Chắc hẳn qua nhiều lần nhảy việc, các bạn phần nào cũng rút ra những kinh nghiệm “xương máu” cho bản thân và biết được cầm làm gì trước khi xin nghỉ việc rồi chứ. Chung quy lại, có một số quy tắc và những lưu ý khi xin nghỉ việc trong bài viết dưới đây của Vieclam123.vn mà bạn cần nắm rõ để có thể “ra đi” một cách êm thấm và lịch sự.
Trước khi quyết định xin nghỉ việc chính thức, bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, bởi cuộc sống sau khi thôi việc của bạn có tốt đẹp hơn hay không là do sự lựa chọn của chính bạn. Đã qua rồi cái thời mà bạn “thích thì nghỉ” trừ khi bạn gặp chuyện “khó lường” trước ở nơi làm việc và bạn không thể chấp nhận được sự việc đó mà phải nghỉ việc ngay lập tức.
Trước khi nghỉ việc, hãy xem xét một số yếu tố sau đây:
Hãy xác định thật rõ xem lý do nghỉ việc của bạn là gì, do môi trường làm việc không tốt, do lộ trình thăng tiến không rõ ràng, do mức lương thấp, do công việc không đúng chuyên ngành bạn yêu thích,....Khi bạn hiểu rõ chính mình, nhìn thấy những gì mình không thích ở công việc cũ thì bạn sẽ định hướng chính xác được công việc tương lai mong muốn.
Nếu trên đây là lí do bạn muốn nghỉ việc thì chắc chắn công việc mới mà bạn ao ước sẽ là một vị trí có lộ trình thăng tiến rõ ràng, mức lương thưởng cao hơn công việc hiện tại và là công việc mà bạn yêu thích, muốn phát triển bản thân ở lĩnh vực đó.
Nếu như bạn đang làm một công việc tốt, lương thưởng đãi ngộ tốt, thời gian làm việc linh hoạt và bạn rất hài lòng về chế độ trong công ty nhưng do bạn “lười” đi làm, do bạn nghĩ rằng cấp trên hay đồng nghiệp không thích bạn hay do bạn cảm thấy công việc “quá sức” mình mà nghỉ việc thì bạn cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Lời khuyên dành cho bạn là những gì có thể khắc phục như mối quan hệ đồng nghiệp hay việc cố gắng hoàn thành công việc có thể làm được thì bạn nên nỗ lực để làm. Bởi bạn có chắc rằng ở một vị trí công việc mới những điều trên sẽ không lặp lại tương tự hay không? Bạn không thể mãi nhảy việc chỉ vì những lý do như vậy được.
Đừng chỉ “thích” là nghỉ, hãy lên kế hoạch cho bản thân sau khi nghỉ việc. Đó có thể là kế hoạch về một công việc mới tốt hơn, một kì nghỉ dưỡng bạn tự tặng cho bản thân mình, một thời gian không đi làm để tự định hướng lại tương lai của mình,...Dù kế hoạch là gì thì điều quan trọng là bạn biết được chính xác những điều mà bản thân sẽ làm.
Nếu như không lên kế hoạch cho bản thân, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “mông lung”, không biết đi đâu về đâu. Thêm nữa, nếu phải chịu thêm áp lực về tài chính và thời gian, bạn rất có thể sẽ lựa chọn một công việc còn “tệ” hơn công việc cũ. Rồi bạn sẽ lại nhanh chóng phải tìm kiếm cho bản thân công việc mới thôi.
Vì vậy, trước khi gửi đơn nghỉ việc lên sếp của mình, bạn hãy chắc chắn được 1 trong 2 điều sau:
Thứ nhất, nên tìm được một công việc như ý trước khi xin nghỉ việc. Bạn sẽ chỉ phải mất một thời gian ngắn để chuyển giao công việc mà thôi. Tìm kiếm được một công việc như ý và tốt hơn công việc cũ có lẽ không phải điều dễ dàng. Hãy cứ ứng tuyển và tham gia phỏng vấn công việc mới ngay cả khi bạn đang làm công việc cũ. Như vậy, bạn sẽ không phải chịu áp lực về thời gian và tài chính, vì thế mà bạn cũng có thể đưa ra được lựa chọn sáng suốt hơn.
