Blog

Một số điều cần biết khi phân tích bài thơ Tràng giang

06/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Tràng Giang” của Huy Cận là một tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, thể hiện bút pháp tài hoa và tiêu biểu cho mạch thơ Huy Cận. Hãy cùng Vieclam123.vn tìm hiểu về dàn ý chi tiết phân tích bài thơ này và đọc một số bài phân tích mẫu phân tích bài thơ Tràng Giang dưới đây nhé.

1. Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Tràng Giang

1.1 Mở bài giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

+ Tác giả: Cù Huy Cận (1919-2005): sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, học giỏi, đã có thơ đăng báo từ năm 15 tuổi. Trong giai đoạn trước Cách mạng, thơ của ông thường thể hiện nỗi buồn buồn nhân thế, nỗi sầu bi kéo dài. Sau cách mạng, hồn thơ của ông lạc quan hơn, tin tưởng vào cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động.

+ Tác phẩm: “Tràng Giang” được trích trong tập thơ “Lửa thiêng”(1939), tập thơ đánh dấu tên tuổi của Huy Cận trên nền văn học Việt Nam. Bài thơ là nỗi lòng của một cá thể cô đơn mang nỗi buồn vô tận trước vũ trụ rộng lớn, dòng đời mênh mang.

1.2 Thân bài phân tích chi tiết từng khổ thơ

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được viết khi nhà thơ một mình đứng ở bờ nam bến Chèm, nhìn cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước, lòng khơi dậy một nỗi buồn sầu, suy nghĩ về những kiếp người nhỏ bé, nổi trôi,vô định.

- Ý nghĩa nhan đề “Tràng Giang”: Điệp âm “ang” đã khiến cho người đọc có cảm nhận đầu tiên về sự mênh mang của dòng sông. “Tràng Giang” cũng có nghĩa là dòng sông dài, nhà thơ không dùng nhan đề “Trường Giang” vì nó trùng với tên một con sông ở Trung Quốc.

Hai chữ “Tràng Giang” còn gợi lên sắc thái cổ điển, trang nhã, gợi âm hưởng về một dòng “trường giang” trong đường thi, dòng sông muôn thuở, vĩnh hằng trong tâm tưởng của bao thế hệ thi ca.

- Ý nghĩa lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”: “trời rộng”, “sông dài” gợi lên cái rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên, vũ trụ bao la, “bâng khuâng”, “nhớ” gợi lên cảm xúc buồn, sự cô đơn, lạc lõng. Lời đề từ đã góp phần gợi lên cảm xúc bao trùm, xuyên suốt toàn bộ bài thơ.

- Bố cục: bài thơ có thể được chia thành bố cục 4 phần, mỗi phần tương ứng với một khổ thơ trong bài:

+ Phần 1: Khổ thơ đầu tiên miêu tả cảnh sông nước mênh mông, bất tận.

+ Phần 2: Khổ thơ thứ hai miêu tả cảnh bến bãi, cồn hoang vắng trong nắng chiều.

+ Phần 3: Khổ thơ thứ ba miêu tả cảnh bèo trôi, bờ xanh hoang vắng hai bên bờ sông Hồng.

+ Phần 4: Khổ thơ cuối cùng là tâm sự, nỗi nhớ nhà của tác giả.

*Khổ thơ đầu tiên

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

+ Từ láy “tràng giang”, “điệp điệp”, “song song” gợi sự ngân vang cổ kính, khung cảnh trời nước buồn da diết, khôn nguôi.

+ Hình ảnh “sóng”, “thuyền”, “nước” là những hình ảnh vốn đi liền với nhau nhưng nhịp điệu câu thơ lại khiến cho người đọc cảm nhận được sự lạc điệu. ly cách, những nỗi buồn chồng chéo tâm trạng giống như những đợt sóng gợn lên.

+ Nghệ thuật đối “thuyền về-nước lại”, khiến cho cảnh vật trở nên rời rạc, tan tác, lại còn mang theo nỗi “sầu trăm ngả”-nỗi sầu phân tán, lan rộng ra khắp cảnh vật, đất trời.

+  “Củi một cành khô lạc mấy dòng”: Một cành củi nhỏ nhoi, trôi nổi trên dòng nước, bất định, không biết rồi sẽ bị trôi đẩy về đâu, cũng giống như sự bấp bênh, vô định của những kiếp người nhỏ bé giữa dòng đời.

