Blog

Dàn bài và bài văn tả cây bàng hay nhất bạn nên tham khảo ngay

25/06/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Hình ảnh cây bàng lá đỏ nơi góc sân trường hay cuối phố đã trở thành hình ảnh thân thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Cùng Vieclam123 tìm hiểu thêm về loài cây này nhé.

1. Dàn ý bài văn tả cây bàng

1.1 Mở bài

Dẫn dắt để giới thiệu về cây bàng

Một số câu thơ về cây bàng hay bạn đọc có thể sử dụng để làm câu mở đầu dẫn dắt vào bài văn sao cho mượt mà, như: 

“Sợi nắng cuối Đông ấm nồng ngõ phố,

chợt sững sờ, lác đác cánh diều bay, 

lá bàng buông như tỉnh như say, 

rực rỡ hàng cây khoác màu áo đỏ”

(Cây bàng lá đỏ)

 

“Nhớ một thuở quả bàng sao ngọt quá

vị thơm thơm, đãi lũ trẻ chăn trâu

nhân bàng bùi, hương vị vẫn buổi đầu,

mỗi Thu về cùng nhau tìm trái chín”

(Cây bàng tuổi thơ)

 

“Cây bàng lá nõn xanh ngời

Ngày ngày chim đến tìm mồi chíp chiu

Đường xa gánh nặng sớm chiều

Kê cái đòn gánh bao nhiêu người ngồi

Đêm qua em ngủ đi rồi

Thấy bàng bỗng lớn, tốt tươi lạ thường

Thấy cả Bác Hồ về làng

Cũng ngồi ở gốc cây bàng của em”

(Cây bàng_Trần Đăng Khoa)

 

Cây bàng từ lâu đã trở thành một loài cây quen thuộc, gắn bó với kỉ niệm tuổi thơ của nhiều thế hệ. Bao năm tháng qua đi, cây bàng nơi góc phố, góc sân trường vẫn lặng lẽ mang lại vẻ đẹp và đóng góp thầm lặng cho cuộc đời. 

1.2 Thân bài

*Phân loại cây bàng

Bàng được chia làm 4 loại chính, cây bàng singapore, cây bàng Đài Loan, cây bàng lá đỏ, cây bàng vuông.

Cây bàng singapore được trồng nhiều ở nước ta, được phân biệt bởi đặc trưng của lá, tán lá rộng và lá cũng rất lớn, thích hợp với khí hậu của vùng nhiệt đới ẩm.

Cây bàng Đài Loan có vóc dáng nhỏ, cành ngắn, tạo tán vừa phải không quá rộng nên không tốn nhiều diện tích, được nhiều người lựa chọn để thỏa mãn thú chơi cây cảnh.

Cây bàng lá đỏ là loại cây có thể chịu được nắng nóng, là cây màu đỏ, kích thước lớn, tán lá đẹp, thân cây thường to, thường được sử dụng để làm xanh công trình.

Cây bàng vuông: loài cây này có sức sống mãnh liệt ở môi trường khắc nghiệt, hiện đã được đưa vào sách đỏ của Việt Nam.

*Miêu tả đặc điểm cây

Cây bàng có đầy đủ các bộ phận như rễ cây, thân cây, lá bàng, quả bàng, hoa bàng.

Rễ bàng: cắm sâu vào lòng đất để giữ cho cây có thể đứng vững trước gió bão.

Thân bàng: Thân cây to lớn, có thể cao đến 35m, đường kính từ 40-80cm, có màu nâu, thân cây xù xì, tạo tán hình vòm.

Lá bàng: lá to, màu xanh thẳm và thường chuyển sang màu vàng đỏ khi đến mùa khô, mùa lá rụng.

Hoa bàng: là loại hoa đơn tính, có màu trắng xanh, nhỏ, mọc trên nách lá hoặc đầu cành.

*Công dụng của cây bàng

Cây bàng có nhiều công dụng như:

-Tạo bóng mát

-Làm đẹp cảnh quan thiên nhiên

-Làm thuốc chữa bệnh: lá bàng được sử dụng để điều chế thuốc chữa bệnh gan, chè làm từ lá bàng để chữa bệnh lỵ, tiêu chảy

*Ý nghĩa của cây bàng

-Cây bàng gắn với những kỉ niệm tuổi thơ bên bạn bè, mái trường

-Cây bàng là hình ảnh quen thuộc, trở thành nguồn cảm hứng của thơ ca

1.3 Kết bài

Nêu cảm nhận chung về cây bàng.

