Blog

Học lệch là gì? Học lệch có đáng lo ngại với học sinh hiện nay không?

22/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Học tập là cả một quá trình tiếp thu tri thức, bồi đắp kiến thức giúp chúng ta tự tin bước vào cuộc sống, trở thành công dân có ích, người có văn hóa, hiểu và được người khác tôn trọng. Mà cuộc sống quanh ta thì muôn màu muôn vẻ, nên đòi hỏi con người phải tự trang bị cho mình kiến thức toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan cũng như áp lực thi cử khiến xảy ra tình trạng học lệch ở các bạn học sinh rất phổ biến. Hậu quả từ việc học lệch cũng là điều mà các bạn học sinh không thể lường trước.

1. Học lệch là gì?

Học lệch là tình trạng học không đều các môn, chỉ học trọng tâm vào các môn mình thích hoặc để phục vụ thi Đại học. Trong quá trình học trên lớp, các bạn học sinh thường chỉ quan tâm đến các môn học tự nhiên như Toán – Lý – Hóa mà không màng đến các môn xã hội và ngược lại, hoặc có thì cũng chỉ mang tính chất đối phó. Vậy hiện trạng học lệch đã phổ biến như thế nào? Liệu đây có trở thành xu hướng học của các bạn học sinh hiện nay?

2. Hiện trạng học lệch của học sinh hiện nay

Hiện tượng các em học sinh học lệch, chỉ tập trung vào các môn học chính, môn học phục vụ cho ôn thi Đại học hay vào các trường chuyên mà không quan tâm đến học toàn diện và đặc biệt là không chú trọng các môn giáo dục thể chất, đạo đức… Ngay từ cấp bậc tiểu học, bố mẹ đã hướng cho các em tập trung chủ yếu vào học Toán, Văn và Anh để thi vào các lớp chọn, trường chuyên. Đầu tư cho con học hết từ Toán – Văn cơ bản đến nâng cao, cho con học ở trường đến học thêm… Nhiều phụ huynh lo xa còn bồi dưỡng cho con học tiếng Anh quá cao siêu trong khi tiếng Việt -  tiếng mẹ đẻ còn rất kém.

Chưa hết, còn với các em học ở cấp học trung học và phổ thông thì việc học lệch chỉ để phục vụ cho nhu cầu chọn lựa khối thi, trường thi. Bạn định thi vào khối thi nào sẽ chuyên tâm học các môn đó hơn. Ngay cả việc chọn khối thi cũng ảnh hưởng từ những ngành nghề hot hiện nay.

3. Nguyên nhân dẫn đến học lệch

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới học lệch hiện nay, các bạn có thể tham khảo một vài nguyên nhân sau:

3.1. Nguyên nhân chủ quan

- Nguyên nhân chủ quan đầu tiên dẫn đến việc học lệch của các bạn học sinh đó là do khả năng học tập của mỗi người là khác nhau. Mỗi người chúng ta đều đã từng học tập và rèn luyện, có thể nhìn ra rằng bản thân mình đều chưa đạt được tất cả những năng lực như tư duy logic, tính toán, đọc – viết, công nghệ thông tin, giao tiếp và làm chủ ngôn ngữ, sáng tạo nghệ thuật… Rất hiếm người có thể phát triển được toàn diện tất cả những khả năng trên. Chính vì năng lực tiếp thu và phát triển của mỗi người là khác nhau nên không mấy ngạc nhiên khi cùng một bài giảng mà học sinh này thấy hứng thú, tiếp thu nhanh còn học sinh kia lại không thể tiếp thu hoặc thấy nhàm chán.

- Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến học lệch đó là dựa vào sở thích của mỗi bạn học sinh. Có bạn thích học các môn tự nhiên vì không phải ghi chép nhiều, không phải học thuộc quá nhiều chỉ cần có tư duy nhanh nhạy, sắc bén. Còn có bạn lại thích các môn xã hội vì đơn giản là lười tính toán, không khô khan như các môn Toán – Lý – Hóa.

- Tâm lý ngại nghiên cứu, ngại học hay nói cách khác là “bệnh lười” đã ăn sâu vào thói quen học tập của các bạn học sinh. Mang sẵn tâm lý học cho qua, hoc để đủ điểm qua môn, lên lớp nên chỉ chú trọng vào các môn đi thi thôi.

3.2. Nguyên nhân khách quan

- Do chương trình giáo dục và cơ chế thi cử hiện nay phân theo khối, ngành nên để thích ứng với điều này các bậc phụ huynh và giáo viên chỉ hướng cho học sinh học những môn phải thi. Nhiều bạn học sinh xác định được khối và ngành nên đã học lệch ngay từ lớp 10. Trong một thời gian dài, các bạn học sinh sẽ bị hổng kiến thức, rất khó để học giỏi toàn diện. Nhiều ý kiến cũng cho thấy, chính những chủ trương giáo dục cũng vô hình chung hình thành nên môn học chính, môn học phụ tạo ra hiện tượng học lệch ở học sinh.

