Blog

Dàn ý và bài văn mẫu phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh

08/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Khi nhắc tới bài thơ Sóng ta không thể nào không nhắc tới nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Vieclam123.vn xin giới thiệu bài văn phân tích bài thơ Sóng gửi đến các bạn.

“Sóng” là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, thể hiện được cái tôi trữ tình đầy mơ mộng của nữ sĩ. Hãy cùng vieclam123.vn phân tích chi tiết để thấy tiếng lòng của nữ sĩ về tình yêu tuổi trẻ qua bài thơ này.

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

 

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

 

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

 

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ"

(Bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh)

1. Dàn ý chi tiết phân tích “Sóng” của Xuân Quỳnh

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Tác giả: Xuân Quỳnh được xem là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ 20. Thơ của bà là tiếng lòng khao khát về hạnh phúc đời thường, chủ đề thường trực trong những bài thơ của bà thường là kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa. Xuân Quỳnh xứng đáng hơn cả là những bài thơ viết về tình yêu, bà viết nhiều và hay về khao khát tình yêu đôi lứa của một tâm hồn vừa chân thật, vừa hồn nhiên, vừa sôi nổi.

Tác phẩm: “Sóng” được rút trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968, bài thơ thể hiện những cung bậc cảm xúc khi yêu của người con gái, những khao khát chân thực, ước mong được có một tình yêu trọn vẹn bên người mình yêu thương.

Cách 2: Dẫn dắt từ chủ đề tình yêu đôi lứa là chủ đề muôn thuở của thơ ca. Có rất nhiều nhà thơ đã lấy chủ đề này là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca và Xuân Quỳnh cũng là một nữ nhà thơ như thế. 

1.2 Thân bài

Bố cục bài thơ: Bài thơ có tất cả 9 khổ thơ, được chia làm 3 phần

Phần 1: Hai khổ thơ đầu: hình tượng sóng và em

Phần 2: Năm khổ thơ tiếp theo: những cung bậc cảm xúc trong tình yêu

Phần 3: Hai khổ thơ cuối: Nỗi âu lo, trăn trở về tình yêu của nữ sĩ

*Hai khổ thơ đầu

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

+ Nghệ thuật đối tương phản “dữ dội-dịu êm”, “ồn ào-lặng lẽ”: đây là những trạng thái khác nhau của sóng nhưng cũng chính là ẩn dụ cho những cung bậc cảm xúc khác nhau khi yêu, khi mãnh liệt, khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhưng dù là ở trạng thái nào thì con sóng vẫn luôn muốn tìm ra biển lớn để được vỗ về.

+ Hành trình của sóng tìm ra tận bể cũng chính là hành trình của người con gái tự đi kiếm tìm hạnh phúc cho mình, vượt thoát ra khỏi những khuôn khổ thông thường. Ý thơ có nét mới mẻ, táo bạo, người con gái cũng biết tìm kiếm hạnh phúc của mình chứ không còn nhẫn nhục, cam chịu như những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa nữa.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

+ Dù là “ngày xưa” hay “ngày sau” thì sóng vẫn luôn tồn tại ở nhiều trạng thái như thế, vẫn luôn dạt dào, dường như đã trở thành quy luật ngàn đời không thay đổi của biền, cũng giống như khát vọng tình yêu của tuổi trẻ vậy. Mượn hình ảnh sóng để nói về lòng mình, về khát vọng tình yêu vẫn luôn thường trực, bồi hồi, thổn thức trong những tâm hồn trẻ.

+ Mở rộng: một số câu thơ tình yêu, như của ông hoàng thơ tình yêu Xuân Diệu:

“Làm sao sống  được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào”

rồi tình yêu vẫn luôn rất khó để định nghĩa:

“Đố ai định nghĩa được tình yêu

Có khó gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

=> Hai khổ thơ đầu, nữ sĩ đã dùng hình ảnh sóng để ẩn dụ cho những tình cảm yêu đương đôi lứa cũng như những niềm khao khát hạnh phúc, vốn là khao khát ngàn đời của nhân loại.

*Năm khổ thơ tiếp theo

+ Hàng loạt câu hỏi tu từ “Từ nơi nào sóng lên?”, “Gió bắt đầu từ đâu?”, câu hỏi tu từ để tìm kiếm cội nguồn của tình yêu nhưng càng cố đi sâu kiếm tìm lại càng không thể tìm ra, càng rơi vào trạng thái trống rỗng vì không thể biết được câu trả lời. Chính vì vậy mà nữ sĩ đành phải thốt lên “em cũng không biết nữa”. Điều cuối cùng mà người con gái ấy quan tâm có lẽ vẫn chỉ là “khi nào ta yêu nhau”.

