Blog

Khám phá phương pháp dạy học hợp tác với những ưu điểm nổi bật

25/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Phương pháp dạy học hợp tác nếu phát huy và tổ chức tốt có thể giúp học sinh tích cực hơn, trách nhiệm hơn cũng như phát triển năng lực hợp tác, giao tiếp cho các em. Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết và cặn kẽ hơn về phương pháp học tập đang được đánh giá cao này nhé. 

1. Khái niệm phương pháp dạy học hợp tác

Phương pháp dạy học hợp tác là cách dạy học mang tính tập thể gồm nhiều cá nhân khác nhau. Trong đó, mọi người hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau dể đạt mục tiêu chung. Dạy học hợp tác giúp người học tiếp thu kiến thức qua các hoạt động tương tác đa dạng như giữa người học với người học, giữa người dạy với người học, giữa người học và môi trường. Phương pháp dạy học hợp tác mang lại nhiều lợi ích trong dạy và học, đặc biệt là dạy môn Toán.

Học hợp tác (Collaborative Learning) là một phương pháp dạy học phức hợp áp dụng cho một nhóm người. Cụ thể ở đây là các em học sinh sao cho các em trong nhóm sẽ học tập, làm việc cùng nhau để cùng nghiên cứu, khảo sát một chủ đề bài học nhằm đạt được kết quả cao nhất trong học tập. Mỗi học sinh sẽ là một thành viên trong nhóm có trách nhiệm riêng của mình, không liên quan đến các học sinh khác.

Trong nhóm, các thành viên sẽ tương tác và hợp tác với nhau để hỗ trợ cho việc học tốt hơn. Mỗi nhóm học hợp tác thường gồm 4 đến 6 học sinh có học lực khác nhau cùng học tập và làm việc hướng đến mục đích chung dựa trên những nỗ lực đóng góp của từng thành viên trong nhóm.

Bản chất của phương pháp dạy học hợp tác là giúp cho tất cả học sinh tham gia có thể chủ động đóng góp hoạt động, trí tuệ của mình vào quá trình học tập vì mục tiêu chung của cả nhóm, tạo cơ hội cho mỗi học sinh chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức và ý kiến của bản thân trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung chủ đề của bài học mà giáo viên đưa ra. Đồng thời, các em có cơ hội được học hỏi lẫn nhau, học hỏi những điểm tốt, những ưu điểm từ các bạn khác cũng như giao lưu, hợp tác để giải quyết những nhiệm vụ chung của nhóm.

2. Một số hình thức và phương pháp dạy học hợp tác

Phương pháp dạy học hợp tác gồm có nhiều hình thức, cách dạy và học khác nhau đang được áp dụng. Cụ thể bao gồm:

* Phương pháp dạy học hợp tác theo hình thức thảo luận nhóm: Đây là cách thức giải quyết vấn đề hay làm sáng tỏ một nội dung chủ đề cần tranh luận bằng cách trao đổi, thảo luận ý kiến, trao đổi ý tưởng và bàn bạc giữa các thành viên trong nhóm.

* Phương pháp dạy học hợp tác theo hình thức hoạt động nhóm: Đây là cách chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý tưởng và chung sức giải quyết một vấn đề, một tình huống được giáo viên giao cho nhóm thông qua các hoạt động cụ thể.

* Phương pháp dạy học hợp tác theo dạng hội thảo (Seminar): Đây là hình thức thảo luận nhóm mang tính chất nâng cao hơn. Vấn đề, chủ để trong hình thức này thường phức tạp, chưa có những ý kiến rõ ràng nên cần có sự đóng góp, tranh luận từ tập thể các thành viên tham gia đóng góp nhằm tìm ra hướng giải quyết vấn đề đặt ra.

* Phương pháp dạy học hợp tác theo hình thức dự án: Học sinh tham gia trong nhóm sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ phức tạp hơn gắn với thực tiễn, biết kết hợp với lý thuyết và thực hành, biết tự lập kế hoạch cũng như phải thực hiện và đánh giá kết quả. Hình thức học này chủ yếu hoạt động theo nhóm. Kết quả của dự án sẽ được trình bày và giới thiệu.

3. Những đặc điểm của phương pháp dạy học hợp tác

Phương pháp dạy học hợp tác không chỉ đơn thuần là học theo từng nhóm nhỏ với nhiệm vụ cho từng học sinh mà còn đề cao tính hợp tác giữa các thành viên. Do đó, sau đây là những yếu tố cơ bản giúp các bạn học sinh đảm bảo tốt tính hợp tác trong quá trình học tập và làm việc:

* Mỗi học sinh cần ý thức rõ ràng rằng mình là một thành viên trong nhóm, là một bộ phận hợp thành nhóm. Tất cả học sinh trong nhóm cùng làm việc với nhau hướng tới một mục đích học tập chung.

