close
cách
cách cách cách

Từ láy là gì? Tác dụng và cách phân biệt từ láy với từ ghép

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Tất cả các thông tin liên quan đến từ láy từ định nghĩa, tác dụng... đều được rất nhiều bạn học sinh quan tâm, bởi đây chính là yếu tố góp phần làm cho khả năng văn học của các bạn phong phú, đa dạng hơn. Dưới đây là bài tìm hiểu cuả Vieclam123.vn về các nội dung kiến thức liên quan đến từ láy, giúp các học sinh hiểu rõ về hơn và biết cách phân biệt giữa từ láy và từ ghép.

1. Tìm hiểu về từ láy

1.1. Từ láy là gì?

Các bạn có thể đã sử dụng từ láy rất nhiều lần trong quá trình làm các bài tập ngữ văn của mình, nhưng có thể do chưa nắm vững được định nghĩa về từ láy nên các bạn không biết rằng những từ ngữ mình đã sử dụng chính là từ láy. Vậy chúng ta sẽ cùng định nghĩ một cách chi tiết để dễ dàng hiểu được: Từ láy được cấu tạo bởi 2 tiếng trở lên, các tiếng tạo nên từ láy có đặc điểm giống nhau về chỉ nguyên âm hoặc phụ âm, hay có thể giống nhau cả nguyên âm và phụ âm. Trong từ láy có thể có 1 từ không mang ý nghĩ gì hoặc cả 2 từ đều không có nghĩa và được ghép với nhau thành một từ có nghĩa.

Ví dụ: Lấp lánh, tròn trịa, lung linh, lan man...

Như thế nào gọi là từ láy

1.2. Từ láy có tác dụng gì?

Mặc dù được cấu tạo từ những tiếng không có ý nghĩa, nhưng khi chúng đứng bên cạnh nhau, được ghép với nhau thì lại tạo thành một từ có nghĩa. Trong các văn bản văn học, các tác phẩm thơ ca, từ láy có tác dụng để miêu tả hình dạng, nhấn mạnh đặc điểm của tâm lý, tình trạng, tinh thần, tâm trạng... của con người, các hiện tượng, sự vật trong cuộc sống.

1.3. Phân loại từ láy

Như đã nói ở trên từ láy là các từ có thể giống nhau chỉ vần hoặc chỉ âm, hoặc có thể giống nhau hoàn toàn về âm và vần, chính vì vậy từ láy được chia làm 2 loại:

+ Từ láy bộ phận:

- Láy âm (nguyên âm): là những từ có phần âm lặp lại nhau.

Ví dụ: thấp thỏm, da dẻ, xinh xắn, ngơ ngác, gầm gừ...

- Láy vần (phụ âm): là những từ có phần vần lặp lại nhau.

Ví dụ: Chênh vênh, liêu xiêu, cheo leo, càu nhàu, bồi hồi...

+ Từ láy toàn bộ:

- Những từ lặp lại nhau cả âm vf cả vần. Ví dụ: Luôn luôn, hằm hằm, xanh xanh, ào ào, dành dành...

- Hoặc để tạo sự tinh tế hài hòa về âm thanh, một số từ còn được thay đổi phụ âm cuối hoặc thanh điệu. Ví dụ: Thoang thoảng, lanh lảnh, ngoan ngoãn, ngồn ngộn, thăm thẳm...

2. Từ ghép là gì? Cách phân biệt từ láy và từ ghép

Từ láy và từ ghép hai biện pháp tu từ mà rất nhiều người bị nhầm lẫn, khó phân biệt. Vậy làm sao để có thể phân biệt được hai loại từ này thì các bạn cần nắm chắc kiến thức về cả từ láy và từ ghép. Mời các bạn cùng đi tìm hiểu qua về nội dung kiến thức phần từ ghép.

