Bài viết dưới đây của Vieclam123.vn hướng dẫn học sinh phân tích những nội dung liên quan đến bài “Cảnh ngày hè” của nhà thơ Nguyễn Trãi mà các em được học trong chương Ngữ Văn lớp 10. Hy vọng với bài viết phân tích bài thơ Cảnh ngày hè này sẽ giúp các em học sinh nắm chắc được nội dung để hiểu được những ý nghĩa sâu xa mà tác giả đã gửi gắm trong tác phẩm.
MỤC LỤC
Khái quát về tác giả, tác phẩm
Khái quát về tác giả Nguyễn Trãi – Đại thi hào dân tộc
Nhà thơ Nguyễn Trãi (có hiệu là Ức Trai), ông sinh năm 1380 tại làng Ngái, huyện Phượng Sơn, Lộ Giang (nay thuộc Hải Dương). Ngày 19 – 9 – 1442 là ngày ông mất, ông mất trong vụ án Lệ Chi Viên – vụ án oan khốc nhất thời bấy giờ và cũng như trong lịch sử Việt Nam. Ông chính là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa của dân tộc, là người đi đầu trong phong trào sáng tác thơ bằng tiếng Nôm ở nước ta. Bên cạnh đó ông còn là một vị anh hùng dân tộc với tình yêu nước da diết, nồng nàn. Bài “Cảnh ngày hè” là một tác phẩm thơ đặc sắc trong bộ “Quốc âm thi tập”, một tập thơ cổ nhất bằng chữ Nôm.
Khái quát về tác phẩm “Quốc âm thi tập”
- Được xem là tập thơ Nôm đầu tiên của nước ta, hay người ta thường gọi với cái tên “Bông hoa nghệ thuật đầu mùa” của nền thơ văn Việt Nam.
- Quốc âm thi tập – vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trãi với lòng yêu nước thương dân, lý tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu cuộc sống...
- Về nghệ thuật thơ ca được sử dụng trong “Quốc âm thi tập”: Nhà thơ Nguyễn Trãi đã vận dụng rất tinh tế thể thơ thất ngôn đường luật. Tuy nhiên một vài chỗ tác giả lại đưa vào một số câu thơ lục ngôn một cách linh hoạt và hợp lí, đây chính là nét nghệ thuật phá cách mà chỉ có ở thơ Nguyễn Trãi.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ thể hiện khung cảnh ngày hè một cách độc đáo mà còn thể hiện tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người của Nguyễn Trãi. Bài thơ mang một nét đẹp giản dị, tự nhiên, có sự đan xen, kết hợp giữ thể thơ lục ngôn và thể thơ thất ngôn.
Phân tích về nội dung bài thơ “Cảnh ngày hè”
Mạch cảm xúc trong bài “Cảnh ngày hè”
Từ sự thanh thản, thư thái thêm phần bất đắc dĩ, có đôi chút chán ngán đến phấn chấn, hứng khởi đó chính là mạch cảm cảm xúc xuyên suốt trong bài thơ “Cảnh ngày hè”.
Bức tranh mùa hè trong “Cảnh ngày hè”
- Cảnh ngày hè được tác giả tái hiện đầy sức sống và thật đẹp với những chi tiết cụ thể , chân thật, sinh động, tươi tắn: tán hòe xanh, thạch lựu đỏ, hồng liên. Màu xanh của hòe, màu đỏ của lựu, màu hồng của hoa sen – những màu sắc rực rỡ, căng tràn sức sống. Cùng với đó là các động từ như: đùn đùn, phun, tiễn, giương, đây chính là các động từ miêu tả rất mạnh mẽ thể hiện một sức sống bền bỉ, mãnh liệt như có gì đó đang thôi thúc sức sống tràn đầy. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thơ rất gần gũi, bình dị, độc đáo, quen thuộc nhưng có sự phá cách không giống với những hình ảnh thơ mang tính tượng trưng ước lượng vốn thường được sử dụng phổ biến trong thơ Đường.
