Câu rút gọn là gì? Nắm chắc kiến thức câu rút gọn trong tiếng Việt
Câu rút gọn là gì? Nắm chắc kiến thức câu rút gọn trong tiếng Việt
Câu rút gọn là một trong những chủ điểm ngữ pháp quan trọng trong tiếng Việt. Nắm chắc kiến thức về câu rút gọn không những giúp bạn học tốt hơn mà còn khiến cho bạn giao tiếp tốt hơn cũng như viết văn trôi chảy hơn. Tìm hiểu về câu rút gọn, phân biệt câu rút gọn và một số loại câu khác trong tiếng Việt qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn.
Câu rút gọn là câu được lược bỏ một số thành phần trong câu để trở nên ngắn gọn hơn, nhằm thực hiện những mục đích cụ thể trong câu.
Ví dụ về câu đầy đủ:
“Bạn đi xem phim với mình không? -Mình không đi được rồi”
=> Câu rút gọn sẽ là: “Đi xem phim với mình không?-Không đi được rồi”
“Bao giờ thi cuối kì nhỉ?-Tuần sau thi cuối kì”
=> Câu trả lời có thể được rút gọn thành “Tuần sau” mà câu vẫn giữ nguyên ý.
Câu rút gọn thường xuyên được sử dụng trong tiếng Việt vì một số mục đích sau đây:
Thứ nhất, sử dụng câu rút gọn để câu văn trở nên ngắn gọn hơn mà vẫn đảm bảo truyền đạt đầy đủ thông tin đến người đọc, người nghe. Sử dụng câu rút gọn trong giao tiếp giúp cuộc hội thoại trở nên ngắn gọn, dễ hiểu, tiết kiệm thời gian.
Thứ hai, sử dụng câu rút gọn sẽ tránh trường hợp bị lặp từ khiến câu văn trở nên lủng củng, mất đi độ hay và trôi chảy.
Tuy nhiên, câu rút gọn cần được sử dụng hợp hoàn cảnh, không nên sử dụng tùy tiện, vì rút gọn câu sai trường hợp có thể khiến người đọc, người nghe hiểu sai ý hoặc gây cảm giác bất lịch sự, khiếm nhã, mang lại ấn tượng xấu cho người nghe, nhất là khi nói chuyện với người hơn tuổi mình.
Ví dụ một số cách rút gọn câu khiến câu nói trở lên cụt ngủn, mất lịch sự:
“Con làm xong bài tập chưa?-Chưa”
=> Cần phải trả lời đầy đủ là “con chưa” hoặc lễ phép hơn thì “dạ, con chưa ạ” hoặc “con chưa ạ”
“Bài thi Toán vừa rồi của con được mấy điểm”-7 điểm”.
=> Cần phải trả lời “con được 7 điểm” hoặc “bài thi môn toán của con được 7 điểm” mới thể hiện được thái độ lễ phép, lịch sự đối với người lớn.
Câu rút gọn có thể được chia thành ba loại, bao gồm:
Câu rút gọn chủ ngữ
Câu rút gọn vị ngữ
Câu rút gọn cả chủ ngữ, vị ngữ
Ví dụ:
Chiều mai đi đá bóng nhé => Câu rút gọn chủ ngữ. (Câu đầy đủ: Chiều mai cậu đi chơi đá bóng với tớ nhé)
Chiều mai tổ nào trực nhật? - Tổ 3. => “Tổ 3” là câu trả lời rút gọn vị ngữ. (Câu trả lời đầy đủ: Tổ 3 chiều mai trực nhật)
Bao giờ cậu đi Sài Gòn? -Cuối tuần này. => Cuối tuần này là câu rút gọn thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Trong câu đầy đủ, nó đóng vai trò là trạng ngữ trong câu: Cuối tuần này mình đi Sài Gòn.
Câu đặc biệt là câu chỉ có một từ hoặc một cụm từ. Một câu thông thường sẽ được cấu tạo theo mô hình cụm chủ vị trong khi câu đặc biệt không được cấu tạo theo mô hình này.
Ví dụ về câu đặc biệt:
Một ngày nắng oi bức!
