Blog

Tổng hợp những tác hại của Facebook mà có thể bạn không ngờ tới

16/08/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Facebook là một cụm từ vô cùng quen thuộc với tất cả chúng ta, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích Facebook mang lại cho chúng ta là to lớn như thế nào, nhưng tồn tại song song đó là những tác hại mà chúng ta cũng không thể làm ngơ. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu những tác hại tiềm ẩn mà Facebook mang lại nhé!

1. Facebook là gì? Bạn hiểu thế nào là Facebook?

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, khi mà tất cả các thiết bị điện tử thông minh đang dần chi phối chúng ta, trở thành những vật dụng cần thiết của mỗi chúng ta ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời gian nào, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi mà thế hệ trẻ được tiếp xúc với thiết bị điện tử thông minh từ khi còn rất nhỏ. Công nghệ càng hiện đại, nhu cầu kết nối càng cao, thì hệ quả tất yếu là chúng ta cho ra đời một khái niệm gọi là “mạng xã hội”. Và trong rất nhiều “mạng xã hội” đó, cái đầu tiên mà hầu hết tất cả chúng ta khi được hỏi ai cũng sẽ nghĩ đến, đó là Facebook. Vậy bạn hiểu thế nào là “mạng xã hội? Và bạn biết Facebook là gì?

Dịch vụ mạng xã hội (Social Networking Service - SNS) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào dịch vụ mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng". (Theo Wikipedia)

Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho con người: cho phép chia sẻ ảnh, video, cảm xúc và ý kiến cá nhân… Mạng xã hội hoàn toàn là một mảnh đất màu mỡ cho phép con người thỏa mãn nhu cầu kết bạn, nhu cầu giải trí, nhu cầu chia sẻ hay những nhu cầu khác mà không có (hoặc rất ít) sự hạn chế. Dần dà, mạng xã hội càng ngày càng mở rộng, được sử dụng bởi hàng trăm triệu người trên thế giới, các dịch vụ của mạng xã hội dần được mở rộng ra rất nhiều để có thể đáp ứng được nhiều hơn nữa nhu cầu của con người. Nếu như tầm 20 năm trước, có bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ lên một website, chọn lọc công việc theo tiêu chí phù hợp với bản thân rồi nộp hồ sơ qua một hòm thư điện tử ở chiếc máy tính chưa? Hay có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới chỉ bằng vài thao tác click chuột đơn giản chưa? Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, bằng một các tích cực nào đó, ra đời như một phép màu gắn kết cả thế giới lại với nhau vậy.

Hiện nay có rất nhiều nền tảng mạng xã hội ra đời với nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Không chỉ phân theo mục đích, các nền tảng mạng xã hội cũng phân hóa theo từng quốc gia để con người có thể chọn lựa được cái phù hợp với bản thân mình nhất. Những mạng xã hội phổ biến tại Mỹ là Instagram, Twitter, Snapchat… Người Trung Quốc ưa thích Weibo, Baidu, Tik Tok… Người Hàn Quốc lại hay sử dụng Cyworld, Naver, Line… Còn những nền tảng mạng xã hội như Youtube, Zalo, Zing… lại là những cái tên khá quen thuộc ở Việt Nam.

Nhưng có một nền tảng mạng xã hội, nó không chỉ được dùng nhiều ở một vài quốc gia nhất định, mà nó đã có độ phủ sóng ra toàn thế giới, đứng đầu trong bảng xếp hạng nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại rất nhiều quốc gia, đó chính là Facebook. Chúng ta đã không còn ngạc nhiên khi ông bà, bố mẹ hay thậm chí là những bé mẫu giáo tiểu học, cũng có một tài khoản Facebook riêng cho bản thân mình.

Vậy bạn biết gì về nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này?

