close
cách
cách cách cách

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Truyền kì mạn lục” là một trong những sáng tác hay nhất trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ. Cùng tìm hiểu bài phân tích nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”-một trong những thiên truyện ngắn hay nhất trích trong “Truyền kì mạn lục” để thấy được phong cách sáng tác của Nguyễn Dữ cũng như cái nhìn nhân văn của ông đối với người phụ nữ Việt Nam.

1. Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Tác giả: Nguyễn Dữ, quê ở Hải Dương, là con trai của tiến sĩ Nguyễn Trường Phiêu, được tương truyền là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lúc nhỏ, là một người ham học hỏi, từng ôm lí tưởng về sự nghiệp văn chương để nối nghiệp cha, từng làm quan nhà Mạc nhưng vì bất mãn với thời cuộc nên xin về quê ở ẩn.

Tác phẩm: “Truyền kì mạn lục” (ghi chép lại những câu chuyện lạ được lưu truyền trong dân gian) là sáng tác duy nhất của Nguyễn Dữ. “Truyền kì mạn lục” gồm 20 truyện ngắn viết theo lối tản văn, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả, lời bình nói về những quan điểm đạo nghĩa trong xã hội. “Truyền kì mạn lục” được xem là một “thiên cổ kỳ bút” được lưu truyền đến muôn đời.

Cách 2: Dẫn dắt từ đề tài người phụ nữ trong xã hội xưa

Chủ đề người phụ nữ vốn là một đề tài quen thuộc của nền văn học Việt Nam. Biết bao nhà thơ, nhà văn với tấm lòng nhân đạo của mình đã hướng ngòi bút đến ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như cảm thương cho số phận bất hạnh của họ. Nguyễn Dữ cũng là một nhà văn như vậy. 

1.2 Thân bài

*Tóm tắt cốt truyện: “Chuyện người con gái Nam Xương” xoay quanh cuộc đời của nhân vật Vũ Thị Thiết hay còn được gọi là Vũ Nương, là một người con gái thiết tha, thùy mị, nết na, có tư dung tốt đẹp. Chàng Trương Sinh vì cảm mến người con gái này mà xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ, nhưng chẳng bao lâu sau Trương Sinh phải lên đường đi lính, để lại mẹ già, con nhỏ và người vợ trẻ. Cả gia đình do một bàn tay Vũ Nương chăm lo, nàng là một người con hiếu thuận, một người mẹ đảm đang, gánh vác, quán xuyến chuyện trong nhà một cách ổn thỏa. Khi mẹ già yếu, nàng hết mực chăm sóc, khi mẹ mất, nàng cũng làm tròn đạo hiếu, ma chay, cúng giỗ tử tế như đối với cha mẹ mình. Khi giặc lui, Trương Sinh trở về nhà, trong một đêm chơi với đứa con nhỏ, vì câu nói ngây thơ của trẻ nhỏ mà Trương Sinh đã hiểu nhầm vợ không giữ trọn đạo thủy chung. Mặc cho người vợ trẻ hết mực giải thích, hàng xóm làm chứng, khuyên can, Trương Sinh vẫn mắng nhiếc, lăng mạ và đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà. Khi chàng biết được sự thật thì Vũ Nương vì quá buồn khổ mà đã quyên sinh trên dòng sông Hoàng Giang. Sau đó Trương Sinh có lập đàn giải oan cho Vũ Nương, nàng có trở về để cảm tạ ân tình nhưng tiếc là Vũ Nương mãi mãi không thể trở về trần gian được nữa.

Tìm hiểu về Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

*Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương

-Nàng là một người con gái thùy mị, nết na, chăm chỉ, hiền lành, tư dung tốt đẹp

-Nàng là một người vợ chung thủy, sau bao năm chồng đi lính xa nhà, vẫn giữ nguyên đạo làm vợ, không làm bất kì điều gì gian dối.

-Nàng là một người con dâu hiếu thảo, khi mẹ chồng đau ốm hết mực chăm sóc, đối đãi tử tế như với chính cha mẹ ruột của mình. Khi mẹ già yếu mà mất, nàng cũng một tay lo ma chay, cúng giỗ, đàng hoàng để hương hỏa cho mẹ.

-Nàng là một người mẹ đảm đang, dù đứa con vắng bóng cha nhưng nàng vẫn dành nhiều thời gian để chăm lo cho con, chơi cùng con.