* Mỗi học sinh tham gia trong nhóm cần nhận thức rõ ràng rằng những bài toán mà mình giải, nhiệm vụ của từng thành viên là bài toán của toàn thể cả nhóm. Do đó, thành công hay thất bại của nhóm sẽ là thành quả của từng thành viên đóng góp cùng. Thành quả sẽ được chia đều cho mọi thành viên trong nhóm.

* Muốn hoàn thành mục đích học tập của nhóm tốt nhất, tất các các thành viên tham gia trong nhóm sẽ phải trao đổi với nhau, động viên nhau cùng thảo luận tất cả các bài toán.

* Mỗi học sinh trong nhóm cần phải ý thức rõ ràng công việc của bản thân, của mỗi cá nhân sẽ có tác động trực tiếp tới thành công của cả nhóm làm việc.

4. Mục đích của phương pháp dạy học hợp tác

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của phương pháp dạy học hợp tác. Hiện nay, đây là phương pháp học đang được áp dụng rộng rãi vì có tính thực tiễn cao, khắc phục được cách học một chiều thầy cô giảng bài – học sinh ghi chép thụ động trước kia. Cách dạy học hợp tác góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh khá hiệu quả, giúp các em ý thức được sức mạnh của tập thể và làm việc nhóm. Sau đây là những mục đích của phương pháp dạy học hợp tác mang tới, cụ thể như sau:

* Giúp các học sinh, các thành viên trong nhóm có cơ hội giao tiếp, trao đổi tốt hơn. Từ đó thúc đẩy giao tiếp, mối liên hệ giữa các thành viên với nhau.

* Giúp học sinh có cơ hội trình bày vấn đề của mình cho những thành viên khác cùng biết giúp củng cố cho việc học kiến thức hiệu quả hơn.

* Có thể tham khảo các ý tưởng, ý kiến đóng góp từ những thành viên khác cùng giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn, khôn ngoan hơn so với suy nghĩ của một người.

5. Những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp dạy học hợp tác

Phương pháp dạy học hợp tác sở hữu những ưu điểm gì và vẫn còn nhược điểm gì mà bạn cần biết sẽ có trong nội dung dưới đây.

5.1. Những ưu điểm của phương pháp dạy học hợp tác

Phương pháp dạy học hợp tác là cách dạy học sở hữu nhiều tính năng ưu việt phù hợp với tình hình thực tế của cuộc sống hiện nay nên đang trở thành xu hướng dạy và học rộng khắp. Sau đây là những ưu điểm của phương pháp dạy học hợp tác để bạn tham khảo:

* Từng học sinh được làm việc, học tập cùng với các bạn khác nên sẽ học được các kỹ năng hợp tác, cộng tác tốt với nhau trên nhiều phương diện.

* Từng học sinh có thể nêu lên quan điểm, ý tưởng riêng của mình đóng góp vào công việc chung của cả nhóm cũng như có thể lắng nghe những quan điểm, ý kiến riêng của từng bạn trong nhóm, trong lớp để tham khảo, để lựa chọn. Đồng thời, mỗi em học sinh được bàn bạc, trao đổi các ý kiến khác nhau, có thể là trái ngược, sau đó lựa chọn giải pháp, ý kiến tối ưu sao cho phục vụ tốt nhất nhiệm vụ mà nhóm được giao hoàn thành. Như vậy, kiến thức mà học sinh tiếp nhận được sẽ mang tính khách quan khoa học hơn, hạn chế bớt tính chủ quan, phiến diện của bản thân, đồng thời có thể phát triển tư duy phê phán trong mỗi học sinh.

* Các bạn học sinh có cơ hội chia sẻ những suy nghĩ, thắc mắc cũng như kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân một cách tự do, bình đẳng để cùng nhau xây dựng nhận thức và học hỏi những ưu điểm, khắc phục những nhược điểm từ những bạn khác tốt hơn. Khi kiến thức được học từ nhiều ý kiến khác nhau sẽ giúp các em hiểu vấn đề sâu sắc hơn, ghi nhớ tốt và lâu bền hơn. Mỗi em sẽ được học hỏi, giao lưu tương tác giữa các thành viên khác cũng như tham gia trao đổi, thảo luận và trình bày vấn đề được nêu ra. Từ đó, mỗi học sinh tham gia sẽ hào hứng đóng góp ý kiến của bản thân vào sự thành công chung của cả lớp.