Thứ hai, nếu bạn không muốn làm việc ngay sau khi nghỉ việc thì phải đảm bảo được số tiền bạn tiết kiệm được phải đủ chi trả sinh hoạt phí cho bạn trong vòng ít nhất 3 tháng. Vì vậy, dù cho bạn không muốn tiếp tục công việc cũ thì hãy cố gắng tạo được một khoản tiền tiết kiệm để có thể xin nghỉ việc sớm. Với số tiền tiết kiệm này, bạn có thể tự thưởng cho bản thân một kì nghỉ, cũng không vì áp lực tài chính mà chọn “bừa” một công việc.
Sau khi đã cân nhắc thật kỹ và bạn chắc chắn rằng mình sẽ rời bỏ vị trí công việc hiện tại thì tiếp theo, bạn cần thực hiện các bước trong quy trình xin nghỉ việc sau đây:
Bước 1: Viết đơn xin nghỉ việc
Hãy chuẩn bị một lá đơn xin nghỉ việc để gửi lên cấp trên của bạn. Trong đơn xin nghỉ việc hãy nêu rõ lý do nghỉ việc và gửi lời cảm ơn tới cấp trên đã giúp đỡ bạn trong suốt thời gian làm việc.
Viết đơn xin việc không những thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn chứng tỏ bạn là người “biết trước biết sau”, tôn trọng cấp trên và tôn trọng công việc hiện tại. Đừng chỉ “tay không” đến trước mặt cấp trên và nói xin nghỉ việc nhé.
Bước 2: Chuyển đơn lên cấp trên
Bạn nên lựa chọn thời điểm để nộp đơn xin nghỉ việc lên cấp trên. Tùy theo từng công ty mà sẽ có quy định khác nhau về thời điểm thông báo nghỉ việc. Có công ty quy định bạn cần thông báo trước 1 tháng, có công ty yêu cầu 15 ngày và cũng có những nơi làm việc chỉ yêu cầu thông báo trước 3 ngày. Bạn nên tìm hiểu kỹ những quy định này mà thực hiện sao cho đúng chuẩn.
Bước 3: Thanh lý hợp đồng và thanh toán các chế độ còn lại
Sau khi đã được cấp trên đồng ý, việc tiếp theo của bạn là thực hiện hết những công việc cần làm trước khi nghỉ việc. Người xin nghỉ việc thực hiện bàn giao công việc lại cho phòng ban phụ trách, bàn giao các dụng cụ được cấp phát để phục vụ trong công việc.
Phòng kế toán và hành chính nhân sự cũng sẽ phối hợp để thanh toán cho bạn những khoản lương, phụ cấp tính đến thời điểm nghỉ việc trong quyết định nghỉ việc. Khi đã hoàn thành những công việc này, hãy giữ hình ảnh chuyên nghiệp của bạn cho đến tận ngày cuối cùng trước khi rời đi nhé.
Sau nhiều lần “nhảy việc”, bạn đã rút được ra cho bản thân những kinh nghiệm nào chưa? Có những trải nghiệm còn được xem là”xương máu” và bạn chắc chắn sẽ không lặp lại những điều này trong tương lai. Hãy nhớ kỹ những điều cần tránh sau đây để có thể ra đi êm thấm,lịch sự nhé.
Đừng đem quyết định xin nghỉ việc của bạn rêu rao khắp nơi. Đừng để sếp của bạn vô tình biết được thông tin đó qua đồng nghiệp của bạn chứ không phải từ chính bạn. Hãy để sếp của bạn là người đầu tiên có quyền được biết và trong một cách riêng tư nhất, có thể bằng đơn xin nghỉ việc, bằng cuộc trao đổi trực tiếp, bằng email.
Bàn tán với đồng nghiệp về ý định xin nghỉ của bạn không những không khiến mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn mà còn khiến chúng trở nên cực kỳ tệ hại. Giả dụ bạn nói muốn nghỉ việc nhưng 3 tháng sau vẫn ngồi làm việc và ngày ngày tìm việc mới, vậy hình ảnh của bạn trong mắt đồng nghiệp sẽ như thế nào?
Trường hợp sếp nghe được thông tin bạn muốn nghỉ việc, liệu sếp có còn tin tưởng bạn và biết đâu sếp đang lên kế hoạch giao cho bạn một dự án quan trọng thì sao? Tình huống xấu nhất là bạn có thể “bị cho” nghỉ việc trước thời gian bạn định nghỉ việc. Bạn sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nào.
