close
cách
cách cách cách cách cách

Tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp và cách trả lời

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Tùy từng vòng phỏng vấn, từng công ty và từng vị trí tuyển dụng mà các câu hỏi phỏng vấn sẽ khác nhau để có thể đánh giá được chính xác năng lực của ứng viên. Tuy vậy, vẫn có các câu hỏi phỏng vấn thường gặp chúng ta có thể tham khảo qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn để có được sự chuẩn bị tốt nhất.

1. Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn thường gặp trong các buổi phỏng vấn, bạn nên ghi nhớ và chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn của mình.

Câu hỏi 1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn?

Đây là câu hỏi phỏng vấn đầu tiên mà nhà tuyển dụng thường dùng. Thứ nhất là để nhà tuyển dụng có thể xác nhận được thông tin ứng viên, rằng ứng viên đang tham gia phỏng vấn có tên trong danh sách phỏng vấn và trùng khớp với bản CV xin việc mà họ đang cầm trên tay.

Đối với câu hỏi tự giới thiệu bản thân, ứng viên không cần phải trả lời quá dài dòng mà chỉ cần nêu những thông tin cơ bản như tên, tuổi, tốt nghiệp ngành gì, trường gì, một số kinh nghiệm của bản thân liên quan tới công việc đang phỏng vấn, một số thể mạnh hoặc điểm nổi bật để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng ghi nhớ bạn.

Câu trả lời tham khảo:

“ Tên tôi là Nguyễn Minh Hà, tôi năm nay 22 tuổi, là sinh viên vừa mới tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Thương Mại. Tôi muốn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh tại công ty để phát huy điểm mạnh của bản thân trong lĩnh vực này, ứng dụng những hiểu biết của bản thân để gặt hái được thành tựu trong công việc thực tế. Tôi đã có 6 tháng làm việc ở vị trí thực tập sinh tại công ty [tên công ty] vì vậy, tôi cũng phần nào hiểu được công việc của một nhân viên kinh doanh phải làm là gì. Tôi thực sự đam mê lĩnh vực này nên rất mong muốn được gắn bó với nó.”

Tuy vậy, bạn cũng không nên kể quá dài dòng mà chỉ nên tóm gọn lại để nói trong vòng từ 2-3 phút. Và tốt nhất bạn cũng nên đề cập đến những thông tin mà bạn cho là hữu ích để nhà tuyển dụng có thể nhận thấy rằng bạn phù hợp với công việc này.

Câu hỏi 2. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?

Nhà tuyển dụng cần biết được mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên là gì, xem nó có phù hợp với công việc này không, liệu ứng viên có thể gắn bó lâu dài, thậm chí là phát triển hơn nữa trong nghề hay không. Ví dụ khi ứng viên ứng tuyển cho vị trí nhân viên kinh doanh nhưng định hướng nghề nghiệp của họ lại muốn tương lai trở thành giảng viên tiếng Anh, thì rõ ràng, đây sẽ là điều khiến nhà tuyển dụng cần cân nhắc. Bởi nếu lựa chọn ứng viên này, họ có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào để thực hiện ước mơ cuộc đời họ.

Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Vì vậy, dù định hướng nghề nghiệp của bạn thực sự như thế nào thì cũng không nên trả lời “thật” quá nếu như muốn có được công việc này và làm việc trong thời gian mà bạn lên kế hoạch.

Câu trả lời tham khảo:

“Tối muốn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh trong công ty để có thể phát triển bản thân trong lĩnh vực này. Tôi cảm thấy đây là công việc có thể giúp tôi trở nên năng động hơn, phát huy sở trường về kỹ năng giao tiếp, bán hàng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng của mình. Tôi nghĩ với sự tự tin, ham học hỏi, khả năng nắm bắt được tâm lý khách hàng của mình, tôi có thể hoàn thành tốt các công việc được giao. Trong thời gian 3 năm gắn bó với công việc cũng sẽ được cất nhắc để có thể chịu những trách nhiệm lớn hơn trong bộ phận kinh doanh, thúc đẩy doanh số và đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp.”