* Do tất cả các học sinh tham gia đều có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình một cách cởi mở tạo cơ hội tốt cho những học sinh nhút nhát, ít nói trở nên bạo dạn hơn, học hỏi được kỹ năng giao tiếp với các bạn, học được cách trình bày ý kiến từ các bạn khác nên sẽ giúp những học sinh này hòa nhập với nhóm, có hứng thú trong học tập và sinh hoạt nhóm trên lớp cũng như tự tin vào bản thân hơn.

* Dạy học hợp tác giúp các học sinh nâng cao hơn kiến thức, sự hiểu biết và kinh nghiệm xã hội cho mình từ nhiều ý kiến đóng góp khác nhau của các thành viên khác. Các em cũng rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác với những bạn khác để cùng nhau phát triển.

5.2. Những nhược điểm của phương pháp dạy học hợp tác

* Vì dạy học theo nhóm nhiều học sinh nên có những em vì nhút nhát hay lý do nào khác không muốn tham gia vào hoạt động chung của nhóm. Do đó, vai trò của giáo viên phân công rất quan trọng vì nếu phân công không hợp lý có thể khiến một vài học sinh khá, nhanh nhẹn được tham gia còn đa số các học sinh khác không được hoạt động hay tương tác, bày tỏ ý kiến của mình rất thiệt thòi cho các em.

* Ý kiến đóng góp của mỗi học sinh trong nhóm có thể có sự trái ngược, phân tán thậm chí là gay gắt với nhau. Đặc biệt trong thảo luận về các môn khoa học xã hội, mỗi người một ý kiến thường hay gặp phải.

* Thời gian học tập có thể phải kéo dài hơn

* Gây bất tiện nếu lớp đông học sinh hoặc khó di chuyển bàn ghế, không gian lớp học hạn chế sẽ khó tổ chức hoạt động nhóm. Bởi khi các em tranh luận, lớp học rất ồn ào, ảnh hưởng tới các lớp học bên cạnh.

6. Những điều cần lưu ý khi dùng phương pháp dạy học hợp tác

Khi sử dụng phương pháp dạy học hợp tác, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

* Có quy định và giới hạn rõ về thời gian thảo luận nhóm và trình bày kết quả thảo luận.

* Mỗi nhóm có thể bầu ra bạn trưởng nhóm nếu cần thiết. Trưởng nhóm có thể do các bạn trong nhóm thay phiên nhau đảm nhiệm. Việc phân công cho từng thành viên thực hiện phần công việc được giao sẽ do các trưởng nhóm đảm nhiệm

* Có thể dùng lời, bằng tiểu phẩm, bằng tranh vẽ hay văn bản viết trên giấy to để trình bày kết quả thảo luận nhóm. Công việc trình bày có thể giao cho một bạn trong nhóm đảm nhiệm hoặc có thể gồm nhiều bạn cùng trình bày theo cách mỗi người nói về một đoạn lần lượt nối tiếp nhau.

* Tạo điều kiện đánh giá chéo giữa các nhóm hay cả lớp cùng đánh giá.

* Kết quả chung của cả lớp sẽ là tổng hợp kết quả làm việc của từng nhóm cộng lại. Khi trình bày kết quả của mỗi nhóm riêng, có thể cử ra một bạn đại diện hoặc mỗi thành viên sẽ trình bày một phần nếu chủ đề thảo luận phức tạp.

* Trong khi nhóm làm việc, học sinh có thể làm theo hình thức cá nhân hoặc hoạt động nhóm tương ứng với nhiệm vụ thảo luận sao cho linh hoạt chứ không áp dụng phương pháp dạy học hợp tác một cách hình thức, không mang lại kết quả thực tế. Tránh lạm dụng hoạt động nhóm cũng như phòng tránh suy nghĩ rằng đổi mới phương pháp dạy học là phải sử dụng hoạt động nhóm.

* Khi học sinh thảo luận nhóm, thầy cô phụ trách cần tới các nhóm để lắng nghe, quan sát và gợi ý, giúp đỡ các em khi cần thiết.

7. Phương pháp dạy học hợp tác sẽ được áp dụng khi nào?

Trong quá trình dạy và học, phương pháp dạy học hợp tác thường áp dụng trong những trường hợp sau:

* Khi muốn luyện tập, tìm hiểu về một chủ đề bài học mới hay đi sâu củng cố một chủ đề đã học, người ta thường dùng phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm.