Facebook ra đời vào ngày 04/02/2004 Mark Zuckerberg - một sinh viên khoa Khoa học máy tính trường Đại học Harvard - cùng với bạn cùng phòng của anh là là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes. Cái tên Facebook được bắt nguồn từ một cuốn sổ có hình khuôn mặt ( book), một vật dụng vô cùng quen thuộc với sinh viên tất cả các trường đại học tại Mỹ. Với mục đích ban đầu tạo ra Facebook được Mark chia sẻ như là một cách để kết nối các sinh viên trong trường với nhau hơn. Zack thú nhận cảm thấy bản thân bị ám ảnh bới Internet, vào thời điểm đó Google và Wikipedia đang là những công cụ tuyệt vời để giúp chúng ta tìm kiếm thông tin hay tài liệu tham khảo, nhưng anh vẫn cảm thấy có một cái gì đó vẫn còn thiếu với anh, một thứ gì đó khiến anh có thể tìm hiểu về người khác. Mới đầu Facebook là một website có tên là TheFacebook.com, việc đăng ký ban đầu chỉ giới hạn cho sinh viên của trường Harvard, nhưng dần dần độ phủ sóng của Facebook đã mở rộng hơn cho mọi sinh viên các trường đại học, dần đến học sinh phổ thông, những người trên 13 tuổi và cuối cùng phủ rộng rãi toàn thế giới. Theo như số liệu thống kê vào tháng 4 năm 2019, số lượng người sử dụng Facebook đã đạt con số là hơn 2,3 tỷ người, đứng đầu thế giới. Theo sau đó là Youtube với 1,9 tỷ người và WhatsApp với 1,6 tỷ người.

Với một giao diện dễ sử dụng, cùng với việc dễ dàng truy cập trên nhiều thiết bị như laptop, máy tính bảng hay điện thoại, việc sử dụng Facebook đang dần trở thành một thói quen thường ngày của rất nhiều người trên thế giới không phân biệt vùng miền, tuổi tác, hay cũng không có giới hạn về thời gian và không gian sử dụng. Chỉ cần bạn có một thiết bị điện tử thông minh cùng mạng Internet là có thể đăng nhập Facebook mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần một vài thao tác đăng ký cơ bản là bạn có thể sở hữu ngay cho mình một tài khoản Facebook rồi, sau đó bạn hãy tạo lập hồ sơ của bản thân, Facebook khuyến khích bạn nên sử dụng chính xác thông tin của mình và đặt một mật khẩu độ khó cao để bảo mật tài khoản của mình. Bạn có thể tìm kiếm những người bạn của mình, Facebook sẽ dựa vào thông tin bạn cung cấp để đưa ra những đề xuất bạn bè cho bạn, và kết bạn với họ để có thể gửi tin nhắn cho họ. Ngoài ra Facebook còn có tính năng đăng status, chia sẻ hình ảnh, video, đường link của website khác, trao đổi thông tin theo một nhóm, một cộng đồng có chung sở thích hoặc một mục đích nào đó. Facebook cũng có thể giúp bạn phân loại, chặn, ngừng theo dõi hoặc báo cáo một ai đó khiến bạn khó chịu, làm phiền bạn. Thời gian gần đây Facebook cũng cập nhật nhiều tính năng mới, nổi bật là việc bạn có thể tìm việc hoặc tìm đối tượng hẹn hò ngay ở trên Facebook.

Theo số liệu thống kê được tổng hợp bởi Hootsuite và We are social vào tháng 4/2018, Việt Nam đứng top 7 những quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất, ngoài ra thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong top 6 những thành phố có người dùng Facebook đông nhất (với số lượng là 1 triệu người). Và càng ngày, Facebook càng chứng minh một việc đối tượng sử dụng được Facebook không chỉ còn là thế hệ trẻ nữa rồi. Theo như số liệu thống kê, Facebook ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh ở nhóm người dùng trung niên (45 tuổi) với hơn 17 triệu người (năm 2017). Đặc biệt số người dùng ở độ tuổi trên 65 là 3 triệu người. Không chỉ riêng Việt Nam, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng Facebook nhanh nhất, trong top 10 quốc gia có lượng dùng nhiều nhất thì đã có đến 4 quốc gia thuộc Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan) cùng với Bangkok và Jakarta là 2 thành phố có lượng người dùng lớn nhất thế giới.