*Phân tích bi kịch cuộc đời của Vũ Nương

-Tuy là người con gái đẹp, tài sắc nhưng Vũ Nương phải chịu số phận bất hạnh. Lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng phải đi lính xa nhà, nàng không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn giống như bao người phụ nữ khác.

-Là một người phụ nữ thủy chung nhưng lại bị chính người chồng mà mình hết mực yêu thương, chờ mong nghi ngờ, đổ oan để rồi nàng phải trẫm mình xuống sông Hoàng Hà để giải oan.

*Giá trị hiện thực trong tác phẩm

-Phê phán xã hội phong kiến với chiến tranh phi nghĩa khiến cho gia đình ly biệt, hạnh phúc lứa đôi không được trọn vẹn, người vợ trẻ phải sống vất vả, cô đơn, một mình gánh vác công việc gia đình, nuôi mẹ già và con nhỏ.

-Phê phán thói vũ phu, gia trưởng độc đoán gây nên những bi kịch gia đình không thể cứu vãn được.

1.3 Kết bài

Tổng kết giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Giá trị nội dung: “Chuyện người con gái Nam Xương” đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ trong  xã hội xưa, đồng thời cảm thương cho số phận bất hạnh và những bi kịch mà họ phải gánh chịu. Truyện là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ, thể hiện giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc.

Giá trị nghệ thuật: “Chuyện người con gái Nam Xương” có sự kết hợp giữa yếu tố thực và ảo, tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện, tình huống truyện tạo được nút thắt cho câu chuyện, khiến nội dung được đẩy lên cao trào, từ đó cởi nút thắt để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

2. Bài văn mẫu phân tích nhân vật Vũ Nương

2.2 Bài văn mẫu phân tích nhân vật Vũ Nương số 1

Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa là đề tài của rất nhiều các tác phẩm văn học trung đại và đó cũng là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ. Tên tuổi của ông gắn liền với tập truyện “Truyền kì mạn lục”  được ví như “thiên cổ kỳ bút”, áng văn xuôi tự sự hay nhất nhì trong giai đoạn thế kỉ XVI. Mà tiêu biểu nhất là “Chuyện người con gái Nam Xương” với sự thành công khi khắc họa vẻ đẹp nhân cách nhân vật Vũ Nương thông qua bi kịch cuộc đời của chính người phụ nữ này.

Tìm hiểu về Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI, quê ở Thanh Miện, Hải Dương. Đương thời, ông được coi là một trong những học trò xuất sắc của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Dữ là một nhà Nho học rộng tài cao, có chí lớn và đã ra làm quan để giúp dân giúp nước. Tuy nhiên, do sự  rạn nứt, dấu hiệu suy thoái trong chế độ phong kiến bấy giờ mà ông không tiếp tục con đường thi cử và chọn cáo quan để về vùng quê Thanh Hóa ở ẩn, rời xa quan trường, dị dưỡng nhân cách.

Truyện ngắn “Chuyện người con gái Nam Xương” được trích trong tập “Truyền kì mạn lục” gồm 20 truyện ngắn được ghi lại để lưu truyền những câu chuyện kỳ lạ trong dân gian, tác phẩm là câu chuyện thứ 16. Đây là một thể loại xuất xứ từ văn học Trung Quốc, thường sử dụng các yếu tố kì ảo để phản ánh hiện thực trong cuộc sống. Cốt truyện thường do tác giả tưởng tượng ra hoặc vay mượn từ các câu chuyện dân gian. Cụ thể tác phẩm “ Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên chuyện kể “Vợ chàng Trương” với nhân vật chính là Vũ Nương. Cô là một người phụ nữ đức hạnh, khao khát trong mình một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng lại bị lâm vào thảm kịch cuộc đời là người chồng nghi ngờ, vu oan là không giữ đạo làm vợ. Nàng đã tìm hết cách này đến cách khác để chứng minh, giãi bày nhưng tất cả vô nghĩa. Không còn cách nào khác, Vũ Nương đã chọn con đường tự kết liễu đời mình rửa oan cho chính mình.

Phần kết thúc của câu chuyện, tác giả có đưa vào những yếu tố kì ảo là hình ảnh Vũ Nương đã chết quay trở về, nhằm phản ánh, phê phán xã hội hiện thực cũng như nêu lên giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Trước tiên, để người đọc có thể hiểu được hết ý nghĩa của “ Chuyện người con gái Nam Xương” ta đi tìm hiểu chi tiết về nhân vật Vũ Nương với những vẻ đẹp được Nguyễn Dữ miêu tả trong từng mối quan hệ với chồng, với mẹ chồng và đối với con.