Vì vậy, khi quyết định nghỉ việc, hãy suy nghĩ thật kỹ trong âm thầm, cho đến khi bạn chính thức đưa ra quyết định.
Nhiều trường hợp khi xin nghỉ việc, sếp sẽ đưa ra cho bạn những đề nghị hấp dẫn như tăng mức lương, thưởng để giữ chân bạn ở lại. Có nhiều nguyên nhân để sếp muốn “níu” bạn làm việc cho công ty.
Thứ nhất, sếp của bạn muốn bạn tiếp tục đảm nhận công việc hiện tại vì họ cảm thấy khó mà tuyển dụng được một nhân viên mới có thể làm công việc của bạn. So sánh với chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới thì việc trả lương cho bạn cao hơn có vẻ sẽ có nhiều lợi ích hơn.
Thứ hai, sếp muốn giữ bạn tạm thời trong thời gian họ tuyển dụng thêm nhân viên mới. Vì sự nghỉ việc của bạn có thể làm gián đoạn hoạt động của công ty và mang đến một ảnh hướng nhất định nào đó.
Tuy nhiên, khi được sếp đưa ra đề nghị như vậy, thì bạn nên làm gì? Lời khuyên dành cho bạn là hãy “dứt khoát” nghỉ việc, đừng bị dao động. Bởi nếu sếp cảm thấy bạn xứng đáng với mức lương thường đó, tại sao lại không đưa ra đề nghị này sớm hơn? Thêm vào đó, khi biết được bạn có ý định nghỉ việc, niềm tin của hai bên đã giảm sút, sếp chắc chắn sẽ không còn tin tưởng giao cho bạn những công việc, dự án quan trọng. Giữ chân bạn chỉ là giải pháp tạm thời thôi và sếp vẫn luôn tìm kiếm những nguồn nhân lực mới cho vị trí của bạn đó.
Xét từ góc độ của bạn mà nói, bạn nên suy xét lại lý do tại sao bạn lại muốn nghỉ việc. Việc tăng lương, thưởng, vốn không hề thay đổi tính chất công việc. Nếu vì công việc quá nhàm chán mà bạn quyết định rời đi thì nếu như ở lại, bạn cũng sẽ tiếp tục cảm thấy nhàm chán mà thôi. Khi đó, sẽ không có điều gì mới và một kết quả “mới hơn” trong công việc của bạn cả.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người được sếp “giữ chân” và ở lại thì sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc khác trong vòng từ 3-6 tháng. Vậy thì, tại sao bạn lại không nghỉ việc sớm hơn, tìm kiếm những cơ hội khác hơn và bứt phá hơn?
Có một số người sau khi nộp đơn xin nghỉ việc thì thái độ làm việc rất cẩu thả. Tại sao lại như vậy? Họ cho rằng trước sau gì cũng nghỉ, tại sao phải làm việc hẳn hoi, tử tế, có để làm gì đâu? Vì thế mà thái độ làm việc cẩu thả của họ khiến sếp rất “không vừa mắt” và đồng nghiệp thì “chán ghét” bạn.
Nên nhớ rằng, dù bạn chỉ còn làm việc một ngày ở công ty thì cũng phải làm cho hoàn thiện. Xét về lý mà nói, công ty vẫn đang trả lương cho bạn cho đến ngày bạn nghỉ. Vậy thái độ làm việc cẩu thả của bạn là sai hoàn toàn.
Làm việc chuyên nghiệp cho đến tận ngày cuối cùng không những tạo được thiện cảm với sếp và đồng nghiệp mà còn giúp bạn duy trì được mối quan hệ sau khi nghỉ việc. Mối quan hệ này có thể giúp ích cho bạn trong sự nghiệp tương lai, bởi biết đâu đối tác tương lai của bạn lại là công ty cũ thì sao?
Khi nghỉ việc, bạn cũng nên “ra đi” trong êm thấm nhất có thể. Đừng nói xấu đồng nghiệp, nói xấu sếp, nói xấu công việc. Nó chỉ khiến cho người khác bàn tán và tự tạo cho bạn hình ảnh không mấy tốt đẹp trong mắt người khác.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ của Vieclam123.vn về những việc bạn cần làm trước khi xin nghỉ việc. Hy vọng bạn đã tự đúc rút cho bản thân những kinh nghiệm quý báu để nhảy việc một cách suôn sẻ nhất. Chúc các bạn tìm được công việc mới như ý và gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.
>> Tin liên quan:
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023