+ Nghệ thuật đảo càng làm tăng lên giá trị biểu đạt, và sức gợi cho câu thơ.

=> Với nhịp điệu câu thơ chậm, buồn, cách sử dụng từ láy và hình ảnh độc đáo đã giúp người đọc hình dung ra được nỗi buồn bơ vơ, bế tắc của con người trước không gian mênh mông, rợn ngợp, hoang vắng của cảnh sắc trời mây sông nước.

*Khổ thơ thứ hai

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

+ Từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” cùng với nghệ thuật đảo ngữ đã gợi lên sự lẻ loi, hiu vắng, thưa thớt, lạnh lẽo, thiếu sức sống của khung cảnh hai bên bờ tràng giang.

+ Âm thanh: “tiếng làng xa vãn chợ chiều”: từ “đâu” là đại từ phiếm chỉ, gợi lên một âm thanh nhỏ bé, vọng lại từ một không gian không xác định, càng gợi lên sự mênh mông, hiu hắt, vắng vẻ của đôi bờ sông.

=> Bức tranh thiên nhiên đã được mở rộng không chỉ là sông nước đìu hiu mà còn mở rộng ra cồn cát, bờ bãi, xóm làng, có nắng chiều, có trời cao.

+ Hình ảnh “nắng xuống”- “trời lên”, “sông dài-trời rộng” cùng cặp đối “sâu chót vót-bến cô liêu”, gợi lên sự vô cùng, vô tận ở mọi sự vật, từ “sâu chót vót”, “bến cô liêu” thể hiện sự sáng tạo đặc biệt của Huy Cận.

*Khổ thơ thứ ba

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cần gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

+ “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”: hình ảnh cánh bèo trôi nổi, phiêu dạt trên dòng nước, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu khiến người đọc  liên tưởng về những kiếp người nổi trôi, vô định trong dòng đời, mặc cho số phận xô đẩy, đây là những kiếp người nhỏ bé, phải nương nhờ dòng đời mà không thể tự quyết định số phận của mình.

+ Hình ảnh chuyến đò ngang gợi lên mong muốn nhỏ bé, có phần giản dị về một chiếc cầu nối hai bờ tràng giang.

+ Điệp từ “không” như một lời phủ định cho mong muốn, khao khát nhỏ nhoi của tác giả, chỉ còn hình ảnh “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” khiến con người tiếp tục cảm thấy lẻ loi, rợn ngợp.

=> Đoạn thơ tiếp tục gợi lên hình ảnh đôi bờ tràng giang hiu quạnh, có ẩn hiện chút mong muốn nhỏ nhoi về sự sống ấm áp, bình dị của con người nhưng thiên nhiên lại chỉ đáp trả những khao khát ấy bằng sự quạnh quẽ, đìu hiu, lẻ loi, trống vắng.

*Khổ thơ cuối

“ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

+ Hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ: mây cao, núi bạc, cánh chim nghiêng, hình ảnh cánh chim thường xuất hiện trong thơ cổ, gợi một không gian buồn, ở đây cánh chim báo hiệu thời gian chiều buông.

+ Từ ngữ giàu sức biểu đạt: “đùn đùn”, “nghiêng”, gợi lên vận động, chuyển động từ bên trong của vật.

=> Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh sóng nước tràng giang gợn từng đợt, kết thúc bằng tiếng sóng lòng của nhà thơ, đó là nỗi nhớ quê hương, xót thương cho cảnh đất nước lúc bấy giờ.

+ Mở rộng: Trong thơ cổ, hình ảnh khói sóng trên sông thường gợi lên nỗi niềm nhớ quê hương của con người xa xứ. Trong “Hoàng Hạc lâu”, Thôi Hiệu cũng từng viết:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Nhưng ở đây, dù cho không có khói sóng trên sông như trong thơ cổ nhưng Huy Cận vẫn chất chứa trong lòng nỗi lòng nhớ quê của một người con xa xứ.

1.3 Kết bài khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật

Tổng kết về nội dung và nghệ thuật

+ Nội dung: Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn của tác giả khi đứng trước dòng sông quê hương, kín đáo bộc lộ lòng yêu nước thầm kín, sâu đậm.

+ Nghệ thuật: Huy Cận sử dụng những hình ảnh, thi liệu gần gũi với đời sống thường ngày, bài thơ vừa mang nét cổ điển, vừa có nét hiện đại.