2. Những tác hại tiềm ẩn của Facebook

Tại sao Facebook lại trở nên phổ biến đến như vậy? Vì lợi ích Facebook mang lại cho chúng ta là quá nhiều, từ những lợi ích cá nhân như kết bạn; chia sẻ trạng thái, cảm xúc; chia sẻ hình ảnh, video; gợi nhớ lại kỉ niệm qua các năm; cập nhật thông tin nhanh chóng… đến lợi ích của cả một cộng đồng như mua bán, trao đổi hàng hóa; tổ chức các hoạt động xã hội; hỗ trợ việc quảng cáo, marketing…

Đúng! Chúng ta không thể nào phủ định được những lợi ích Facebook mang lại cho chúng ta, việc sử dụng Facebook cũng dần trở thành thói quen hàng ngày, hàng giờ của nhiều người. Hiện nay chúng ta không hề xa lạ với việc mọi người cầm chiếc điện thoại của mình để sử dụng. Tại những địa điểm công cộng, những nơi để chúng ta giao tiếp, trao đổi thông tin với bạn bè, không khó để tìm được rất nhiều cá nhân chăm chăm cúi đầu nhìn vào chiếc điện thoại của mình, lướt màn điện thoại với giao diện Facebook ở màn hình thay vì nói chuyện với những người xung quanh. Họ sẵn sàng tham gia một câu chuyện, hóng một vài thông tin của ai đó ở thế giới ảo thay vì biết bạn bè xung quanh mình như thế nào, ra sao. Hay như việc trên đường đi bạn bắt gặp rất nhiều người đang tham gia giao thông nhưng mắt lại dán vào màn hình điện thoại. Có nhiều quốc gia đã phải gắn thêm đèn tín hiệu ở dưới mặt đất để những người đang dán mắt vào màn hình điện thoại có thể tránh được những tai nạn không mong muốn. Dần dà việc phát triển của công nghệ, thói quen sử dụng Facebook nói riêng và các ứng dụng trên nền tảng số nói chung đang tạo cho chúng ta một thế hệ “cúi đầu”.

Nhưng liệu đây có phải là tác hại duy nhất của Facebook? Không, việc sử dụng Facebook còn ẩn chứa rất nhiều tác hại tiềm tàng khác mà chúng ta không biết, hoặc có thể biết nhưng không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của Facebook. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu những tác hại mà Facebook gây ra cho chúng ta nhé!

1.1 Tác hại đến sức khỏe 

Bệnh trầm cảm

Có một bộ phận người sử dụng Facebook nhiều đến mức họ được coi là những “con nghiện Facebook“. Bạn không đọc nhầm đâu, chúng ta có “nghiện ma túy”, “nghiện rượu”, “nghiện thuốc là”, và khi công nghệ phát triển nhanh chóng, chúng ta có thêm khái niệm “nghiện game”, “nghiện Facebook“. Nghiện là từ dùng để chỉ sự ham thích, ham muốn của một người, họ lặp đi lặp lại một hành động nào đó để thỏa mãn ham muốn của mình dù có thể họ ý thức tác hại của việc làm đó là như thế nào. Và sự ham thích, ham muốn mà chúng ta đang bàn tới ở đây, đó chính là việc sử dụng Facebook. Đặc biệt là với các đối tượng trẻ, các em học sinh, các em còn chưa có nhận thức đầy đủ và luôn tò mò về cuộc sống xung quanh, các em dễ bị sa đà vào việc sử dụng Facebook để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, cũng như xây dựng cho mình một hồ sơ đẹp, những bức ảnh lung linh để tăng sự chú ý, lượng tương tác cũng như lượt yêu thích (like) ở trên Facebook. Nhưng cũng không thể trách được các em khi ngay cả một bộ phận những người trưởng thành hay trung niên cũng không thể cưỡng lại được sức hút của Facebook, sức hút của những lượt like. Dần dà họ bị ám ảnh mới cuộc sống ảo đó, một cuộc sống màu hồng đẹp đẽ họ tự vẽ ra, với một chiếc ảnh đại diện (avatar) ấn tượng, những tấm ảnh khoe mẽ bản thân, kết bạn với những người bạn ảo chưa một lần gặp gỡ, một cuộc sống khiến người khác phải ghen tị với mình, mà họ bỏ quên cuộc sống thực ngoài kia, với những mối quan hệ thực, bạn bè thực, hình ảnh thực của bản thân,... tất cả đều là thực. Không chỉ bị ám ảnh bởi cuộc sống ảo màu hồng đó, họ còn có thói quen theo dõi, cập nhật thông tin những người khác, những người mà có cuộc sống ảo cũng màu hồng, để biết người đó ở đâu, làm gì, dùng đồ gì...sự tò mò đó khiến bản thân họ nảy sinh lòng đố kỵ, ghen tức. Những áp lực từ việc giữ gìn hình ảnh cá nhân và so sánh cuộc sống của mình với người khác kéo dài liên tục một thời gian sẽ khiến họ dễ dàng mắc bệnh trầm cảm. Nếu như bạn không biết trầm cảm là bệnh gì, thì bạn có thể hiểu nôm na đó là tình trạng con người cảm thấy buồn chán, giảm dần hoặc mất hứng thú với tất cả mọi thứ xung quanh, đi kèm theo đó là suy giảm sức khỏe, mệt mỏi, hay hồi hộp, lo lắng, rối loạn chức năng ăn uống làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống thường ngày, từ đó làm giảm năng suất và hiệu quả lao động. Theo như một cuộc thăm dò thực hiện với 2000 người tại Anh năm 2016, cứ 10 người lại có 1 người sẽ cảm thấy xấu hổ khi đăng 1 tấm ảnh mà không có hoặc ít lượt tương tác (like, comment). Nhiều người cũng tỏ ý nếu đăng trong một thời gian mà không thấy ai like, họ sẽ xóa bài viết đó.

