Blog

Bệnh vô cảm của giới trẻ và thực trạng vô cảm của giới trẻ hiện nay

29/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Vấn đề vô cảm đang là một vấn đề gây nhức nhối đối với các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn ngành giáo dục Việt Nam . Tìm hiểu nguyên nhân và thực trạng hiện nay của bệnh vô cảm chúng ta sẽ nhận thấy được tác hại ghê gớm của nó đối với giới trẻ hiện nay. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ những phương pháp hạn chế bệnh vô cảm ở các bạn trẻ để các bạn cùng tham khảo nhé.

1. Thực trạng căn bệnh vô cảm

Vô cảm là một trạng thái cảm xúc của con người. Đây là một trạng thái, mà khi đó, con người không có một tình cảm nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh. Họ thờ ơ, thản nhiên trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người khác.

Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi cũng như trau dồi kiến thức hơn thế hệ đi trước, rất nhiều các trường công lập và tư lập được mở ra để đào tạo các bạn trẻ thành những người có tri thức, có đạo đức phục vụ cho đất nước, đưa đất nước đi đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp những tiến bộ của các nước phát triển trên thế giới.  Nhưng thật đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh vô cảm của giới trẻ hiện nay được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo, youtube hay chúng ta tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng trên. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh lập hội đồng đánh nhau giữa sân trường, cởi quần áo của bạn trước sự chứng kiến của nhiều người hay là học sinh đánh thầy cô đến nỗi thầy cô phải nhập viện. Nhưng điều đáng lên án ở đây chính là khi chứng kiến các vụ việc trên hầu hết các bạn ở xung quanh đều dửng dưng coi như không nhìn thấy gì, mặc cho người ta bị đánh cho tím tái mặt mày, thay vì các em ngăn cản thì các em lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức, vô văn hóa đó.

Mới đây nhất, cư dân mạng lại phải giật mình vì hành động như côn đồ của nhóm nữ sinh ở Hà Nội, Hải Phòng,… với màn đánh đập, lột quần áo, cắt tóc bạn học. Và chú ý hơn đó là những hình ảnh này được quay lại bởi một nam sinh. Kèm theo những tiếng chửi bới kém văn minh của các nữ sinh hành hung thì còn có tiếng cổ vũ của những chàng trai đứng gần đó như “cởi áo đi, cắt tóc đi,…”. Khi xem những clip này nhiều người còn ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của giới trẻ 8x, 9x ngày nay. Mặc dù các bạn ấy hoàn toàn có thể vào can ngăn nhưng lại không sẵn lòng để giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn, rất nhiều bạn khi nhìn thấy những người nghèo khó, ăn xin thì xua đuổi, dè bỉu. Trên đường đi gặp người bị tai nạn thì thay vì dừng lại giúp đỡ, hỏi han lại bỏ đi xem như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn tệ hơn nữa khi có những thành phần không những không giúp đỡ nạn nhân mà còn lợi dụng lúc người ta có sự cố để lấy cắp tiền, tài sản của người bị tai nạn.

Thêm nữa trong thời gian gần đây,  thực trạng giết người đang diễn ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng., rất nhiều tội phạm đang ở thế hệ 8x, 9x. Ví dụ như cách đây chưa lâu dư luận xôn xao vụ thảm sát giết nước cướp của ở tiệm vàng Ngọc Bích do kẻ vô cảm Lê Văn Luyện ( 17 tuổi lúc đó) gây ra. Hành vi giết người của hắn ta là đặc biệt nghiêm trọng,tàn bạo, vô cảm nhất tính đến thời điểm lúc bấy giờ.  Ngoài ra còn phải kể đến vụ việc Hồ Nhật Linh (18 tuổi) đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi sau đó vứt xác nạn nhân xuống một cái mương,…Thực trạng bệnh vô cảm này đang diễn ra ngày càng “phổ biến “ và phức tạp. Quả thật không thể dung thứ mãi cho những hành động vô cảm ấy, nếu cứ thờ ơ với những hành động đó tức là chúng ta đang vứt bỏ truyền thống của dân tộc cũng như vứt bỏ chính bản thân mình.