- Bức tranh của ngày hè náo nhiệt, gắn liền với những hình ảnh rất đời thường. Âm thanh dân dã nhưng lại rất sôi động, tiếng ve kêu, tiếng xôn xao ngoài chợ cá, đây hoàn toàn là những điều rất gần gũi. Tác giả sử dụng từ láy tượng thanh như “lao xao” cùng với phép tu từ đảo ngữ góp phần tạo nên một cảnh ngày hè nhộn nhịp, cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Đây là một bức tranh ngày hè có sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh và màu sắc, giữa con người và cảnh vật. Bức tranh ngày hè tràn ngập màu sắc, màu xanh của hòe, màu đỏ của lựu cùng với âm thanh của chợ cá, của tiếng ve khiến cho người đọc hình dung lên một không gian đầy sức sống. Trong không gian ấy, con người hiện lên thật hạnh phúc, vui tươi.
Tâm trạng nhà thơ
Những sắc thái trong bức tranh mùa hè đã thể hiện một tâm trạng đầy phấn khích trước vẻ đẹp ấy, cảnh vật dường như đã phá bỏ đi được sự tĩnh lặng của cuộc sống, qua đó thể hiện một sự thiết tha yêu đời của nhà thơ. Nỗi lòng của nhà thơ đối với cuộc sống, đối với đời được thể hiện sâu sắc ở 2 câu thơ cuối. Ông có nhắc đến hình ảnh cây đàn của Ngu Thuấn với mong ước có được sự thanh bình, no đủ cho nhân dân. Niềm gắn bó tha thiết đối với cuộc đời được thể hiện bằng niềm mong ước nhân dân được sung túc. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn thì ý thức giúp đời luôn được hiện hữu trong tâm hồn của vị Đại thi hào dân tộc.
Tổng kết nội dung và nghệ thuật của bài thơ
Nội dung: bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên của nhà thơ qua bức tranh cảnh ngày hè sống động, rực rỡ, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng một lòng vì dân vì nước của một tấm lòng trung quân ái quốc.
Nghệ thuật: Ngôn ngữ thơ giàu sức sáng tạo, đa dạng, cách sử dụng từ láy giàu sức biểu cảm tạo nên một bức tranh mùa hè vừa trang trọng vừa bình dị, sử dụng điển tích điển cố để thể hiện tấm lòng của mình, giọng điệu trữ tình nhẹ nhàng có sự biến tấu trong thể thơ thất ngôn xen lục ngôn.
Sau khi từ quan, về ở ẩn sống tại cùng đất Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã sáng tác rất nhiều các tác phẩm thơ đặc sắc, trong đó tiêu biểu có tập thơ “Quốc âm thi tập”. “Cảnh ngày hè” là bài thơ số 43 trong tập thơ đó, bài thơ chính là một bức tranh phong cảnh ngày hè sôi động, độc đáo nhưng lại chất chứa một nỗi niềm riêng của nhà thơ Nguyễn Trãi.
Trong câu thơ đầu tiên “Rồi hóng mát thuở ngày trường”, người đọc có thể thấy thoáng qua được sự êm đềm, an nhàn, thanh thoát. Câu thơ giúp hiện lên hình ảnh của nhà thơ đang nhàn nhã ngồi dưới bóng cây như đang hóng mát. Việc nước, việc quân đã tạm ổn định, xong xuôi nên ông mới quay về cuộc sống mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Có một số chỗ dịch là “Rỗi hóng mát thuở ngày trường”, dù có dịch là “rồi” hay “rỗi” cũng đều có tác dụng gây chú ý với người đọc. Tác giả rảnh rỗi, mọi việc đều xong xuôi, đã qua rồi những “ngày trường” lại càng gây được sự chú ý thêm nữa cho người đọc. Câu thơ không chỉ mang hình ảnh nhàn nhã ngồi hóng mát của Nguyễn Trãi mà còn thể hiện lên nỗi niềm, tâm sự của tác giả: “Nhàn rỗi ta hóng mát cả một ngày dài” – một xã hội đang suy yếu, ý chí và nguyện vọng của tác giả đã bị vùi lấp, vì vậy ông đành phải từ bỏ tất cả, từ quan về quê ở ẩn, phải bất đắc dĩ “hóng mát” để vơi đi bất tâm sự, với bớt đi gánh nặng đang đè nặng lên vai. Câu thơ thấp thoáng một nỗi niềm tâm sự thầm kín, không chỉ là sự nhẹ nhàng, thư thái, thanh thản như ta thấy.