Những tác hại của việc tiếp xúc quá nhiều và quá lâu với các thiết bị điện tử

Không chỉ dừng lại ở đó, việc liên tục sử dụng Facebook đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh trong thời gian dài, có bao giờ bạn nghĩ những thiết bị đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn không? Đầu tiên, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình LED của các thiết bị dễ khiến bạn bị ung thư. Theo như CNN Healths, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu và đưa ra kết quả nghiên cứu những người thường xuyên tiếp xúc ánh sáng xanh dương vào ban đêm có nguy cơ mắc ung thư vú (đối với nữ giới) cao gấp 1,5 lần và ung thư tuyến tiền liệt (đối với nam giới) cao gấp 2 lần so với người ít tiếp xúc. Lý do được đưa ra là vì trong quang phổ, ánh sáng xanh dương có độ dài sóng ngắn hơn so với các sóng khác, và tác động làm giảm phóng thích melatonin - một loại hormone giúp đồng bộ hóa đồng hồ sinh học của các tế bào trong cơ thể - từ não. Khi bị tác động như vậy dẫn đến tình trạng đồng hồ sinh học bị lỗi nhịp gây ra bệnh ung thư. 

Ngoài ra, nếu não không sản xuất đủ melatonin, kết hợp với các bức xạ điện tử phát ra từ thiết bị điện tử, sẽ dẫn bạn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ, gây mệt mỏi, kiệt sức vào ngày hôm sau. Khi đã bị mất ngủ, khó ngủ, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một loạt hệ lụy kéo theo sau đó như: da dễ lão hóa, nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Không chỉ dừng lại ở việc dùng điện thoại trước khi đi ngủ, nhiều người còn có thói quen để điện thoại ngay đầu giường hoặc trong tầm với của bản thân. Việc để các thiết bị điện tử ở khoảng cách gần mình và mở sáng màn hình sẽ đánh lừa đồng hồ nhịp sinh học của cơ thể, làm cơ thể bạn tin đây vẫn là ban ngày, và đáng lẽ ra thời gian bạn dùng ngủ và hồi sức sau một ngày làm việc vất vả sẽ trở thành khoảng thời gian bạn tỉnh táo, trằn trọc, không thể chìm vào giấc ngủ. Không chỉ vậy, bức xạ từ các thiết bị điện tử ở khoảng cách gần sẽ làm bạn bị đau đầu, chóng mặt. 