2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng vô cảm của giới trẻ hiện nay nhưng nhìn chung là do cách sống, cách giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.

2.1. Nguyên nhân xuất phát từ bản thân

Bản thân mỗi chúng ta vô cảm trước cuộc đời là do thiếu thốn tình yêu thương, thiếu đi lòng bao dung, sống bằng lý trí sắt đá, bằng tình cảm khô cằn của mình. Bên cạnh đó khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, những điều tốt đẹp không đến với mình thì bản thân họ sẽ cảm thấy hận đời, dần dần vô cảm với tất cả mọi thứ, họ dần mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp , họ trở nên vô cảm trước mọi thứ trên cuộc đời này.

Đối với bản thân họ khi hàng xóm gặp hoạn nạn, khó khăn, có người thân mắc phải tệ nạn xã hội họ cũng vờ như không biết, không một lời hỏi han cũng như không một lời an ủi, trên đường gặp người bị tai nạn họ bỏ đi mặc kệ người ta còn sống hay đã chết, hoặc có dừng chân lại cũng chỉ để thỏa mãn mãn sự hiếu kỳ của bản thân, không dám lại gần giúp đỡ vì sợ phải gánh trách nhiệm. Những người bất hạnh, có hoàn cảnh đáng thương nằm bên vệ đường họ cũng chẳng buồn quan tâm hay xót thương cho số phận của họ mà ngược lại còn khinh bỉ những con người kém may mắn đó, thêm vào đó, sự vô cảm còn bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, thích hưởng thụ của giới trẻ ngày nay.

2.2. Nguyên nhân xuất phát từ gia đình

Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình có tốt đẹp thì xã hội mới phát triển được, thế mà ngày nay các bậc phụ huynh ít khi dạy con đồng cảm với người khác. Cách ứng xử, hành vi của giới trẻ một phần là do học hỏi từ ở ngoài xã hội và một phần là do ảnh hưởng từ gia đình tạo nên,thói quen ít giao tiếp với mọi người, thích giao lưu với những người ảo qua mạng xã hội rồi thường xuyên xem những cảnh đấm đá, giết người man rợ ở trên tivi, phim ảnh dẫn tới sự thờ ơ, lãnh đạm với mọi người xung quanh của giới trẻ, đó là một hệ quả không thể tránh khỏi.

Chúng ta biết rằng dạy con là phải dạy lúc con còn nhỏ cũng như uốn cây tre phải uốn từ lúc trẻ còn non, nhưng dường như nhiều hộ gia đình ngày nay không hề quan trọng chuyện này, không quan tâm đến việc dạy con phải có sự cảm thông, yêu thương, giúp đỡ người khác. Nhiều bậc phụ huynh thiếu gương mẫu về đạo đức, về cách sống , không quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, ngày nay có bao nhiêu phụ huynh bỏ thời gian ra dạy con biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng người khác, dạy con biết yêu thương ?

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vì quá cưng chiều con mà đáp ứng hết tất cả những yêu cầu của con một cách vô điều kiện, thế nhưng họ lại không dạy con biết cách chia sẻ, có trách nhiệm với người thân. Một đứa bé chỉ biết nhận mà không biết cho sẽ rất “nghèo” về cảm xúc dẫn đến những vô cảm trước tất cả mọi thứ.

2.3. Nguyên nhân xuất phát từ nhà trường

Nhà trường chính là nơi đào tạo ra những con người vừa có đức và có tài , biết quan tâm đến mọi người, thế mà ngày nay, ở một số trường học, họ chỉ chú trọng đến việc nhồi nhét kiến thức cho học sinh còn vấn đề đạo đức dường như vẫn bị bỏ ngỏ, thậm chí nhiều trường học dạy môn giáo dục công dân cho có lệ. Bên cạnh những thầy cô mẫu mực , nhiệt huyết với việc giảng dạy vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách cá nhân.  Lúc đi dạy còn xưng “mày”, “tao” rồi thêm cả những câu nói tục chửi bậy lúc đi dạy. Chính những điều đó khiến học sinh suy nghĩ rằng giáo viên còn ăn nói thô lỗ như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước. Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của học sinh, dần dần hình thành thói quen hành xử thô bạo, thiếu tình yêu thương.

