Sở hữu kỹ năng giao tiếp xuất sắc là một trong những điều kiện tiên quyết để thành công tại nơi làm việc. Nếu đã chấp nhận tham gia một buổi phỏng vấn, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần là bạn sẽ được hỏi những câu hỏi phỏng vấn liên quan đến phong cách giao tiếp cũng như việc khả năng giao tiếp tại nơi làm việc của bạn sẽ được mang ra kiểm tra, đánh giá. Bất kể công việc bạn đang ứng tuyển là vai trò, vị trí nào trong công ty, nhà tuyển dụng cũng sẽ tìm kiếm, ưu tiên hơn những nhân viên có khả năng hòa đồng nhanh trong môi trường làm việc chung cũng như có thể giao tiếp tốt với người khác thông qua cả lời nói và giao tiếp phi ngôn ngữ. Khi phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về các kỹ năng giao tiếp, bao gồm cách bạn giải quyết nhiều vấn đề trong công việc, cách bạn xử lý các tình huống khó khăn, điều bạn mong đợi từ phong cách giao tiếp của những người quản lý và các câu hỏi khác liên quan đến khả năng giao tiếp của bạn. Hãy cùng Vieclam123.vn đi tiếp các phần sau để tìm hiểu những cách bạn có thể áp dụng khi trả lời câu hỏi về kỹ năng giao tiếp cũng như tham khảo nhiều ví dụ về các câu trả lời mẫu khác.
MỤC LỤC
Ngoài những câu trả lời bạn đưa ra, khả năng giao tiếp trực tiếp của bạn cũng sẽ được đánh giá ngay tại buổi phỏng vấn. Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và phi ngôn ngữ của bạn như thế nào? Bạn có thể hiện, giải thích tốt cho câu trả lời của mình không? Bạn có phát âm, nói chuyện một cách rõ ràng, lưu loát không? Bạn là kiểu người chú tâm lắng nghe những điều người phỏng vấn đang nói, hay là kiểu người thường xuyên chen ngang, ngắt lời người khác và luôn cố gắng chi phối cuộc trò chuyện? Bạn có thể nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn khi nói chuyện với họ không? Ngôn ngữ cơ thể của bạn thể hiện điều gì về con người, bản thân bạn (từ ánh mắt, động tác tay, tư thế ngồi,...)?
Khi người phỏng vấn đặt ra một câu hỏi, họ không chỉ muốn khai thác thông tin từ bạn mà còn muốn thử xem bạn sẽ có phản ứng, thái độ giao tiếp chính xác như thế nào thông qua giọng nói và biểu hiện phi ngôn ngữ khi nhận được câu hỏi tình huống.
Dưới đây là một số loại kỹ năng giao tiếp hàng đầu mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn khi phỏng vấn:
Biết lắng nghe
Sự tự tin
Sự đồng cảm
Sự thân thiện (bạn có phải là người dễ nói chuyện không?)
Giao tiếp phi ngôn ngữ (bạn có đang căng thẳng hay không thoải mái khi phỏng vấn không?)
Có sự tôn trọng với người khác
Độ chính xác và rõ ràng trong câu trả lời của bạn
Tham gia vào phỏng vấn có thể là sự thử thách cho cả những người có kỹ năng giao tiếp tốt nhất. Trả lời một cách hiệu quả có nghĩa là bạn cân bằng được giữa việc lắng nghe câu hỏi của người phỏng vấn và việc vận động trí não để đưa ra được một câu trả lời đúng, đủ ý, hay nhất cho câu hỏi đó chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Hãy luyện tập thật nhiều, kỹ và đúng cách để nâng cao trình độ, kỹ năng phỏng vấn của bản thân. Bạn càng cảm thấy thoải mái trong vai trò người được phỏng vấn bao nhiêu, bạn sẽ càng tự tin thể hiện tốt kỹ năng giao tiếp của bản thân bấy nhiêu. Bạn có thể thực hành phỏng vấn cùng một người bạn, các thành viên trong gia đình hoặc thậm chí là với chính bản thân bạn trước gương. Điều này sẽ giúp bạn quan sát biểu hiện gương mặt của chính mình và tùy ý điều chỉnh chúng sao cho phù hợp nhất. Mặc dù đây không phải là một buổi phỏng vấn thật, bạn vẫn cần cân nhắc trước về việc bạn sẽ trả lời những câu hỏi như thế nào và đâu là phương pháp giúp bạn kết nối với người phỏng vấn một cách hiệu quả nhất.