Bên cạnh đó, khi sử dụng các thiết bị điện tử trong bóng tối còn ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực của bạn. Chúng ta dễ dàng bị các bệnh lý về mắt như khô mắt, mỏi mắt, suy giảm thị lực, thoái hóa điểm vàng. Cũng đã có trường hợp được ghi nhận ở trên thế giới việc sử dụng điện thoại có thể gây mù tạm thời. Theo như tờ New England Journal of Medicine, có 2 phụ nữ đã bị mù tạm thời khoảng 15 phút mỗi ngày trong một thời gian dài, nguyên nhân là vì họ sử dụng điện thoại khi nằm nghiêng trong bóng tối dẫn đến việc một bên mắt phải làm quen với ánh sáng còn một bên phải làm quen với bóng tối, và khi họ tắt điện thoại, hai bắt cần vài phút để điều chỉnh dẫn đến hiện tượng mù tạm thời.

Có bao giờ bạn nghĩ chiếc điện thoại còn nhiều vi khuẩn hơn cả bồn cầu? Trang BuzzFeed đã tiến hành một bài kiểm tra điện thoại của 20 người ngẫu nhiên tại phòng thí nghiệm Trung tâm Y tế Đại học Columbia (Mỹ) và đưa ra một kết quả vô cùng bất ngờ: 100% các máy điện thoại khi tiến hành kiểm tra đều đưa ra kết quả có chứa mầm bệnh, bao gồm:

- Các vi khuẩn vô hại: Staphylococcus epidermidis, Micrococcus, Streptococcus viridans, Moraxella, Bacillus

- Các mầm bệnh nguy hiểm: 

  • Tụ cầu vàng kháng Methicillin: có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh, gây ra tổn thương nghiêm trọng ở da và nội tạng, có thể gây tử vong.
  • Staphylococcus aureus: có thể gây ra nhiễm trùng da và máu (đối với vết thương hở), mụn nhọt, ngộ độc, hội chứng sốc độc, dẫn đến nguy cơ tử vong. Đây là loại vi khuẩn dễ lây truyền qua tay nắm cửa, nhà vệ sinh công cộng…
  • E. Coli: loại vi khuẩn thường thấy trong phân, nó xuất hiện ở điện thoại của bạn khi bạn mang điện thoại vào phòng vệ sinh hoặc khi bạn đi vệ sinh quên không rửa tay rồi lại cầm vào điện thoại. Đây là loại vi khuẩn gây ngộ độc, dẫn đến nguy cơ tử vong.
  • Candida albicans: đây là loại nấm có thể gây nhiễm nấm hoặc tưa lưỡi.

Ngoài những tác hại kể trên, việc sử dụng điện thoại thường xuyên để lướt Facebook trong thời gian dài còn mang lại những tác động xấu về xương khớp; đau ngón tay và khuỷu tay; hỏng xương cổ và làm đau cơ lưng; suy giảm hệ thống miễn dịch và dễ làm bạn tăng cân khi vừa ăn vừa sử dụng điện thoại.

2.2 Tác hại đến đời sống

Ở phần phía trên, chúng ta đã thấy được phần nào việc sử dụng các thiết bị điện tử trong một thời gian dài để lướt Facebook mang lại tác hại về sức khỏe như thế nào. Khi sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng, điều hiển nhiên chúng ta cũng không thể đảm bảo năng suất lao động của chúng ta còn nguyên vẹn. Việc sử dụng điện thoại xài Facebook trước khi đi ngủ làm chúng ta thiếu ngủ, cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi phục hồi, dẫn đến việc suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung vào công việc, dễ bị xao lãng vào những thông báo trên Facebook. Hơn thế nữa, khi lướt Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung, chúng ta đã vô tình làm suy giảm các hoạt động của não bộ, khiến não bộ trở nên lười biếng, không còn nhanh nhạy. Đồng thời với việc ỷ lại quá nhiều vào Facebook, vào những thứ sẵn có ở Internet mà bạn chỉ cần vài thao tác đơn giản là có, bạn đang dần giết chết sự sáng tạo của bản thân mình.