Khi đưa ra mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. hãy cố gắng nói thẳng vào những gì mình mong muốn đạt được từ vị trí công việc này. Một mục tiêu xa vời, hão huyền sẽ không nhận được sự đánh giá cao từ nhà tuyển dụng.

Câu hỏi 3. Sở thích của bạn là gì?

Khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn kiểu này, hãy đưa ra câu trả lời trung thực, nhưng đừng đi quá sâu vào chi tiết, đề phòng trường hợp những sở thích đó sẽ ảnh hưởng đến sự tận tâm, cống hiến với công việc mà bạn đang muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy. Ví dụ, nếu sở thích của bạn là đi du lịch, cách 2-3 tháng bạn đi du lịch 1 lần, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy lo lắng về tiến độ công việc khi thuê bạn.

Câu hỏi 4. Điểm mạnh điểm yếu của bạn là gì?

Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn sử dụng 3 tính từ để miêu tả điểm mạnh của bạn, 3 tính từ để nói về điểm yếu của bạn. Khi đó, bạn sẽ lựa chọn những đặc điểm mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với bản thân mình để trả lời nhà tuyển dụng.

Ví dụ một số tính từ chỉ điểm mạnh mà bạn có thể tham khảo như: chăm chỉ, cần cù, chịu khó, năng động, tỉ mỉ, cẩn thận, trách nhiệm, chỉn chu, cầu tiến, linh hoạt, sáng tạo,...

Một số tính từ chỉ điểm yếu bạn có thể sử dụng để không gây mất điểm với nhà tuyển dụng như: Quá cầu toàn, quá cẩn thận, khó tính,...hoặc những điểm mà bạn cảm thấy chưa thực sự tự tin nhưng có thể nỗ lực, cố gắng hơn trong tương lai, ví dụ: chậm chạp khi học hỏi cái mới, nhưng bù lại sẽ học rất cẩn thận và tránh được những sai sót,...

Nếu như nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu bạn nói về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thì bạn có thể lựa chọn từ 1 đến 2 đặc điểm nổi bật nhất.

Câu trả lời tham khảo:

“Điểm mạnh của tôi tôi nghĩ là khả năng sắp xếp công việc một cách ổn thỏa, logic. Khi có một lượng lớn công việc được dồn đến cùng một lúc, tôi sẽ biết việc gì cần xử lý trước, việc gì có thể xử lý sau. Đồng thời tôi biết cách sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, đảm bảo được tiến độ hoàn thành mà không để bản thân rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy” hay “vắt chân lên cổ mà chạy”. Nhờ có đức tính này mà khi còn là sinh viên trên giảng đường đại học tôi không bao giờ bị chậm trễ deadline và mọi bài tập đều được tôi dành thời gian để hoàn thiện nó một cách chỉn chu nhất.”

“Điểm yếu của tôi tôi nghĩ là bản thân khá chậm chạp trong việc học hỏi những cái mới. So với bạn bè, tôi thường dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu những điều mới, suy ngẫm về nó, đặt câu hỏi xoay quanh nó và cố gắng ghi nhớ nó. Tôi nghĩ là tôi sẽ nhớ được khá lâu và có thể làm việc với những cái mới đó một cách hiệu quả, ít sai sót. Tuy nhiên, tôi nghĩ bản thân cũng cần cải thiện sự chậm chạp này để có thể nhanh chóng tiếp thu, học hỏi và trau dồi được nhiều điều hữu ích hơn nữa.”

Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Câu hỏi 5. Tại sao bạn lựa chọn công ty của chúng tôi?

Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết được bạn quan tâm đến vị trí tuyển dụng này như thế nào. Nếu một ứng viên quan tâm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, họ sẽ dành thời gian để tìm hiểu về công ty, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm chính cũng như vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. 