Phân tích nhân vật Vũ Nương

Phân tích nhân vật Vũ Nương

Vũ Nương bấy giờ là người con gái nết na và có tư dung tốt đẹp, đây cũng là đại diện cho vẻ đẹp mẫu mực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chồng nàng là Trương Sinh vì mến mộ mà xin mẹ hỏi cưới nàng về làm vợ. Trong cuộc sống hôn nhân với chồng, Vũ Nương hiện lên là người rất mực thủy chung lại khéo léo, đảm đang. Trương Sinh rất yêu thương vợ nhưng có tính đa nghi. Biết thói chồng hay ghen, nàng luôn cư xử “khuôn phép”, luôn biết nhường nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Như vậy, Vũ Nương là người rất biết chừng mực, rất hiểu chồng, chiều chồng và có ý thức gìn giữ phẩm hạnh.

Chẳng được bao lâu, Trương Sinh phải đi lính để lại vợ trẻ và mẹ già. Vũ Nương rót rượu đưa tiễn chân chồng và dặn dò kỹ lưỡng. Hình ảnh Vũ Nương đau xót, lưu luyến và lo lắng cho chồng trước những hiểm nguy nơi chiến trường. Khung cảnh người đi kẻ ở, chia cắt tình cảm vợ chồng lại khiến chúng ta càng thấm thía nỗi lòng của nàng.  Đến đây, hoàn cảnh của Vũ Nương giống với hoàn cảnh của người vợ trong “Chinh phụ ngâm khúc”, nỗi khổ sở, nhớ mong trong cảnh biệt ly lại lo lắng cho số phận người chồng nơi đầy rẫy những nguy hiểm có thể đi mà không còn ngày trở lại. Vũ Nương cũng không hề coi trọng vinh hoa, danh lợi “không mong đeo ấn phong hầu, “áo gấm” mà chỉ luôn mong chồng có thể bình yên mà trở về để sống cuộc sống gia đình  sum họp hạnh phúc.

Trong thời gian chồng đi lính. Vũ Nương ở nhà luôn mang nỗi nhớ thương chồng tha thiết nhất là mỗi khi nhìn khung cảnh “bướm lượn đầy vườn” hay  ngước mắt thấy “mây che kín núi” nàng lại cảm thấy tâm hồn thổn thức. Đức hạnh của nàng cũng được thể hiện khi nàng minh oan với chồng rằng trong ba năm chia cắt thì nàng luôn giữ gìn một tiết, không màng “tô son điểm phấn”. Cả khi bị chồng khước từ nàng vẫn một mực níu kéo, phân minh mong cho hạnh phúc gia đình không bị tan vỡ. Hình ảnh “núi vọng Phu” trong lời nói của Vũ Nương khiến người đọc liên tưởng tới ngọn núi trông chồng, tức là những người phụ nữ có chồng đi xa sẽ ngày ngày lên núi ngóng đợi, như một hình thức thủ tiết thế nhưng đến cả cơ hội đó nàng cũng không thể nữa. Tóm lại, đối với người chồng, Vũ Nương là người vợ đảm đang, yêu thương chồng, thay chồng gánh trách nhiệm làm con, làm cha, luôn một lòng một dạ dù là Trương Sinh có ở xa nàng vẫn mang tình yêu và thủy chung son sắt để chờ đợi chàng.

Trong cuộc sống đối với mẹ chồng, Vũ Nương là một nàng dâu ngoan, rất mực hiếu thảo, tấm lòng này của người con dâu đã được mẹ chồng ghi nhận. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu là quan hệ chứa nhiều sự phức tạp, mâu thuẫn từ đời này qua đời khác, từ đời xưa đến đời nay. Ấy vậy mà, nàng ngày ngày tận tình chăm sóc, đến khi mẹ chồng đổ bệnh vì nhớ con thì nàng hết lòng khuyên lơn, chạy chữa thuốc thang đến nơi đến chốn lại còn lễ bái cầu thần. Đến khi mẹ chồng qua đời, Vũ Nương lo mai táng như cha mẹ ruột của mình. Chẳng vậy mà trước lúc ra đi mẹ Trương Sinh có nói với nàng rằng sau này rồi nàng sẽ được ban phúc, trời sẽ không phụ nàng cũng như tấm lòng của nàng đã không phụ bà.

