Thực trạng văn hóa ứng xử học đường của bộ phận học sinh ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Bạn có những nhận định và suy nghĩ gì về văn hóa ứng xử học đường?
Khoảng thời gian chúng ta còn là học trò chắc hẳn là khoảng thời gian chúng ta luôn thổn thức, khắc khoải để nhớ về. Tưởng chừng khoảng thời gian ấy mới chỉ là một cái chớp mắt, một câu chuyện nho nhỏ mới nói chuyện cùng với bạn bàn bên thôi mà giờ đã không còn nữa rồi. Ai đó đã từng nói rằng: Thời học sinh chính là khoảng thời gian khó quên nhất, là bài văn viết chưa xong, là đề toán khó phát khóc, là cậu bạn dễ thương lớp bên cạnh, là cuộc sống sinh hoạt với ba điểm thẳng hàng : Nhà, trường, lớp học thêm. Đó là khoảng thời gian buồn tẻ nhưng lại là quãng thời gian phong phú nhất đời người’’. Ai trong chúng ta đã từng là học sinh đều có những giây phút vui đùa, nghịch ngợm hay thậm chí là “cúp học’’ để đi chơi với các “chiến hữu’’. Thế nhưng các bạn đã quên mất rằng ranh giới của nghịch ngợm và văn hóa ứng xử học đường kém chỉ cách nhau là một gang tay.
Văn hóa ứng xử học đường có thể được gọi tên lớn lao lắm nhưng thực chất nó chính là những điều cơ bản bình thường chúng ta thường gặp như văn hóa ứng xử với thầy cô, với bạn bè, với mọi người xung quanh trong môi trường học tập.
Vậy bạn đã thực sự hiểu được rõ bản chất của văn hóa ứng xử học đường chưa ? Vậy hãy cùng mình tìm hiểu văn hóa ứng xử học đường cụ thể là gì nhé?
Đầu tiên chúng ta cùng đi tìm hiểu văn hóa học đường là gì trước nhé. Văn hóa học đường chính là môi trường đặc biệt quan trọng giúp cho con người rèn luyện được nhân cách, phẩm chất cũng như được trau dồi kiến thức tinh hoa của nhân loại. Ở môi trường này học sinh sẽ được thầy cô giảng dạy không những kiến thức sách vở mà còn là những kiến thức làm người. Đương nhiên là đạo thầy phải nghiêm thì học sinh mới có thể nghe lời, giống cách dạy như ngày xưa của người thầy Chu Văn An đã từng giảng dạy nghiêm khắc với tể tướng Phạm Sư Mạnh hay những học sinh khác.
Văn hóa ứng xử học đường có thể được hiểu là những ứng xử của học sinh đối với những cá thể khác trong môi trường học đường hay những bạn học sinh ứng xử với các bạn học sinh khác.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi nhớ về trường cũ đã viết lên một bài thơ về những kỷ niệm trường lớp với một trái tim rung lên vì những khoảnh khắc thân thương và yêu dấu dưới mái trường, mái lớp:
“Ai về qua chỗ người thương
Đứng giùm tôi
Trước cổng trường ngày xưa
Ướt giùm tôi chút trời mưa
Để nghe trên tóc, hương vừa bay đi...’’
Đó là tình học trò giữa những người bạn thời niên thiếu, những tình đồng chí ấm áp và đoàn kết. Ấy vậy mà chúng ta không khỏi giật mình khi thấy được nhiều sự việc đau lòng của các bạn học sinh đã ra tay bạo lực với bạn của mình.
Con số thống kê vẫn chưa đưa ra được cụ thể với tình trạng bạo lực học đường ngày nay. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận được mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng của nó. Chắc chúng ta chưa thể quên được vụ việc em Quyên Thị Phương Hà (Phú Thọ) đã bị 4 bạn khác trong lớp đánh hội đồng dẫn đến sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến 11% tổn thương cơ thể, đến thời điểm hiện tại em vẫn chưa nói được và phải giao tiếp với mẹ qua cách viết giấy. Sau sự việc vừa rồi chúng ta vừa cảm thấy ngạc nhiên vừa cảm thấy phẫn nộ với các em học sinh đã ra tay với chính bạn bè của mình một cách nhẫn tâm và thương xót cho em Hà.
Đây là hồi chuông rung lên đáng báo động về sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa ứng xử học đường cũng như đạo đức nhân cách của học sinh. Nhà trường vẫn còn quá xem nhẹ những vấn đề bạo lực học đường mà không có những biện pháp sát sao và theo dõi kịp thời để rồi dẫn đến biết bao sự việc đau lòng. Thầy cô vẫn còn quá giáo điều chỉ biết truyền đạt cho học sinh những kiến thức xã hội hay tự nhiên mà không dành nhiều thời gian để quan tâm đến các bạn học sinh xem các em có gì mâu thuẫn với bạn bè hay khúc mắc không?
Các bạn học sinh Việt Nam bây giờ có cá tính thật lạ đời và oái ăm ở chỗ bạn không cho chép bài, hay không cho mượn đồ dùng... là đánh. Thậm chí còn ghen ghét, ghen tuông, đố kị với bạn học giỏi hơn mình. Các bạn thậm chí chỉ cần nhìn qua mắt nhau là có thể “xử’’ nhau được vì nghĩ đối phương khinh thường hay không tôn trọng mình. Từ đâu mà học sinh ngày càng trở nên hung hăng và “máu chiến’’ đánh nhau đến thế? Có phải vì một phần lỗ hổng của giáo dục còn chưa dạy dỗ đạo đức, nhân cách học sinh tốt hay không?
