Đơn xin đăng ký kết hôn sử dụng mẫu nào? Cách điền đơn đăng ký kết hôn
Đơn xin đăng ký kết hôn sử dụng mẫu nào? Cách điền đơn đăng ký kết hôn
Đơn xin đăng ký kết hôn được sử dụng khi hai cá nhân làm thủ tục đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký kết hôn, sau đó nộp tại UBND xã hoặc phường nơi mình đang sinh sống. Tham khảo bài viết sau đây để biết cách hoàn thiện đơn đăng ký kết hôn và tìm hiểu chi tiết hơn về thủ tục đăng ký kết hôn nhé!
Đơn xin đăng ký kết hôn có tên gọi khác là tờ khai đăng ký kết hôn. Đây là thành phần không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký kết hôn. Pháp luật Việt Nam quy định, nam từ đủ 20 trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Hơn nữa, việc kết hôn phải được tiến hành dựa trên cơ sở tự nguyện, không có bất kỳ sự ép buộc và không thuộc vào các trường hợp bị cấm kết hôn.
Mẫu đơn đăng ký kết hôn, hay mẫu tờ khai đăng ký kết hôn, đã được Nhà nước ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP do Bộ Tư pháp ban hành. Trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thì trên tờ khai đăng ký kết hôn cần có thêm ảnh của cả hai bên nam và nữ.
Đơn đăng ký kết hôn (hay tờ khai đăng ký kết hôn) bao gồm đầy đủ thông tin của cả hai bên nam và nữ, cũng như thông tin về các giấy tờ tùy thân cần thiết của cả hai. Như đã đề cập đến ở trên, đơn đăng ký kết hôn trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thì còn cần thêm cả ảnh của cả hai người.
Về thông tin cá nhân của nam và nữ, người khai đơn đăng ký kết hôn cần cung cấp chính xác và đầy đủ những thông tin sau đây:
- Họ và tên đầy đủ (Bao gồm cả họ, tên đệm và tên).
- Ngày tháng năm sinh.
- Dân tộc.
- Quốc tịch.
- Nơi cư trú (hoặc có thể thay thế bằng địa chỉ đăng ký thường trú, địa chỉ đăng ký tạm trú hoặc địa chỉ chỗ ở hiện tại).
Về thông tin giấy tờ tùy thân, người làm đơn cần khai báo về các loại giấy tờ tùy thân cung cấp kèm theo tờ khai đăng ký kết hôn bên trong hồ sơ, chẳng hạn như chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, sổ hộ khẩu và thêm một loại giấy tờ không thể thiếu được đó là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Bên cạnh đó, người làm đơn cũng cần khai rõ cả bên nam và bên nữ kết hôn lần này là kết hôn lần thứ mấy.
Cuối tờ khai đăng ký kết hôn là cam đoan của người làm tờ khai về độ chính xác của những thông tin đã được khai báo ở trên, đồng thời cam kết việc kết hôn được tiến hành dựa trên cơ sở tự nguyện. Tiếp theo cả bên nam và bên nữa cần ký xác nhận vào tờ khai đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, người làm đơn cũng cần ghi rõ địa điểm và thời gian làm đơn, có đề nghị cấp bản sao hay không và nếu có thì đề nghị cấp mấy bản sao.
Để bạn đọc có sự hình dung rõ hơn về bố cục và những thông tin cần khai báo trong đơn đăng ký kết hôn (hay tờ khai đăng ký kết hôn), chúng tôi sẽ cung cấp mẫu tờ khai đăng ký kết hôn trong đường link sau đây. Bạn có thể truy cập vào đường link và tham khảo hoặc tải về một cách dễ dàng.
mau-to-khai-dang-ky-ket-hon.doc
Tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất đang được sử dụng là tờ khai được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP. Trong đó, những nội dung mà bạn cần hoàn thành bao gồm:
- Địa chỉ nhận tờ khai đăng ký kết hôn (phần Kính gửi): Điền địa chỉ nhận tờ khai đăng ký kết hôn là ủy ban nhân dân xã hoặc phường nơi bạn đang sinh sống.
- Họ, chữ đệm và tên của bên nam và bên nữ: Điền họ tên chính thức được ghi trong sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác. Không sử dụng tên cúng cơm, tên gọi thân mật hoặc bí danh…
- Ngày, tháng, năm sinh: Điền ngày, tháng, năm sinh chính xác theo chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu.