Chẳng những là người vợ hiền, dâu thảo mà nàng còn là người mẹ yêu thương, chăm lo cho con cái. Sau khi chồng đi lính, nàng ở nhà một mình sinh được bé trai đặt tên là Đản. Nàng rất tâm lý, sợ con không có tình cảm của cha nên mỗi khi con khóc nàng đều tự chỉ vào cái bóng trên tường và nói rằng đó là ba của Đản. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra bi kịch sau này. Đối với con, Vũ Nương vừa nuôi dạy vừa dạy dỗ, vừa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, vừa gánh nghĩa vụ của một người cha chỉ mong con được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, không thiếu thốn tình yêu thương của cha. Nàng kể với Đảng những điều tốt đẹp về cha Đản để Đản không quên hình dáng của cha, sau này cha về sẽ không thấy xa lạ.

Như vậy, Vũ Nương là một người phụ nữ có vẻ đẹp tâm hồn, đảm đang, chu toàn, người vợ thủy chung, người con dâu hiếu thảo, người mẹ hiền đầy tình yêu thương. Nàng trân trọng hạnh phúc gia đình, luôn có khao khát về một gia đình đầm ấm và đáng lẽ ra đối với một người phụ nữ đức hạnh như Vũ Nương xứng đáng được hưởng hạnh phúc đó. Thế nhưng, thay vì nhận được những gì mình xứng đáng thì Vũ Nương đã vướng vào một bi kịch khiến nàng phải lấy cái chết để rửa nỗi oan ức và chứng minh sự trong sạch của bản thân.

Vũ nương khi ở thủy cung

Câu chuyện về cái bóng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra mọi bi kịch trong cuộc đời Vũ Nương. Khi chồng đi lính về, những tưởng gia đình đoàn tụ, chấm dứt cảnh chia cách thì bé Đản lại không nhận cha và nói những lời ngây thơ của một đứa trẻ con kể lại với Trương Sinh rằng tối nào cha Đản cũng đến, Vũ Nương đi đâu thì người đàn ông đó thi theo và cũng chưa từng bế Đản. Vốn có tính hay ghen, nghe được những lời nói này Trương Sinh đã một mực khẳng định Vũ Nương đã thất tiết. Vũ Nương đã một mạch phân trần, giải thích nhưng chàng không nghe. Trương Sinh không biết đây là một sự hiểu nhầm và chàng ta đang ghen với chính cái bóng của mình. Sau cùng, Vũ Nương đã trẫm mình xuống sông tự tử, hành động quyết liệt này thể hiện mong muốn gìn giữ nhân phẩm, đức hạnh và danh dự của người phụ nữ. Nàng có thể hi sinh tất cả, chịu nhường nhịn vì chồng vì con chứ thà chết không mang nỗi nhục này. Nàng chết đi để lương tâm thanh thản để bản thân trong sạch để không phải hổ thẹn với lòng với người.

Đó chỉ là nguyên nhân trước mắt, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của Vũ Nương là gì? Phải chăng là sự hà khắc, thối nát trong xã hội phong kiến? Cái xã hội quá bất công với số phận của người phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã dung túng cho những kẻ được gọi là chồng là cha cái quyền độc đoán, cho phép họ coi mình là trên không trân trọng người phụ nữ để rồi Trương Sinh ghen tuông trong mù quáng đẩy vợ mình tới cái chết. Cái xã hội không cho người phụ nữ quyền được và quyền được hạnh phúc. “Chuyện người con gái Nam Xương” chỉ có một Trương Sinh, cũng chỉ có một Vũ Nương tự tử nhưng có lẽ xã hội phong kiến bấy giờ còn tồn tại rất nhiều Trương Sinh khác và cũng có rất nhiều người phụ nữ phải chịu bất hạnh, bị dồn vào đường cùng như Vũ Nương.

Kết thúc câu chuyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về với sự giúp đỡ của Linh Phi và Trương Sinh đã nhận ra được sự thật. Đây là một yếu tố kì ảo được Nguyễn Dữ sử dụng để lái cái kết theo một chiều hướng khác. Yếu tố này giúp hoàn thiện thêm nhân cách của Vũ Nương, mang lại sự minh bạch và trong trắng cho nàng trong mắt mọi người. Đồng thời, tác giả muốn thực hiện ước mơ của con người về  sự bất tử của cái thiện, ông đứng về phía cái thiện và luôn tin rằng vẻ đẹp của cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, lấy lại công bằng cho những người phụ nữ bấy giờ.