Thầy cô được xem như là bố mẹ thứ hai của học sinh, nếu họ vô cảm thì sẽ đào tạo ra những “đứa con” vô cảm như họ, đây sẽ là một mối tai họa lớn cho xã hội. Quả thật, môi trường giáo dục đang trở nên báo động hơn bao giờ hết, đó thực sự là một mối lo ngại đối với ngành giáo dục và cả xã hội của Việt Nam.

2.4. Nguyên nhân từ xã hội

Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, những ứng dụng công nghệ hiện đại đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi phong cách làm việc, cách giao tiếp, cách tư duy dẫn đến giới trẻ sống rất vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh, khi các bạn trẻ càng sử dụng internet nhiều thì càng lơ là với những gì xay ra xung quanh họ. Khi các trang blog, mạng xã hội xuất hiện các bạn trẻ được tự do thể hiện bản thân mình. Nhưng một khi các bạn giam cầm mình quá lâu trong thế giới ảo của mình các bạn sẽ bị trầm cảm và vô cảm.

Đồng thời do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên một mặt nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị mới được hình thành và phát triển, một mặt nữa nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, không có trách nhiệm với cộng đồng, đề cao cái tôi cá nhân. Hơn nữa căn bệnh vô cảm là kết quả của lối sống thực dụng đang ngày càng ăn sâu vào văn hóa của giới trẻ Việt Nam khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức và giá trị tinh thần đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân,  con người không còn cảm xúc trước nỗi đau của người khác. Bên cạnh đó sự bất công xã hội, tham nhũng, quan liêu đang ngày một gia tăng , người lớn không còn là tấm gương cho giới trẻ noi theo.

3. Tác hại

Căn bệnh vô cảm có tác hại vô cùng ghê gớm, không chỉ làm suy giảm đạo đức trong giới trẻ mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu.

3.1. Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người

Nếu một bác sĩ “vô cảm” sẽ không có đủ tình thương dành cho bệnh nhân của mình, sẽ đánh mất đi lương tâm của một người bác sĩ, chẳng hạn trước một ca cấp cứu nguy kịch nhưng vì bệnh nhân có hoàn cảnh nghèo khó không có tiền để đóng tiền viện phí hay không có tiền để “cảm ơn” bác sĩ thì lúc ấy bệnh vô cảm khiến cho người bác sĩ chậm trễ, thờ ơ , không nhiệt tình thăm khám cho bệnh nhân cuối cùng để bệnh nhân chết một cách oan uổng. Sẽ càng đau xót hơn nếu người bệnh nhân đang nằm đó là trụ cột chính của gia đình, họ ra đi để lại những đứa con thơ dại, bố mẹ già ốm yếu không ai phụng dưỡng, cách đây mấy năm tại bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, chỉ vì sự vô cảm của đội ngũ bác sĩ và y tá đã dẫn đến cái chết oan uổng của một đứa bé chưa kịp chào đời.

Còn một người giữ mạng sống của nhiều người như tài xế chẳng hạn mà mắc bệnh vô cảm thì thực sự rất nguy hiểm, một người tài xế vô cảm sẽ coi mạng sống của hành khách chẳng ra gì, phóng nhanh, vượt ẩu gây những hậu quả khôn lường.

3.2. Bệnh vô cảm có thể để lại tai hại lớn cho xã hội

Thầy cô giáo là người truyền cảm hứng cho học sinh và cũng là cha mẹ thứ hai của chúng nhưng nếu họ vô cảm thì sẽ thiếu đi tình thương dành cho những “đứa con” của mình, thiếu sự nhiệt huyết trong bài giảng, không có trách nhiệm với học sinh, hờ hững trong cách truyền đạt kiến thức, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy. Vì sự vô cảm của họ mà họ sẽ đào tạo ra những con người thiếu trình độ và vô cảm giống như giáo viên của mình, quả thật đó sẽ là một mối tai họa vô cùng lớn cho xã hội.