+ Những cung bậc tình yêu của người con gái luôn được thể hiện ở nhiều trạng thái khác nhau nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là nỗi nhớ, một nỗi nhớ cồn cào, da diết, cháy bỏng:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt đất

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

+ Nghệ thuật đối: “dưới lòng sâu-trên mặt đất”, “ngày xưa-ngày sau”, con sóng vẫn mãi không thay đổi giống như nỗi nhớ của em dành cho anh, đã in sâu vào tiềm thức, khiến cho “cả trong mơ còn thức”.

+ Tình cảm chân thành, thủy chung của người con gái được thể hiện “dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh một phương”

+ Khẳng định quy luật vĩnh cửu của sóng “con nào chẳng tới bờ”, cũng giống như tình yêu đôi lứa, còn yêu nhau là còn có thể đến được với nhau dù có phải trải qua muôn vàn thử thách đi chăng nữa.

*Hai khổ thơ cuối

+ Khát vọng về tình yêu vĩnh cửu: Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa”: Ý thơ vừa nêu lên những khó khăn vừa thể hiện niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

+  “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”: người con gái muốn hòa mình vào biển khơi, được tan ra thành ngàn con sóng để mang tình yêu của mình đi xa mãi, được hòa vào nhịp của đại dương mênh mông.

+ Điệp từ “sóng” xuyên suốt bài thơ gợi cho ta ấn tượng về âm điệu của sóng cũng như làm cho nhịp điệu bài thơ trở nên tâm tình, thủ thỉ hơn. Sóng giữa đại dương rộng lớn hay chính là những con sóng lòng đang từng nhịp từng nhịp vỗ vào trái tim đang thổn thức của người con gái đang yêu.

1.3 Kết bài

Tổng kết nội dung và nghệ thuật của cả bài thơ

Nội dung: Bài thơ thể hiện phong cách thơ của Xuân Quỳnh, thể hiện tình cảm sôi nổi, mãnh liệt, duyên dáng, hồn nhiên, trong sáng trong tình yêu. Qua đó, nữ sĩ cũng đã thành công trong việc thể hiện những quan niệm tình yêu mới mẻ, táo bạo, của người phụ nữ hiện đại, khao khát tình yêu và dám chủ động tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc của mình.

Nghệ thuật: Nhà thơ đã xây dựng thành công hình tượng “sóng” qua hình ảnh ẩn dụ và ngôn từ bình dị, dễ đi vào lòng người. Nhịp thơ nhẹ nhàng, lôi cuốn, như từng đợt sóng vỗ nhẹ nhàng vào những trái tim đang thổn thức yêu đương.

2. Phân tích bài thơ Sóng_Xuân Quỳnh

Mở bài.

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) quê ở Hà Đông là một nhà thơ nổi tiếng và cũng là người vợ của nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Trước khi đến với sự nghiệp thi ca bà đã là một nghệ sĩ múa biểu diễn cho đoàn múa Trung ương. Xuân Quỳnh được biết đến với những tác phẩm nổi tiếng như Tiếng gà trưa, Sóng, Thuyền và Biển... Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết bài thơ Sóng trong chuyến đi công tác ở Diêm Điền Thái Bình.

Thân bài.

Khi phân tích bài thơ Sóng chúng ta sẽ thấu hiểu được sự suy tư cũng như những khát khao cháy bỏng của người phụ nữ trong tình yêu đôi lứa. Tình yêu đã vượt qua được nhiều không gian khoảng cách chỉ cần hai người luôn nghĩ về nhau. Bài thơ cũng chính là tâm sự nỗi lòng của tác giả muốn gửi gắm cho người mình yêu:

 Khổ đầu tiên chính là sự song hành giữa hai hình tượng là sóng và em. Em đã được chuyển đổi thành sự vật sóng để dễ dàng bày tỏ tình yêu của mình hơn:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Hình tượng sóng cũng giống như người con gái mới yêu vậy! Lúc thì dữ dội lúc thì dịu êm. Khi con gái tức giận vì chuyện người mình yêu đã làm thì trở nên dữ dằn nhưng khi được người yêu chiều chuộng thì con gái bỗng trở nên dịu êm và hiền từ đến lạ. Con gái sống thiên vì tình cảm nên cảm xúc bỗng chốc thay đổi nhanh chóng cũng như những làn sóng chẳng biết khi nào nó sẽ dữ dội khi nào sẽ dịu êm. Phải nói nhà thơ Xuân Quỳnh dùng hình tượng “Sóng’’ để khắc họa cho hình tượng người con gái đang yêu thật đúng và chuẩn xác. Hai tính từ “ồn ào’’ và “lặng lẽ’’ cũng là cách miêu tả tính cách người con gái lúc thì ồn ào sôi nổi nồng nhiệt lúc thì lại im lặng như hờn dỗi với người yêu. Sóng không hiểu nổi mình nên sóng đã tìm ra tận bể. Phải chăng con gái cũng chưa thể hiểu nổi lòng mình và muốn tìm ra được định nghĩa về tình yêu.