 Bằng nghệ thuật xây dựng cốt truyện hấp dẫn, xen lẫn các yếu tố thực và yếu tố kì ảo. Qua “Chuyện người con gái Nam Xương” Nguyễn Dữ đã làm nổi bật nên vẻ đẹp của người phụ nữ đương thời thông qua hình ảnh Vũ Nương. Ông cũng ca ngợi vẻ đẹp trong nhân cách, tâm hồn của người phụ nữ, ủng hộ họ trong ước mơ, khao khát được hạnh phúc. Đồng thời phản ánh, phê phán những thói hư tật xấu, những hà khắc cổ hủ của xã hội phong kiến đã đẩy con người lâm vào bước đường cùng.

2.2 Giá trị nhân đạo của tác phẩm qua phân tích nhân vật Vũ Nương

Giá trị nhân đạo đã trở thành một trong những giá trị cốt lõi trong nhiều tác phẩm văn học xuất sắc. Nhiều tác giả đã thể hiện tấm lòng nhân ái của mình khi xây dựng cốt truyện cũng như hình tượng nhân vật điển hình. Nguyễn Dữ cũng là một trong những tác giả thể hiện cái nhìn nhân đạo của mình với nhiều nhân vật có đức hạnh, phẩm chất tốt nhưng lại phải chịu những bất hạnh trong cuộc sống, điển hình là nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.

phân tích nhân vật Vũ Nương

Giá trị nhân đạo hay cảm hứng nhân đạo được biểu hiện ở tình yêu thương con người, cái tâm đối với con người. Những tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc là những tác phẩm ngợi ca phẩm chất cao đẹp của con người, đồng thời thể hiện cái nhìn xót thương cho những số phận bị chà đạp, lên án, tố cáo thế lực chà đạp lên con người.

Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, người đọc có thể thấy được giá trị nhân đạo được thể hiện ở hình tượng nhân vật Vũ Nương. Nguyễn Dữ đã tập trung ngòi bút của mình vào việc ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương, một người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ, thủy chung son sắt một lòng nhưng lại phải chịu nỗi oan khuất để rồi cuối cùng phải quyên sinh để tẩy rửa nỗi oan khuất. Từ đó, Nguyễn Dữ lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, với những định kiến, cổ hủ, đẩy người con gái vào cảnh bị thương.

Giá trị nhân đạo của “Chuyện người con gái Nam Xương” trước hết được thể hiện ở những tình cảm trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ. Vũ Nương ngay từ đầu đã được tác giả giới thiệu là người có “tư dung tốt đẹp”, được nhiều người ưa thích, chẳng những thế mà chàng Trương sinh con một nhà hào phú trong vùng đã xin mẹ trăm lượng vàng để cưới nàng về làm vợ. Khi đã về nhà chồng, nàng nhất mực tuân theo những lễ giáo phong kiến “Xuất giá tòng phu”, nàng hết mực chăm lo cho chồng và gia đình nhà chồng, là một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu con, thương con.

Ngay từ khi mới về nhà chồng, nàng đã thể hiện bản thân là một người vợ hiền, hiểu được tính chồng “Có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” nên luôn biết nhẫn nhịn, chiều lòng chồng, giữ gìn khuôn phép để vợ chồng có thể chung sống trong hòa thuận. Khi chồng phải đi lính, nàng một lòng nghĩ đến sự an nguy của chồng, chỉ mong chồng có thể bình an trở về chứ không cầu mong gì vinh hoa phú quý. Xa chồng, nỗi nhớ trong lòng nàng chưa từng vơi bớt, nàng luôn hướng về người chồng nơi ải xa. Điều này càng chứng tỏ tình yêu thương chồng, nhất mực thủy chung, son sắt của Vũ Nương.

Không chỉ là người con gái yêu chồng, giữ đúng đạo làm vợ, Vũ Nương còn là một người con dâu hiếu thảo, sống thuận hòa với mẹ chồng. Lúc mẹ chồng ốm đau, nàng không ngại khó, ngại khổ mà chăm sóc từng li từng tí, luôn ngọt ngào, khôn khéo khuyên lơn mẹ thuốc thang đầy đủ, lễ bái thần linh để mong mẹ chóng khỏe. Tình cảm chân thành của nàng dành cho mẹ chồng khiến bà cảm động mà cho tới tận lúc mất đi vẫn dành những lời lẽ tốt đẹp, thiêng liêng nhất dành cho người con dâu hiếu thảo này.

