Người ta hay nói rằng “hãy dành thời gian đi tìm một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời”. Điều này gây áp lực rất lớn cho những người đang cố gắng tìm ra đúng ngành nghề phù hợp với bản thân. Bạn thực sự có thể tìm thấy một công việc thú vị đến mức nó giống như bạn đang không làm việc? Thực chất thì điều này rất không thực tế. Bất kể bạn nỗ lực bao nhiêu trong việc chọn nghề nghiệp mình thích, sẽ có những ngày bạn vẫn cảm thấy nó giống công việc phải làm. Tuy nhiên, sẽ có những lúc khác bạn nghĩ rằng mình cần làm điều này ngay cả khi không được trả lương. Điều quan trọng là bạn hãy chọn một công việc mang đến nhiều niềm vui hơn sự lo lắng và nỗi buồn mà bạn không thể xử lý được. Trong hàng ngàn nghề nghiệp cho bạn lựa chọn, để tăng tỷ lệ hài lòng với công việc, hãy tìm một nghề phù hợp với sở thích, năng khiếu, thế mạnh liên quan đến công việc và kiểu tính cách của bạn. Một điều quan trọng nữa là bạn cần phải “tận hưởng” được phần lớn các nhiệm vụ trong công việc, thu nhập của bạn ở mức ổn định và có triển vọng phát triển tốt trong tương lai. Sau đây là cách giúp bạn tìm ra nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.
Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu kĩ càng về bản thân. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã biết tất cả những gì cần biết, bạn có thể tự đánh giá bản thân và kết quả của việc làm này sẽ rất hữu ích. Một chuyên gia tư vấn công việc hay một cố vấn nghề nghiệp có thể giúp đỡ bạn ở bước này nếu bạn không tự đánh giá được bản thân mình. Tuy nhiên, đừng nản lòng nếu bạn không đủ khả năng để thuê một người như vậy.
Nhiều trung tâm xã hội cung cấp dịch vụ lên kế hoạch nghề nghiệp miễn phí. Họ cũng có thể giới thiệu cho bạn các cơ quan địa phương cung cấp dịch vụ này. Hơn nữa, thay vì gặp cố vấn, bạn có thể đọc các bài đánh giá nghề nghiệp miễn phí hoặc với chi phí thấp trên mạng để tham khảo.
Nếu bạn đang học đại học, hãy cân nhắc liên hệ với ban định hướng nghề nghiệp của trường. Nếu bạn là một cựu sinh viên, hãy cố gắng truy cập các dịch vụ của họ. Một số trường cao đẳng và đại học cung cấp dịch vụ của họ cho người ngoài trường học. Thêm vào đó, các chương trình hướng nghiệp cho sinh viên cũng thường xuyên được tổ chức miễn phí hoặc với chi phí thấp để tích lũy kinh nghiệm. Bạn có thể đăng ký tham gia để được tư vấn thử.
Kết quả từ việc tự đánh giá bản thân sẽ bao gồm một danh sách các nghề phù hợp với bạn dựa trên tất cả các yếu tố mà nó đã kiểm tra, thế nhưng mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đây. Một số nghề có thể sẽ rất phù hợp với bạn, nhưng một số khác có thể không. Hơn nữa, tuy rằng công việc đó phù hợp với tính cách, sở thích, giá trị và năng khiếu của bạn, nó có thể không phù hợp ở những mặt khác. Ví dụ, trách nhiệm công việc đó không làm bạn thấy hứng thú, cơ hội phát triển có vẻ kém, hoặc công ty yêu cầu bằng cấp hay huấn luyện thêm mà bạn không sẵn lòng hoàn thành. Đưa ra quyết định sáng suốt bằng cách tìm hiểu kỹ từng nghề nghiệp trong danh sách của bạn.
Đọc bản mô tả công việc của mỗi loại nghề nghiệp và cố gắng bỏ qua những định kiến của bạn. Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm cá nhân hoặc đã thực sự tìm hiểu trước, sẽ còn rất nhiều điểm cần xem xét trước khi bạn đưa ra quyết định về nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về nội dung, cơ cấu công việc, nếu bạn vẫn thấy rất hứng thú và quan tâm đến công đó, hãy xét tiếp đến yêu cầu học vấn. Nếu chúng không phù hợp với mục tiêu, con đường học vấn của bạn, hãy loại bỏ công việc đó ra khỏi danh sách. Ví dụ: nếu công việc yêu cầu bằng cấp cao mà bạn không chắc chắn có thể đạt được, đừng chọn ngành nghề đó. Tương tự, nếu bạn đã quyết tâm học đại học thì đừng chọn những nghề chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp phổ thông.
Cuối cùng, bạn sẽ tự đi vào ngõ cụt nếu không tìm hiểu trước con đường thăng tiến của công việc mình chọn. Đầu tư thời gian vào học tập và đào tạo chỉ để nhận ra rằng bạn không có mấy cơ hội phát triển trong ngành nghề đó khi đã sẵn sàng. Điều này sẽ gây tốn thời gian, công sức và tiền bạc của bạn.
Sau khi thu hẹp danh sách của bạn, chỉ còn một vài nghề nghiệp cụ thể, đã đến lúc bạn phải tìm hiểu sâu hơn về chúng. Tiếp tục tìm hiểu bằng cách nói chuyện với những người làm trong lĩnh vực đó, hỏi họ những điều bạn đang thắc mắc, lăn tăn và lấy thêm thông tin về công việc cụ thể như thế nào. Cách nhìn của họ về công việc bạn yêu thích cũng sẽ giúp bạn cân nhắc, đưa ra quyết định cuối cùng một cách chắc chắn hơn.
>> Xem thêm tin:
Chia sẻ