Với câu hỏi này, bạn có thể nêu lên những hiểu biết của mình về công ty một cách ngắn gọn. Đồng thời hãy khẳng định rằng vị trí bạn đang ứng tuyển rất phù hợp với định hướng tương lai của bạn.

Khi trả lời câu hỏi này, hãy chỉ đưa ra những thông tin mà bạn chắc chắn rằng nó chính xác. Nếu bạn nếu sai tên công ty, sai sản phẩm công ty thậm chí còn nêu lên sản phẩm của công ty đối thủ thì chắc chắn bạn đã mất điểm rất lớn rồi đấy. Cùng với đó, nhà tuyển dụng cũng không đánh giá cao những câu trả lời về lý do lựa chọn công ty như chế độ đãi ngộ tốt, công ty lớn, danh tiếng,..

Câu trả lời tham khảo:

“Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về quý công ty, tôi biết được công ty đã có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện từ và cũng giành được vị trí đứng nhất định trên thị trường. Tôi cùng tìm hiểu về sản phẩm chính của doanh nghiệp và biết được sản phẩm hiện nay đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Tôi thực sự yêu thích lĩnh vực này và muốn phát triển bản thân trong ngành thương mại điện tử. Vì vậy tôi muốn làm việc trong công ty để có thể học hỏi, phát triển và đóng góp vào sự thành công của quý công ty trong tương lai.”

Câu hỏi 6. Bạn thích làm việc độc lập hay theo nhóm?

Nhà tuyển dụng thường đưa ra câu hỏi này vì một vài vị trí tuyển dụng yêu cầu nhân viên làm việc nhóm hằng ngày, trong khi đó một số vị trí khác yêu cầu nhân viên làm việc độc lập.

Không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này, bạn chỉ cần đưa ra câu trả lời và giải thích lý do tại sao bạn muốn như làm việc như vậy. Câu trả lời sai duy nhất là một câu trả lời không trung thực. Việc lừa dối người phỏng vấn không chỉ sai, mà nếu bạn được tuyển, bạn có thể sẽ không hài lòng khi phải làm việc ở một vị trí không phù hợp với bản thân.

Câu hỏi 7. Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Nhà tuyển dụng cần biết được lý do tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ. Lý do bạn nghỉ việc có ảnh hưởng rất lớn đến cái nhìn của nhà tuyển dụng về bạn. Nếu như bạn nghỉ việc vì những lý do như ghét sếp, không hòa hợp với môi trường làm việc, công việc quá nhiều, thành tựu đạt được không nhiều,...thì nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ có suy nghĩ không biết liệu bạn còn tiếp tục sự việc này trong tương lai hay không.

Câu trả lời tham khảo:

“Tôi muốn chuyển sang công việc mới bởi tôi nhận thấy công việc cũ không còn phù hợp với định hướng phát triển bản thân trong tương lai. Tôi hy vọng rằng ở môi trường làm việc mới, tôi có thể phát huy được hết khả năng của bản thân.”

Câu hỏi 8. Thành tựu bạn từng đạt được trong công việc là gì?

Nhà tuyển dụng chỉ đơn giản muốn biết những thành công mà bạn đã có được trong quá khứ, từ đó đánh giá được phần nào năng lực và kinh nghiệm làm việc của bạn. Ứng viên cần thành thực trả lời câu hỏi này vì nhà tuyển dụng bất cứ khi nào cũng có thể xác minh được tính chân thật của những gì bạn nói.

Với những ứng viên đã đi làm lâu năm, bạn có thể kể tên những dự án thành công nhất mà bạn đã tham gia, nêu rõ vai trò của bạn trong dự án và những gì bạn học hỏi được.

Với những bạn sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều, bạn có thể kể tên những giải thưởng bạn đạt được trong quá trình học đại học hoặc những dự án nghiên cứu được đánh giá cao. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã nỗ lực như thế nào để xuất sắc đạt được những thành tựu đó.

