Blog

Sinh viên nên làm gì để kiếm tiền - Những công việc cho sinh viên

20/08/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Việc sinh viên đi làm thêm không còn quá xa lạ, nhưng sinh viên có nên đi làm thêm và làm công việc gì mới là thích hợp? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó

Sinh viên nên làm gì để kiếm tiền? Đây là câu hỏi mà những ai đã và đang là sinh viên cũng sẽ có ít nhất một lần tự hỏi bản thân mình. Vậy câu trả lời là gì, cùng theo dõi bài viết dưới đây của Vieclam123.vn nhé.  

1. Tại sao sinh viên nên đi làm thêm kiếm tiền?

Đi làm thêm kiếm tiền để trang trải cuộc sống là việc rất phổ biến ở các bạn sinh viên hiện nay. Bên cạnh việc có thêm nguồn thu nhập, việc đi làm thêm còn mang đến rất nhiều lợi ích.

1.1. Để có nguồn thu nhập ổn định

Có lẽ khi câu hỏi này được hỏi thì sẽ có rất nhiều bạn có cùng câu trả lời: “Để kiếm tiền!”. Không cần phải nói chúng ta cũng hiểu rõ tầm quan trọng của đồng tiền trong một xã hội hiện đại và phát triển như ngày nay. Chỉ cần chúng ta ra đường là bất cứ thứ gì xung quanh chúng ta đều cần phải chi trả bằng tiền.

Đặc biệt là với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chỉ đủ (thậm chí là có thể không đủ) chi trả mức học phí cho các bạn, các bạn hoàn toàn phải tự lập cánh sinh lo toan cho các chi phí của bản thân. Các bạn tìm đến những công việc làm thêm như một cách để các bạn trang trải được cuộc sống, cũng như cố gắng tiết kiệm có thêm một khoản dư dật tự trả học phí hoặc gửi về cho gia đình, đỡ đần bố mẹ. 

Còn đối với những gia đình có điều kiện hơn, khi vấn đề học phí không hoàn toàn là nỗi lo lắng của các bạn nhưng các bạn vẫn tìm đến việc làm thêm để không còn quá phụ thuộc vào bố mẹ. Những năm học đại học là những năm tháng đầu đời của tuổi trưởng thành, là quãng thời gian đầy sự nhiệt huyết, các bạn luôn có một nhu cầu tự khẳng định bản thân và sống độc lập hơn, từ đó các bạn kiếm tìm những công việc làm thêm để phục vụ sở thích, đam mê của bản thân mà không cần phải ngượng ngùng ngửa tay xin bố mẹ. 

Thêm vào đó, việc tự chủ về tài chính khiến các bạn cảm thấy mình trở thành một người có tiếng nói hơn, có trách nhiệm hơn trong gia đình và trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở việc có thêm một khoản thu nhập rủng rỉnh, đi làm thêm còn khiến chúng ta học được cách tiêu tiền. Đi làm thêm giúp bạn hiểu được rõ giá trị của đồng tiền là như thế nào, hiểu rõ bố mẹ đã phải vất vả ra sao để có thể làm được những đồng tiền nuôi chúng ta khôn lớn và chúng ta sẽ biết rõ mình nên chi tiêu như thế nào là hợp lý. 

Thay vì lúc trước bỏ ra một khoản tiền nào đó đẹp mắt nhưng vô bổ thì bây giờ chúng ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến giá trị sử dụng của nó cũng như so sánh lợi ích nó mang lại với mức giá chúng ta chi ra. Hơn thế nữa chúng ta cũng dần suy nghĩ đến việc tiết kiệm để làm những việc có giá trị lớn hơn chứ không còn thói quen có bao nhiêu tiền là tiêu hết bấy nhiêu.

Nếu bạn thấy muốn tìm việc làm thêm hay part time ngay và luôn thì vào Vieclam123 tạo mẫu cv xin việc part time đi nhé.

1.2. Cải thiện kỹ năng sống

Nhưng liệu đây có phải là lợi ích duy nhất khiến các bạn sinh viên đi tìm việc làm thêm? Câu trả lời là không. Kiếm tiền chỉ là một trong những lợi ích mà các bạn sinh viên có được khi quyết định đi làm thêm. Ngoài ra, việc đi làm thêm còn giúp chúng ta cải thiện được các kỹ năng cần thiết cho công việc và cuộc sống sau này. 