* Phương pháp dạy học hợp tác sẽ giúp việc phối hợp của nhiều cá nhân tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả, nhanh chóng hơn.

* Khi dạy học nhóm, người ta sẽ áp dụng các câu hỏi kiểm tra như sau:

+ Nhiệm vụ của các nhóm có khác hay giống nhau?

+ Chủ đề bài học đưa ra có phù hợp với phương pháp dạy học hợp tác không?

+ Mỗi học sinh có đủ kiến thức, điều kiện để học hợp tác chưa?

+ Nhiệm vụ làm việc nhóm sẽ trình bày ra sao?

+ Tổ chức phòng học, kê lại bàn ghế ra sao để tiến hành phương pháp dạy học hợp tác thuận tiện, đạt kết quả.

+ Các nhóm sẽ được chia theo tiêu chí nào?

8. Cách thành lập nhóm cho phương pháp dạy học hợp tác

Các nhóm học tập có thể được thành lập dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, chứ không chỉ áp dụng một tiêu chí duy nhất cho cả năm học. Tiêu chí có thể theo màu sắc, theo giới tính, theo vị trí ngồi, theo sổ điểm danh hoặc có cùng lựa chọn. Về quy mô sẽ dựa theo nhiệm vụ, nhóm có thể lớn hay nhỏ. Nhưng thông thường, nhóm thường gồm 3 – 5 học sinh.

Những tiêu chí để thành lập nhóm của phương háp dạy học hợp tác bao gồm:

* Gồm những học sinh xung phong, có chung mối quan tâm

* Hình thành nhóm theo ngẫu nhiên, tự sắp xếp.

* Nhóm ghép hình

* Hình thành nhóm với những đặc điểm chung

* Các nhóm cố định đã có trong một thời gian dài

* Nhóm gồm những học sinh khá giỏi với học sinh yếu kém để thuận tiện hỗ trợ hơn.

* Nhóm hình thành theo năng lực học tập khác nhau

* Nhóm hình thành theo các dạng học tập

* Nhóm hình thành theo các bài tập khác nhau

* Nhóm hình thành phân chia học sinh nam và học sinh nữ.


9. Các bước thực hiện phương pháp dạy học hợp tác

Khi dùng phương pháp dạy học này, lớp học sẽ được chia thành nhiều nhóm. Tiêu chí phân chia nhóm sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của chủ đề học tập, vào mục đích sư phạm. Thời gian hoạt động học hợp tác thường là một tiết học, một buổi học hay một phần của tiết học. Sau đó, các nhóm sẽ tiến hành phương pháp dạy học hợp tác theo các bước sau:

B1: Tiến hành làm việc chung cho cả lớp

* Thầy cô giới thiệu chủ đề bài học và xác định nhiệm vụ cần đạt được.

* Tổ chức các nhóm, quy định thời gian cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng nhóm và phân công vị trí cụ thể cho mỗi nhóm.

* Có thể hướng dẫn các nhóm cách làm việc, thảo luận ra sao.

B2: Tiến hành làm việc theo từng nhóm riêng

* Xây dựng kế hoạch làm việc

* Đưa ra quy tắc làm việc

* Phân công công việc cho từng bạn trong nhóm với nhiệm vụ riêng

* Thảo luận, trao đổi ý kiến trong nhóm

* Cử bạn học sinh đại diện trình bày kết quả làm việc nhóm

B3: Thảo luận, trình bày kết quả trước cả lớp

* Trình bày kết quả thảo luận nhóm do đại diện nhóm đứng ra

* Các nhóm khác lắng nghe, quan sát cũng như bình luận, chất vấn và bổ sung ý kiến với nhóm đang trình bày.

* Giáo viên nhận xét, tổng kết và đưa ra chủ đề cho bài tiếp theo cho học sinh.

Đến đây, bạn đã hiểu được các nội dung chính của phương pháp dạy học này. Hiện nay, phương pháp dạy học hợp tác đang được nhiều nước trong đó có Việt Nam áp dụng để rèn luyện, nâng cao cho học sinh những kỹ năng cần thiết cũng như giúp việc học đạt kết quả tốt hơn. 

Tóm lại, phương pháp dạy học hợp tác sở hữu nhiều ưu điểm và tính tích cực đem lại cho học sinh một cách học tập hiện đại hơn, khắc phục được những hạn chế của cách học truyền thống. Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp học tập này. 

>> Đọc thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022