Để xác định xem ứng viên sẽ tiếp cận và thích nghi với một vị trí công việc mới như thế nào, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi ứng viên những câu như “Chúng tôi có thể mong đợi điều gì từ bạn sau 60 ngày đầu tiên bạn đi làm?” hoặc “Bạn hy vọng đạt được điều gì khi làm việc ở đây?”. Đối với một số người, các câu hỏi trên có thể không đơn giản chỉ là một thắc mắc nhỏ và họ sẽ gặp khó khăn khi trả lời chúng vì đó là những câu hỏi rất rộng.
Người phỏng vấn sẽ muốn biết liệu bạn có khả năng tự chủ, làm việc một cách hiệu quả trong khoảng thời gian đào tạo cũng như thử việc, và liệu bạn có thể xây dựng, đóng góp nhiều cho công ty, ngay cả khi bạn chỉ mới bắt đầu làm việc hay không.
Chú ý: Bằng cách đặt loại câu hỏi này, người phỏng vấn sẽ nắm được các tác phong làm việc của bạn, cũng như biết được liệu bạn đã chủ động hình dung về bản thân trong công việc và hiểu được những điều cần thiết để thành công trong vai trò đó là gì hay chưa.
Hãy nhớ rằng, đừng chỉ vì đây là một câu hỏi mở (phạm vi câu hỏi rộng) mà bạn nghĩ rằng trả lời kiểu gì cũng được.
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc 'Bạn hy vọng sẽ đạt được điều gì sau vài tuần đầu tiên làm việc ở đây?'
Cách tốt nhất để trả lời loại câu hỏi này là hãy tập trung vào những điều cụ thể mà bạn sẽ làm để đóng góp cho công ty ngay lập tức. Hãy làm nổi bật sự thật rằng đương nhiên, bạn sẽ cần đến sự huấn luyện, trợ giúp nhỏ từ đồng nghiệp hoặc cấp trên của bạn. Có 3 điều mà chắc chắn bạn cần nhấn mạnh trong câu trả lời của mình, đó là:
1. Khả năng độc lập, tự chủ của bạn: Bạn sẽ muốn thể hiện rằng bản thân có một phương pháp tích cực để tiếp cận cũng như học hỏi vai trò công việc của mình mà không làm phiền hay tạo gánh nặng cho người giám sát hay các đồng nghiệp của bạn. Hơn nữa, hãy chỉ ra rằng ưu tiên của bạn dành cho những ngày đầu tiên đi làm là làm việc một cách năng suất, hiệu quả. Hãy lưu ý rằng việc thường xuyên phải trả lời các câu hỏi, thắc mắc nhỏ cho nhân viên mới có thể khiến cho cấp trên hoặc đồng nghiệp trong phòng cảm thấy khó chịu. Vì vậy, trong câu trả lời của mình, bạn nên nhấn mạnh rằng bạn có kế hoạch chỉ đặt những câu hỏi quan trọng mà không làm phiền đến người khác.
2. Kỹ năng tổ chức của bạn: Nhà tuyển dụng sẽ rất yêu thích những nhân viên có mục tiêu và có tổ chức tốt. Đó là lý do tại sao bạn nên chia sẻ một số thông tin chi tiết về quá trình bạn đã vượt qua một số thử thách của bản thân như thế nào, ví dụ như việc làm quen với một môi trường mới.
3. Giá trị của bạn đối với công ty: Loại câu hỏi này cũng sẽ đem lại cho bạn cơ hội khẳng định khả năng và làm tăng giá trị bản thân trong các lĩnh vực chính của công việc mà bạn có thể đóng góp cho công ty vào những ngày đầu tiên đi làm. Từ bản mô tả công việc, cùng với bất kỳ điều gì người phỏng vấn đề cập đến trong buổi phỏng vấn là những trách nhiệm chính của công việc, hãy xác định những bộ kỹ năng mà bạn cần trang bị để có thể làm quen với công việc một cách nhanh chóng. Bạn cũng có thể nói thêm rằng bạn sẽ nghe theo sự chỉ dẫn của cấp trên và tập trung vào việc học hỏi để làm quen với công việc trong vài tuần đầu khi đi làm, điều này là cần thiết để bạn có thể nhanh chóng phát huy hết mức năng lực của mình.