Câu trả lời tham khảo:

Tôi đã giúp gia tăng 20% doanh số bán hàng ở công ty trước bằng cách sắp xếp và luân chuyển hàng bán tại cửa hàng thường xuyên hơn.  

Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Câu hỏi 9. Bạn muốn nhận mức lương như thế nào?

Thông thường, khi  đăng tin tuyển dụng, nhà tuyển dụng cũng đã nêu lên mức lương cơ bản cho vị trí công việc. Tuy nhiên, thực tế là, với những ứng viên có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng có thể sẵn sàng trả cho một mức lương cao hơn. Với những ứng viên muốn “deal” lương với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn, bạn nên lưu ý nói cụ thể mức lương mong muốn và mức lương thấp nhất mình có thể chấp nhận được. Ứng viên cần biết bản thân là ai, năng lực của bản thân như thế nào để đưa ra một mức lương phù hợp. Trước đó, ứng viên hãy chắc chắn rằng mình đã có sự tìm hiểu kỹ càng, so sánh với mức lương của những vị trí tương đương, tham khảo trên các trang Internet hay các anh, chị, bạn bè đã có kinh nghiệm đi trước để nắm được mức lương cơ bản trên thị trường lao động.

Tránh những câu trả lời chung chung và không giải quyết được vấn đề gì như “em nghĩ mức lương công ty đã đưa ra là hợp lý” hoặc “em nghĩ công ty chắc chắn sẽ đưa ra được mức lương phù hợp với năng lực của em”. Thêm nữa, khi bạn đưa ra mức lương mong muốn, cũng không nên đưa ra mức lương quá cao so với năng lực của bản thân. Bởi khi nhà tuyển dụng không thể đáp ứng được mong muốn của bạn, dù cảm thấy năng lực bạn phù hợp với công việc, họ cùng sẽ từ chối bạn để lựa chọn những ứng viên năng lực dù có kém hơn nhưng mức lương họ đòi hỏi phù hợp hơn.

Đồng thời bạn cũng nên hỏi rõ các quyền lợi liên quan tới lương như bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép, thai sản,... để biết rõ hơn về quyền lợi có thể được hưởng.

Câu hỏi 10: Khi nào bạn có thể bắt đầu đi làm?

Nhà tuyển dụng hỏi câu này vì muốn biết về thời gian cụ thể bạn có thể bắt đầu đi làm cho họ. Một số công ty có thể muốn bạn đi làm sớm hoặc muộn tùy vào tình hình phòng ban của họ.

Tuy nhiên, hãy cẩn trọng câu trả lời của bạn. Nếu bạn thể hiện rằng bạn có thể rời bỏ công ty cũ ngay lập tức để bắt đầu công việc mới thì nhà tuyển dụng có thể nghĩ bạn cũng sẽ làm vậy với công ty họ hay không. Vì thế hãy đưa ra một mốc thời gian hợp lý như 1 tuần hoặc 2 tuần để sắp xếp công việc. Hoặc nếu bạn đã nghỉ việc tại công ty cũ thì có thể trả lời sắp xếp sang tuần mới có thể đi làm.

Câu hỏi 11. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?

Đây gần như là câu hỏi cuối cùng nhà tuyển dụng dành cho ứng viên trước khi kết thúc buổi phỏng vấn. Qua câu hỏi, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được mức độ quan tâm của ứng viên đến công việc. Nếu ứng viên quá hời hợt trong việc đặt câu hỏi, nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy rõ ràng sự không hứng thú với công việc. 

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý trong việc đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng, bởi không phải câu hỏi nào bạn cũng nên hỏi và cũng cần thiết phải hỏi. Cụ thể bạn nên tránh những câu hỏi mang tầm vĩ mô, về chiến lược hoạt động cũng như kế hoạch phát triển của công ty. Thay vào đó, bạn nên đặt câu hỏi kỹ hơn về môi trường làm việc, công việc cụ thể, những khó khăn thường gặp phải, mong đợi của cấp trên về vị trí công việc này,...