2. Bài phân tích bài thơ Tràng Giang

Tràng giang là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Huy Cận. Trước năm 1945, hồn thơ Huy Cận man mác một nỗi “sầu vạn kỷ” do chưa tìm được hướng đi cho riêng mình. Đây cũng là một nỗi buồn chung của trào lưu thơ mới, được  Hoài Thanh ví như một “dàn đồng ca sầu cho cuộc hòa nhạc tân kỳ sắp sửa”. Ở bài viết dưới đây, các bạn hãy cùng Vieclam123.vn phân tích bài thơ Tràng giang để có thể nhìn nhận tác phẩm này ở nhiều khía cạnh khác nhau nhé!

2.1.  Phân tích bài thơ Tràng giang qua nhan đề và lời đề từ

Là một tác phẩm đưa tên tuổi Huy Cận trở nên nổi tiếng trong trào lưu thơ mới, Tràng giang được dệt lên từ những thi liệu rất thân quen, thể hiện một tình yêu thiên nhiên, đất nước con người sâu nặng đồng thời còn thể hiện một nỗi buồn ưu thời mẫn thế của tác giả do chưa tìm được hướng đi, chưa được ánh sáng Cách Mạng soi đường, chỉ lối. Ngay từ nhan đề, Khi phân tích bài thơ Tràng giang chúng ta sẽ thấy rằng bài thơ đã thu hút được sự chú ý của độc giả với âm “ang” là âm mở, tạo nên ấn tượng về nỗi buồn da diết xuyên suốt mạch cảm xúc của toàn bài thơ. Hình ảnh sông nước không phải là hình ảnh mới trong thi ca, tuy nhiên, với vần “ang” kéo dài, người đọc như cảm nhận được cảm xúc trải dài vô tận, nỗi buồn mênh mông vô định như tuôn chảy theo không gian rộng lớn của dòng sông.

Bên cạnh nhan đề, lời đề từ khi phân tích bài thơ Tràng giang có thể  được coi là bản lề để người đọc có thể thấu hiểu được tâm trạng của thi nhân. “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” là một lời tâm sự của hồn thơ lãng mạn Huy Cận. Không phải tiếng sáo thiên thai, không phải bờ tre,khóm trúc, không phải cảm giác hạnh phúc của tình yêu lứa đôi, đừng trước vũ trụ rộng lớn, con người cảm giác cô đơn lẻ chiếc, choáng ngợp so với tầm vóc của vũ trụ.  Lời đề từ có tác dụng gợi mở mạch cảm xúc của toàn bài thơ, và cũng là cảm hứng chủ đạo trong thơ Huy Cận. Hãy cùng tôi đi tìm hiểu và phân tích sâu hơn tác phẩm này ở những luận điểm tiếp theo nhé!

2.2. Phân tích bài thơ Tràng giang qua khổ thơ đầu tiên

Ở khổ thơ đầu tiên, Huy Cận vẽ ra trước mắt người đọc một không gian sóng nước bao la. Quả đúng như lời nhận xét “ Huy Cận đi lượm nhặt chút buồn rải rác để làm nên một nỗi sầu vạn kỷ”, khổ thơ mở ra hình ảnh con sông rộng lớn , mênh mông, vô tận. Với nghệ thuật sử dụng phép đối thành công, Huy Cận khắc họa rõ nét không gian bao la của dòng sông. Với luồng trôi lững lờ, dòng sông càng mênh mông hơn nhưng gợn sóng “điệp điệp”. Hình ảnh trước mắt gợi ra càng bao la, bát ngát, con thuyền càng đơn độc. Một nỗi buồn u uẩn phảng phất trong không gian. Ở hai câu thơ đầu Huy Cận đã rất thành công trong việc sử dụng phép đối, để không gian vừa có chiều rộng lại vừa dài vô định, mênh mông.