Đi làm thêm đồng nghĩa với việc quỹ thời gian trong ngày của các bạn sẽ bị bó hẹp hơn. Đồng nghĩa với việc các bạn sẽ phải phân bổ, sắp xếp làm sao để thời gian học tập - đi làm - nghỉ ngơi là cân bằng với nhau, tránh tình trạng đi làm quá nhiều ảnh hưởng đến việc học hay mải miết đi làm và đi học mà không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, từ đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như hiệu quả công việc. 

Từ việc cải thiện được kỹ năng quản lý thời gian, các bạn cũng sẽ cải thiện được kỹ năng sắp xếp công việc, biết ưu tiên việc nào quan trọng làm trước, việc không quan trọng làm sau, đồng thời cũng biết phối hợp nhiều công việc với nhau để đạt được hiệu quả công việc cao nhất mà không bị lãng phí thời gian. 

Đi làm thêm cũng giúp chúng ta cải thiện đáng kể kỹ năng giao tiếp của bản thân, biết sử dụng từ ngữ khéo léo hơn, đúng người, đúng hoàn cảnh và đúng mục đích hơn. Không những thế, khi đã tự tin hơn trong giao tiếp, các bạn sẽ hoàn toàn chủ động, năng động hơn trong công việc thay vì ngồi một chỗ để nhận kiến thức từ giáo viên một cách bị động.

1.3. Làm đẹp CV xin việc

Không chỉ cải thiện được các kỹ năng phục vụ cho công việc sau này, đi làm thêm cũng giúp tô điểm bản CV của bạn đẹp hơn, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đặt vị trí bản thân mình là một nhà tuyển dụng đi phỏng vấn ứng viên, cầm trên tay hai bản CV, một bản là người bằng tốt nghiệp bằng xuất sắc nhưng chưa đi làm bao giờ, hay một người bằng tốt nghiệp bằng khá nhưng lại có rất nhiều kinh nghiệm ở những công ty khác nhau cùng lĩnh vực, ngành nghề, bạn sẽ chọn ai? 

Mình tin phần lớn những nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy hứng thú hơn với những bạn có nhiều kinh nghiệm, thứ nhất là vì sẽ tiết kiệm được thời gian đào tạo, thứ hai là thể hiện sự năng động, chủ động tìm kiếm công việc của người đó, và thứ ba là sự thích nghi với môi trường làm việc mới của người đó sẽ nhanh hơn bạn chưa đi làm bao giờ.

1.4. Mở rộng mối quan hệ xã hội

Khi đã có một công việc làm thêm, các bạn có thể mở rộng được các mối quan hệ của mình với đồng nghiệp và cấp trên, những người sẽ làm việc trực tiếp với bạn trên con đường phát triển sự nghiệp thay vì chỉ là bạn bè và người thân như trước. Đây là một điều rất quan trọng và cũng là một lợi ích bạn có thể thấy được rõ ràng khi quyết định đi làm thêm. 

Hãy tạo dựng một mối quan hệ thật tốt với họ vì biết đâu họ sẽ chính là những người giới thiệu, mang đến cho bạn một công việc tốt hơn sau này; nếu như bạn quyết định phát triển sự nghiệp lâu dài ở đây, bạn sẽ học được kinh nghiệm từ họ và được họ giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp; hoặc nếu không, khi bạn đã kết thúc công việc, thì họ cũng có thể sẽ là những người mà bạn chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống. Thêm những người bạn là thêm những niềm vui, dù là bạn bè trong cuộc sống hay bạn bè trong công việc, vì thế hãy tranh thủ tạo dựng những mối quan hệ xung quanh đi nhé. 

1.5. Cơ hội thực hành lí thuyết trên lớp

Khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, những kiến thức thầy cô mang lại quá mông lung, khi các bạn ngồi trên giảng đường đại học, những gì các bạn học được còn lý thuyết và mơ hồ, tất cả những gì bạn có là một thế giới không thực, đậm tính “sách vở”, các bạn sẽ khó có thể lường trước được những tình huống, khó khăn thực tế gì các bạn có thể gặp phải. Và việc đi làm thêm sẽ giúp các bạn rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết các bạn học và cuộc sống thực tế, các bạn sẽ không còn quá bỡ ngỡ với thực tại nữa. 

