Sử dụng các câu khẳng định ngắn gọn như “Tôi hiểu”, “Tôi biết rồi”, “Chắc chắn rồi”, “Cảm ơn”,...
Đặt các câu hỏi mở
Đặt các câu hỏi cụ thể để tìm hiểu rõ vấn đề
Biết chờ đợi, chọn đúng thời điểm để thể hiện ý kiến của bạn
Kể về những trải nghiệm tương tự để thể hiện sự hiểu biết
Sẽ dễ hiểu hơn nếu các bạn rút ra được kinh nghiệm từ việc đọc các ví dụ mẫu. Dưới đây là một số các mẫu câu và câu hỏi có thể sử dụng để thể hiện sự tích cực lắng nghe:
Xây dựng được lòng tin và thiết lập các mối quan hệ: “Hãy cho tôi biết tôi có thể làm gì để giúp đỡ bạn?”; "Khi đọc bài trên trang web của công ty bạn, tôi thực sự ấn tượng với cách các bạn luôn quyên góp 5% doanh thu bán hàng mỗi tháng cho các tổ chức từ thiện."
Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề được nhắc tới: “Tôi mong rằng có thể giúp đỡ được gì đó cho công ty”; “Tôi biết công ty bạn đang phải trải qua một số thử thách khó khăn”; “Tôi biết việc tái cấu trúc kinh doanh có thể gây ra những khó khăn như thế nào. Hiện tại, trạng thái tinh thần của nhân viên công ty bạn đang như thế nào?”
Diễn giải để thể hiện sự hiểu biết: "Vậy nên bạn đang muốn nói rằng việc không chắc chắn về ai sẽ là sếp tiếp theo của bạn đang khiến bạn cảm thấy căng thẳng."; “Vì vậy bạn nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục tập trung vào những nỗ lực tiếp thị thông qua mạng xã hội của mình”.
Sử dụng các câu khẳng định ngắn gọn: “Tôi hiểu rằng bạn muốn nhận được lời phản hồi thường xuyên hơn về năng suất làm việc của mình.”; "Cảm ơn bạn! Tôi rất trân trọng khoảng thời gian bạn đã dành ra để nói chuyện với tôi.”
Đặt các câu hỏi mở: “Tôi có thể thấy rằng lời phê bình của anh ấy khiến bạn khó chịu rất nhiều. Điều gì trong lời phê bình đó khiến bạn cảm thấy băn khoăn nhất?"; “Rất rõ ràng là điều kiện hiện tại không phù hợp với bạn, bạn muốn nhìn thấy những sự thay đổi kiểu gì?”
Đặt các câu hỏi cụ thể: “Bạn hy vọng quá trình tuyển dụng của mình sẽ kéo dài bao lâu?”; "Tần suất luân chuyển công việc của bạn là bao nhiêu?"
Biết chờ đợi, chọn đúng thời điểm để thể hiện ý kiến của bạn: “Hãy cho tôi biết thêm về ý kiến của bạn trong việc tái cấu trúc lại bộ phận.”; “Bạn có thể vui lòng cho tôi biết thêm các ví dụ về mối quan hệ của bạn với công ty cũ không?”
Kể về những tình huống tương tự: “Tôi cũng đã từng rất mâu thuẫn trong việc quyết định có nên quay trở lại làm việc sau khi sinh con trai”; “Trong hai năm qua, tôi có trách nhiệm theo dõi, sa thải một số nhân viên của mình do sự cắt giảm biên chế. Mặc dù đó là điều cần thiết, công việc này cũng không trở nên dễ dàng hơn một chút nào”.
Thẩm định lại vấn đề
Trí tuệ cảm xúc
Độ nhạy bén trong vấn đề
Phép lịch sự
Sự chuyên nghiệp
Giao tiếp phi ngôn ngữ
Tính minh bạch
Sự chính trực
Khiêm tốn
Tính chủ động
Biết chấp nhận những phê bình mang tính xây dựng
Biết cách thiết lập và xử lý những kỳ vọng
Sự tự tin
Sự đồng cảm
Thương hại
Sự hiểu biết
Sự quan sát
Sự chú ý đến những chi tiết nhỏ
Tông giọng khi nói
Sự nhạy cảm trong các vấn đề về tôn giáo và sắc tộc
Sự tự nhận thức
Biết cách nhìn nhận tình huống
Hòa mình vào tình huống
Nhận biết và xử lý được cảm xúc bản thân
Hiểu được những nhu cầu tiềm ẩn của người khác
Ngôn ngữ cơ thể
Sự hợp tác trong thảo luận nhóm
Biết cách để đạt được sự đồng thuận
Biết cách kết hợp làm việc với người khác
Bằng cách sử dụng những kỹ thuật lắng nghe tích cực này, bạn sẽ gây được ấn tượng tốt với người phỏng vấn, thể hiện được bản thân là một ứng viên chu đáo, có đầu óc phân tích và rất quan tâm đến vị trí công việc này. Bạn hãy tự suy nghĩ về các tình huống có thể xảy ra trong buổi phỏng vấn và đưa ra các chiến lược phù hợp, cho phép bạn lắng nghe một cách chủ động.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của các kỹ năng mềm (hay còn gọi là kỹ năng cá nhân) và kỹ năng lắng nghe tích cực là một trong số đó. Bản CV hay sơ yếu lý lịch của bạn có thể có thể trông rất hay với nhiều kinh nghiệm và các kỹ năng chuyên môn được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng nhà tuyển dụng cũng đang tìm kiếm những người có khả năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt với người khác.
Các kỹ năng mềm quan trọng khác (ngoài lắng nghe tích cực) như khả năng giải quyết vấn đề, tính linh hoạt, biết tạo động lực cho bản thân, khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm - tất cả những kỹ năng này cũng cần được nêu bật trong sơ yếu lý lịch và trong buổi phỏng vấn của bạn.
Đặc biệt, đối với những ứng viên trẻ, lần đầu tiên phỏng vấn, với kinh nghiệm làm việc còn hạn chế, những kỹ năng trên thường sẽ là yếu tố giúp nhà tuyển dụng quyết định liệu họ có sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thuê một người trẻ với ít kinh nghiệm nhưng kỹ năng mềm tốt hơn thay vì các ứng viên khác có nhiều kinh nghiệm nhưng giao tiếp cá nhân và kỹ năng mềm yếu hơn không.
Bạn đang tìm cách để cải thiện các kỹ năng mềm của bản thân? Một cách tuyệt vời để làm điều đó là bạn hãy tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí, xem các video về những chủ đề như thuyết trình trước đám đông, cách giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định đúng đắn cũng như cách để trở nên hạnh phúc tại nơi làm việc của bạn.
>> Xem thêm tin:
Chia sẻ