Toàn cầu hóa là gì? Khái niệm và xu hướng của toàn cầu hóa hiện nay
Toàn cầu hóa là gì? Khái niệm và xu hướng của toàn cầu hóa hiện nay
Toàn cầu hóa không còn là khái niệm xa lạ trong thời buổi nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiểu kỹ lưỡng về xu hướng này cũng như hệ quả của nó thì không phải ai cũng hiểu được.
Toàn cầu hóa chắc hẳn không còn là khái niệm xa lạ đối với bất kì ai trong thời buổi nền kinh tế thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, để hiểu kỹ lưỡng về xu hướng này cũng như hệ quả của nó thì không phải ai cũng hiểu được. Vậy thì hãy theo dõi bài viết về xu hướng toàn cầu hóa dưới đây của Vieclam123.vn nhé.
Toàn cầu hóa là khái niệm chỉ sự tăng lên mạnh mẽ của những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực (chủ yếu là kinh tế, thương mại) của nhiều quốc gia, khu vực trên toàn thế giới.
Trong phạm vi kinh tế, toàn cầu hoá được dùng để chỉ các tác động của thương mại nói chung và tự do hóa thương mại hay "tự do thương mại" nói riêng. Cũng ở góc độ kinh tế, người ta chỉ thấy các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu kéo theo các dòng chảy thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hóa.
Xu hướng toàn cầu hóa được biểu hiện qua sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ thương mại quốc tế, tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia, sự sáp nhập của các công ty thành các tập đoàn lớn hay sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực.
Thứ nhất, toàn cầu hóa làm gia tăng quan hệ giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới, tăng thêm tình hữu nghị giữa các “công dân trên thế giới”.
Thứ hai, toàn cầu hóa thúc đẩy nền “thương mại tự do”, gia tăng mối quan hệ giữa các thành viên của một ngành công nghiệp ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ảnh hưởng đến “chủ quyền quốc gia” trong phạm vi kinh tế.
Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa là việc các nước phát triển “lợi dụng” nguồn nhân công và dịch vụ của các nước chưa phát triển. Đồng thời, xu hướng toàn cầu hóa làm lan rộng chủ nghĩa tư bản từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển.
Xu hướng toàn cầu hóa để lại nhiều hệ quả cho tất cả các quốc gia trên thế giới, cụ thể:
Xu hướng toàn cầu hóa có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đem lại sự tăng trưởng cao.
Về mặt kinh tế:
Dưới tác động của xu hướng toàn cầu hóa, các quốc gia sẽ dần mất quyền lực và chuyển về tay của các tổ chức đa phương như WTO. Việc tự do thương mại sẽ giúp các nước đang phát triển tiếp cận được với nền công nghệ hiện đại, từ đó làm tăng năng suất. Thêm vào đó, việc buôn bán trao đổi mở rộng giúp các quốc gia có thể phát triển quy mô sản xuất vượt trên nhu cầu của thị trường nội địa.
Mặt trái của toàn cầu hóa đối với nền kinh tế là việc các nước phát triển với nền công nghệ kỹ thuật cao có thể độc quyền sản xuất ra những mặt hàng công nghệ cao (thiết bị điện tử, dược phẩm,...) vì vậy có thể bán giá cao và thu được lợi nhuận lớn.
Toàn cầu hóa giúp các quốc gia dễ nhận được vốn đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, mặt trái của hoạt động đầu tư này chính là các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu cơ tài chính trên thị trường ở các quốc gia đang phát triển để sinh lợi nhuận rồi rút vốn khiến các quốc gia này rơi vào khủng hoảng tài chính do thất thoát ngoại tệ.
Về mặt văn hóa xã hội:
Xu hướng toàn cầu hóa giúp mỗi cá nhân tiếp cận được sự đa dạng về nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời thông qua các hoạt động như du lịch, sự bùng nổ nguồn thông tin càng khiến con người dễ dàng tiếp cận được những nền văn hóa khác nhau.
Về mặt chính trị:Xu hướng toàn cầu hóa khiến các dân tộc gắn kết hơn, xích lại gần nhau hơn.
Một số tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa như:
Làm tăng thêm sự bất công của xã hội, tăng thêm khoảng cách giàu nghèo
Điều này có nghĩa rằng, xu hướng toàn cầu hóa giúp cho các nước phát triển ngày càng phát triển, những nước nghèo lại càng khó để theo kịp. Lý do là bởi những nước giàu có vốn đầu tư lớn, công nghệ máy móc hiện đại, tài nguyên dồi dào, cùng với sự hợp tác kinh doanh với các quốc gia trên toàn thế giới nên năng suất càng cao, nền kinh tế càng phát triển. Những nước nghèo có nguồn vốn ít, sự nghèo nàn về công nghệ, ít đầu tư vào nguồn nhân lực,...nên năng suất thấp, kinh tế phát triển chậm.
Toàn cầu hóa đồng thời làm cho sự di chuyển lao động giữa các quốc gia diễn ra nhiều hơn và dễ dàng hơn. Người lao động có xu hướng di chuyển từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển. Điều này càng làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia và khu vực.
Nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và tự chủ quốc gia
Sự hòa nhập, liên kết giữa nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến con người hiểu biết sâu rộng hơn về văn hóa của các quốc gia. Con người sẽ có xu hướng học hỏi, thích thú trước những cái hay của nền văn hóa khác. Tuy nhiên, nếu như tiếp thu nền văn hóa ngoại quốc một cách “quá đà”, con người sẽ dễ đánh mất đi bản sắc dân tộc.
Nguy cơ khủng hoảng toàn cầu
Trong nền kinh tế toàn cầu, các nước sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển hay suy thoái của các nước lân cận, láng giềng. Bởi vậy, nếu như có một nước trong khu vực chịu khủng hoảng thì có nguy cơ ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia khác.
Xu hướng toàn cầu hóa vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với đất nước ta.
+ Về mặt thời cơ: đất nước ta có cơ hội để hợp tác, tham gia các liên minh kinh tế, có cơ hội tiếp cận với nền khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến, cơ hội học tập những phương pháp quản lý hay từ những nước phát triển.
+ Về mặt thách thức: trước xu hướng toàn cầu hóa, đất nước ta càng cần phải cố gắng để có thể bắt kịp xu thế, tránh bị tụt lùi so với những quốc gia phát triển khác. Đồng thời, đất nước ta cũng cần phải nỗ lực để giữ gìn bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ quốc gia.
Trên đây là giải thích của Vieclam123 về “toàn cầu hóa là gì”. Hãy theo dõi thêm nhiều bài viết từ Vieclam123.vn để có thêm nhiều thông tin hữu ích.
>> Tham khảo ngay:
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023