2.1. Như thế nào là từ ghép?

2.1.1. Khái niệm

Từ ghép chính là từ được ghép bởi 2 tiếng trở nên, các tiếng này có cùng quan hệ về mặt ý nghĩa với nhau và về mặt âm, vần không bắt buộc phải giống nhau.

2.1.2. Từ ghép có tác dụng gì?

Tác dụng chủ yếu của từ ghép chính là đóng vai trò xác định những từ ngữ cần sử dụng trong lời nói, trong mỗi câu văn, giúp hoàn chỉnh hơn nữa về mặt ngữ nghĩa.

2.1.3. Từ ghép được phân loại như thế nào?

Dựa và đặc điểm của từ ghép mà người ta phân từ ghép thành 2 loại: Đẳng lập, chính phụ.

- Từ ghép chính phụ:

Là từ được ghép từ 2 tiếng có sự phân biệt về nghĩa rất rõ ràng, từ đứng đầu là từ chính – từ chính đóng vai trò mang ý nghĩa trọng tâm, từ đứng sau là từ phụ - đóng vai trò bổ trợ ý nghĩa cho từ chính. Nói chung, ý nghĩa diễn đạt của loại từ ghép này thường hẹp.

Ví dụ: đỏ hoe, sân bay, hoa hồng, tàu hỏa, xanh nhạt...

- Từ ghép đẳng lập:

Trong loại từ ghép đẳng lập, các từ có vai trò về ý nghĩa ngang nhau, không còn phân biệt đâu là từ chính, đâu là từ phụ. Ý nghĩa của từ ghép đẳng lập thể hiện rộng rãi hơn so với sử dụng từ ghép chính phụ.

Ví dụ: Bố mẹ. anh chị, nhà cửa, sách vở, bàn ghế, quần áo, ông bà, cỏ cây...

2.2. Phân biệt từ láy và từ ghép

Như các bạn cũng biết, Tiếng Việt vô cùng phong phú, đa dạng và chính điểm mạnh này lại là một hạn chế đối với người học bởi nó tạo ra nhiều sự phức tạp trong quá trình học. Tại sao mọi người lại có nhiều sự nhầm lẫn giữa từ láy và từ ghép đến như vậy? Đó chính là do giữa từ láy và từ ghép có sự chuyển hóa lẫn nhau. Tuy vậy, vẫn có các yếu tố cơ bản để giúp người học có thể phân biệt được từ láy và từ ghép.

Phân biệt từ láy và từ ghép

Cách 1: Từ ghép có chứa từ Hán Việt thì không phải từ láy

Trong tiếng Việt những từ Hán Việt láy âm xuất hiện rất nhiều, chính vì vậy mà tất cả những từ Hán Việt có 2 âm tiết thì sẽ được xác định là từ ghép chứ không phải là từ láy, dù cho từ đó có ngẫu nhiên láy âm với nhau đi nữa.

Ví dụ: "Tử Tế" cùng láy nguyên âm "T" nhưng ở đây "Tử" là từ Hán Việt nên đây là từ ghép.

Cách 2: Từ ghép thuần Việt cả 2 từ đều có nghĩa không được coi là từ láy

Ta tách 2 từ riêng biệt ra nếu cả 2 từ đều có ý nghĩa thì đó là từ ghép, còn 1 hoặc 2 từ tách ra vô nghĩa thì là từ láy.

Ví dụ các từ che chắn, máu mủ... thì sẽ được coi là từ ghép. Ngoài ra chỉ có một từ có nghĩa trong hai từ thì đó có thể coi là láy âm, ví dụ: lạnh lùng, lảm nhảm...

Cách 3: Nếu hai tiếng trong một từ đảo trật tự cho nhau mà vẫn có nghĩa thì đó là từ ghép

Khi đảo trật tự các tiếng trong một từ mà được một từ mới vẫn có nghĩa thì đó được coi là từ ghép. Ví dụ: thẫn thờ - thờ thẫn, mệt mỏi – mỏi mệt...