Câu thơ tiếp theo, Huy Cận tiếp tục khắc họa sầu chia ly của thuyền và nước. Hai hình ảnh này vốn là một thi liệu khá quen thuộc, nhưng ở đây, thuyền và nước không song hành với nhau như ở trong những bài thơ cổ. Nỗi sầu vạn kỷ càng được nhân lên gấp bội phần khi đọc đến câu “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Không gian vô định như nói lên hộ tâm trạng của lòng người chưa tìm được Lý tưởng cuộc sống. Hình ảnh củi khô trôi nổi trên dòng nước một lần nữa làm tăng tiến thêm mạch cảm xúc buồn thương, cô đơn trong toàn khổ thơ. Không phải hình ảnh mặt nước cánh bèo, không phải một cánh hoa trôi, thi liệu trong thơ là một hình ảnh vô cùng khô héo, cạn kiệt nhựa sống. Cành củi khô xuất hiện giữa mấy dòng nước không biết sẽ trôi dạt về đâu. Hình ảnh cành củi đã nói lên tâm trạng chung của cả một thế hệ khi đất nước vẫn trong màn đêm, chưa tìm được hướng đi riêng, và vẫn còn đang loay hoay giữa cuộc sống bộn bề. Huy Cận sử dụng rất thành công phép đối trong câu thơ đồng thời kết hợp khéo léo với nhịp thơ 3/3 tạo nên rõ sự cô đơn, lẻ chiếc của cành củi giữa bạt ngàn sóng nước. Như vậy, ở khổ thơ đầu tiên này, Huy Cận đã dựng lên một bức tranh buồn, nhuốm màu tâm trạng của cá một thế hệ. Toàn bộ bức tranh không hề có bất kỳ sự xuất hiện nào của con người, càng trở nên cô liêu, vắng vẻ, nỗi ảm đạm như xoáy sâu vào trong tâm khảm của người thi sĩ.

2.3. Phân tích bài thơ Tràng giang qua khổ thơ thứ hai

Nối tiếp mạch cảm xúc đó, là hình ảnh cảnh vật hai bên bờ sông đìu hiu, thiếu sức sống. Hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ một lần nữa được Huy Cận sử dụng triệt để.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”

Trước đây, trong Chinh Phụ Ngâm, ta đã từng bắt gặp hình ảnh cồn cát, gò đống đìu hiu như vậy.

“ Non Kì quạnh quẽ trăng treo

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”

Ở trong thơ Huy Cận, dòng sông không rõ tên, chỉ biết cảnh vật như mang màu sắc tâm trạng, hoang sơ và thiếu sức sống. Với cách sử dụng các từ láy có sức tượng hình rất cao, “lơ thơ”, “đìu hiu”, gợi lên sự thưa vắng, ít có dấu vết của sự sống con người. Nỗi u sầu đến mức tiếng chợ chiều cũng không còn nghe rõ. Từ “đâu” có thể là đâu đó văng vẳng lại, cũng có thể mang nghĩa phủ định “đâu có”.Cảm giác như mơ, như thực, không biết có tồn tại hay không. Phiên chợ chiều vốn dĩ đã thưa vắng, nhưng đến sự tồn tại của nó cũng vẫn còn khiến thi nhân phải nghi vấn. Trước sự rợn ngợp của thiên nhiên, con người trở nên bé nhỏ quá, đơn côi quá! Với một vài nét chấm phá, dùng thủ pháp cũ “ vẽ mây nẩy trăng”, Huy Cận đã tạo nên được một bức tranh quê nghèo xác xơ, thiếu sức sống, thiếu linh hồn.

Đến hai câu thơ tiếp tầm nhìn như được mở rộng thêm ra, khoảng không như có độ giãn, được khắc họa cả ba chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Cảm giác cảnh vật như có sự chuyển động “nắng xuống- trời lên”. Buổi chiều, nắng đang xuống dần, bầu trời như được kéo lên cao hơn. Với từ ngữ tượng hình “sâu chót vót” Huy Cận đã tạo nên một điểm nhấn riêng, đưa người đọc đến với không gian hai bên bờ vào buổi xế chiều. Rất ít người dùng từ “chót vót” để miêu tả chiều sâu.Ở đây, không phải sâu hun hút, sâu thăm thẳm, sâu thật đấy, nhưng lại mở ra cả chiều cao, chiều dài, chiều rộng như một bức họa 4D, kéo không gian càng trở nên vô tận vô cùng. Không gian ấy chính là cái nền, để nỗi niềm cô liêu ngày càng lan tỏa. Câu thơ cuối cùng như là hình ảnh bến nước cô liêu, không có sự xuất hiện của con người. Vũ trụ càng bao la, dòng sông càng rộng lớn, bầu trời chiều càng rộng, càng sâu, nỗi cô liêu ấy càng được nhấn mạnh hơn. Nỗi “sầu vạn cổ” chính là mạch cảm xúc xuyên suốt toàn bài thơ của Huy Cận.