Không chỉ ảnh hưởng tới năng suất lao động, Facebook còn làm chúng ta bị cô lập giữa cuộc sống đời thực. Có một sự thật mà chúng ta đành phải thừa nhận, những người tập trung quá nhiều vào mạng xã hội lại là những người cảm thấy cô đơn giữa cuộc sống đời thực. Khi bạn là người nội tâm với những đặc trưng như ít nói, sợ người lạ, sợ đám đông, ngại giao tiếp… thì Facebook quả thật là một môi trường lý tưởng để bạn tự do nói lên những suy nghĩ mà không sợ một một ai đánh giá hay nhận xét bạn. Vì đơn giản, khi bạn giao tiếp trên mạng xã hội, thứ duy nhất bạn cần đối mặt chỉ là một chiếc máy điện thoại, máy tính… vô tri vô giác. Nó sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc bạn phải đối mặt trực tiếp với một ai đó. Và khi các mối quan hệ trên mạng xã hội của bạn càng mở rộng, bạn sẽ phải cần thời gian để tập trung vào nó, bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi mình sống một cuộc sống ảo tự bạn vẽ lên như vậy, vô hình chung, bạn đã bỏ lỡ mất cuộc sống thực tế của mình, nơi mà ở đó bạn vẫn chỉ là một người cô đơn không giỏi giao tiếp và không có bạn bè. Khi quá mặc cảm với cuộc sống thực tế khắc nghiệt đó, bạn lại bỏ nhiều thời gian hơn nữa để chăm chút cho cuộc sống ảo của mình, cứ như vậy vòng lặp sẽ lặp đi lặp lại không có hồi kết. Không chỉ riêng với những bạn sống nội tâm mà bất cứ ai cũng vậy, không hề có ngoại lệ. Đây hoàn toàn là một điều tất yếu phải xảy ra khi sự cân bằng giữa thế giới thực và ảo bị chênh lệch. 

Khi bạn giao tiếp quá nhiều trên Facebook, khi mà ngôn ngữ giao tiếp của chúng ta là ngôn ngữ viết, thay vì là ngôn ngữ nói như bình thường, thì khả năng giao tiếp của chúng ta sẽ ngày một suy giảm mà bản thân chúng ta sẽ không ý thức được điều đó. Mặc dù ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết đều là cách để chúng ta sử dụng để giao tiếp, nhưng giữa chúng có sự khác biệt rõ ràng. Khi mà ngôn ngữ viết chúng ta không phải đối diện với người cần giao tiếp, có thời gian sắp xếp câu từ, chỉnh sửa sao cho hợp lý thì đối với ngôn ngữ nói, chúng ta hoàn toàn phải sử dụng sự nhanh nhạy của não bộ để sắp xếp ngay lập tức những điều chúng ta chuẩn bị nói ra với người giao tiếp ngay trước mặt. Vì thế, kỹ năng giao tiếp luôn là một trong những kỹ năng quan trọng trong công việc và đời sống, cần phải trau dồi mỗi ngày. Khi mà chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung lướt Facebook và sử dụng ngôn ngữ viết, chúng ta đã vô tình mai một khả năng giao tiếp mỗi ngày của bản thân mà chúng ta không hề biết. 

Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung được xây dựng để gắn kết con người lại với nhau, đề cao tự do ngôn luận, là nơi con người thoải mái nói lên suy nghĩ, cảm xúc bản thân. Nhưng có một số bộ phận người lại dựa vào quyền tự do ngôn luận đó để cho bản thân mình quyền phán xét người khác, chúng ta hay gọi đó là “anh hùng bàn phím”. Chắc hẳn cụm từ này không hề xa lạ với các bạn, những “anh hùng bàn phím” xuất hiện ở khắp nơi, không chỉ Facebook mà còn tất cả các mạng xã hội khác. Một scandal nào đó của một ngôi sao, một quán ăn lỡ không làm hài lòng khách, một bộ phim vừa mới ra … tất cả đều có thể trở thành đối tượng của “anh hùng bàn phím”. Họ chỉ trích, mắng chửi, sử dụng lời lẽ tiêu cực để phê phán một đối tượng nào đó để thỏa mãn cái tôi bản thân và chứng tỏ họ là người thông minh. Các “anh hùng bàn phím” đang vi phạm những chuẩn mực giá trị đạo đức của xã hội, không biết đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu; đồng thời họ cũng xâm phạm quá sâu vào quyền riêng tư mỗi cá nhân. Nhưng đáng buồn là sau tất cả những lời lẽ cay nghiệt họ đưa ra, họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm, mà mọi hậu quả lại thuộc về phía nạn nhân. Không ít những bài báo về những người bị trầm cảm và tự tử sau khi bị các “anh hùng bàn phím” xúc phạm; không ít những nhà hàng bị đóng cửa vì lỡ không phục vụ đúng ý khách để bị các “anh hùng bàn phím” tẩy chay. Chưa dừng lại ở đó, họ còn sẵn sàng xuyên tạc, dựng lên câu chuyện về một ai đó mà họ lỡ “không thích”. Việc sản sinh ra những “anh hùng bàn phím” là một hệ lụy từ việc quá lạm dụng Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, đặc biệt là với thế hệ trẻ đang tò mò, có như cầu tìm hiểu mọi thứ trên Internet nhưng chưa ý thức được hết nguy hiểm tiềm tàng, các em có thể vô tình trở thành “anh hùng bàn phím”lúc nào không hay. 