Khi đi làm thêm, những thứ các bạn tiếp xúc hoàn toàn là sự thật, cuộc sống thật, tình huống thật mà yêu cầu các bạn phải giải quyết hợp lý và hợp tình nhất. Ngoài ra khi đối diện với những tình huống bất ngờ, các bạn sẽ nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống, đầu óc cũng sẽ trở nên nhanh nhạy, não bộ tiếp thu kiến thức và ghi nhớ lâu hơn. Việc đi làm cũng sẽ tạo cho các bạn một cơ hội áp dụng trực tiếp những lý thuyết khô khan trên lớp với thực tế công việc để từ đó các bạn tự rút ra được những trải nghiệm cho bản thân, cũng như đánh giá được những điểm thuận lợi và hạn chế của kiến thức khi áp dụng vào cuộc sống. Đây cũng là một phương pháp học hiệu quả được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì các bạn có thể ghi nhớ kiến thức lâu hơn, có ví dụ minh họa trực tiếp và có những ý kiến cá nhân riêng về kiến thức đó.

1.6. Hiểu rõ bản thân mình hơn

Đi làm thêm cũng là một cách để bạn khám phá và hiểu bản thân mình hơn, hiểu mình đang đứng ở vị trí nào và mình nên phấn đấu đến mức độ nào. Gia đình thường có thói quen bao bọc, nâng đỡ và khen ngợi con cái; nhà trường cũng chỉ phản ánh một phần nào vị trí đứng của các bạn trong xã hội qua những điểm số, thành tích đạt được; nhưng liệu những thứ đó đã là đủ cho một hành trang các bạn bước vào đời? 

Ở nhà được bố mẹ yêu quý, đi học đạt thành tích tốt, có những bạn sẽ hình thành một suy nghĩ: mình là nhất, mình tài giỏi. Cũng có những bạn không đạt thành tích tốt, gia đình lại dường như quá bao bọc khiến các bạn không có tinh thần phấn đấu, không có ý chí cầu tiến mà nghĩ chỉ cần thế là đủ. Có cả những trường hợp gia đình và nhà trường quá tạo áp lực khiến các bạn tự ti với bản thân, cho rằng mình là người yếu kém trong xã hội. 

Nhưng khi gặp tình huống thực tế, tự mình trải nghiệm, tự mình giải quyết, các bạn mới có thể hiểu rõ năng lực của mình là gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình ra sao, mình đang ở đâu, mình nên phấn đấu đến đâu và mình làm như thế nào để đến được vị trí đó. Đó là một bài học mà mình tin trường đời sẽ dạy các bạn hiệu quả hơn gia đình và trường học nhiều.

Đi làm thêm đã không còn là một điều gì đó quá xa lạ với mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn sinh viên như hiện nay. Vì các bạn đã dần hình thành cho mình những suy nghĩ tích cực hơn, tìm những cách học, phương pháp khác nhau để tiếp thu kiến thức và áp dụng ngay vào đời sống thay vì những thứ quá xa rời thực tế. Việc đi làm thêm cũng là để theo kịp sự phát triển của xã hội khi mà hiện nay các công việc cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn, từ kiến thức cho đến các kỹ năng mềm. Với những lợi ích được nêu trên, không còn quá ngạc nhiên khi đi làm thêm đang dần trở thành một xu hướng phổ biến trong xã hội hiện nay.

2. Những công việc nào phù hợp để sinh viên làm thêm kiếm tiền?

Như đã nói ở trên, đi làm thêm mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta, nhưng đi làm thêm việc gì lại là một vấn đề khác khiến các bạn sinh viên trăn trở. Công việc đó làm là gì? Công việc đó đáp ứng được nhu cầu, mục đích gì? Công việc đó có phù hợp với tiêu chí bản thân? Công việc đó có giúp ích được gì sau này? Đồng nghiệp và cấp trên là người như nào? Môi trường làm việc ra sao? Một khi bạn đã quyết định làm thêm thì sẽ có rất nhiều câu hỏi, nhiều nghi vấn không thể giải đáp khiến bạn càng thêm đắn đo, suy nghĩ. Hãy để Vieclam123 đưa ra một số gợi ý về các công việc làm thêm để các bạn tham khảo nhé.

