Ikigai là một khái niệm được bắt nguồn từ người Nhật với ý muốn tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống, tìm được động lực sống vui vẻ, có ích hơn mỗi ngày. Cùng tìm hiểu về triết lí này qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn.
Ikigai là từ tiếng Nhật, được ghép từ hai từ chính là “ikiru” nghĩa là “sống”, và “kai”có nghĩa là “thấy được hy vọng”, “ikigai” có thể hiểu là “tìm thấy hy vọng, mục đích sống trong cuộc đời bạn.”
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đã bao giờ bạn cảm thấy mông lung vì không biết ý nghĩa cuộc sống của mình là gì chưa? Mỗi sáng trước khi thức dậy bạn có tự băn khoăn ngày hôm nay của mình trôi qua sẽ như thế nào? Vui vẻ, tràn đầy năng lượng sống hay tẻ nhạt, đếm từng giờ trôi qua chỉ mong chóng hết ngày?
Tìm được nguồn năng lượng tích cực để sống ý nghĩa mỗi ngày là việc không hề đơn giản. Sẽ có những vui buồn, thành công, thất bại ảnh hưởng đến tâm trạng và thái độ của mỗi người. Bởi vậy, tự tạo được động lực, suy nghĩ tích cực cho mình chính là kim chỉ nam hướng chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mô hình Ikigai được hình thành bởi 4 yếu tố cơ bản. Chỉ cần bạn có thể hài hòa được cả 4 yếu tố này thì đích đến của một cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa chắc hẳn đã rất gần rồi. Bốn góc độ đó bao gồm:
What you love: điều bạn yêu thích là gì?
What you are good at: điều bạn giỏi nhất là gì?
What you can be paid for: điều bạn sẽ được trả công cho công sức bạn bỏ ra là gì?
What the world needs: điều xã hội cần là gì?
Đây chính là 4 yếu tố trong cuộc sống mà bạn cần liên kết chúng lại với nhau. Hàng ngày bạn có đang làm công việc mình yêu thích hay không? Công việc đó có phải sở trường của bạn hay không? Bạn có được trả công xứng đáng cho việc bạn đang làm không? Và công việc bạn làm có phải là công việc xã hội đang cần, có tạo ra giá trị cho xã hội hay không?
Nếu như bạn làm việc vì đam mê, sở thích của mình nhưng đó không phải là công việc mà xã hội cần và bạn cũng không nhận được trả công cho công việc đó thì nó mới chỉ dừng ở việc bạn đang thỏa mãn đam mê của mình mà thôi. Còn nếu bạn làm một công việc có tiền công, có tạo ra giá trị cho xã hội nhưng lại không phải công việc bạn yêu thích, cũng không phát huy được sở trường của bạn, như vậy sẽ rất khó để bạn có thể tạo ra những bứt phá trong công việc cũng như gắn bó lâu dài với nó.
Chỉ khi hài hòa được cả bốn yếu tố trên, thì bạn mới đạt đến được triết lý sống ikigai mà mọi người đều mơ ước.
Có được Ikigai, một người nông dân cũng cảm thấy vui vẻ khi mùa màng bội thu. Bởi công sức họ bỏ ra được đền đáp xứng đáng bằng nông sản được mùa. Sản phẩm họ tạo ra đáp ứng được nhu cầu về lương thực thực phẩm của xã hội. Gắn bó với ruộng vườn, đất đai là niềm yêu thích và cũng là điều họ giỏi nhất. Vì thế, họ luôn cảm thấy hài lòng trong cuộc sống.
Có được Ikigai, một nhân viên kỹ thuật cũng cảm thấy vui vẻ mỗi sáng thức dậy đi làm. Bởi họ biết công việc của họ đang tạo ra lợi ích cho cả một nhà máy sản xuất, từ đó tạo ra thiết bị, sản phẩm công nghệ mà cả thế giới đang cần. Họ cũng được trả lương xứng đáng với công việc họ đang làm đó. Đồng thời họ có chuyên môn, có được niềm yêu thích với máy móc, thiết bị. Đó là lý do tại sao từng ngày trôi qua với họ đểu có giá trị.
