Bạn đang được cân nhắc thăng chức nhưng phải trải qua một vòng phỏng vấn nữa để xét duyệt? Cách tốt nhất để xử lý một buổi phỏng vấn thăng chức là gì? Bạn có thể mong đợi điều gì khi phỏng vấn tại công ty mình đang làm việc? Làm thế nào để bạn phỏng vấn thành công và được thăng chức?
Một buổi phỏng vấn thăng chức là một buổi phỏng vấn xét duyệt để thăng chức hoặc để chuyển sang công việc khác tại công ty bạn đang làm việc. Nhiều công ty sẽ yêu cầu nhân viên nội bộ của mình trải qua quy trình tuyển dụng tương tự với các ứng viên bên ngoài để có thể thăng chức.
Buổi phỏng vấn thăng chức sẽ khác với phỏng vấn xin việc bình thường vì nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, bạn đã là một phần của công ty đó rồi, và bạn biết kỳ vọng của họ là gì. Thứ hai, trước hay sau khi phỏng vấn, bạn đều có cơ hội thể hiện khả năng của mình khi làm việc ở vị trí hiện tại.
Thêm vào đó, bạn có thể dùng những cống hiến sẵn có của mình với công ty và khát khao được phát triển thêm trong đó làm lợi thế cho bản thân. Mặt khác, bạn vẫn cần trải qua một vòng phỏng vấn và cạnh tranh với các ứng viên khác, cả từ bên ngoài lẫn trong nội bộ công ty.
Thật lòng mà nói thì buổi phỏng vấn của bạn có thể còn khó hơn so với các ứng viên bên ngoài, vì những kỳ vọng từ công ty về kiến thức và kỹ năng của bạn có khi sẽ cao hơn.
Khi nộp đơn xin thăng chức hoặc thay đổi công việc trong công ty, nhân viên phải đăng ký và phỏng vấn cho vị trí theo hướng dẫn của công ty. Tuy bạn đã là nhân viên tại công ty, đừng ngạc nhiên nếu bạn phải nộp lại hồ sơ và viết thư xin việc cho vị trí mới. Trên thực tế, hành vi gửi một lá thư xin việc cụ thể cho vị trí mới sẽ rất hữu ích để giúp giành được công việc đó.
Chú ý: Hãy nhớ rằng, có thể bạn sẽ phải cạnh tranh với các ứng viên bên ngoài và mặc dù bạn có lợi thế là đã làm việc tại công ty, điều đó không có nghĩa là bạn nên xem nhẹ các nỗ lực xin việc của mình. Hãy dành thời gian để xem xét cẩn thận và đọc lại hồ sơ ứng tuyển trước khi nộp chúng.
Chú ý đến quá trình tuyển dụng. Khi bạn thấy có cơ hội làm việc mà mình yêu thích, hãy làm theo hướng dẫn đăng ký của công ty. Đừng mong chờ rằng mình có thể “đi cửa sau” và nhận được công việc. Nếu công ty đã có quy định, họ sẽ áp dụng chúng như bình thường.
Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Xem lại các câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn phổ biến và suy nghĩ cách bạn sẽ trả lời, dựa trên kiến thức của bạn về công ty, công việc hiện tại và vị trí mới, kỹ năng và mục tiêu của bạn trong tương lai. Cân nhắc các kỹ năng bạn có khiến bạn đạt tiêu chuẩn cho công việc mới. Ngoài ra, hãy xem các câu hỏi phỏng vấn thăng tiến trong công việc điển hình mà bạn có thể được hỏi.
Làm tốt công việc của bạn. Dù có thể bạn sẽ được thăng chức, hãy tiếp tục làm tốt công việc ở vị trí hiện tại để cho cấp trên thấy rằng bạn là một nhân viên tuyệt vời.
Nói với sếp của bạn. Nếu bạn được chọn để phỏng vấn thăng chức, hãy nói với người giám sát hiện tại của bạn, phòng trường hợp họ nghe được tin tức từ bên thứ ba. Giải thích với họ lý do vì sao bạn ứng tuyển và nhờ họ hỗ trợ.
Chuẩn bị cho sự thăng tiến. Chuẩn bị để chuyển giao công việc hiện tại của bạn cho người khác. Nếu mục tiêu của bạn là tiếp tục thăng tiến trong công ty thì việc để lại một mớ hỗn độn phía sau có thể gây ảnh hưởng không tốt đến bạn. Hãy tự đề nghị rằng mình sẽ hỗ trợ đào tạo và giải đáp thắc mắc cho nhân viên mới.
Luôn chuyên nghiệp. Mặc dù bạn hiểu công ty và thậm chí biết người phỏng vấn, đừng đánh mất sự chuyên nghiệp của mình. Điều quan trọng là đừng thể hiện quá bình thường và thoải mái khi phỏng vấn. Bạn phải cho người phỏng vấn thấy rằng bạn muốn công việc này và có những gì cần thiết để thành công trong vai trò mới.
Làm nổi bật điểm mạnh của bản thân. Điểm mạnh của bạn có thể bao gồm sự quen thuộc với công việc, công ty, những thành công bạn có ở vị trí hiện tại và những cam kết bạn có thể làm khiến công ty phát triển hơn.
Hãy nhớ rằng bạn không biết tất cả mọi thứ. Hãy chuẩn bị để nói về những khía cạnh bạn không biết lắm về vị trí công việc. Đừng cho rằng bạn đã biết hết các loại thông tin xung quanh công việc và mất cảnh giác khi trả lời câu hỏi.
Đừng quá tự tin. Đừng đến buổi phỏng vấn với suy nghĩ rằng bạn đã nhận được công việc - một thái độ quá tự tin có thể gây hại cho chính bản thân bạn.
Đặt câu hỏi. Nếu bạn có câu hỏi gì về vị trí mới, vai trò của bạn là gì, bạn sẽ chuyển đổi công việc ra sao, hãy hỏi nó trong cuộc phỏng vấn.
Nói lời cảm ơn. Viết thư cảm ơn cho người đã phỏng vấn bạn. Nhắc lại sự quan tâm của bạn với vị trí mới.
Đừng phá hủy những mối quan hệ của mình. Nếu được thăng chức, đừng hủy hoại bất kỳ mối quan hệ nào của bạn với đồng nghiệp. Bạn sẽ rời bỏ đồng nghiệp của mình, hoặc cũng có thể trở thành cấp trên của họ, nhưng hãy đối xử với họ bằng sự tôn trọng như bạn đã làm khi còn hoạt động cùng nhau. Khi sự thuyên chuyển công việc được quyết định, hãy báo cho đồng nghiệp của bạn biết. Tuy nhiên, nếu công ty có thông báo chính thức, hãy đợi nó được gửi trước khi tự mình nói ra.
Đừng giữ cảm giác khó chịu. Nếu bạn không nhận được công việc, đừng giữ bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào và hướng tới những cơ hội thăng tiến tiếp theo.
>> Xem thêm tin:
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023