2.1. Công việc gia sư

Đây chắc chắn sẽ là công việc phổ biến nhất hiện nay và cũng là lựa chọn đầu tiên nhiều bạn nghĩ đến khi muốn tìm công việc làm thêm. Cũng sẽ dễ dàng hiểu được lý do vì đây là công việc khá phù hợp với các bạn sinh viên khi các bạn vừa có thể ôn lại những kiến thức mình đã học vừa có thêm một khoản thu nhập. Ngoài ra khi làm gia sư bạn cũng có thể chủ động trong nhiều vấn đề như giờ học, học phí … 

Tuy nhiên khi bắt đầu công việc bạn nên tìm hiểu thật kỹ những thông tin về trung tâm môi giới bạn để lại thông tin giúp tìm học sinh xem nơi đó có uy tín hay không, cũng cần phải xem xét, đánh giá gia đình mà bạn sẽ đến dạy gia sư. Đừng chủ quan khi đã nhận được công việc, cẩn thận không bao giờ là thừa cả, chúng ta cần phải chủ động phòng tránh mọi trường hợp xấu có thể xảy ra.

Hiện nay ngoài việc đến tận nhà để dạy gia sư, hình thức dạy học trực tuyến cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Bạn hoàn toàn có thể khai thác thế mạnh của Internet để giúp mình tìm kiếm học sinh, đồng thời khi tham gia các lớp trực tuyến như vậy bạn có thể tiết kiệm thời gian, công sức và cả chi phí cho công việc đi lại.

2.2. Công việc phục vụ nhà hàng, quán ăn, quán trà sữa, quán cà phê

Nếu như gia sư là công việc phổ biến nhất thì có thể nói công việc phục vụ sẽ phổ biến thứ hai. Ở một số những nhà hàng cao cấp, yêu cầu về công việc sẽ cao hơn một chút, vì họ sẽ yêu cầu bạn phải biết giao tiếp từ một đến hai ngoại ngữ khác bên cạnh tiếng Việt, ho cũng phải có kinh nghiệm về nghiệp vụ cũng như phong thái như một người phục vụ chuyên nghiệp. Nhưng đó chỉ là một số ít nhà hàng đặc trưng, còn đa phần với những nhà hàng, quán ăn bình dân hơn sẽ không có quá nhiều yêu cầu về công việc. Chỉ cần bạn là người cẩn thận, sạch sẽ, chăm chỉ và có trách nhiệm là đã bạn có thể trở thành một nhân viên phục vụ ở nhiều nhà hàng, quán ăn rồi.

Hiện nay ngoài việc làm phục vụ ở quán ăn, chúng ta còn có hai địa điểm quen thuộc khác nữa là quán cà phê và quán trà sữa. Đây là hai kiểu địa điểm thu hút được nhiều người trẻ, khi làm phục vụ ở đây bạn có thể làm trong một môi trường năng động, thoải mái với không gian thiết kế đẹp cùng đối tượng khách hàng gần gũi hơn. Tuy nhiên để làm một nhân viên quán cà phê hay trà sữa, bạn không những phải biết công việc của một nhân viên phục vụ, bạn cần phải học thêm cả kỹ năng của người pha chế (pha chế các loại trà, cà phê…) và kỹ năng thu ngân. Vì ở những quán cà phê, trà sữa, những người chủ sẽ mất một khoản chi phí lớn chi trả cho quảng cáo, marketing hay thiết kế quán, tuy nhiên họ vẫn cần phải duy trì mức giá sản phẩm không bị độn lên quá cao để giữ lượng khách hàng nên thường họ sẽ yêu cầu nhân viên phải làm được nhiều vị trí để có thể tiết kiệm được một phần chi phí chi trả cho quá nhiều nhân viên.