3. Một số dạng bài tập liên quan đến từ láy.

Hãy áp dụng những kiến thức về từ ghép để hoàn thành những bài tập dưới đây nào!

3.1 Bài tập nhận biết từ láy

Ở dạng bài tập này, học sinh sẽ được đưa ra một danh sách các từ, trong đó có thể có nhiều loại từ như từ ghép, từ láy và học sinh phải nhận biết được đúng loại từ để sắp xếp sao cho đúng. 

Ví dụ bài tập sau đây:

Cho danh sách từ sau, hãy sắp xếp chúng thành hai loại, từ ghép và từ láy: nhà cửa, sừng sững, lủng củng, hung dữ, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, thanh cao, giản dị, dũng cảm, hồi hộp, lẻ loi, chí khí.

Đáp án: 

Từ láy bao gồm: sừng sững, lủng củng, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, hồi hộp, lẻ loi.

Từ ghép bao gồm: nhà cửa, hung dữ, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí.

Lưu ý: đây là dạng bài tương đối dễ và dừng lại ở mức nhận biết, nên học sinh cần nắm chắc khái niệm về từ láy, từ ghép để phận biệt cho đúng, chuẩn.

3.2 Dạng bài xác định kiểu từ láy

Ở dạng bài này, học sinh không những phải xác định đâu là từ láy mà còn phải biết được từ láy đó thuộc dạng nào, láy bộ phận hay láy toàn bộ.

Ví dụ cho các từ sau: mải miết, phẳng phiu, mong mỏi, mơ màng, líu lo, hun hút, thăm thẳm, tít tắp. Hãy cho biết các từ láy trên thuộc loại nào?

Đáp án: Từ láy bộ phận bao gồm: mải miết, phẳng phiu, mong mỏi, mơ màng, líu lo, tít tắp, hun hút,

Từ láy toàn bộ bao gồm: thăm thẳm.

Lưu ý: Dạng bài nhận biết loại từ ghép cũng là dạng bài tương đối dễ, học sinh cần nắm chắc lý thuyết về phân loại từ láy để đạt điểm cao trong dạng bài tập này.

3.3 Dạng bài xác định từ láy trong đoạn văn, đoạn thơ và nêu công dụng

Đề bài thường sẽ cho một đoạn văn bản hoặc một đoạn thơ có chứa từ láy, học sinh cần tìm ra từ láy và nêu được tác dụng của từ láy trong văn bản. Ở dạng bài này, học sinh cần hiểu được nội dung, ý nghĩa của đoạn văn, đoạn thơ thì mới có thể phân tích được tác dụng của từ láy.

Ví dụ 1: Cho đoạn văn sau:

"Đêm về khuya lặng gió. Sương phủ trắng mặt sông. Những bầy cá nhao lên đớp sương "tom tóp", lúc đầu còn loáng thoáng dần dần tiếng tũng toẵng xôn xao quanh mạn thuyền".

Xác định từ láy trong văn bản và nêu tác dụng của từ láy đó.

Đáp án: Từ láy: tom tóp, loáng thoáng, tũng toẵng, xôn xao.

Tác dụng: những từ láy miêu tả âm thanh và tần suất xuất hiện của âm thanh xuất hiện trên dòng sông lúc đêm khuya tĩnh lặng. Từ láy góp phần miêu tả khung cảnh bờ sông về đêm, đồng thời tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh để từ âm thanh tiếng cá đớp mồi, gõ vào mạn thuyền thể hiện sự tĩnh lặng của dòng sông về đêm, có thể nghe thấy từng âm thanh rất nhỏ.

Ví dụ 2: Xác định từ láy xuất hiện trong đoạn thơ sau, những từ láy đã góp phần làm nên thành công về giá trị biểu đạt của đoạn thơ như thế nào?

Gió nâng tiếng hát chói chang

Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

Tay nhè nhẹ chút, người ơi

Trông đôi hạt rụng hạt rơi xót lòng.