Hãy chuẩn bị thật kỹ trước khi phỏng vấn bằng cách xem lại những câu hỏi có thể xảy ra cũng như các ví dụ cụ thể về câu trả lời mẫu hay nhất liên quan đến kỹ năng giao tiếp. Điều này sẽ cho phép bạn tham khảo, xây dựng những câu trả lời độc đáo của riêng mình.
Bạn có khả năng hợp tác, làm việc tốt với người khác không?
Hãy nói cho tôi biết thêm về bản thân của bạn.
Bạn miêu tả bản thân mình là người như thế nào?
Bạn đã từng phải đối mặt với những thách thức và vấn đề lớn nào trong công việc? Bạn đã xử lý chúng như thế nào?
Hãy mô tả một tình huống hoặc dự án công việc khó nhằn và cách bạn vượt qua nó.
Bạn đã học được những gì từ sai lầm của bản thân?
Bạn cảm thấy như thế nào khi làm việc với cấp trên cũ ở công ty trước?
Bạn mong đợi điều gì ở người sếp trong công việc?
Bạn làm gì để đối phó với căng thẳng và áp lực?
Từ xưa cho đến nay, điều gì khiến bạn thất vọng, hối tiếc nhất trong cuộc đời?
Bạn đam mê điều gì?
Thói quen, tật xấu nào của người khác trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy khó chịu?
Mọi người thường hay chỉ trích, không hài lòng với bạn ở điểm gì?
Lần cuối cùng bạn nổi giận là khi nào? Chuyện gì đã xảy ra?
Bạn thích làm việc một cách độc lập hay theo nhóm?
Hãy đưa ra một số ví dụ về tinh thần đồng đội của bạn trong việc hoàn thành một dự án quan trọng ở công việc trước.
Vì sao bạn cảm thấy bản thân là người phù hợp nhất cho vị trí công việc này?
Tại sao bạn lại muốn làm việc ở đây?
Bạn có thể mang lại, đóng góp điều gì cho công ty?
Dưới đây là một số câu trả lời mẫu cho các câu hỏi phỏng vấn khác nhau về kỹ năng giao tiếp trong công việc. Khi bạn chuẩn bị và thực hành các câu trả lời cho những câu hỏi như vậy, hãy luôn chú ý rằng ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt và tông giọng của bạn đều đóng một vai trò quan trọng, giúp bạn có được một câu trả lời hoàn hảo y như nội dung những điều bạn sẽ nói.
Tôi rất đam mê việc đảm bảo phúc lợi cho trẻ em, đó là lý do vì sao tôi quyết định trở thành một nhân viên công tác xã hội. Từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã nhận chăm sóc một vài đứa trẻ có trường hợp đặc biệt và tôi không thể tin được một số câu chuyện mà họ đã chia sẻ với gia đình chúng tôi. Họ kể với tôi về nhiều trường hợp họ cảm thấy đói hoặc mệt mỏi đến mức không thể tập trung học hành ở trường; hay một vài người trong số đó thường xuyên bị đánh đập, phải mang thương tích và vết bầm dập trên người.