3.3. Bệnh vô cảm đưa đất nước đến suy vong

Cán bộ nhà nước chính là “nô lệ” của nhân dân, phục vụ hết lòng cho công ích, điều hành tất cả hoạt động của đất nước. Thế nhưng họ lại “vô cảm” trước những nguyện vọng chính đáng của nhân dân,  họ không nhìn thấy được những khốn khổ của người dân. Thậm chí không giải quyết những tranh chấp, khiếu nại về tài sản, đất đai cho người dân, gây khó dễ, dùng vũ lực để giúp đỡ các thế lực có điều kiện hơn để mình được “phong bì” dắt túi riêng. Tất cả cũng chỉ vì tính tham lam, ích kỷ mà làm mất đi phẩm chất đạo đức của một người cán bộ, từ đó nhân dân sẽ không còn tin vào chính quyền, sẽ sống “vô cảm” như cán bộ và chẳng còn ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, chính những “cán bộ vô cảm “ thiếu trách nhiệm sẽ gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong.

4. Giải pháp

“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng nó chính là con đường dẫn đến những tội ác, hơn nữa còn có tốc độ “lây lan” đến chóng mặt, khi một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo cuối cùng là cả một xã hội vô cảm. Nếu nói đến căn bệnh ở thể xác thì con người sợ nhất là căn bệnh ung thư còn nếu nói đến căn bệnh tâm hồn thì đáng sợ nhất có lẽ là vô cảm, bởi vì nó có sức công phá vô cùng ghê gớm đến nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó nó trực tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, chính trị của cả một dân tộc. Vậy ngay từ bây giờ  chúng ta cần tích cực đẩy lùi căn bệnh vô cảm ra khỏi đất nước Việt Nam của chúng ta.

4.1. Về phía bản thân

Mỗi chúng ta cần phải biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống, biết yêu thương mọi người xung quanh, ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương đạo đức trong xã hội chẳng hạn như các nữ tu đang phục vụ tại trung tâm Sida giai đoạn cuối – Mai Hòa – Củ Chi. Các nữ tu đã đồng cảm với những số phận kém may mắn trong cuộc sống .

4.2. Về phía gia đình

Gia đình chính là nơi hình thành nhân cách con người vì thế muốn con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, mọi thành viên trong gia đình sống phải quan tâm, san sẻ với nhau. Khi con còn nhỏ dạy con cách nhận biết cảm xúc của người khác, hướng dẫn trẻ hiểu được nguồn gốc của những cảm xúc đó cũng như ảnh hưởng của nó đến mọi người từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình, các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo rằng gia đình phải thay đổi thói quen dạy con. Phụ huynh thường chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ của con, học cách lắng nghe, thấu hiểu con cái là việc mà những người làm bố và làm mẹ phải làm đầu tiên, con cái chỉ là có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn một cách cụ thể.

4.3. Về phía nhà trường

Môi trường giáo dục ở trường học không chỉ là nơi trang bị cho con người những kiến thức ở trong sách vở mà còn trang bị cả về nhân cách, đạo đức làm người, một khi nhà trường biết quan tâm đúng mực đến giới trẻ thì kết quả sẽ rất khả quan. Mặt khác nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết cách quan tâm đến mọi người, giáo dục kỹ năng sống bằng cách khơi dậy tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh, đây cũng là nơi xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa nhưng hết sức mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác.

4.4. Về phía xã hội

Xã hội nên quan tâm nhiều đến giới trẻ, tạo ra nhiều cơ hội giúp các em được sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, giúp họ biết cách quan tâm, yêu thương, giúp đỡ đỡ mọi người, giới trẻ ngày nay không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn thế nữa chính vì vậy các bạn trẻ cần được xã hội giúp đỡ.

Để nói tình cảm con người với con người thì chúng ta không thể đánh đổi bằng những thứ vốn dĩ tầm thường được mà chỉ có sự chân thành mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững, trao đi yêu thương thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ nhận được sự yêu thương của người khác. Mong rằng bài chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có những kiến thức hữu ích xung quanh căn bệnh vô cảm để từ đó tiêu diệt căn bệnh vô cảm trong chính bản thân mình.

>> Đọc thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022