Khổ thứ hai chính là sự khát khao trong tình yêu là tuổi trẻ nồng nàn:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ’’

Tình yêu dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì nó vẫn nồng thắm và tha thiết hay đây cũng chính là tấm lòng thủy chung một lòng của người con gái khi yêu muốn dành cho người mình yêu. Dù trải qua biết bao khó khăn đi chăng nữa thì tình yêu của người con gái vẫn vậy vẫn vẹn nguyên, son sắt chưa bao giờ phai mờ. “Nỗi khát vọng tình yêu  bồi hồi trong ngực trẻ’’ chính là câu thơ thể hiện nỗi khát vọng về tình yêu luôn dạt dào và thường trực trong trái tim. Ở con gái luôn có những nỗi niềm và mong muốn điên dại được cháy hết mình cho tình yêu mặc dù người ta bảo con gái rất ngây thơ. Nhưng con gái vẫn bất chấp để được yêu. Tính từ “bồi hồi’’ thể hiện sự rung động mãnh liệt của tác giả dành cho tình yêu của mình. Dù có trải qua biết bao nhiêu thời gian hay biết bao nhiêu sự kiện thì sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ cũng luôn khao khát một thứ được gọi là tình yêu để trái tim được sưởi ấm và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Chế Lan Viên khi viết về tình yêu cũng nói: “Anh nhớ em như đông về nhớ rét, tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, như xuân đến chim rừng lông trở biếc”. Đây là những hình tượng đẹp mà độc lạ được nhà thơ Chế Lan Viên viết và khi ta đọc những câu thơ này rất dễ liên tưởng được giống với nét tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Đó là mùa đông cần có cái rét như linh hồn của nó. Anh cần em như cần linh hồn thì mới có thể sống hạnh phúc được. Những câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên viết thật mới mẻ và sáng tại làm sao khi ví tình yêu như cánh kiến hoa vàng và mùa xuân nhớ đến chim rừng. Phải có tình yêu thì mọi vạn vật mới có thể bừng sắc hương và xinh đẹp, cánh kiến thì phải có hoa vàng cũng giống như xuân về phải có chim rừng trở biếc. Nhà thơ Chế lan Viên và nhà thơ Xuân Quỳnh liệu chăng có nét suy nghĩ đồng điệu với nhau về định nghĩa tình yêu?

Khổ thơ thứ ba chính là lời giải thích cho nguồn gốc của sóng hay cũng chính là tình yêu:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ khi nào sóng lên

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Tác giả băn khoăn tự hỏi không biết sóng có từ nơi đâu và sóng có từ khi nào và tác giả cũng không biết nữa rồi chợt tự hỏi lại lòng mình khi nghĩ tình yêu của mình không biết bắt nguồn từ đâu mà “ta’’ lại có thể yêu nhau. Đúng vậy tình yêu thì làm sao có thể lý giải được chúng ta đã yêu nhau vì cái gì say mê với vẻ đẹp ngoại hình hay đắm say về tâm hồn? Đến khi ta yêu rồi mới cảm thấy chúng ta cũng ngây dại hơn không lý giải được tại sao mình đã yêu và yêu tự khi nào mất rồi.

Khổ thơ thứ 4 chính là tình cảm nhớ nhung da diết của nữ thi sĩ muốn gửi thông qua hình tượng sóng. Nhớ đến không thể nào ngủ được cũng giống như con sóng không bao giờ ngừng nghỉ vì quá nhớ đến chàng trai nào đó:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức’’

Nhớ đến người mình yêu mà thông qua miêu tả con sóng luôn vỗ,  để cập được bến bờ vì quá nhớ nhung cũng giống như người con gái luôn nhung nhớ và mong muốn gặp người mình yêu. “Cả trong mơ còn thức’’ đó là khi đi ngủ rồi nhưng trong giấc mơ người yêu vẫn luôn được ghi nhớ trong trái tim và bộ não đến nỗi “thổn thức” của người con gái. Dù có ngủ hay không thì khi yêu có khác gì nhau đâu lúc nào cũng có cảm giác nhớ nhung khôn nguôi và hình bóng của người yêu vẫn luôn thường trực trong tim người con gái. Khi mà tấm lòng của nhân vật “em’’ nhớ đến anh thì khi mơ em vẫn nhớ và em vẫn yêu. Con gái khi yêu tình cảm mà họ dành cho con trai thật sâu đậm cũng thật thiết tha biết bao!