Ơn giời!
Than ôi!
Tiếng cười đùa.
Câu đặc biệt thường được sử dụng để xác định thời gian, nơi chốn, biểu lộ cảm xúc, có chức năng gọi đáp, chức năng liệt kê sự vật, sự việc.
Ví dụ:
“Một ngày nắng hanh hao”
“Đêm khuya vắng lặng”
“Sài Gòn. 5 giờ sáng.
=> là những câu đặc biệt chỉ thời gian, nơi chốn.
“Ơn giời!”
“Ôi chao”
“Trời ơi”
“Mừng quá”
“Vui ghê”
=> Là những câu đặc biệt biểu lộ cảm xúc
“Cô ơi”
“Mai ơi”
“Lâm này”
=> Là những câu đặc biệt có chức năng gọi đáp.
“ Gió. Mưa. Cái lạnh thấm vào từng lớp da thịt”
“Hà Nội. 3 giờ sáng. Những ánh đèn vàng vọt trên các dãy phố thưa người”
=> Câu đặc biệt có chức năng liệt kê sự vật, sự việc
Điểm giống nhau:
Không có cấu tạo theo cấu trúc cụm chủ-vị.
Thường chỉ có một từ hoặc một cụm từ.
Điểm khác nhau:
Phân biệt | Câu rút gọn | Câu đặc biệt |
Cấu tạo | Lược bỏ thành phần của câu đầy đủ như chủ ngữ, vị ngữ hoặc cả chủ ngữ cả vị ngữ => Có thể thêm thành phần câu để trở thành câu đầy đủ | Chỉ có một từ hoặc một ngữ. Không xác định được chủ ngữ, vị ngữ trong câu. => Không thể thêm thành phần câu để trở thành câu đầy đủ. |
Ví dụ | “Đi chơi không?” => Câu được lược bỏ thành phần chủ ngữ. => khôi phục thành câu đầy đủ: Cậu đi chơi không? | “Tùng! Tùng! Tùng” => Câu đặc biệt có tác dụng liệt kê, thông báo về âm thanh của tiếng trống trường. => Không thể xác định được thành phần bị lược bỏ cũng như không thêm được thành phần để tạo thành câu đầy đủ. |
Bài tập 1: Tìm câu rút gọn trong những câu sau và khôi phục lại thành phần bị lược bỏ. Chỉ ra tác dụng của những câu rút gọn ấy:
1. Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế! Mãi không về!
(Nguyên Hồng)
2. Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng
(Lí Lan)
3. Một thói quen xấu ta thường gặp hằng ngày, ở bất cứ đâu là thói quen vứt rác bừa bãi. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…
(Băng Sơn)
4. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… nhớ một trưa hè gà gáy khan… nhớ một thành xưa son uể oải…
(Xuân Diệu)
Đáp án:
1. Câu rút gọn: “mãi không về”
=> Câu rút gọn được bỏ thành phần chủ ngữ.
=> Có thể thêm thành phần câu để tạo thành câu đầy đủ “mẹ đi mãi không về”.
=> tác dụng của câu rút gọn để tránh lặp từ
2. Câu rút gọn “Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng”
=> rút gọn thành phần chủ ngữ
=> Câu khôi phục “Mẹ cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng”
=> tác dụng của câu rút gọn để tránh lặp từ
3. Câu rút gọn: “ Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…”
=> Rút gọn thành phần chủ ngữ
=> Câu đầy đủ: “Chúng ta ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…”
=> Tác dụng của câu rút gọn để tránh lặp từ
4. Câu rút gọn: “Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… nhớ một trưa hè gà gáy khan… nhớ một thành xưa son uể oải…’
=> Rút gọn thành phần chủ ngữ
=> Câu khôi phục: “ Phượng xui chúng ta nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt… nhớ một trưa hè gà gáy khan… nhớ một thành xưa son uể oải…”
=> Tác dụng của câu rút gọn để tránh lặp từ.