Chú ý: Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi này, bạn sẽ muốn chứng minh rằng bạn đã hiểu hết các nhiệm vụ chính của công việc, bạn biết cách thiết lập cũng như đạt được những mục tiêu cho riêng mình, và bạn có đủ sự độc lập, tự tin để có thể hoàn thành công việc mà không tạo gánh nặng cho người khác.
Hãy tham khảo một số ví dụ sau và xây dựng câu trả lời dành riêng cho bản thân bạn về câu hỏi 'Bạn hy vọng sẽ đạt được điều gì sau vài tuần đầu tiên làm việc ở đây?':
Ví dụ 1: Tôi sẽ cố gắng liên hệ với tất cả mọi người ở văn phòng và cả những phòng ban liên quan để hiểu càng nhiều càng tốt về công việc, vai trò của họ trong công ty. Tôi cũng sẽ nghiên cứu thật kỹ tất cả những thông tin mà bạn đã cung cấp về các chính sách và thủ tục của công ty. Hơn nữa, sau giờ làm, lúc ở nhà, tôi sẽ tiếp tục đọc thêm tất cả những gì có thể về công ty cũng như về nền công nghiệp này để có được một tầm nhìn chính xác hơn về tình trạng công ty trên thị trường hiện tại. Tôi cũng có thể tìm kiếm một số video chỉ dẫn trực tuyến trên trang web của công ty để cải thiện thêm sự hiểu biết của bản thân.
=> Câu trả lời này cho thấy ứng viên là người cực kỳ độc lập và có khả năng cao là cấp trên của ứng viên sẽ “khá nhàn hạ” trong những ngày đầu tiên ứng viên đi làm. Nó cũng cho thấy ứng viên là một người chăm chỉ cũng như sẵn sàng dành thời gian sau giờ làm để học hỏi thêm kiến thức.
Ví dụ 2: Tôi biết bạn đã đề cập rằng công ty sẽ đào tạo tôi cách sử dụng hệ thống dữ liệu nội bộ của công ty. Tôi nghĩ rằng, cũng tương tự như vị trí công việc trước đây của tôi, tôi sẽ dành khoảng thời gian là mấy tuần đầu đi làm để nghiên cứu về kho dữ liệu, từ đó tôi có thể làm quen và sử dụng chúng thành thạo một cách nhanh chóng hơn.
=> Câu trả lời này rất tốt vì nó đưa ra một dẫn chứng về việc ứng viên đã thành công thực hiện một công việc tương tự trong quá khứ như thế nào.
Ví dụ 3: Trong suốt buổi phỏng vấn, bạn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sáng tạo những bài thông cáo báo chí ấn tượng, và tôi tin rằng, với những kinh nghiệm làm việc trong văn phòng đại sứ quán trước đây của bản thân, tôi sẽ có thể bắt đầu và theo kịp công việc một cách nhanh chóng.
=> Câu trả lời này thể hiện rằng ứng viên đã hiểu rõ công việc của mình cũng như có đủ những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để có thể thành công trong công việc.
Ví dụ 4: Trong tuần đầu tiên đi làm, tôi sẽ tổng kết một danh sách tất cả những câu hỏi mà tôi nhận thấy không thể được giải đáp thông qua nguồn tài liệu có sẵn hoặc các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp,... để trình lên, nhờ cấp trên giải quyết khi chúng tôi gặp nhau.