Về quê ở ẩn, ông càng có nhiều cơ hội gần gũi với thiên nhiên, bởi ông là người luôn say đắm và thích thú với vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh. “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”, cảnh ngày hè qua cái nhìn, qua tình cảm và tâm hồn của nhà thơ sáng bừng sức sống. Cây hòe lớn nhanh, tán cây lan rộng tỏa bóng mát như một tấm trướng căng ra giữa trời, cành lá tươi tốt. “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”, “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” – những cây lựu đang nặng trĩu những quả chín đỏ rực, ao sen ngào ngạt hương thơm với những cánh sen muốt hồng điểm tô thêm sắc thắm. Qua cái nhìn của Nguyễn Trãi, sức sống đang bừng bừng, tràn đầy, với ông cuộc đời chính là một khu vườn thiên nhiên, một vườn hoa rực rỡ sắc màu. Cảnh vật ngày hè hiện lên như trong cổ tích bởi có lẽ nó được nhìn qua ánh mắt của một người nghệ sĩ với tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên...
Từ cảnh ngày hè đó, tình cảm của người thi sĩ cũng được thể hiện một cách sâu sắc: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”, “Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”. “Chợ” đối với người Việt mà nói đây chính là hình ảnh của sự thái bình, thịnh vượng. Chợ càng đông vui thì chứng tỏ đất nước đang thịnh trị, nhân dân ấm no, hạnh phúc, nhưng chợ ảm đạm, tan rã thể hiện tình hình đất nước loạn lạc, có chiến tranh, đao binh... Cùng với đó chính là tiếng ve kêu lúc chiều tà, một âm thanh gần gũi, bình dị nơi vùng quê yên ả. Chính những hình ảnh nơi thôn quê ấy đã càng làm tô đậm thêm tình cảm sâu sắc của tác giả và gợi lên ý tưởng mà ông đã từng theo đuổi “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng”, “Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
“Dân giàu đủ” cuộc sống của nhân dân được hạnh phúc, ấm no chính là điều mà tác giả luôn canh cánh trong lòng bấy lâu nay. Ở đây ông đã mượn hình ảnh cây đàn “Ngu” của thời vua Nghiêu Thuấn vì đây chính là hai triều đại thái bình thịnh trị. Vua Thuấn vì để ca ngợi nhân gian có cuộc sống ấm no, giàu đủ, thóc lúa ngô khoai sản xuất được nhiều nên vua đã có khúc đàn “Nam Phong”. Cho nên, Nguyễn Trãi đã mong muốn có tiếng đàn “Ngu cầm” để đưa vào đời sống của nhân dân, ca ngợi lên cuộc sống ấm no, tươi vui và tràn đầy hạnh phúc. Những mơ ước đó đã cho thấy ông có một tâm hồn vĩ đại đến nhường nào, dù trong bất cứ hoàn cảnh như thế nào, có còn là quan hay đã về ở ẩn ông đều luôn lo lắng cho cuộc sống của nhân dân.