Dù là nhà hàng cao cấp, quán ăn bình dân hay quán cà phê, trà sữa, bạn cũng là một nhân viên trong ngành dịch vụ, bạn cần phải giữ cho bản thân mình một tác phong làm việc chuyên nghiệp. Các bạn sẽ thường xuyên và liên tục gặp các trường hợp “dở khóc dở cười”, hoặc gặp những khách hàng “trời ơi đất hỡi” thì nên giữ sự bình tĩnh để giải quyết, không nên làm việc theo cảm nghĩ vì như vậy sẽ để lại hậu quả khôn lường về sau.

2.3. Công việc bán hàng

Đối với loại công việc này có hai hình thức để các bạn để các bạn chọn lựa:

- Làm nhân viên bán hàng: không thiếu những cửa hàng hiện nay mà tất cả nhân viên đều là sinh viên làm part-time. Đó có thể là cửa hàng quần áo, hàng lưu niệm, đồ phụ kiện… Công việc ở những cửa hàng này cũng không đòi hỏi yêu cầu quá cao, chỉ cần bạn cẩn thận, trung thực và có trách nhiệm với công việc. Nếu như bạn không có kinh nghiệm thì bạn sẽ được đào tạo bởi những nhân viên đã có kinh nghiệm từ trước hoặc trưởng cửa hàng, vì công việc không đòi hỏi quá nhiều nên trong vài ba ngày đầu bạn đã có thể thích ứng được với công việc rồi. Nhưng lưu ý, vì để tiết kiệm chi phí, trong một ca làm có thể sẽ không có nhiều nhân viên bao quát cửa hàng dẫn đến tình trạng mất đồ, chỉ đến khi kiểm lại hàng thì mới biết, và giá trị những món hàng đó sẽ trừ vào lương của nhân viên. Vì thế khi làm việc bạn nhớ quan sát thật kỹ, luôn giữ vững tinh thần cảnh giác của bản thân, nhưng cũng đừng quá soi mói khách hàng khiến họ cảm thấy không hài lòng.

- Bán hàng online: với hình thức này, có thể coi bạn không còn là nhân viên nữa mà đã trở thành chủ. Với việc phát triển của Internet hiện nay, các bạn cũng không còn quá xa lạ với việc mua bán đồ online. Đối với người mua, họ có thể chọn lựa các mẫu qua hình ảnh, đọc các thông tin về sản phẩm, trao đổi trực tiếp với người bán, dễ dàng và nhân được hàng mà không cần phải đến trực tiếp để mua, vì thế mua hàng online đã và đang là thói quen của nhiều người, đặc biệt là những người không có thời gian. Hơn nữa là bạn có thể mua hàng ở những nơi xa hơn địa phương mình đang sinh sống rất nhiều mà không cần tốn chi phí đi lại. Đối với những người bán hàng online, họ không cần mất tiền chi trả việc thuê mặt bằng, thiết kế quán, thuê nhân viên,...

Chỉ cần có một số vốn nhất định, biết cách chọn lựa quần áo theo xu hướng, chăm chỉ bán hàng, quảng bá sản phẩm của mình là bạn hoàn toàn có thể kiếm thêm rất nhiều thu nhập từ công việc này. Tuy nhiên công việc này cũng đi kèm với nhiều rủi ro, mà mình nghĩ có lẽ vấn đề nhiều người kinh doanh online không muốn gặp phải nhất là bị “boom hàng”. “Bom hàng” là một từ ngữ vui chỉ về việc khách đặt hàng nhưng khi giao khách lại không nhận với nhiều lý do khác nhau, khi đã bị “boom hàng” bạn sẽ không liên lạc được với khách, phải chi trả số tiền giao hàng và có thể bỏ lỡ mất cơ hội bán sản phẩm cho người khác. Vậy những sản phẩm có thể bán online là gì? Câu trả lời là rất đa dạng, chỉ cần có cầu thì sẽ có cung, các mặt hàng phổ biến hiện nay là quần áo, đồ ăn, phụ kiện, mỹ phẩm...