Hiểu được vai trò của Ikigai giúp bạn sống ý nghĩa hơn, vui vẻ hơn, từ đó gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Không chỉ với mỗi cá nhân mà các doanh nghiệp cũng cần hiểu được triết lí này để tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân sự của mình.
Người lãnh đạo khi hiểu được nhân viên của mình yêu thích cái gì, sở trường là gì để từ đó phân công công việc sao cho hợp lý, trả công xứng đáng thì sẽ đạt được hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh. Không những giúp nhân viên phát huy được sở trường của họ, cảm thấy yêu thích công việc, từ đó giữ chân họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Mà khi được làm công việc yêu thích, bản thân mỗi cá nhân sẽ cố gắng hơn, làm việc hiệu quả hơn, đóng góp vào sự thành công trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những doanh nghiệp không hiểu được triết lý Ikigai này, họ thường gặp khó khăn trong việc hiểu về nhân viên của mình, không biết làm thế nào để nhân viên có thể thỏa sức sáng tạo và tìm thấy niềm vui trong công việc. Cuối cùng, họ lại dồn nén nhân viên vào trong khuôn khổ. Lâu dần, nhân viên khi không thấy được niềm vui trong công việc, trong cuộc sống sẽ tự đào thải để tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp hơn.
Hiểu được Ikigai là gì, mô hình Ikigai và tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, bạn đã biết Ikigai của bản thân là gì chưa? Bạn đam mê điều gì? Bạn giỏi điều gì? Bạn có thể được trả tiền cho điều gì? Xã hội cần gì từ bạn? Làm thế nào để tìm được điểm giao thoa của cả bốn câu hỏi đó? Đã đến lúc bạn cần phải ngồi lại, suy ngẫm và tìm ra Ikigai của bản thân rồi đấy.
Hành trình tìm ra Ikigai của bản thân là một hành trình dài và cũng có thể thay đổi liên tục theo từng thời điểm. Trải qua những sự việc, những chuyện trong cuộc sống, con người mới dần hiểu ra bản thân mình muốn gì, thích gì, giỏi về điều gì và phù hợp với điều gì. Không ai có thể dám chắc khi nào mình có thể tìm được vòng tròn Ikigai đích thực của cuộc đời mình.
Có thể ở thời điểm này bạn đang rất hài lòng với công việc hiện tại, cảm thấy nó phù hợp với cả bốn yếu tố, công việc bạn thích, sở trường của bạn, tạo ra giá trị cho xã hội và được trả lương xứng đáng. Nhưng biết đâu ở một thời điểm khác, bạn lại không còn yêu thích với lĩnh vực này nữa, cảm thấy công sức bỏ ra không còn được trả công xứng đáng nữa, hoặc đơn giản, công việc này không còn tạo ra giá trị cho xã hội nữa. Vậy thì khi đó, bạn cần phải xác định lại Ikigai của cuộc đời mình.
Mỗi sáng thức dậy, hãy tự hỏi bản thân mình có đang sống cuộc sống mình thực sự mong muốn hay không? Hãy tự cảm nhận xem động lực sống và làm việc có đang dâng trào trong bạn từng ngày hay không. Nếu không, hãy thử thay đổi, nỗ lực, làm những điều mới hơn để tìm ra giá trị đích thực của cuộc sống nhé. Kiên nhẫn lắng nghe bản thân là một nghệ thuật mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để làm tốt.
Như vậy, qua bài viết của Vieclam123, hy vọng bạn đã hiểu được Ikigai là gì. Hành trình tìm ra Ikigai của bản thân có lẽ là một chặng đường dài và không có điểm kết. Nỗ lực sống tốt hơn, ý nghĩa hơn và tìm ra điều phù hợp hơn với bản thân có lẽ là giá trị đích thực của cuộc sống mà mỗi chúng ta đều hướng tới.
>> Xem thêm tin: Otaku là gì? Các loại Otaku và cách nhận biết bọn họ
Chia sẻ