Đó chính là một tư tưởng vô cùng đáng ngưỡng mộ. Dù cho triều đình nhà có đối xử với ông ra sao ông vẫn sống yêu đời và lạc quan, luôn mong muốn biến được ước mơ của mình thành hiện thực để nhân dân có một cuộc sống thanh bình, ấm no.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” đã giúp cho người đọc hiểu rõ được nỗi niềm của nhà thơ Nguyễn Trãi khi sống tại Côn Sơn, dù có thế nào trong ông vẫn luôn hiện hữu tấm lòng yêu nước thương dân dâng trào, mãnh liệt. Ông luôn dành một tình yêu say đắm đối với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Có lẽ chính tình yêu đối với thiên nhiên ấy đã giúp ông phần nào đó với đi sự bi quan đối với cuộc đời mình. Ông luôn canh cánh trong lòng “một tấc lòng ưu ái cũ”, không quên đi lý tưởng nhân nghĩa, lý tưởng nhân dân, trông mong tất cả mọi miền trên đất nước không có tiếng oán than, u sầu.
Nguyễn Trãi (hiệu là Ức Trai) là nhà chính trị yêu nước, nhà thơ thiên tài của dân tộc. Sau một thời gian dài làm quan trọng triều đình, ông cáo quan và bắt đầu về quê ở ẩn. Với khối lượng thơ đồ sộ mà Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế chính là một tài sản thơ ca quý giá vô cùng. Cảnh ngày hè chính là một tác phẩm thơ nằm trong tập “Quốc âm thi tập” được ông sáng tác khi ở ẩn tại Côn Sơn. Bài thơ đã vẽ lên một bức tranh ngày hè sống động, độc đáo nhưng cũng hàm chứa môt tâm sự lớn lao của tác giả.
Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ bát cú Đường luật với bố cục bốn phần rõ ràng đề - thực – luận – kết. Mở đầu bài thơ chính là hình ảnh tác giả đang thảnh thơi ngồi dưới bóng cây hóng mát “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Việc nước việc quân đã xong xuôi Nguyễn Trãi đã có thời gian để nghỉ ngơi hóng mát, đã qua rồi những “ngày trường” vất vả, mệt mỏi, yếu tố này càng làm cho người đọc quan tâm,chú ý hơn. Thật ra, cả câu thơ không chỉ tái hiện cho người đọc thấy hình ảnh nhà thơ đang thư thái ngồi hóng mát mà còn toát lên tâm tư của tác giả. Nguyễn Trãi đang ám chỉ đất nước trên đà suy thoái, những ý chí và nguyện vọng của ông đều bị dập tắt, không còn thiết tha gì nữa, ông đành phải rời bỏ triều đình, về quê sinh sống cho vơi đi những tâm sự phiền muộn, vơi đi gánh nặng đang đè nặng lên vai ông. Khi đọc lên cả câu thơ, người đọc mới có thể thấy hết được ý nghĩa hàm chứa trong đó, không còn là sự thảnh thơi như ta thấy, mà thêm vào đó là nỗi lòng thầm kín của tác giả.
Được hòa mình vào thiên nhiên, Nguyễn Trãi đã nhận thấy được vẻ đẹp tinh tế mà tại nơi triều đình đầy rẫy thị phi chưa bao giờ có được. Chỉ ba câu thơ ngắn ngủi, tác giả đã phác họa lên một bức tranh mùa hè nơi đồng quê thật hài hòa, tươi khỏe. Cây trước hiên, cây trong ao đều đang đua nhau vươn lên tốt tươi, tràn đầy sức sống cùng nhau khoe sắc, tỏa hương. “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương” - Cây hòe với những tán lá sum suê, xòe rộng, bên cạnh đó là “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ” - cây lựu với những quả chín mọng đỏ rực bên hiên nhà, cùng với đó là “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” - hoa sen hồng khắp mặt ao, nức tỏa hương thơm. Tất cả mọi cảnh vật đang dâng trào khí thế, tràn đầy sức sống, có lẽ đây chính là tâm hồn của nhà thơ lúc này. Nhà thơ Nguyễn Trãi đã sử dụng một loạt các động từ có sức gợi tả mạnh mẽ như: đùn đùn, giương, phun, tiễn gợi lên một sức sống căng đầy ẩn chứa bên trong mỗi sự vật, tạo cho người đọc sự ấn tượng với những nét mới lạ đó.