2. Bài văn mẫu tả cây bàng

   Ở những làng quê, cây bàng đã là biểu tượng của làng quê. Dưới đây Vieclam123 giới thiệu 3 bài văn tả cây bàng hay nhất bạn nên tham khảo và tìm hiểu.

Bài văn tả cây bàng số 1

     Khi nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” chắc hẳn trong tâm trí nhiều người vẫn không thể nào quên được hình ảnh cây bàng phải không nào. Qua bài văn tả cây bàng dưới đây sẽ giúp gợi nhớ hình ảnh gần gũi bình dị và chân thực nhất cũng như khơi gợi một miền ký ức tưởng rằng đã quên từ lâu.

     Chắc ai được sinh ra từ làng quê, hẳn rằng, không ai không thể không biết đến cây bàng, một loài cây đã gắn bó với tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ học trò. Trong sân trường của em, không thiếu những cây bàng cổ thụ, đã gắn bó với ngôi trường, không biết tự bao giờ. Cây bàng là biểu tượng của vùng quê, là người bạn chân thành với lứa tuổi học sinh. Từ khi bước vào lớp 1, em đã trông thấy những cây bàng to lớn, che rợp mát cả sân trường, tự hỏi không biết cây đã được bao nhiêu tuổi. Khi bác bảo vệ đánh trống trường, báo hiệu giờ ra chơi bắt đầu, là học sinh ùa ra nô nức vui chơi ở sân trường. Cây bàng vươn những tán lá, những cành cây dài và chắc khỏe, để làm mát cả sân trường. Các bạn cũng rủ nhau nhặt những trái bàng đã vàng và chín, ăn sao mà thơm và ngọt đến thế, nhưng đan xem với vị chát nữa. Cây bàng rất cao , phải đến 3 - 4m, nhìn mãi mới có thể thấy ngọn cây. Rễ cây rất to, đâm chồi lên cả mặt đất, báo hiệu một sức sống tràn trền, mà không một thế lực nào có thể quật ngã. Thân cây màu đen sẫm, to, những cây cổ thụ to lớn, phải 2 đến 3 người ôm mới vừa. Lá cây thì mọc chi chít, nảy nở nhiều để đan xen nhau, không làm hở một khoảng trống nào, giúp việc tránh nắng cho học sinh chúng em cực kỳ hiệu quả. Một số bạn học sinh chăm chỉ khác, còn mang sách báo ra để đọc. Cây bàng trước cửa lớp em rất đẹp, cây có lá màu xanh, thân cây khoảng 3 người ôm mới vừa. Nhìn từ xa, những cây bàng như những chiếc ô to lớn màu xanh lẫn màu đỏ. Gió đung đưa trong nắng, những chiếc lá của cây bàng, khẽ rộn ràng trong gió, như vẫy chào và mỉm cười với chúng em. Khi mùa xuân đến, những chú chim đi từ khắp mọi nẻo xa xôi, đậu trên những lá cây xanh non của cây bàng. Mùa xuân, người ta thường nói đâm chồi nảy lộc, cây bàng cũng vậy, cây ra hoa và mọc nhiều lá xanh tốt. Chúng em còn nhặt được những chiếc lá bàng để quạt cho mát, vì lá cây cũng to, đủ quạt mát cho 1 người. Lá cây rất đẹp, nhưng bị thủng vài chỗ vì bị sâu đục. Mỗi tuần lớp chúng em được phụ trách, phải tưới nước cho cây, làm cây ngày càng xanh đẹp hơn. Cây càng ngày càng to lớn và phát triển. Vào mùa hè, chúng ta mới thấy rõ được lợi ích của việc trồng cây, đi đến đâu những cây bàng lồng vào nhau che mát cả vùng trời đến đấy. Đến mùa thu, cây bàng xơ xác, rụng những chiếc lá đo đỏ, báo hiệu mùa đông sắp đến rồi. Mùa đông cũng đến, cây bàng rụng hết những chiếc lá xuống sân, chỉ còn những tán cây và cành cô độc. Cây bàng thay mình theo những mùa. Và em thích nhất mùa xuân, vì cây bàng lúc đó như cô tiên giáng hạ, xinh đẹp tuyệt trần.

    Em rất thích cây bàng trường em, đặc biệt là cây bàng phía trước lớp em. Cây như người bạn trưởng thành và lớn theo chúng em hàng ngày. Em rất yêu cây và coi nó như người bạn tri kỉ của mình vậy.