Bài tập 2: Trả lời những câu hỏi sau:
1. Nêu đặc điểm và cách dùng câu rút gọn
2. Tại sao trong thơ, tục ngữ, ca dao lại hay sử dụng kiểu câu rút gọn?
Bài tập 3: viết đoạn văn có sử dụng câu rút gọn
Đề bài 1: Viết đoạn văn khoảng 10 câu, nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong đoạn văn có sử dụng câu rút gọn .(gạch chân và chú thích rõ).
Đề bài 2: Viết đoạn văn khoảng 10 câu, nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong đoạn văn có sử dụng câu rút gọn (gạch chân và chú thích)
Đề bài 3: Viết đoạn văn khoảng 10 câu, nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”. Trong đoạn văn có sử dụng trạng ngữ và một câu rút gọn. (gạch chân và chú thích).
Đề bài 4: Viết đoạn văn khoảng 10 câu, nêu cảm nhận của em về câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của”. Trong đoạn văn có sử dụng trạng ngữ và một câu rút gọn (gạch chân và chú thích).
Bài tập 4: Lựa chọn đáp án đúng
Câu 1: Mục đích của việc rút gọn câu là:
A. Làm cho câu ngắn gọn hơn, thông tin được nhanh.
B. Tránh lặp những câu đã xuất hiện ở câu trước.
C. Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người.
D. Cả 3 ý trên
Câu 2: Khi rút gọn cần chú ý điều gì?
A. không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói
B. Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã.
C. Cả A và B đều đúng.
D. Rút gọn câu càng ngắn càng tốt.
Câu 3: Đâu là câu rút gọn trả lời cho câu hỏi “Hằng ngày, cậu dành thời gian cho việc gì nhiều nhất ?”
A. Hằng ngày mình dành thời gian cho việc đọc sách nhiều nhất.
B. Đọc sách là việc mình dành nhiều thời gian nhất.
C. Mình đọc sách là nhiều nhất.
D. Đọc sách.
Câu 4: Câu nào trong các câu sau là câu rút gọn ?
A. Ai cũng phải học đi đôi với hành.
B. Anh trai tôi học luôn đi đôi với hành.
C. Học đi đôi với hành.
D. Rất nhiều người học đi đôi với hành.
Câu 5: Câu “Cần phải ra sức phấn đấu để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn” được rút gọn thành phần nào ?
A. Trạng ngữ. B. Chủ ngữ. C. Vị ngữ. D. Bổ ngữ.
Câu 6: Khi ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chung mọi người, chúng ta sẽ lược bỏ thành phần nào trong hai thành phần sau:
A. Chủ ngữ. B. Vị ngữ
Câu 7: Điền một từ hoặc cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong câu sau:
Trong ….. ta thường gặp nhiều câu rút gọn.
A. văn xuôi
B. truyện cổ dân gian
C. truyện ngắn
D. văn vần ( thơ, ca dao)
Câu 8: Trong các câu tục ngữ dưới đây, câu nào là câu rút gọn?
Đọc các câu tục ngữ sau và trả lời câu hỏi từ câu 8 đến câu 10:
a) Người ta là hoa đất.
b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
c) Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
d) Tấc đất tấc vàng.
A. câu a,b B. câu b,c C. câu c,d D. câu a,d
Câu 9: Những thành phần nào của câu được rút gọn?
A. Trạng ngữ
B. Vị ngữ
C. Chủ ngữ
D. Cả chủ ngữ và vị ngữ
Câu 10: Rút gọn câu như vậy để làm gì?
A. Làm cho câu ngắn gọn, cô đúc
B. Các câu này mang ý nghĩa đúc rút kinh nghiệm chung
C. Tránh lặp lại
D. Cả A và B đều đúng
Đáp án:
1. D
2. C
3. D
4. C
5. B
6. A
7. D
8. B
9. C
10. D
Trên đây là tổng hợp kiến thức của Vieclam123.vn về câu rút gọn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích, giúp các bạn học tốt tiếng Việt hơn. Hãy theo dõi nhiều bài viết của Vieclam123.vn để cập nhật thêm những kiến thức mới nhất nhé.
>> Xem thêm tin:
04/04/2023
15/06/2022
30/01/2021
08/10/2020