- Dân tộc: Ghi dân tộc của cả bên nam và bên nữ. Ví dụ: Kinh.
- Quốc tịch: Ghi quốc tịch của cả bên nam và bên nữ. Ví dụ: Việt Nam.
- Nơi cư trú: Thông thường bạn cần điền vào đây địa chỉ hộ khẩu thường trú nếu đang sống tại nơi đăng ký thường trú. Nếu không, bạn có thể thay thế bằng địa chỉ đăng ký tạm trú. Trong trường hợp không ở tại cả hai địa chỉ trên thì có thể thay bằng địa chỉ nơi ở hiện tại.
- Giấy tờ tùy thân: Trong phần này bạn chỉ cần liệt kê các loại giấy tờ tùy thân gửi kèm trong hồ sơ đăng ký kết hôn mà không cần ghi thông tin cụ thể. Các loại giấy tờ cần gửi kèm bao gồm: Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu và thêm cả giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân.
- Kết hôn lần thứ mấy: Ghi số lần kết hôn, tính cả lần kết hôn hiện tại. Nếu kết hôn lần đầu tiên thì ghi 1.
- Địa chỉ và ngày tháng năm khai tờ khai đăng ký kết hôn.
- Chữ ký của bên nam và bên nữ: Ký và ghi rõ họ tên đầy đủ của cả bên nam và bên nữ. Chỉ chấp nhận chữ ký bằng bút bi hoặc bút mực, không chấp nhận chữ ký bằng bút chì.
- Đề nghị cấp bản sao: Để lại lựa chọn Có hoặc Không và gạch bỏ lựa chọn còn lại. Trong trường hợp đề nghị cấp thêm bản sao thì cần ghi rõ số lượng bản sao đề nghị cấp.
Như vậy là bạn đã hoàn thành việc khai báo thông tin trên tờ khai đăng ký kết hôn (đơn đăng ký kết hôn). Tiếp theo bạn cần hoàn thiện hồ sơ đăng ký kết hôn để nộp tại UBND. Mời bạn tham khảo những giấy tờ cần chuẩn bị khi làm hồ sơ đăng ký kết hôn và quy trình thủ tục đăng ký kết hôn trong phần tiếp theo.
Thủ tục đăng ký kết hôn không hề phức tạp và thường sẽ được xử lý rất nhanh chóng. Bạn chỉ phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký kết hôn mà thôi.
Vậy khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn bạn cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Trong nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cả nam và nữ (chính xác hơn thì đây là giấy xác nhận tình trạng độc thân và đủ điều kiện kết hôn do UBND xã hoặc phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp).
- Nếu bên nam hoặc nữ đã từng kết hôn và ly hôn trước đó thì cần chuẩn bị thêm quyết định ly hôn của tòa án hoặc bản án ly hôn.
- Giấy tờ tùy thân, chẳng hạn như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (lưu ý là giấy tờ tùy thân có dán ảnh).
Sau khi hoàn thành đầy đủ hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định thì bạn cần nộp hồ sơ tại UBND xã/ phường. Hồ sơ sẽ được kiểm tra xem có đầy đủ các giấy tờ không, sau đó mọi thông tin trong tờ khai đăng ký kết hôn đều sẽ được đối chiếu và kiểm tra độ chính xác.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ nhận được giấy tiếp nhận hồ sơ trong đó ghi rõ thời gian kết quả xét duyệt hồ sơ sẽ được trả. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì cán bộ chức năng sẽ hướng dẫn bạn hoàn thiện hồ sơ.
Đến ngày hẹn, bạn sẽ nhận được sổ đăng ký kết hôn và giấy chứng nhận kết hôn, trong đó giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ được làm thành hai bản và mỗi bên nam, nữ sẽ giữ một bản.
Trên đây là những thông tin liên quan đến đơn xin đăng ký kết hôn, hay chính là tờ khai đăng ký kết hôn. Hiện nay, các trường hợp đăng ký kết hôn đều phải sử dụng mẫu tờ khai đăng ký kết hôn do Bộ Tư pháp ban hành. Việc đăng ký kết hôn có vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở để pháp luật công nhận tình trạng hôn nhân hợp pháp, cũng như quyền và nghĩa vụ vợ chồng của cả bên nam và bên nữ.
Đơn yêu cầu kê biên tài sản dùng khi nào? Tham khảo quy định liên quan đến việc kê biên tài sản và hướng dẫn soạn đơn yêu cầu kê biên tài sản đúng pháp luật trong bài viết sau đây.
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023