Ta bắt gặp được cảnh sắc thiên nhiên độc đáo đến vậy chính là nhờ vào lòng yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên rất mãnh liệt của nhà thơ. Cảnh sắc thiên nhiên ngày hè đã phần nào làm nổi bật rõ lên con người của tác giả, một con người luôn muốn cống hiến hết sức mình làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước. Màu đỏ của lựu chính là tấm lòng trung thành sắc son của tác giả đối với đất nước, mùi thơm ngào ngạt của hoa sen là lí tưởng lớn lao không bao giờ bị phai nhạt của nhà thơ, bởi hoa sen chính là loài hoa cao quý, thanh tao dù có sống trong bùn lầy vẫn luôn tỏa ngát hương thơm ngào ngạt.
Tiếp theo chuỗi những hình ảnh tái hiện lên bức tranh ngày hè đó chính là những câu thơ diễn tả âm thanh nơi vùng quê thanh bình “Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”, cùng với đó là xuất hiện thêm hình ảnh con người “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”. Từ “lao xao” được đặt trước cảnh chợ cá làm cho người đọc hình dung ra một khung cảnh chợ quê nhộn nhịp nơi làng ngư phủ.
Lao xao – tiếng xôn xao trao đổi qua lại, giòn dã giữa tiếng nói và tiếng cười, tất cả đều hướng đến một cuộc sống lao động chân chất, cần cù. Những âm thanh ấy dần hòa quyện cùng với tiếng ve dắng dỏi kêu. Tiếng ve ấy vang lên trong một buổi chiều tà luôn gợi buồn, những đối với nhà thơ thì tiếng ve lúc này lại trở thành một thứ âm thanh rộn rã, khiến cho tâm trạng của ông cũng được rạo rực theo.
“Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng”, “Dân giàu đủ khắp đòi phương” – Từ miêu tả sang biểu cảm, từ khách thể sang chủ thể, từ mạch thơ hướng ngoại sang hướng nội, nhà thơ đã bộc lộ hết nỗi lòng của mình ở hai câu thơ kết. Đó chính là một ước mơ, một ước mơ được tác giả ấp ủ bấy lâu nay, giấc mơ Nghiêu Thuấn, giấc mơ có giá trị ngàn đời đối với những con người trong thời trung đại, luôn mong ước đất nước có một bậc hiền vương để được yên bình, ấm no, hạnh phúc. Giờ đây, khi thấy thiên nhiên, vạn vật hòa nhã như thế, Nguyễn Trãi lại càng canh cánh ước mơ vĩ đại này. Đối với Nguyễn Trãi, tư tưởng vĩ đại ấy luôn sục sôi trong ông, thể hiện trong từng hành động, khắc khoải trong tâm trí và đặc biệt nó luôn chảy mãnh liệt trong từng câu thơ.
“Cảnh ngày hè” là là một tác phẩm thơ không chỉ sáng tạo trong hình thức thơ mà còn độc đáo trong cách dùng từ. Để tăng thêm phần hấp dẫn và tăng sức gợi tả cho bài thơ tác giả đã đặt các tính từ, động từ vào đầu câu. Đây chính là một bài thơ tả cảnh ngày hè sinh động, chân thật, tràn đầy sức sống, bức tranh hè hiện lên đầy màu sắc tươi tắn cùng các âm thanh gần gũi gợi lên tâm hồn yêu đời của tác giả. Bên cạnh đó bài thơ cũng thể hiện tấm lòng chân quý của nhà thơ, một tấm lòng cao cả đầy tình nghĩa khiến người đời biết ơn, kính trọng công lao của ông đối với đất nước. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào Nguyễn Trãi vẫn một lòng kiên trung ái quốc, lo lắng cho nhân dân.
“Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia
Quân thân chưa báo, lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo phụ cha”
(Vô đề)
Nguyễn Trãi- người anh hùng vĩ đại của dân tộc, suốt cuộc đời canh cánh nỗi lo nước nhà, cho tới khi về quê nhà ở ẩn tại Côn Sơn, sống một cuộc đời nhàn cư, vẫn không ngừng những nỗi âu lo cho dân cho nước. Tấm lòng ấy được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Cảnh ngày hè”, ẩn sau bức tranh cảnh ngày hè rực rỡ ấy là một tình yêu thiên nhiên, yêu dân, yêu nước tha thiết.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” là bài thơ số 43 trong mục “Bảo kính cảnh giới” của tập “Quốc âm thi tập”-tập thơ phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi, người anh hùng với lý tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân cũng như tình yêu với thiên nhiên, con người, quê hương, cuộc sống.
Đến với “Cảnh ngày hè”, người đọc trước tiên được chiêm ngưỡng bức tranh ngày hè rực rỡ, tràn đầy sức sống qua những vần thơ tài hoa:
“Rồi, hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Câu thơ mở đầu đã gợi ra hoàn cảnh hiện tại của nhà thơ, một con người từng bận rộn chốn quan trường với việc dân việc nước nay lại có khoảng thời gian rảnh rỗi “rồi, hóng mát thuở ngày trường”. “Rồi” ở đây có nghĩa là rảnh rỗi, với Nguyễn Trãi có thể được hiểu là những tháng ngày ẩn cư không có quá nhiều việc phải bận tâm, chỉ có “hóng mát” cho hết một ngày dài (ngày trường). Trong câu thơ ta còn nhìn thấy một tâm thế ung dung, thoải mái của tác giả khi đón nhận cảnh ngày hè, không còn sự vội vã mà thay vào đó là sự nhàn hạ.
Bức tranh mùa hè được mở ra bởi hình ảnh của cây hòe, của “thạch lựu hiên”, của “hồng liên trì” với những sắc màu rực rỡ, màu xanh đậm của tán hòe, màu đỏ chói của cây thạch lựu, màu hồng của cánh sen. Không những nhìn thấy sắc màu của sự vật, nhà thơ còn sử dụng khướu giác để cảm nhận mùi hương được tỏa ra, đó là mùi hương của hoa sen “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Điều tinh tế của Nguyễn Trãi là ở chỗ, ông không chỉ cảm nhận mùa hè qua hình ảnh, màu sắc, hương thơm mà ông còn cảm nhận được sức sống chảy tràn trong từng cảnh vật. Qua một loạt các động từ mạnh “đùn đùn”, “phun”, “tiễn” đã thể hiện sức sống mãnh liệt, như có một cái gì thôi thúc bên trong khiến cảnh vật hiện lên sống động vô cùng.
Chỉ với ba câu thơ ngắn gọn, bức tranh mùa hè với cành lá xanh tươi, những cánh hoa điểm tô sắc thắm với màu sắc rực rỡ đã hiện lên thật đẹp, thật rực rỡ biết bao. Qua ngòi bút và tâm hồn tác giả, cảnh vật như đang bừng lên sức sống, đang ở độ viên mãn nhất, căng tràn nhất, dâng hiến cho đời những gì tinh túy nhất. Phải là con người có óc quan sát, cảm nhận tinh tế cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết thì Nguyễn Trãi mới có thể có những câu thơ hay đến vậy.
Không chỉ nhìn thấy cảnh ngày hè bằng hình ảnh, cảm nhận bằng thị giác, khướu giác, mà cảnh ngày hè còn đến trong tâm hồn nhà thơ bằng âm thanh, âm thanh của cuộc sống vui vẻ, nhộn nhịp:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Âm thanh của một phiên chợ cá vào cuối buổi chiều từ xa vọng lại. Đó là một âm thanh rất quen thuộc, gợi ra nếp sống sinh hoạt giản dị nhưng lại có một cảm giác rất ấm áp bởi phiên chợ chính là hình ảnh của sự no đủ, sung túc, niềm hạnh phúc đáng mơ ước của mỗi con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lao xao”, “dắng dỏi” âm thanh của phiên chợ, của tiếng cầm ve được đảo lên đầu câu đã nhấn mạnh được âm thanh cuộc sống mà tác giả đã nghe và cảm nhận được.