Sau này khi dần lớn lên, tôi nhận ra rằng những đứa trẻ nhà mình từng chăm sóc chỉ là thiểu số mà thôi. Còn rất nhiều đứa trẻ khác cũng bị kẹt trong tình trạng như vậy. Chúng có thể được giúp đỡ và tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc thậm chí còn không được phát hiện và cứ dần rơi xuống vực sâu của cuộc sống. Hy vọng của tôi là có thể xác định được càng nhiều những đứa trẻ như vậy càng tốt để kết nối, cung cấp cho chúng những nguồn lực cần thiết, không chỉ với mục đích giúp chúng sống sót mà còn để chúng có cơ hội phát triển, trưởng thành hơn nữa.
=> Câu trả lời này rất tốt vì niềm đam mê mà ứng viên chọn để mô tả có liên quan trực tiếp đến công việc mà cô ấy đang ứng tuyển. Cô ấy cũng tự đưa ra một số ví dụ cá nhân, điều này chứng minh rằng cô ấy sẵn sàng chia sẻ thông tin bản thân để xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với người khác.
Câu hỏi: “Vì sao bạn cảm thấy bản thân là người phù hợp nhất cho vị trí công việc này?”
Thật sự thì tôi không biết bất cứ điều gì về những ứng viên khác mà bạn đang phỏng vấn, vì vậy tôi không thể tự mình nói rằng bản thân là ứng viên tốt nhất cho công ty. Tuy nhiên, tôi có thể tự tin nói rằng bản thân sẽ có thể giúp công ty bạn thành công như những gì tôi đã làm với công ty cũ của mình. Cụ thể, ngay trong tháng đầu tiên đi làm tại công ty cũ, tôi đã được bầu chọn là nhân viên bán hàng số 1 ở cả công ty. Tôi đã sử dụng các kiến thức của bản thân về thuật ngữ y tế và công thức hóa học để tăng lượng khách hàng lên hơn 40% và tôi cũng có thể làm điều tương tự với doanh nghiệp dược của bạn.
=> Đây là một ví dụ hay, điển hình về cách trả lời một câu hỏi “mẹo” - ứng viên có thể dễ dàng mắc sai lầm khi nói bằng một giọng điệu quá khoe khoang hoặc phô trương. Trong trường hợp trên, ứng viên đã bắt đầu câu trả lời bằng một tuyên bố khiêm tốn, sau đó thể hiện sự tự tin bằng cách đưa ra một ví dụ cụ thể về thành tích, doanh số bán hàng của anh ấy trong quá khứ rồi liên hệ chúng với công việc mà anh ấy đang ứng tuyển. Từ đó, ứng viên chứng minh được rằng cho dù anh ta không phải là ứng cử viên tốt nhất cho vị trí công việc, anh ấy cũng có đủ khả năng và năng lực trở thành thành viên năng suất, có ích nhất cho công ty.
Tôi tự miêu tả bản thân mình là một thành viên nhiệt tình trong đội. Tôi là thành viên của đội bóng rổ ở cả trường trung học và đại học, vì vậy tôi đã học được cách làm việc, hợp tác cùng với nhiều người khác để đạt được một mục tiêu chung. Tôi cũng đã nhận ra và được trải nghiệm tầm quan trọng của sự linh hoạt. Điều này có nghĩa là để thành công, bạn không chỉ cần khả năng tổng hợp, lãnh đạo mà còn cả kỹ năng biết lắng nghe, phụ thuộc và đi theo những người khác khi cần thiết. Những kỹ năng này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trên con đường sự nghiệp của một người giám sát - tôi biết cách giao tiếp, lắng nghe và hỗ trợ đồng nghiệp cũng như các đối tác hay khách hàng của bản thân. Tôi cũng có thể chủ động xác định những xích mích, xung đột cá nhân giữa các nhân viên (dựa theo kinh nghiệm của bản thân) và giải quyết chúng một cách nhanh chóng.
=> Câu trả lời này thể hiện ứng viên có đủ những nhận thức và hiểu biết sâu sắc về các yếu tố quan trọng trong giao tiếp (bao gồm cả kỹ năng lắng nghe và thể hiện lời nói tốt) cũng như ứng viên đã chứng minh được anh ấy có đủ những kỹ năng đó.