=> Câu trả lời trên thể hiện rằng ứng viên là một người có tổ chức, có sự chuẩn bị vì ứng viên hiểu rõ rằng có lẽ bản thân sẽ không biết hết tất cả mọi thứ. Từ đó, ứng viên thông minh chuẩn bị trước một chiến lược để đạt được những điều mình muốn mà không phải làm phiền người khác.
Ví dụ 5: Tôi là một người thích sự hệ thống, vì vậy, tôi thích liệt kê, viết xuống những điều mà tôi cần học tập. Điều này sẽ giúp tôi giữ vững được mục tiêu, đảm bảo rằng bản thân đang đi đúng hướng. Ví dụ, khi bạn đề cập đến tầm quan trọng của hệ thống mua hàng trực tuyến đối với công việc này, tôi nhận ra một trong những điều đầu tiên mà tôi cần làm nếu được nhận vào vị trí này là tìm cách làm quen với hệ thống nhanh nhất có thể.
=> Một lần nữa, câu trả lời trên cho thấy ứng viên có khả năng tổ chức tuyệt vời cũng như biết cách xác định các mục tiêu dành riêng cho bản thân mình.
Trong câu trả lời của bạn, bạn sẽ muốn:
Thể hiện rằng bạn sẽ là một nhân viên học việc chịu khó, có thái độ tích cực và không yêu cầu sự “cầm tay chỉ việc” quá mức thường xuyên.
Chia sẻ các chiến lược (phương pháp) để bạn đưa ra được câu hỏi, yêu cầu sự trợ giúp từ phía cấp trên hoặc các nhân viên trong phòng ban mà không đem lại phiền phức cho người khác.
Trình bày cách bạn sẽ đóng góp cho công ty như thế nào.
Chứng minh rằng bạn hiểu rõ về công ty và công việc mà mình đang ứng tuyển.
Những điều không nên nói
Tránh câu trả lời thể hiện rằng bạn sẽ đưa ra hàng tá câu hỏi mỗi khi có thắc mắc - điều này sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy sợ rằng bạn sẽ gây tốn rất nhiều thời gian của mọi người.
Đừng thể hiện rằng bạn là một người học việc và làm quen với mọi thứ chậm.
Đừng đưa ra một câu trả lời viển vông, thiếu tính thực tế - ví dụ, đừng nói rằng bạn sẽ thực hiện cải tổ lại không khí làm việc của phòng ban trong tuần đầu tiên đi làm, nếu thấy không hợp lý, vì dù gì bạn cũng sẽ mất một khoảng thời gian để quan sát trước khi đưa ra được quyết định cuối cùng.
Các câu hỏi có thể xảy ra tiếp theo
Hãy nói về cách bạn làm quen với công việc trong một tháng đầu tiên ở vị trí trước kia của bạn?
Bạn sẽ làm gì khi đang có một câu hỏi cần giải đáp gấp, nhưng tôi lại không có ở đó để giúp được bạn?
Nhấn mạnh khả năng độc lập
Nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn những ứng viên biết rõ công việc, có thể làm quen với môi trường một cách nhanh chóng và không cần đào tạo nhiều.
Thể hiện rằng bạn biết lúc nào nên đưa ra câu hỏi
Tuy nhiên, một điều quan trọng khác là bạn phải chứng minh được bạn biết khi nào là thời điểm cần thiết, thích hợp để đưa ra câu hỏi hoặc yêu cầu sự trợ giúp từ người khác.
Đưa ra các ví dụ cụ thể
Các câu trả lời hay, gây được ấn tượng mạnh với người phỏng vấn sẽ bao gồm những ví dụ cụ thể về cách bạn đã thực hiện công việc làm quen với môi trường tương tự như thế nào trong quá khứ.
Khi tìm việc làm thì bạn cần chuẩn bị những câu hỏi phỏng vấn thông dụng và luyện tập trước để tránh lúng túng mỗi khi được nhà tuyển dụng hỏi.
>> Xem thêm tin:
Chia sẻ