Trong nhiều bài thơ khác, nhiều nhà thơ, nhà văn có nhắc tới phiên chợ quê, thể hiện nếp sống sinh hoạt của con người nhưng không có phiên chợ nào sôi nổi, náo nhiệt như phiên chợ quê trong “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi. Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” phiên chợ bên sông trong miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan toát lên vẻ xơ xác, tiêu điều:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Hay phiên chợ trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam-một nhà văn trẻ sau này cũng miêu tả cảnh phiên chợ tàn cuối ngày của phố huyện nhỏ chỉ có vỏ bưởi, lá nhãn và rác rưởi còn sót lại.
Hai chữ “lao xao” trong phiên chợ quê mà Nguyễn Trãi cảm nhận lại thể hiện được sự nhộn nhịp và cuộc sống sung túc của con người. Tất cả âm thanh trong buổi chiều “tịch dương” kết thúc một ngày dài ấy đã được Nguyễn Trãi tái hiện lại rất thành công và xuất sắc.
Bức tranh mùa hè hiện lên có sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc, mùi hương, có sự hài hòa giữa con người và cảnh vật thiên nhiên. Bức tranh mang vẻ đẹp bình dị của quê hương, đất nước, con người Việt Nam, là điển hình cho cảnh sắc thiên nhiên mùa hè ở vùng quê trung du miền núi Bắc Bộ.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ dừng lại ở việc miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè mà còn thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của Ức Trai, một bậc trung thần tận tâm vì dân vì nước đã từng được vua Lê Thánh Tông ban tặng câu thơ “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Nhà thơ đã thể hiện cái “tâm sáng” đó qua hai câu thơ cuối bài:
“Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nhà thơ lấy điển tích xưa để nói chuyện hiện tại, thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân đến trọn đời. Nguyễn Trãi mong muốn có cây Đàn của vua Nghiêu, vua Thuấn để gảy lên một khúc Nam phong, làm cho thiên hạ thái bình, dân giàu đủ khắp bốn phương.
Nguyễn Trãi đã dành cả cuộc đời để làm việc nghĩa, giúp ích cho dân, cho nước, luôn luôn sống trong trạng thái:
“Bưu một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”
(Thuật hứng)
Nguyễn Trãi dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ cho mình một cái tâm trong sạch: “Phú quý chẳng tham, thanh tựa nước”, cũng như ông luôn nhận thức rõ “Dưới công danh đeo khổ nhục/Trong dầu dãi có phong lưu”.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng lại có đến hai câu thơ lục ngôn phá luật, tuy nhiên vẫn đảm bảo đủ 4 phần đề-thực-luận-kết của thơ Đường. Chính bởi nét phá cách sáng tạo này mà bài thơ đã mang một nét đặc sắc riêng, thể hiện tài hoa của Nguyễn Trãi.
Qua bài thơ, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống cũng như niềm mong mỏi, khao khát của một bậc trung quân, ái quốc suốt đời lo cho dân cho nước. Với ngôn ngữ thơ độc đáo, giàu sức sáng tạo, hình ảnh thơ bình dị, bài thơ đã để lại ấn tượng khó quên cho người đọc ở nhiều thế hệ từ nay cho tới mãi về sau. Tấm lòng Ức Trai cũng vẫn sẽ sáng mãi cùng năm tháng, dẫu cho lớp bụi thời gian có phủ mờ trang sách.
Trên đây là các phân tích về tác giả Nguyễn Trãi cùng tác phẩm “Cảnh ngày hè”, kèm theo đó là những bài văn mẫu phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” mà Vieclam123.vn đã cung cấp. Hy vọng với bài viết này có thể giúp các em học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ Văn lớp 10.
>> Tham khảo thêm:
MỤC LỤC
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022