Thể hiện tốt ngôn ngữ cơ thể. Biết cách làm chủ, sử dụng ngôn ngữ cơ thể sao cho linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh là một khía cạnh quan trọng của kỹ năng giao tiếp tốt. Trước khi bước vào buổi phỏng vấn, bạn hãy chào nhà tuyển dụng bằng một chiếc bắt tay đầy tự tin và chắc chắn để gây được ấn tượng tốt. Trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn hãy ngồi thẳng lưng, thoải mái, tự tin và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt với nhà tuyển dụng. Hãy mỉm cười đúng lúc và điều chỉnh biểu cảm cũng như cách biểu hiện của bản thân sao cho toát lên, truyền tải được sự nhiệt tình, trong chờ, hào hứng của bạn với công việc và nhà tuyển dụng.
Đưa ra câu trả lời một cách cẩn thận. Hãy nói năng rõ ràng và giữ cho giọng điệu của bạn vui tươi, lạc quan nhất có thể. Nếu bạn có tật hay bị nói nhanh dẫn đến nói lắp, líu lưỡi mỗi khi căng thẳng (như đa số nhiều người), hãy học cách nín thở, ngắt nhịp giữa các câu nói, giữ cho nhịp độ nói chậm, bình thường nhất có thể. Hơn nữa, bạn nên luyện tập học cách dành một chút thời gian trước khi đưa ra câu trả lời để sắp xếp suy nghĩ của bản thân sao cho hệ thống và đầy đủ nhất có thể. Từ đó tránh được việc lo lắng hoặc không biết nên nói điều gì đầu tiên khi chính thức đưa ra câu trả lời.
Thực hành kỹ năng lắng nghe một cách tích cực. Buổi phỏng vấn xin việc là một cuộc trò chuyện hai chiều và kỹ năng lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng nhất của giao tiếp hiệu quả. Hãy chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sở hữu kỹ năng lắng nghe tích cực này ở mức độ chuyên nghiệp bằng cách lắng nghe thật cẩn thận những điều họ nói, không ngắt lời hay chen ngang khi họ chưa nói xong. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có những kỹ năng, sự kiên trì, tập trung cần thiết để giao tiếp hiệu quả, góp phần dẫn đến thành công trong công việc.
Các câu hỏi có thể xảy ra tiếp theo
Bạn định nghĩa sự thành công là gì?
Mức lương bạn mong muốn ở công việc hiện tại là bao nhiêu?
Bạn có câu hỏi nào dành cho tôi không?
Nắm rõ đầy đủ các yếu tố cần có của kỹ năng giao tiếp:
Hãy thể hiện sự hiểu biết của bản thân về các kỹ năng chính trong giao tiếp như kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng trình bày một cách rõ ràng (thông qua cả lời nói và dấu hiệu phi ngôn ngữ), sự tự tin và đồng cảm.
Sử dụng tốt kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ:
Hãy nhận thức các thói quen, tật xấu trong ngôn ngữ cơ thể của bạn và tìm hiểu cách khắc phục chúng. Bạn cũng có thể sử dụng phong cách diễn đạt cũng như tông giọng của bản thân để xây dựng một bầu không khí thân thiện nhưng không kém phần trang trọng với nhà tuyển dụng trong lúc phỏng vấn.
Thực hành, luyện tập thật kỹ trước khi bước vào phỏng vấn thật:
Hình thành sự tự tin trước buổi phỏng vấn bằng cách luyện tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn có thể xảy ra với sự giúp đỡ của một người bạn hay các thành viên gia đình (họ có thể đóng vai là người phỏng vấn bạn). Hãy cố gắng xây dựng một bầu không khí phỏng vấn thật nhất có thể và giữ thái độ nghiêm túc khi luyện tập.
>> Xem thêm tin:
MỤC LỤC
Chia sẻ