Blog

Tìm hiểu khái quát về ngữ pháp tiếng Việt - và các quy tắc cần nhớ

17/11/2020

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Ngữ pháp tiếng Việt là toàn bộ các quy tắc, quy luật hoạt động của ngôn ngữ. Tìm hiểu về đặc điểm của ngữ pháp tiếng Việt qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn.

1. Ngữ pháp là gì?

Ngữ pháp được định nghĩa là toàn bộ các quy tắc hoạt động của các yếu tố ngôn ngữ. Các yếu tố ngôn ngữ bao gồm từ, cụm từ và câu. 

Ngữ pháp học được coi là một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về ngữ pháp. Ngữ pháp học gồm hai bộ phận là từ pháp học và cú pháp học. Trong đó:

  • Từ pháp học: chuyên nghiên cứu về phương thức cấu tạo từ và từ loại

  • Cú pháp học: nghiên cứu về quy tắc kết hợp các từ thành cụm từ, câu.

Một số đặc điểm của ngữ pháp như tính khái quát, tính hệ thống, tính bền vững.

  • Tính khái quát: so với các bộ phận khác của ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng thì ngữ pháp có tính cao hơn.

  • Tính hệ thống: ngữ pháp bao gồm các đơn vị, kết cấu và quan hệ ngữ pháp giữa các đơn vị, do đó, ngôn ngữ có tính hệ thống.

  • Tính bền vững: So với ngữ âm và từ vựng thì ngữ pháp có sự biến đổi chậm hơn và ít hơn, vì vậy nó có tính bền vững hơn. 

2. Đặc điểm của ngữ pháp tiếng Việt

Tiếng trong tiếng Việt là đơn vị dễ nhận diện bởi vì nó được cấu tạo bằng một âm tiết, mỗi âm tiết được phát âm tách rời nhau và được viết bằng một chữ viết. Có ba phương thức ngữ pháp chủ yếu trong tiếng Việt là phương thức trật tự từ, phương thức hư từ và phương thức ngữ điệu.

  • Phương thức trật tự từ: việc thay đổi trật từ từ trong tiếng Việt có thể dẫn đến việc thay đổi ý nghĩa của chúng.

Ví dụ:

Từ “bàn năm” khác với ý nghĩa của từ “năm bàn”, hay “đến trường nó đi” khác với ý nghĩa của từ “nó đi đến trường”.

  • Phương thức hư từ: Hư từ là những từ không có khả năng độc lập để trở thành thành phần câu nhưng có thể làm thay đổi nghĩa của câu.

Ví dụ: “anh Hai đã đi học” khác với “anh Hai chưa đi học” hay “anh Hai sẽ đi học”. Hoặc “anh và em” khác với “anh của em” hay “anh vì em”.

  • Phương thức ngữ điệu: qua ngữ điệu của câu mà người nghe có thể thấy được sự khác nhau trong thông điệp của người nói.

Ví dụ: Cùng một câu như “đêm hôm qua, cầu gãy” và “đêm hôm, qua cầu gãy” nhưng rõ ràng ngữ điệu khác nhau khiến chúng ta hiểu theo những cách khác nhau.

3. Các phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt, phương thức cấu tạo từ chủ yếu theo hai phương thức là từ láy và từ ghép. 

Từ ghép là những từ được kết hợp theo một trật tự nhất định để tạo ra một từ mới.

Ví dụ về từ ghép như:

Học + Tập = Học tập

Mua + bán =mua bán

Từ ghép cũng được chia ra thành 2 loại dựa theo quan hệ giữa các thành tố là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ. Từ ghép đẳng lập là những từ mà quan hệ giữa các thành tố là bình đẳng. Từ ghép chính phụ là những từ mà  quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố là quan hệ bất bình đẳng.

Ví dụ: 

  • Từ ghép đẳng lập: học tập, sách vở, núi non,...

  • Từ ghép chính phụ: xe máy, xe đạp, dưa hấu, dưa gang,..

Từ láy là những từ được hình thành bởi việc lặp lại toàn bộ hay một bộ phận của từ gốc để tạo ra từ mới.

Ví dụ về từ láy:

Đỏ => đo đỏ

Lạnh => lành lạnh

Từ láy cũng được chia thành từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.

  • Từ láy toàn bộ: sừng sững, lăm lăm, đùng đùng,...

  • Từ láy bộ phận: lấp lánh, rung rinh, ngo ngoe,...

4. Câu tiếng Việt

Câu trong tiếng Việt là đơn vị thông báo nhỏ nhất bằng ngôn ngữ, mang một ý nghĩa tương đối trọn vẹn hay thái độ, sự đánh giá của người nói hoặc có thể thể kèm theo thái độ, đánh giá của người nói.

Câu trong tiếng Việt có tính độc lập về ngôn ngữ, có ngữ điệu kèm theo để thể hiện thái độ nhất định, thường mang một nội dung thông báo. Câu tiếng Việt thường thể hiện thái độ chủ quan của người nói đối với hiện thực khách quan và với đối tượng giao tiếp.

4.1. Thành phần câu

Một câu thông thường sẽ có hai thành phần là thành phần chính và thành phần phụ. Thành phần chính trong câu bao gồm chủ ngữ và vị ngữ. Chủ ngữ trong câu thường là đại từ, danh từ, các thực từ khác như động từ, tính từ, số từ cũng có thể làm chủ ngữ nhưng thường được sử dụng với tần số ít hơn. Vị ngữ thường do động từ, cụm động từ, tính từ, cụm tính từ đảm nhận. Trường hợp vị ngữ là danh từ, cụm danh từ thì thường đứng sau từ “là”.