2.4. Công việc cộng tác viên (CTV)

Đây là công viên hỗ trợ, làm nhân viên không chính thức của một công ty hay doanh nghiệp nào đó. Công việc này được các bạn sinh viên lựa chọn khi các bạn muốn phát triển hơn về chuyên ngành của mình hay muốn thử sức ở một công việc khác không phải chuyên ngành. Thường ở các công ty, doanh nghiệp, họ không yêu cầu kinh nghiệm từ các CTV. Công việc của CTV sẽ thường là hỗ trợ đội nhóm trong các phòng ban hoàn thành một dự án nào đó, hoặc sẽ làm hỗ trợ các nhân viên trong công ty, doanh nghiệp hoàn thành công việc của họ, tùy theo giao phó của cấp trên. Thường các CTV sẽ có mức lương hỗ trợ từ phía công ty, nhưng thường là không nhiều. Thời gian làm việc của CTV cũng linh động theo lịch học trên trường. CTV sẽ không có mặt trong danh sách nhân viên chính thức của công ty nên thuận lợi là họ sẽ không phải chịu những trách nhiệm, quy định của nhân viên chính thức; nhưng bù lại họ cũng sẽ không được hưởng như chế độ, lương thưởng của nhân viên chính thức.

Những công việc CTV quen thuộc là CTV content, CTV marketing, CTV sự kiện, CTV ngân hàng...

Còn một loại CTV mà chúng ta hay gặp, đó là CTV bán hàng online: đây là công việc mà bạn sẽ nhập hàng từ một người bán hàng online với mức giá thấp hơn mức giá họ bán với khách hàng, sau đó bạn sẽ tự niêm yết giá sản phẩm và bán, số tiền chênh lệch chính là số tiền bạn sẽ nhận được. Hình thức này có nhiều ưu điểm như bạn sẽ không phải tìm mối hàng, lượng hàng luôn có sẵn, học hỏi được kinh nghiệm từ chủ shop… Tuy nhiên song song theo đó là rất nhiều hạn chế như giá sản phẩm của bạn sẽ cao hơn dẫn đến khách hàng sẽ không trung thành, bạn không có nhiều lựa chọn về sản phẩm mà sẽ bị hạn chế ở những mặt hàng người chủ shop bán…

2.5. Công việc chơi game

Nghe có vẻ rất vô lý nhưng trong nhiều năm trở lại đây, công việc này thực sự đang trở nên rất “hot”. Có hai cách chính để bạn có thể kiếm tiền từ chơi game, đó chính là bán đồ và cày thuê. Đối với việc bán đồ, bạn sẽ phải tập trung kiếm nhiều tiền ảo hay các vật phẩm hiếm để bán qua việc chăm chỉ cắm máy cày cuốc hay canh giờ săn boss và sự kiện. Còn với việc cày thuê là hình thức một người sẽ thuê bạn để cày sao cho thứ hạng (rank) của người đó ở vị trí cao. Tuy nhiên nếu như bạn là một người chơi giỏi, bạn hoàn toàn có thể tìm những game thủ khác lập nhóm (team) đi đấu giải và lấy tiền thưởng. May mắn hơn nữa, nếu lọt được vào mắt xanh của các tổ chức đào tạo game thủ hay các hãng game nổi tiếng, bạn có thể ký hợp đồng với họ, được họ chi trả mọi khoản phí và trả lương để bạn chơi game.

Còn đối với những bạn biết một chút về chơi game, có ngoại hình bắt mắt và có khả năng giao tiếp tốt, các bạn có thể đi theo con đường trở thành một streamer. Có thể hiểu nôm na streamer là những người sẽ quay trực tiếp quá trình họ chơi game, trong thời gian đó họ sẽ giao lưu với các viewer (người xem), rùng khả năng giao tiếp của bản thân để thu hút nhiều viewer xem mình. Trong ba năm trở lại đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự bùng nổ của công việc streamer, các streamer cũng không còn giới hạn livestream ở trên Youtube hay Facebook nữa mà đã mở rộng hơn ở rất nhiều các nền tảng khác nhau như Nimo TV, CCTalk, CUBE, Talktv… Mức thu nhập của các streamer cũng sẽ thuộc hàng “khủng” nếu như bạn thu hút được càng nhiều người xem càng tốt. Tuy nhiên với việc bùng nổ quá nhanh, công việc này đang dần bị bão hòa vì chất lượng streamer không còn cao, để có thể phát triển được bạn cần phải có dấu ấn riêng cho bản thân để tạo sự khác biệt. Ngoài ra việc trở thành một streamer cũng yêu cầu bạn phải bỏ ra số vốn ban đầu để mua các thiết bị đặc trưng phục vụ cho công việc này như micro, camera…