Bài văn tả cây bàng số 2

     Tuổi học trò không chỉ gắn liền với cây phượng mà bên cạnh đó hình ảnh cây bàng cũng được nhiều người viết về nó. Không quá nổi bật so với chùm hoa phượng khoe sắc đỏ thắm trong mỗi dịp hè về nhưng cây bàng vẫn khiến người ta muốn trở về với ký ức tuổi thơ tươi đẹp. Dưới đây là bài văn tả cây bàng thứ hai miêu tả chi tiết nhất mời các bạn cùng đón đọc.

     Ở trong sân trường em, có rất nhiều cây cổ thụ đẹp và to lớn như cây phượng, cây nhãn, cây bằng lăng, nhưng em vẫn thích nhất là cây bàng ở góc sân trường cạnh lớp em.

     Cây bàng không biết có tự bao giờ, cũng không biết ai đã trồng nó trưởng thành. Cây bàng trước lớp em, rất to và che mát cả một khoảng sân trời nắng trong sân trường. Những tán cây và cành cây thì nhiều vô kể, như dang tay lên che đỡ cả bầu trời. Nhìn từ xa, cây bàng như một vị thần che giữ bình yên cho một xóm làng. Cây bàng trường em, có thân cây màu đen sẫm, bên ngoài thân cây có những vỏ đen bao quanh thân cây. Lá cây bàng vào mùa hạ này có màu xanh, ra hoa kết quả màu vàng, em chưa được ăn bao giờ, nhưng thấy bạn kể ăn khá bùi bùi, ngon ngon nhưng cũng hơi chát, ăn hết lớp màu vàng, đến lớp màu trắng của cùi thì rất ngon, ngậy như vị của hạt đậu phộng vậy. Hoa cây bàng rất đẹp mọc theo từng dãy, kết hoa đẹp màu trắng. Gốc cây rất to. Nó còn đâm lên cả một lớp đất màu nâu, để nhô khỏi mặt đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Thân cây đến 1- 2 người ôm mới xuể. Những khi gió thổi, cây bàng khẽ đung đưa những cành cây của mình trong gió. Từ phương nào, mà những chú chim đã sải những đôi cánh, đậu trên cây bàng về làm tổ. Người ta thường nói: “Đất lành chim đậu’’, đúng là chẳng sai. Mùa thu đến trong sự dịu dàng và nhẹ nhàng nhất có thể, khiến lá bàng đổi màu từ xanh lá non, óng ả thành màu đỏ nâu, xung quang chiếc lá hiện lên những nốt li ti, như bị kiến đốt. Những chiếc lá bàng rơi chao nghiêng xuống sân trường rất nhiều, để chuẩn bị đón chào cho mùa đông sắp đến. Mùa đông đến lấy đi sự sống dồi dào và mạnh mẽ của các loài cây. Cây bàng cũng không là ngoại lệ. Cây bàng rụng hết lá, chỉ còn xơ xác, tiêu điều, chỉ còn những cành cây khẳng khiu, góc cạnh. Mùa đông, cũng là lúc các bác lao công cực nhất, vì phải quét cả sân trường tàn lá bàng rụng xuống. Kết thúc mùa đông, cây bàng lại trở lại với vẻ đẹp vốn có của nó, vẻ đẹp của sự bất tử và tràn trề sức sống. Mỗi tuần, chúng em được cô giáo chủ nhiệm phân công ra tưới cây và nhổ cỏ quanh gốc cây. Em rất yêu cây bàng vì cây là nơi cho em bóng mát, giúp các bạn trong lớp có thể chơi dưới cây bàng mà không sợ nắng nóng. Còn có những bạn rất nghịch, các bạn còn trèo lên cây, để vặt lá và vặt cành, toàn bị bác bảo vệ thấy được và phạt bắt cho đi lao động. Chúng em chỉ biết buồn và lắc đầu trước những hành động nghịch ngợm của các bạn nam.

    Em rất yêu trường, yêu lớp, đồng thời yêu cả người bạn tri kỉ đồng hành với lớp em suốt bao năm qua, chính là cây bàng. Cây bàng đã chịu những vất vả, che nắng, che mưa giúp lớp em, lúc nào cũng được ngồi học trong bóng mát mà cây bàng đã bao trùm.