2.3 Tác hại đến an ninh, an toàn

Facebook là trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới với hơn 2,3 tỷ người, liệu bạn có đảm bảo tất cả 2,3 tỷ người dùng Facebook đều có mục đích tốt? Không ít những trường hợp bị lừa đảo qua Facebook mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên Facebook. Mất tiền, mất của, có người còn mất cả nội tạng, mất cả tính mạng, dường như sự tự do và dễ dàng mà Facebook mang lại cho chúng ta đang dần mất kiểm soát. Dù đã nỗ lực để khắc phục bằng chức năng báo cáo (report) hay hủy theo dõi (unfollow), cũng như chặn (block) các cá nhân, trang hay từ khóa có hại, mang lại ảnh hưởng xấu cho người dùng, nhưng dường như đó là chưa đủ với số lượng người dùng quá lớn. Không chỉ là lừa đảo, chúng ta còn có thể thấy cả những vấn đề nhạy cảm khác như bạo lực, quấy rối, đe dọa, phản động… đều là những thứ có tác động xấu đến người dùng Facebook, nhất là thế hệ trẻ khi chưa có nhận thức đầy đủ.

Những tác hại trên đều xuất phát từ phía người dùng Facebook, có bao giờ bạn nghĩ ngay chính bản thân Facebook cũng tiềm tàng mối nguy hại trực tiếp đến chính chúng ta ko? Mình tin ít nhất một lần trong chúng ta đều đã gặp trường hợp đang nói về một vấn đề gì đó với bạn bè vào buổi chiều, buổi tối chúng ta sẽ thấy Facebook xuất hiện ngay những bài viết, quảng cáo về vấn đề đó. Có thể lần đầu chúng ta sẽ nghĩ đó là trùng hợp, những đến lần thứ hai, thứ 3 thì đã khẳng định một điều: Facebook đang theo dõi chúng ta. Với một số thuật toán chuyên ngành, Facebook thu thập thông tin người dùng, sau đó bán lại thông tin đó cho bên thứ ba là phía quảng cáo. Đó là cách Facebook duy trì mọi hoạt động của công ty trong khi chúng ta sử dụng mọi chức năng của Facebook miễn phí. Nếu theo một cách tích cực thì việc theo dõi này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng ta, nhưng mình tin sẽ phần lớn trong chúng ta sẽ cảm thấy không hề thoải mái với việc biết mình bị theo dõi một chút nào cả.

Nhưng đó không phải là mối nguy hại tiềm tàng duy nhất mà người dùng Facebook gặp phải. Bạn có bao giờ nghĩ đến việc nhưng thông tin của bản thân bị rò rỉ cho một bên khác chưa? Chắc các bạn còn nhớ năm 2018 được cho là một năm sóng gió của Facebook khi phải đối mặt với vụ bê bối để Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Vụ bê bôi này còn nghiêm trọng tới mức CEO cũng là nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg - phải tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Mặc dù Facebook khuyến cáo người dùng của mình đưa những thông tin chính xác để tăng độ bảo mật cho tài khoản, nhưng lại chính Facebook để lộ thông tin cho bên thứ ba. Facebook cũng đưa ra những lời giải thích về việc này, là cách hợp tác với một bên thứ ba để người dùng có thể tận hưởng được nhiều tính năng, đồng thời bên thứ ba cũng chỉ sử dụng thông tin thu thập để đưa đến người dùng những trải nghiệm tốt về mạng xã hội chứ không hề sử dụng thông tin với mục đích khác. Nhưng như vậy đã đủ thuyết phục? Ngay cả Mark Zuckerberg còn phải bịt kín camera và micro laptop của mình để tránh rò rỉ thông tin cơ mà.