Mảnh sân trăng lúa chất đầy

Vàng tuôn trong tiếng máy quay xập xình

Nắng già hạt gạo thơm ngon

Bưng lưng cơm trắng nắng còn thơm tho. 

Đáp án: Từ láy: chói chang, long lanh, nhè nhẹ, xập xình, thơm tho.

Tác dụng: nhà thơ đã sử dụng hàng loạt các từ láy có giá trị biểu cảm, miêu tả cao, khiến đoạn thơ đậm chất trữ tình, người đọc có thể hình dung ra được những vất vả, cực nhọc mà người nông dân phải trải qua để có được hạt gạo trắng ngần thơm tho.

Ví dụ 3: Phân tích tác dụng của từ láy có trong đoạn văn sau

Bản làng đã thức giấc. Đó đây, ánh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng gọi nhau í ới.

Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi.

Đáp án: Từ láy: bập bùng, rì rầm, í ới, mênh mông.

Tác dụng: Từ láy “bập bùng” khiến người đọc hình dung ra ngọn lửa cháy to, cháy đều trong đêm. Những tiếng “rì rầm, í ới” diễn tả âm thanh của cuộc sống, đã bắt đầu sôi động vào buổi sáng sớm. Từ láy “mênh mông” diễn tả không gian bầu trời rộng lớn vào buổi sáng sớm.

Ví dụ 4: Chỉ ra từ láy và phân tích tác dụng của từ láy đó trong đoạn thơ sau trong bài “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy:

"Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre chẳng ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người".

Đáp án: Từ láy “bão bùng” được sử dụng để thể hiện những khắc nghiệt của thời tiết, nhưng tre vẫn đùm bọc lấy nhau. Nhà thơ đã ca ngợi phẩm chất đoàn kết, biết giúp đỡ, bao bọc của cây tre, từ đó ẩn dụ để chỉ những phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam.

Ví dụ 5: Câu thơ của Nguyễn Du trong “Truyện Kiểu” có sử dụng từ láy lập lòe để miêu tả sắc đỏ của hoa lựu mùa hè:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

Từ láy lập lòe đã gợi lên sắc đỏ của hoa lựu, một sắc đỏ rực ẩn hiện sau tán lá.

Lưu ý: bài tập xác định và phân tích từ láy là dạng bài khó, đòi hỏi học sinh không những nắm vững kiến thức về từ vựng mà còn phải có khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản. Với dạng đề này, học sinh cần phải thực hành luyện tập nhiều để có thể đạt được điểm số cao khi làm các bài tập làm văn.

3.6 Mở rộng bài tập tự luyện

Xác định từ láy trong những đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:

-Mình về mình có nhớ ta 

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng 

-Tiếng ai tha thiết bên cồn 

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi 

-Mình đi có nhớ những nhà 

Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son 

-Ta với mình, mình với ta,

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh 

-Những đường Việt Bắc của ta 

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng 

ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan 

Dân công đỏ đuốc từng đoàn 

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay 

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày 

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

 

Xác định từ láy trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận:

-Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

-Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

-Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

-Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

 Trong bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến:

-Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Trong bài “Thu ẩm”, Nguyễn Khuyến:

-Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

-Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.

-Những luồng run rẩy rung rinh lá…

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

-Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…

Non xa khởi sự nhạt sương mờ…

 

Trong bài “Thu” của Xuân Diệu:

-Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;

Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.

Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;

Cành biếc run run chân ý nhi

-Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,

Hây hây thục nữ mắt như thuyền.

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,

Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên

Từ láy trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

-Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

-Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

-Rải rác biên cương mồ viễn xứ

-Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Từ láy trong bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương:

-Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

-Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không

Từ láy trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ:

-Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,

Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

– Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Với những kiến thức về từ láy cũng như từ ghép mà vieclam123.vn chia sẻ trên đây. Các bạn hãy ghi nhớ thật kỹ từ láy là gì để từ đó phân biệt được từ láy và từ ghép nhé.

>> Xem thêm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.