Bài văn tả cây bàng số 3

    Nếu như không nhắc đến cây bàng thì chắc hẳn tuổi thơ sẽ bị quên lãng, nó đã gắn liền với những trò chơi như ô ăn quan, nhảy dây, đánh cù… mà trong tâm trí của nhiều người sẽ không bao giờ quên được. Hãy cùng tham khảo bài văn tả cây bàng thứ 3 dưới đây cùng Vieclam123 nhé!

    Từ đằng xa sau sân trường em, có rất nhiều loài cây mọc nên, có những bông hoa anh tú, thược dược, muôn sắc màu nở rộ. Nhưng em vẫn đặc biệt chú ý đến cây bàng trong góc cuối sân trường.

     Cây bàng nhìn từ xa như chiếc ô dù khổng lồ, chiếm diện tích cả khuôn viên trường rộng rãi. Cõ những cành cây còn buông thấp xuống gần lớp em. Thân cây có màu xám, đen đen, quanh thân cây là những lớp vỏ được bao bọc chắc chắn. Lá cây có màu xanh tươi như nõn chuối, lá cây quạt được rất mát, nhưng cũng có nhiều lá hở rất nhiều lỗ nho nhỏ. Gốc cây to khỏe, đâm chồi những nhánh lên mặt đất, để hút các chất dinh dưỡng, để phân tán đi nuôi cây. Những ngày nắng vào tháng hạ này, cây bàng chính là vị cứu nhân cho chúng em vào những giờ ra chơi oi ả và nắng nóng. Những khi ra chơi, chúng em lại chạy ùa ra nô nức bên gốc cây, để nhặt những quả bàng rụng xuống để chơi, có những quả chín ăn rất ngon và ngọt, nhưng ăn lớp bên ngoài màu vàng thì vẫn hơi chát, phải cố gắng ăn vào lớp bên trong cùi của quả, mới thấy nó ngậy và thơm. Chúng em còn lấy những quả vàng bị rơi ở sân trường để chơi đồ hàng và chơi chuyền. Các bạn còn đem theo cả sách truyện tranh ở dưới gốc cây để đọc, thực sự rất thú vị và yên tĩnh. Hoa bàng nở rộ theo những chiếc que xinh xinh, hoa màu trắng đan xen nhau mọc rất đẹp. Chúng em được cô giao nhiệm vụ đi tưới cây và lấy những chiếc lá vàng úa rơi xuống bỏ vào thùng rác, và nhắc nhở các bạn nam nghịch ngợm không trèo lên cây, vặt lá, vặt cành. Nếu các bạn nam làm vậy mà bảo vệ bắt được bác cho đi lao động. Bọn em cũng rất buồn vì các hành động của các bạn nam. Mong các bạn không hành xử như vậy.

   Tuy em không còn học dưới mái trường ấy nữa, nhưng cây bàng vẫn là một hình ảnh thân thương gợi biết bao hoài niệm của thời đi học. Ngoài ra, nó còn là người bạn tốt luôn chờ đợi em ở sân trường mỗi khi chúng em  trở lại thăm mái trường năm xưa.

Bài văn tả cây bàng số 4

“Nhớ một thuở sao quả bàng ngọt quá

vị thơm thơm, đãi lũ trẻ chăn trâu”

Cây bàng đã trở thành một loài cây quen thuộc, gắn bó với kỉ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ. Chắc hẳn trong lòng mỗi chúng ta đều có những kỉ niệm riêng gắn bó với gốc bàng, những buổi trưa hè lộng gió ngồi dưới gốc bàng chơi chắt, chơi chuyền, những chiều thi nhau nhặt quả bàng để nếm vị ngon ngọt, lấy lá bàng làm quạt phe phẩy...Cây bàng cứ vậy mà in sâu vào tâm trí mỗi người với những kỉ niệm chẳng thể nào quên.

Bàng có nhiều loại như bàng Singapore, bàng Đài Loan, bàng lá đỏ, bàng vuông. Loại bàng được trồng phổ biến nhất ở nước ta là bàng Singapore và bàng lá đỏ vì giống cây này thích hợp sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm. Đặc điểm của loài cây này là lá cây to, tán rộng, thường rụng lá vào mùa thu, khi bắt đầu vào mùa khô.