Ví dụ về thành phần chính trong câu:

  • Tôi đi học. 

=> Trong đó, “tôi” là chủ ngữ, “đi học” là vị ngữ

  • Thời tiết vô cùng oi bức.

=> Trong đó, “thời tiết” là chủ ngữ, “vô cùng oi bức” là vị ngữ.

Thành phần phụ trong câu (hay còn được gọi là thành phần ngoài nòng cốt câu), có tác dụng mở rộng, bổ sung ý nghĩa trong câu. Một số thành phần phụ của câu như:

  • Trạng ngữ: Trạng ngữ là từ hoặc cụm từ bổ sung ý nghĩa về địa điểm, thời gian, cách thức, phương thức, hoàn cảnh. Trạng ngữ có thể đứng đầu câu, cuối câu, hoặc giữa câu, vị trí đứng có thể linh hoạt.

Ví dụ:

Hôm nay, tôi đi học.

=> Trong câu, “hôm nay” là trạng từ

  • Đề ngữ: đề ngữ thường được cấu tạo bằng từ hoặc cụm từ, dùng để nêu lên một vật, một đối tượng hay nội dung cụ thể có liên quan đến ý nghĩa mà thành phần chính trong câu biểu đạt.

Ví dụ: Nghèo thì không ai nghèo bằng ông ta rồi.

=> Đề ngữ trong câu là “nghèo”

  • Tình thái ngữ: tình thái ngữ biểu thị thái độ, đánh giá của người nói tới một người, sự vật, sự việc cụ thể.

Ví dụ: Đúng là cô ta giàu thật.

=> Tình thái từ trong câu “đúng là”

  • Giải ngữ: giải ngữ là bộ phận chêm chen, dùng để chú giải thêm về một khía cạnh nào đó liên quan đến sự vật, hiện tượng được nhắc đến trong câu.

Ví dụ: Nam, người bạn thân nhất của Huy, cuối năm sẽ ra nước ngoài du học.

=> Giải ngữ trong câu là “người bạn thân nhất của Huy”

  • Liên ngữ: liên ngữ là thành phần biệt lập trong câu, thường đứng trước thành phần chính để liên kết ý của câu với câu trước hoặc sau nó.

Ví dụ: một số ví dụ về liên ngữ trong câu như “ tóm lại, tuy vậy, thế mà, trái lại, một mặt, mặt khác, nói tóm lại, cụ thể là, chẳng hạn như, vả lại, nhìn chung là, thật vậy, tuy nhiên, ngược lại, vì thế,....”

4.2. Các loại câu

Câu trong tiếng Việt được chia ra thành câu đơn và câu ghép. Có thể có thêm câu phức (là dạng câu trung gian giữa câu đơn và câu ghép).

Câu đơn là câu có một cụm chủ vị.

Ví dụ: Thời tiết thật đẹp.

=> Chủ ngữ trong câu là “thời tiết”, vị ngữ là “thật đẹp”

Câu ghép là câu có từ 2 cụm chủ vị trở lên.

Ví dụ 1: Mưa to và sấm chớp đùng đoàng.

=> Chủ ngữ 1 là “mưa”, vị ngữ 1 là “to”, chủ ngữ 2 là “sấm chớp” và vị ngữ 2 là “đùng đoàng”.

Ví dụ 2: Mặc dù trời mưa to, chúng tôi vẫn đến trường.

=> Mệnh đề 1 là “mặc dù trời mưa to”, mệnh đề 2 là “chúng tôi vẫn đến trường”

5. Các loại dấu câu trong tiếng Việt

Dấu câu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên ngữ pháp câu, đặc biệt trong chữ viết. Các loại dấu câu trong tiếng Việt giúp phân rõ ranh giới giữa các câu, các thành phần câu, các về câu. Đồng thời nó còn thể hiện ngữ điệu trong câu, dùng để biểu thị tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết.

Nếu dùng dấu câu không đúng thì người đọc có thể hiểu sai ý câu, gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng.

Cụ thể các loại dấu câu trong tiếng Việt bao gồm: dấu chấm câu, dấu hỏi, dấu chấm than, dấu chấm phẩy, dấu phẩy, dấu ba chấm, dấu ngoặc đơn,...

Trong đó, dấu chấm câu thường được dùng trong câu tường thuật, khi đọc cần phải có quãng nghỉ dài hơn so với dấu phẩy, dấu chấm phẩy. Ví dụ câu “Tôi đi làm.”

Dấu hỏi thường được dùng trong câu nghi vấn, khi đọc cũng cần ngưng nghỉ và lên giọng. Ví dụ “Mấy giờ rồi?”

Dấu chấm than được dùng trong câu cầu khiến để biểu lộ cảm xúc, ví dụ như “trời ơi! Buồn quá!”

Dấu phẩy được dùng để phân cách bộ phận nòng cốt với bộ phận ngoài nòng cốt của câu.

Dấu chấm phẩy thường dùng để phân tách ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, nhất là khi giữa các vế câu có sự đối xứng về nghĩa.

Dấu gạch ngang: được sử dụng để liệt kê, đánh dấu lời nói trực tiếp hoặc đánh dấu bộ phận chú thích trong câu.

Dấu ngoặc đơn cũng được sử dụng để chỉ ranh giới của thành phần chú thích.

Như vậy, trên đây là phần tổng quát chung để bạn có thể hiểu hơn về ngữ pháp tiếng Việt. Hy vọng bài viết từ Vieclam123.vn đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích. Hãy theo dõi thêm nhiều bài viết từ Vieclam123.vn để có thể hiểu biết thêm những điều thú vị nhé.

>> Tham khảo ngay:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022