2.6. Công việc Reviewer 

Có bao giờ bạn thắc mắc có những người bỏ tiền ra mua một sản phẩm, đi ăn một món ăn, sau đó trải nghiệm và nói lên suy nghĩ của mình về sản phẩm, món ăn đó, họ là ai chưa? Đó chính là các Reviewer - những người nói ra trải nghiệm, suy nghĩ của mình về sản phẩm. Đây cũng được coi là một nghề bùng nổ trong vài năm trở lại đây, và nó hiện tại đang rất phổ biến. Bạn trải nghiệm một sản phẩm; sau đó nói ra những suy nghĩ của mình về sản phẩm đó; cung cấp thông tin về sản phẩm cũng như những kiến thức xung quanh về sản phẩm mà bạn biết; từ đó bạn thu hút cho mình một lượng người xem ổn định và mong chờ bạn giới thiệu sản phẩm khác; những bài review của bạn cũng tác động đến doanh thu của nhãn hàng đó; khi đã thấy được tiềm năng của bạn, các công ty sẽ sẵn sàng đầu tư cho bạn để bạn mang sản phẩm của họ đến nhiều hơn với công chúng. Từ đó bạn đã trở thành một Reviewer. Bạn có thể lựa chọn là một Reviewer độc lập hoặc tham gia các nền tảng về review như Foody, Lozi…

Công việc này không đòi hỏi bạn phải chuẩn bị các thiết bị chuyên dụng, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại đủ nét để chụp hình hoặc quay video. Với những bạn review bằng hình ảnh, bạn cần biết cách chụp sao cho hợp lý và đẹp mắt, bạn cũng cần biết chỉnh ảnh để thu hút người xem. Không chỉ vậy, bạn cần phải viết nội dung bài review của mình sao cho thu hút, cung cấp đầy đủ thông tin nhưng ngắn gọn, xúc tích, không quá lan man. Còn đối với những bạn review qua video, các bạn cần phải có sự tự tin trước máy quay, lời lẽ sử dụng hợp lý, có thể thêm phần hài hước tạo sự thu hút. Video cũng cần phải được chỉnh sửa dễ nhìn, kết hợp nhạc nền (nếu cần) để người xem bớt nhàm chán. Có một lời khuyên cho những bạn sử dụng video để review, các bạn nên sắm cho mình một chiếc micro nhỏ cài áo để thu tiếng rõ ràng, không bị tiếng ồn xung quanh tác động. Tuy nhiên khi đã trở thành một Reviewer nổi tiếng, bạn chỉ cần tập trung cho nội dung mình sẽ làm, còn những vấn đề xung quanh bạn có thể sẽ có một ekip để lo.

2.7. Công việc lái xe công nghệ

Tham gia giao thông trên đường, không khó để bạn có thể tìm thấy một tài xế xe công nghệ là sinh viên. Hiện nay xe máy đang phương tiện phổ biến nhất tại Việt Nam, có nhiều loại xe với mức giá khác nhau để các bạn sinh viên có thể chọn lựa. Xe máy cũng là phương tiện thuận lợi, chủ động để đi lại, đặc biệt phù hợp với các bạn sinh viên. Bên cạnh đó, với độ phủ sóng rộng rãi của các ứng dụng gọi xem hiện nay như Grab, Go-Viet, Be… các bạn sinh viên hoàn toàn dễ dàng có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ công việc này. Ngoài ra, các ứng dụng xe công nghệ còn tích hợp cả việc vận chuyển hàng và giao đồ ăn giúp cho đối tượng khách hàng được mở rộng hơn nữa. Việc lái xe công nghệ cũng không quá gò bó thời gian, các bạn hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp, phân bổ thời gian trong ngày để công việc không ảnh hưởng đến học tập hay nghỉ ngơi.

3. Một số lưu ý cho sinh viên muốn đi làm thêm kiếm tiền

Những sai lầm dễ mắc phải khi đi làm thêm:

3.1.Việc nhẹ lương cao

Bạn đừng vội nhận ngay một công việc với lời giới thiệu “việc nhẹ -  lương cao” nhé. Bạn hoàn toàn có thể bị lừa vào một công ty đa cấp, đặc biệt là hiện nay, thủ đoạn lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn. Trước khi nộp đơn ứng tuyển ở công ty, doanh nghiệp nào đó, bạn phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về nơi đó để tránh những hậu quả không hay về sau. Và đặc biệt nhớ không có một công việc nào lương cao mà lại nhẹ nhàng cả, lương càng cao thì trách nhiệm sẽ càng lớn.