>>> Hiện nay nhiều sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm gia sư để nâng cao trình độ giảng dạy chính vì vậy Việc Làm 123 được xây dựng để giúp bạn đăng tin gia sư miễn phí và nhanh chóng.

2. 4. Phân tích bài thơ Tràng giang qua khổ thơ thứ 3

Ở khổ thơ tiếp theo, cảnh vật vẫn tiếp tục gợi nên một không gian quạnh vắng. Đã có một chút chuyển động nhẹ của những cánh bèo trên dòng nước. Từ xưa, hình ảnh này vốn tượng trưng cho kiếp đời bấp bênh, chìm nổi, vô định. Đã vô định đến vậy, lại còn “hàng nối hàng”, từng lớp, từng lớp một không biết sẽ đi đâu, về đâu. Có lẽ chăng đây cũng chính là tâm trạng chung của một thế hệ, khi chưa được ánh sáng chỉ lối, soi đường! Trước không gian mênh mông, trôi nổi, vô định ấy, không hề có bất kỳ một dấu vết nào của sự sống, đến một con đò sang ngang cũng không có, một câu cầu bắc ngang cũng không. Từ bờ bên này đến bờ bên kia không có bất kỳ thứ gì kết nối. Hai từ không được sử dụng nối tiếp nhau, như nhấn mạnh thêm sự quạnh quẽ, không có lấy một chút “niềm thân mật”. Màu sắc được của bờ bãi khá tươi sáng nhưng lại bị án ngữ bởi cụm từ “lặng lẽ” đứng đầu câu. Hình ảnh không còn được sáng sủa như màu sắc nguyên thủy của nó nữa. Không gian đìu hiu như nhấn chìm cả sự trù phú của bờ bãi ven sông khiến tất cả  đều bị bao trùm bởi sự cô liêu.

2. 5. Phân tích bài thơ Tràng giang qua khổ thơ thứ 4

Nếu như ở các khổ thơ trên, là bức tranh thiên nhiên u sầu, thì ở khổ thơ cuối cùng chính là tâm tư, suy nghĩ của người thi nhân.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Một lần nữa, các từ láy được sử dụng một cách vô cùng điêu luyện, có sức gợi rất lớn. Hình ảnh bầu trời chiều được khắc họa một cách vô cùng huy hoàng, là một điểm sáng trong toàn bài thơ. Cảm tưởng như các lớp mây đang chồng chất lớp lớp đè lên dãy núi bạc lúc hoàng hôn. Cánh chim như bị bóng chiều đè nặng xuống, như lòng người cô đơn, đang tìm phương hướng cho mình mà vẫn chưa biết phải đi về đâu.

Hai câu thơ cuối chính là nỗi niềm bao trùm toàn bộ cảm xúc của bài thơ. “Con nước” chính là hình ảnh gợi mở, để thi nhân hướng về tình yêu quê hương đất nước. Hơn ngàn năm trước,Thôi Hiệu cũng đã từng viết trong Hoàng Hạc Lâu “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Ở đây, không có “yên ba” ( khói sóng), chỉ có sông, trời, cảnh chiều tàn, cũng đủ khiến cho thi nhân da diết nỗi nhớ nhà. Thôi Hiệu nhớ quê khi phải đi xa, ở đây, Huy Cận nhớ quê khi đang đứng ngay trên chính quê hương mình. Khi thời buổi ngày càng rối ren, sự bế tắc của giới thi nhân đã lên tới đỉnh điểm. Không có gì cô đơn hơn việc đứng ngay trên đất mình, giữa quê hương mình nhưng lại luôn thấy thiếu, thấy nhớ quê hương, nhớ những giá trị xưa cũ đã mất đi. Mượn tứ thơ cổ, nhưng Huy Cận lại thổi vào đó cái hồn riêng, để tạo nên một màu sắc riêng biệt của Tràng Giang, gửi gắm nỗi “sầu thiên thu” của một ”chiếc linh hồn nhỏ”.

Hy vọng với bài viết “Một số điều cần biết khi phân tích bài thơ Tràng giang” Vieclam123.vn có thể đem tới cho các bạn những thông tin hữu ích nhất!

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022