Không chỉ có những nét phẩm chất tốt đẹp vây, Vũ Nương còn là người mẹ thương yêu đứa con trai của mình. Nàng luôn chăm chút nuôi dạy bảo ban đứa con nhỏ. Yêu thương con thiếu vắng tình cảm của cha, mỗi tối, Vũ Nương đều chỉ vào cái bóng trên tường và bảo đó là cha Đản. Dù cho sau này, cái bóng ấy và chính lời nói ngây thơ của đứa con nhỏ đã vô tình trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết bi thương của nàng nhưng chi tiết cái bóng cũng là chi tiết thể hiện tình yêu thương sâu sắc của Vũ Nương dành cho con.

phân tích nhân vật Vũ Nương

Không chỉ nổi bật ở tình yêu thương chồng con, đức tính hiếu thuận, hiền lành, chăm chỉ mà ở Vũ Nương còn nổi bật lên ở lòng tự trọng đầy cảm động. Khi bị Trương Sinh nghi oan, nàng vẫn nhất mực nói những lí lẽ và giãi bày tấm chân tình của mình. Khi bị chồng đuổi đi, dù vẫn còn khao khát hạnh phúc nhưng Vũ Nương vẫn chọn cái chết để chứng minh danh tiết của mình. Qua hành động này, ta thấy được tinh thần tự trọng, ý thức giữ gìn danh tiết, đức hạnh của người phụ nữ xưa.

Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương, Nguyễn Dữ còn thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc trước những khó khăn bất hạnh của nàng. Là một người phụ nữ đẹp người đẹp nết, nổi tiếng khắp vùng nhưng Vũ Nương lại không được tự do lựa chọn hạnh phúc lứa đôi của mình. Vũ Nương được gả cho một gia đình hào phú trong làng, chỉ với sính lễ 100 lượng vàng.

Đáng ra Vũ Nương phải được gả cho một người tài đức vẹn toàn, tương xứng với những nét đẹp tâm hồn của nàng nhưng tiếc thay, nàng lại được gả cho Truong Sinh, một gã vô học, sinh ra trong một gia đình có điều kiện, nhưng lại có tinh hay ghen, đối với vợ không có sự tin tưởng mà phòng bị quá mức. Ở cuối thiên truyện, ta còn thấy một Trương Sinh ghen tuông vô lý, không chịu lắng nghe lẽ phải, độc đoán, gia trưởng, vũ phu để rồi cuối cùng đẩy Vũ Nương vào cái chết đầy oan khuất.

Nỗi bi thương của nàng còn được thể hiện ở sự chịu đựng, nhẫn nhịn tính khí của chồng. Trong suốt quãng thời gian chung sống, nàng lúc nào cũng phải khéo léo, lựa lời, cẩn thận trong hành vi cử chỉ, trong khuôn phép để không làm chồng giận. Nhưng hạnh phúc gia đình phải là từ cả hai phía cùng nhau vun đắp, giữ gìn, một người vun vén thì không thể có một cái kết viên mãn.Và sự thật đã được chứng minh ở cuối truyện, chính bởi không yêu thương, không hiểu vợ mình mà Trương Sinh đâm ra ghen tuông mù quáng. không hiểu được tính tình của vợ, không hiểu được tính khí vợ để rồi chàng không nghe bất cứ lời giải thích nào, lại còn giở thói vũ phu đối với Vũ Nương, rồi đuổi nàng ra khỏi nhà. Sự chối bỏ của người chồng chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của người phụ nữ. Sự chối bỏ ấy minh chứng cho tất cả, sự không tin tưởng, không yêu thương, tin tưởng vợ. Và còn gì đau xót hơn nỗi bất hạnh ấy đối với một người phụ nữ dành cả cuộc đời chăm lo cho chồng con cũng như cả gia đình nhà chồng.

Chi tiết cái bóng đã được Nguyễn Dữ xây dựng rất thành công, vừa là chi tiết tạo nút thắt vừa cởi nút thắt cho câu chuyện. Chiếc bóng là tình yêu thương của Vũ Nương dành cho con, để con đỡ tủi thân khi không có cha bên cạnh. Hơn nữa, chi tiết chiếc bóng cũng thể hiện tình cảm của nàng dành cho chồng, chỉ cho con chiếc bóng là cha cũng là lúc Vũ Nương nhớ về người chồng nơi chiến trận. Nàng luôn mong muốn có chồng bên cạnh để san sẻ những lúc cô đơn, lẻ bóng.