Việc tệ nhất là bạn trả lời “em không có gì để hỏi” khiến cho nhà tuyển dụng không thấy được bạn quan tâm đến công việc cũng như không nắm được rằng bạn đã hiểu rõ về công việc hay chưa.

Một số câu hỏi bạn có thể dùng:

  • Bạn có lưu ý gì về trình độ của tôi không?
  • Bạn có điều gì muốn làm rõ hơn về trình độ của tôi không?
  • Nếu nhận được lời mời làm việc, bạn muốn tôi bắt đầu đi làm từ lúc nào?
  • Khi nào tôi có thể nhận được phản hồi sau buổi phỏng vấn?

2. Lưu ý khi phỏng vấn để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng

Bên cạnh việc đọc trước các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn, ứng viên cũng cần nắm được một số lưu ý khi tham gia phỏng vấn, về tác phong, trang phục, ngôn ngữ cơ thể.

Ví dụ, bạn cần chuẩn bị trang phục gọn gàng, lịch sự, đầu tóc gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng chứ không lòe loẹt, xuềnh xoàng, luộm thuộm, không đeo quá nhiều trang sức, không xức mùi nước hoa quá nồng. Khi đi phỏng vấn nên lưu ý đến trước thời gian khoảng 10-15 phút. Chào hỏi lịch sự, luôn mỉm cười, nét mặt thể hiện sự thoải mái, tự tin, không căng thẳng, tư thế ngồi thẳng lưng, không rung đùi, gõ tay xuống bàn,...hãy trả lời các câu hỏi một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm và ấn tượng. Không nên nói quá nhiều, không trả lời cụt lủn, cũng không nên cắt ngang lời người phỏng vấn. 

Hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước mọi cuộc phỏng vấn để bạn có thể tự tin thể hiện bản thân mình nhé!

Như vậy, trên đây là tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn thường gặp cũng như một vài lưu ý khi tham gia phỏng vấn để bạn có thể tham khảo. Hy vọng bài viết từ Vieclam123.vn đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn thành công vượt qua vòng phỏng vấn để có được công việc như ý. 

>> Tham khảo thêm:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
đối phó nỗi sợ hãi trong quá trình phỏng vấn
Tìm hiểu lý do và cách đối phó nỗi sợ hãi trong quá trình phỏng vấn
Chúng ta cần phải làm gì để đối phó nỗi sợ hãi trong quá trình phỏng vấn? Nỗi sợ hãi sẽ gây ra những điều gì và nguyên nhân của nỗi sợ hãi đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết với vieclam123.vn qua bài viết dưới đây.

Kế toán bán hàng xin việc
Cách thức chuẩn bị giúp ứng viên Kế toán bán hàng xin việc hiệu quả
Nhu cầu của công việc Kế toán bán hàng hiện nay như thế nào? Kế toán bán hàng xin việc cần những tố chất gì? Khi xin việc, Kế toán bán hàng cần chuẩn bị những gì? Hãy cùng bài viết sau đây của vieclam123.vn khám phá.

câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh vé máy bay
Khám phá trọn bộ câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh vé máy bay
Làm cách nào để chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh vé máy bay để trả lời một cách hiệu quả? Đặt câu hỏi thông minh trong buổi phỏng vấn đối với vị trí Nhân viên Kinh doanh vé máy bay như thế nào? Hãy cùng vieclam123.vn tìm hiểu.

câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh tour
Trọn bộ câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh tour và cách trả lời
Tìm hiểu về những câu hỏi phỏng vấn Nhân viên kinh doanh tour thường gặp nhất và cách trả lời những câu hỏi này theo hướng đi có thể gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng thông qua bài viết dưới đây của vieclam123.vn.