Không những đánh bạn cùng trường lớp, mà học sinh còn đánh cả với người thầy, người cô đã từng dạy cho chúng những gì gọi là: tuân thủ lễ nghĩa. Chỉ vì bất đồng với thầy cô mà học sinh đã đe dọa, xúc phạm đến nhân phẩm cũng như cơ thể của giáo viên. Học sinh ngày nay khác quá và khác ở đây là sự thể hiện đi xuống là những tiêu cực chúng ta cần loại bỏ. Nhớ về cách giáo dục thời xưa, học trò không học bài bị thầy cô dùng đòn roi đánh phạt, học sinh nhìn thấy thầy cô từ xa phải khoanh tay , cúi gập người chào hỏi lễ phép. Thời gian có thể thay đổi nhưng mình nghĩ con người cũng đã thay đổi đi những giá trị nhân văn tốt đẹp của nền giáo dục văn hiến thời xưa mất rồi!
Với lối sống dễ yêu dễ rung động của các bạn học sinh hiện nay đã dẫn đến biết bao hệ lụy cho gia đình các bạn cũng như xã hội. Với lứa tuổi từ 12 đến 19 chính là giai đoạn mà các bạn học sinh dễ yêu sớm nhất. Các bạn học sinh yêu sớm sẽ dẫn đến hậu quả giảm sút nghiêm trọng về học tập. Và khi yêu sớm sẽ dẫn đến một hệ lụy khác như nạo phá thai hoặc tảo hôn. Các bạn học sinh ngày này không được định hướng về giáo dục giới tính rõ ràng nên không có được những biện pháp tránh thai nên nước ta hàng năm trung bình có đến 250000 – 300000 ca nạo phá thai mà 70% các chủ thể phá thai chính là các bạn học sinh, sinh viên.
Không nạo phá thai thì các bạn học sinh sẽ phải chấp nhận tảo hôn. Khi kết hôn sớm thì các bạn học sinh sẽ phải nghỉ học giữa chừng để chăm sóc con cái.Thầy cô nên quán triệt quan điểm cho các bạn học sinh không được yêu sớm để tránh tình trạng nạo phá thai hay tảo hôn.
Có một thực tế mà chúng ta vẫn có thể nhận ra được đó chính là học sinh ngày càng thiếu lễ phép với thầy cô. Thầy cô chính là những người cho học sinh cái chữ, trình độ hiểu biết, kiến thức nhưng học sinh dường như đã quên đi những công lao cũng như đóng góp của người thầy đối với cuộc đời của mình. Khi gặp thầy cô học sinh nói cười vô duyên, vừa ăn vừa nói và chào thầy cô với những từ thật ngắn gọn: “Thầy ạ, Cô ạ” còn có những bạn còn xưng hô với thầy cô một cách ngắn gọn “Thầy, Cô’’. Thậm chí nhiều bạn còn phớt lờ và không chào hỏi đến thầy cô giáo của mình.
Đó chỉ là một hành vi ứng xử giao tiếp nhỏ thôi nhưng nó cũng có thể nói lên được tính cách, bản chất cũng như đạo đức của một con người. Học sinh ngày nay còn quá xem nhẹ vấn đề đó. Hãy nghĩ về cách giáo dục của những người thầy sao quá đỗi nghiêm khắc, khắt khe khiến cho học trò phải nể phục và sợ hãi kính cẩn làm theo. Tể tướng Phạm Sư Mạnh dù là quan bậc nhất của triều đình, thuộc hạng danh gia vọng tộc hàng trăm nghìn người kính nể nhưng đối với ông người thầy Chu An lúc nào cũng là người thầy đáng quý nhất trong cuộc đời. Khi về thăm thầy, đoàn quân lính tùy tùng của Sư Mạnh đã làm huyên náo cả một vùng do phải dẹp đường cho quan đi. Câu chuyện đến tai nhà giáo Chu An và ông đã trách mắng nghiêm khắc vị tể tướng lỗi lạc. Phạm Sư Mạnh đã phải quỳ gối khóc và cầu xin người thầy tha lỗi cho mình và hứa lần sau sẽ không làm thế nữa.
Nhìn nhận lại cách giáo dục ngày nay của chúng ta thì đạo thầy trò vẫn còn quá xem nhẹ, chưa có sự giáo dục nghiêm khắc dẫn đến học sinh trêu ghẹo, bông đùa với thầy cô. Đấy là những hành vi thiếu tôn trọng giáo viên cũng như thể hiện được trình độ ứng xử văn hóa giao tiếp kém của các bạn học sinh.
Liệu rằng khi ra ngoài xã hội các bạn học sinh có thể tự tin giao tiếp lưu loát cũng như thành công với đối tác hay đồng nghiệp, ban lãnh đạo của mình hay không? Hay là những lời nói sáo rỗng, không có khuôn phép, chuẩn mực .
Chắc chúng ta chẳng còn xa lạ với những vấn đề như học sinh hối lộ phong bì cho thầy cô để mong thầy cô cho mình đạt được điểm cao. Hay có nhiều trường hợp chính thầy cô là người ép buộc học sinh phải “đi tiền’’ thì mới có thể qua được môn.Từ bao giờ đi phong bì chính là văn hóa ứng xử giữa thầy cô và học sinh như vậy? Đây chính là những tiêu cực mà giáo dục cần phải thay đổi và khắc phục ngay tình hình. Với những điểm tối như vậy thì giáo dục làm sao có thể đào tạo ra được những nguồn nhân tài tri thức cho đất nước?
Hy vọng với bài viết về lĩnh vực văn hóa ứng xử học đường đã cung cấp cho các bạn được nguồn kiến thức bổ ích. Chúc các bạn thành công trong cuộc sống.
>> Tham khảo thêm:
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022