Cây bàng có đầy đủ các bộ phận từ rễ cây, thân cây, lá cây, quả, hoa. Rễ cây to, đâm sâu vào lòng đất để trụ vững thân cây trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thân cây to xù xì, có màu nâu đậm, một cây bàng trưởng thành có thể cao từ 3-5 mét. Lá cây to, dài khoảng 15-25 cm, rộng 10-14cm, hình trứng, có màu xanh xẫm, mọc thành từng cụm. Hoa bàng nhỏ, li ti màu trắng xanh mọc ở đầu cành, càng điểm tô cho sắc màu của cây thêm rực rỡ.

Màu sắc cây bàng thay đổi theo mùa, mùa xuân bàng thay lá, từng lộc non mơn mởn nhú. Lá bàng khi còn là lộc non có màu đỏ gạch, trông căng bóng đẫy đà tràn đầy sức sống. Khi hè đến, những ánh nắng chói chang chiếu xuống mặt đất, lá bàng đã ở vào thời kì phát triển rực rỡ nhất. Từng cụm lá xanh mởn mơn, phiến lá to vươn mình đón ánh mặt trời. Cũng chính lúc này, bàng trở thành tán cây che mưa, che nắng cho lũ học trò nhỏ mỗi giờ ra chơi.

Ấy thế mà, khi mùa khô bắt đầu đến, những cơn gió thu hiu hiu thổi, bàng bắt đầu thay màu lá. Từng lá từng lá chuyển vàng rồi sang màu đỏ sẫm, rơi rụng theo từng đợt gió thổi. Đến mùa đông, bàng chỉ còn lại trơ trụi những cành khẳng khiu. Cây bàng mùa đông có thể mang đến cho bạn cảm giác có chút buồn, xơ xác nhưng bạn biết không, chính trong quãng thời gian ấy, bàng đang ủ trong mình nhựa sống, chỉ chờ khi đất trời vào xuân, đâm lên những chồi non mơn mởn.

Viết về cây bàng các mùa trong năm, nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng miêu tả:

“Cứ vào mùa đông

Gió về rét mướt

Cây bàng trụi trơ

Lá cành rụng hết

Chắc là nó rét!

 

Khi vào mùa nóng

Tán lá xòe ra

Như cái ô to

Đang làm bóng mát

 

Bóng bàng tròn lắm

Tròn như cái nong

Em ngồi vào trong

Mát ơi là mát!

 

A bàng tốt lắm

Bàng che cho em

Nhưng ai che bàng

Cho bàng khỏi nắng!

(Cây bàng_Xuân Quỳnh)

Cây bàng không chỉ điểm tô cho đời bằng màu xanh mướt mượt mà khi hè tới, bằng màu đỏ sẫm một góc phố khi thu về, mà còn bằng những chùm hoa nhỏ li ti màu trắng xanh điểm tô trong màu lá đỏ, bằng những chùm quả vàng lấp ló trong kẽ lá. Quả bàng nhỏ, chắc, khi chín có màu vàng, có thể ăn được, vỏ ngoài có vị ngọt thơm, hạt bàng khi đập ra có nhân trắng, ăn có vị bùi bùi.

Cây bàng mang đến rất nhiều công dụng, có thể được trồng trong sân trường, nơi góc phố để tạo bóng mát, hoặc có thể được trồng làm cây cảnh trong sân vườn. Lá bàng có thể làm thuốc chữa bệnh, quả bàng để ăn hoặc làm đồ chơi tuổi thơ. 

Không chỉ mang đến những công dụng thiết thực, cây bàng còn mang lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Cây bàng đỏ trong sân trường chứng kiến những kỉ niệm vui buồn của lũ học sinh. Cây bàng trước ngõ chứng kiến sự ra đi và trở lại của người trong làng. Cây bàng nơi cuối phố là dấu hiệu báo hiệu thời gian của những người dân nơi đây.

Cây bàng đã cùng nhiều thế hệ lớn lên, dù trải qua bao mưa nắng, bao đổi thay của dòng thời gian, cây bàng vẫn đứng nguyên đó, lặng lẽ cống hiến cho đời, lặng lẽ chứng kiến những sự đổi thay. Văng vẳng đâu đây là lời bài hát du dương về mùa thu Hà Nội, còn vương vấn mãi trong lòng mỗi người về một Hà Nội bình yên với những sắc màu thân thuộc của hàng cây, phố xá cổ xưa: 

 “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng

Cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau

Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu.”

    Trên đây là 4 bài văn tả cây bàng được chính tả giả viết bằng những cảm xúc chân thực nhất hi vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bạn học sinh. Chúc bạn học tốt!     

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022