Ấy vậy mà chỉ với một lời nói ngây thơ của con nhỏ mà Trương Sinh đã nghi ngờ vợ, nghi ngờ sự thủy chung của vợ, để rồi vội tin lời con trẻ mà không xét đúng sai, hồ đồ độc đoán, đa nghi, ghen tuông mà đối xử tệ bạc mặc kệ những lời thanh minh của vợ. Chiếc bóng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương nhưng ẩn sâu trong đó là một nguyên nhân sâu xa hơn, đó chính là sự thiếu yêu thương, thiếu tin tưởng của người chồng. Sâu xa hơn nữa chính bởi vì nàng đã lấy phải một người chồng đa nghi, độc đoán, gia trưởng, không biết lý lẽ đúng sai.

Trước nỗi oan không gì có thể hóa giải nổi, đến người yêu thương nhất của nàng lúc này cũng không tin tưởng nàng, nàng chỉ còn có thể chọn một con đường duy nhất để chứng minh tiết hạnh của mình. Mặc dù vẫn còn khao khát sự sống, khao khát hạnh phúc nhưng Vũ Nương đã chọn quyên sinh xuống dòng sông Hoàng Giang, chỉ mong cái chết có thể giải tỏa nỗi oan khuất của nàng. 

Những người phụ nữ nhỏ bé, không thể làm chủ cuộc sống của mình mà phải chịu biết bao phong ba bão táp, phó mặc cuộc đời của mình cho người khác. Giống như trong bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương sau này có viết:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Hay Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” cũng đã đúc kết nỗi bất hạnh chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở thái độ tố cáo, lên án chế độ phong kiến mục ruỗng, thối nát, chà đạp lên thân phận những người phụ nữ. Tác giả tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã chia rẽ hạnh phúc lứa đôi, chiến tranh, loạn lạc gây đau khổ cho con người, Trương Sinh phải đi lính, để lại người mẹ già, vợ trẻ và đứa con thơ. Đến lúc mẹ mất, Trương Sinh cũng không thể trở về lo ma chay cho mẹ.

Lễ giáo phong kiến với những hủ tục bất công đã khiến người phụ nữ không được coi trọng trong xã hội, đến hạnh phúc cá nhân cũng không được tự do lựa chọn. Sự bất công trong xã hội phong kiến còn được thể hiện ở sự độc đoán của người chồng, toàn quyền quyết định mọi việc trong nhà, nghỉ oan cho vợ nhưng lại không nói thẳng cho vợ, cũng không nghe vợ thanh minh mà cứ vậy đánh đập rồi đuổi vợ đi.

Giá trị tố cáo xã hội phong kiến càng được đẩy lên cao khi Vũ Nương được giải oan nhưng không thể trở về trần gian được nữa. Điều này chứng tỏ một quy luật rằng có những sai lầm không thể sửa chữa được, một khi đã gây ra hậu quả thì rất khó để bù đắp. Vũ Nương cũng thà sống ở dưới thủy cung còn hơn trở về cõi trần để sống cuộc đời đầy rẫy những bất công, oan khuất, đau khổ.

Như vậy, qua bút pháp nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, giàu kịch tính cùng với sự kết hợp của thế giới thực và ảo đã khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, thu hút người đọc. Từ những tình huống thắt nút, cởi nút đầy bất ngờ, Nguyễn Dữ đã thành công trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Vũ Nương cũng như những bi kịch mà nàng phải gánh chịu.

“Chuyện người con gái Nam Xương” sáng ngời lên giá trị nhân văn sâu sắc. Qua phân tích nhân vật Vũ Nương, ta thấy được cái nhìn ca ngợi, trân trọng của tác giả cũng như thái độ cảm thông, xót thương cho số phận bất hạnh của họ. Qua đó, ta cũng thấy được bộ mặt mục ruỗng, thối nát của xã hội phong kiến đương thời.

Trên đây là dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích nhân vật Vũ Nương trong chương trình học Ngữ Văn của học sinh trung học cơ sở. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích, giúp bạn học tốt hơn môn học này.

>>> Tham khảo thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.