3.2. Đi làm để cho vui

Nếu như bạn có suy nghĩ này thì loại ngay nó ra khỏi đầu nhé, vì bất cứ một hành động gì cũng cần phải có mục đích, vì khi xác định rõ mục đích bạn mới có trách nhiệm cho hành động đó được, còn nếu bạn làm cho vui thì bạn hoàn toàn đang lãng phí thời gian của bản thân.

3.3. Dễ dàng bỏ việc

Hy cho bản thân mình thời gian một khoảng thời gian thích ứng với môi trường, với cường độ làm việc và cố gắng hết sức để làm việc. Công việc nào cũng có khó khăn của nó, nếu như chán là bỏ thì bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được công việc phù hợp với bản thân.

3.4. Làm công việc không phù hợp

Công việc không phù hợp với bản thân nhưng vẫn cố làm: dù đã cho bản thân mình thời gian nhưng bạn không thể hòa hợp được với công việc, đừng ngại gì mà hãy tìm một chỗ khác một công việc khác. Đừng vì ngại đồng nghiệp, ngại đi phỏng vấn lại mà lãng phí thời gian tại một nơi bạn không thể phát triển được.

Chuẩn bị tìm kiếm việc làm thêm, bạn nên lưu ý điều gì?

  • Xác định rõ mục tiêu đi làm của bản thân.

  • Biết rõ khả năng, sở thích, trình độ của bản thân.

  • Tìm hiểu kỹ thông tin về nơi bạn nộp đơn ứng tuyển đi làm thêm.

  • Đọc kỹ những yêu cầu, lợi ích, thông tin về công việc tại bản Mô tả công việc mà công ty, doanh nghiệp cung cấp.

  • Tìm hiểu về môi trường làm việc của công ty, doanh nghiệp đó.

  • Luyện tập, trau dồi những kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, sắp xếp thời gian, sắp xếp công việc, xử lý tình huống, khả năng ngoại ngữ...

Bài viết trên đã cho bạn một cái nhìn tổng quát về việc đi làm thêm, những lợi ích, những công việc phổ biến hiện nay hay một số lưu ý cho các bạn khi quyết định tìm cho mình một công việc làm thêm. Mong các bạn sẽ tự giải đáp được cho mình câu hỏi “Sinh viên nên làm gì kiếm tiền?” sau bài viết này. Chúc các bạn thành công!

>> Xem bài liên quan: Sinh viên muốn xin được việc làm nên học ngôn ngữ nào?

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Cửa hàng nhượng quyền là gì và cách xây dựng cửa hàng nhượng quyền?
Bạn muốn mở rộng mô hình kinh doanh của mình bằng cửa hàng nhượng quyền? Bạn không biết cửa hàng nhượng quyền là gì? Bạn không biết xây dựng cửa hàng nhượng quyền như thế nào? Cùng vieclam123.vn tìm hiểu sau đây nhé!

14/07/2023

Brand health là gì? Cách thức đo lường và cải thiện Brand health.
Brand health (sức khỏe thương hiệu) là một trong những yếu tố quan trọng nhất đánh giá sự phát triển của thương hiệu doanh nghiệp. Vậy Brand health là gì? Đo lường như thế nào?, chúng ta cùng vieclam123.vn tìm hiểu sau đây nhé!

13/07/2023

Quản lý là làm gì? Vai trò quan trọng của quản lý trong tổ chức
Quản lý là làm gì? Quản lý là một bộ phận phận quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, với vai trò kiểm soát hoạt động và định hướng kế hoạch phát triển.

11/04/2023

Ngành điện điện tử làm gì? Lý do bạn nên học ngành điện điện tử?
Ngành điện điện tử làm gì? Ngành điện điện tử là ngành học vô cùng hữu ích và áp dụng thực tế rất nhiều. Chương trình học vô cùng bài bản và chuyên sâu.

22/03/2023