3. Cách phòng tránh những tác hại từ Facebook

Lợi ích nhiều đi kèm không ít tác hại, chúng ta nên làm gì để sử dụng Facebook được hiệu quả? Vieclam123 sẽ gợi ý một số cách để giúp các bạn “cai nghiện” Facebook nhưng không bị lạc hậu nhé

  • Xác định rõ mục đích sử dụng Facebook: hãy tự hỏi bản thân tại sao mình lại đăng ký tài khoản Facebook, Facebook giúp đỡ gì được cho bạn, việc xác định rõ mục đích cho bản thân sẽ giúp bạn không bị sa đà vào rất nhiều tính năng hấp dẫn từ Facebook.
  • Phân bố thời gian hợp lý sử dụng Facebook: bạn nên sắp xếp hợp lý thời gian biểu của mình trong ngày, kết hợp thời gian lướt Facebook và tham gia các hoạt động ngoài xã hội để cải thiện các kỹ năng mềm.
  • Học cách bỏ điện thoại xuống khi gặp gỡ bạn bè, người thân: thay vì tập trung vào những điều viển vông, những con người “ảo”, câu chuyện “ảo, bạn hãy bàn luận những điều bạn quan tâm cùng bạn bè, người thân, giúp cải thiện mối quan hệ của mình với những người xung quanh, đồng thời nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân.
  • Tìm những cách thư giãn khác thay vì sử dụng Facebook: bạn hãy tự hỏi bản thân, nếu không có Facebook và Internet, con người sẽ làm gì trong thời gian rảnh? Mình tin sẽ không thiếu lựa chọn cho bạn đâu, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tập thể dục, nấu ăn… đây hoàn toàn là các hoạt động giúp bạn thư giãn những vẫn nâng cao được kiến thức cho bản thân mình, thay vì lướt Facebook để khiến não bộ lười hơn.    
  • Tắt thông báo trên Facebook: đây có thể là một các hiệu quả vì rất nhiều người không cưỡng lại được dòng thông báo Facebook hiện lên trên màn hình điện thoại. Tắt thông báo cũng sẽ khiến bạn tập trung vào công việc mà không có các yếu tố làm phân tâm.

4. Kết luận

Bài viết trên hi vọng phần nào giúp các bạn hiểu thêm về lợi ích và đặc biệt là những tác hại của Facebook, mong các bạn sẽ sử dụng mạng xã hội này thật hiệu quả, đem đến nhiều lợi ích cho bản thân hơn là lạm dụng quá nhiều, chúc các bạn thành công!

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Cửa hàng nhượng quyền là gì và cách xây dựng cửa hàng nhượng quyền?
Bạn muốn mở rộng mô hình kinh doanh của mình bằng cửa hàng nhượng quyền? Bạn không biết cửa hàng nhượng quyền là gì? Bạn không biết xây dựng cửa hàng nhượng quyền như thế nào? Cùng vieclam123.vn tìm hiểu sau đây nhé!

14/07/2023

Brand health là gì? Cách thức đo lường và cải thiện Brand health.
Brand health (sức khỏe thương hiệu) là một trong những yếu tố quan trọng nhất đánh giá sự phát triển của thương hiệu doanh nghiệp. Vậy Brand health là gì? Đo lường như thế nào?, chúng ta cùng vieclam123.vn tìm hiểu sau đây nhé!

13/07/2023

Quản lý là làm gì? Vai trò quan trọng của quản lý trong tổ chức
Quản lý là làm gì? Quản lý là một bộ phận phận quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, với vai trò kiểm soát hoạt động và định hướng kế hoạch phát triển.

11/04/2023

Ngành điện điện tử làm gì? Lý do bạn nên học ngành điện điện tử?
Ngành điện điện tử làm gì? Ngành điện điện tử là ngành học vô cùng hữu ích và áp dụng thực tế rất nhiều. Chương trình học vô cùng bài bản và chuyên sâu.

22/03/2023