Khổ thơ tiếp theo thể hiện sự chung thủy của người con gái dành cho người mình yêu: “Dẫu xuôi về phương Bắc, dẫu ngược về phương Nam, nơi nào em cũng nghĩ, hướng về anh một phương”. Dù đất nước Việt Nam có chia bao nhiêu vùng miền đi chăng nữa dù có phương Bắc hay phương Nam thì em vẫn chỉ nhớ đến anh dù anh không ở gần em. Tình yêu vượt qua hết mọi không gian và thời gian để có thể đến được với nhau giữa hai nhân vật em và anh. Đây phải chăng chính là cảm xúc của chính tác giả khi nhớ đến người mình yêu khi mình đang đi công tác xa. Đó chính là cảm xúc xa người yêu và nhớ nhung vô cùng. Có lẽ ai đang yêu hay đang phải yêu xa thì mới có thể hiểu và thấm thía được câu thơ này. “Hướng về một phương’’ cũng chính là sự chung thủy và tấm lòng son sắt luôn hướng đến người mình yêu, toàn tâm toàn ý, một lòng yêu anh không có gì đổi thay dù có khác nhau dù có bị cách trở bởi địa lý và thời gian đến đâu đi chăng nữa.

Người phụ nữ Việt Nam hiện lên nổi bật với những phẩm chất cao đẹp một lòng son sắt và gắn bó với chồng hay người mình yêu thông qua những dòng thơ của tác giả Xuân Quỳnh. Đến với khổ thơ tiếp theo ta lại thấy thêm yêu những người con gái ấy hơn nữa khi con gái bất chấp mọi gian khổ mọi khó khăn để được yêu: “Ở ngoài kia đại dương, trăm ngàn con sóng nhỏ, con nào chẳng tới bờ, dù muôn vời cách trở’’. Đó cũng chính là niềm tin về tình yêu chính là điểm đích cuối cùng để chúng ta mơ về và cũng chính là động lực để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Ai là người hy sinh hay cống hiến trong tình yêu thì đều có thể có được hạnh phúc trong tình yêu. Chỉ có những người không tận tâm chung thủy trong tình yêu thì mới không thể có được tình yêu đích thực thật sự được.

Hai khổ thơ cuối là khát vọng tình yêu còn mãi mong muốn một tình yêu vĩnh cửu trường tồn của người phụ nữ:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn mãi’’.

Dù năm tháng có trôi qua nhưng sóng vẫn vậy sóng vẫn vỗ tới bờ dù biển có rộng đến bao nhiêu. Mây vẫn luôn bay với gió để đi xa hơn. Vạn vật đều gắn bó với nhau cớ sao con người không thể như vậy? Con người hoàn toàn có thể gắn bó yêu thương nhau dẫu trải qua biết bao nhiêu sóng gió bão tố của cuộc đời và thời gian. Khổ thơ cuối cùng chính là mong muốn được tình yêu trường tồn vã mãi mãi với thời gian. Ước nguyện của người con gái giống như những con sóng được tan ra thành những con sóng nhỏ để được yêu thương và thể hiện tình cảm của mình nhiều hơn. Tình yêu như ngọn hải đăng giữa biển khơi khiến cho hai người yêu nhau có thể tìm được nhau giữa muôn trùng sóng biển. Tình yêu là điều kỳ diệu mà ông trời đã ban tặng cho con người và đó là điều lớn lao mà không phải ai cũng có thể được trao tặng. Khi chúng ta có tình yêu nên gìn giữ trân trọng và chung thủy một lòng với nó. Rồi chúng ta cũng sẽ có được tình yêu tuyệt vời và chứa chan biết bao nhiêu hạnh phúc với một trái tim bồi hồi và xao xuyến.

Kết bài.

Qua bài viết phân tích bài thơ Sóng đã thể hiện được khát khao tình yêu bền chặt sôi nổi và thủy chung của người con gái muốn trao cho người mình yêu. Thể thơ năm chữ dễ đọc dễ hiểu mà vẫn thể hiện sâu lắng và sự suy tư của người con gái ấy. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đúng là bà chúa thi ca khi viết lên được tác phẩm về chủ đề tình yêu đằm thắm và dạt dào đến thế!

Như vậy vieclam123.vn đã hướng dẫn cho các bạn phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh một cách chi tiết. Chúc các bạn hoàn thành bài tập làm văn của mình và đạt điểm cao.

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022