- Bên cạnh đó, kiến thức trong sách giáo khoa sau nhiều năm không được cải cách, còn mang nặng lý thuyết, ít tính thực tế, cập nhật với đời sống hiện nay. Chính điều nay cũng đã khiến cho nhiều học sinh không mấy hứng thú để có động lực học tất cả các môn.

- Ngoài ra, sự kỳ vọng của gia đình về thành tích cũng tác động không ít đến tâm lý học của các em học sinh. Bố mẹ lo cho tương lai của con mình, định hướng con em mình phải thi đỗ các trường chuyên, trường đại học danh tiếng với các ngành hot như ngân hàng, kiến trúc, bách khoa, kinh tế…Từ sự định hướng chỉ học các môn chính đó nên buộc các em phải lựa chọn học lệch để thi đỗ.

- Nguyên nhân khách quán cuối cùng đó là có cầu ắt có cung. Xu hướng đổ dồn vào các ngành kinh tế, kỹ thuật cao vẫn ngày càng gia tăng. Còn những lựa chọn các ngành xã hội lại ít hơn, nhu cầu việc làm không cao, hay thu nhập không mấy hấp dẫn các bạn trẻ cũng như các bậc phụ huynh. Và đã xảy ra một thực tế trong xã hội là rất nhiều bạn trẻ ra trường làm trái ngành, trái nghề. Đây là một sự lãng phí cho cả bản thân và xã hội.

4. Những hậu quả khó lường từ việc học lệch

- Như các bạn đã biết, sau 3 năm cơ chế thi sẽ thay đổi một cách bất ngờ. Rất có thể các bạn học sinh sẽ phải thi tốt nghiệp các môn học khác, dẫn đến việc bị động vì trong một thời gian dài không học tập kĩ càng những môn học mình đã bỏ qua. Kiến thức bị hổng trong một thời gian dài dẫn đến việc học và ôn luyện gấp rút, không tìm được sự hứng thú trong môn học cũng như khó đạt được kết quả như mong muốn.

- Ngay từ những năm gần đây đã xuất hiện những đề thi tích hợp liên môn, bao gồm các kiến thức liên quan đến nhau buộc các bạn phải sử dụng các kiến thức của các môn học để xử lý. Việc học lệch từ đó cũng sinh ra hậu quả là việ quay cóp. Khi trong bài thi có kiến thức của môn mình không học sẽ khiến các bạn học sinh dễ nảy sinh tâm lý nhìn bài bạn, quay cóp phao. Điều này về lâu dài nếu không bị phát hiện sẽ tạo cho các em học sinh một thói quen xấu, lười suy nghĩ và không trung thực trong thi cử. Nghiêm trọng hơn, sẽ còn ảnh hưởng đến kết quả thi của các bạn cũng như công sư đèn sách bao năm cũng “đổ sông đổ biển” hết.

- Không những thế, học lệch còn khiến các bạn học sinh thiếu đi những kiến thức cân bằng cuộc sống. Các kiến thức ấy chính là kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và cả việc rèn luyện thể chất. Chẳng mấy ngạc nhiên khi trong các trường học ở Việt Nam học sinh lại coi môn Giáo dục công dân, Mỹ thuật hay Thể dục là môn học phụ và ít được quan tâm. Trong khi đó môn Giáo dục công dân được coi là môn học quan trọng, dạy cho các em đạo đức, giáo dục lối sống cũng như hình thành các kỹ năng sống cơ bản. Còn môn Thể dục giúp các em rèn luyện thể chất, đảm bảo cho các em có sức khỏe tốt để hoàn thành việc học tập của mình. Thế nhưng việc xem nhẹ những môn học này đã cho thấy ngay sự xuống cấp đạo đức từ không ít các bạn học sinh hiện nay, thể lực yếu không đáp ứng được sức khỏe để học tập, vui chơi…

Còn nhiều môn học khác cũng trở thành các môn học phụ, bị lu mờ không được các bạn học sinh coi trọng. Các bạn sẽ nghĩ rằng mình sẽ chẳng cần nhớ đến những môn học này làm gì. Nhưng chẳng cần ví dụ đâu xa xôi, ngay khi bạn lên Đại học thì những kiến thức bị lãng quên ấy lại phục vụ rất nhiều trong việc nghiên cứu và học tập của bạn.

- Tiếp đến hậu quả từ việc học lệch gây ra đó là làm lệch lạc về tư duy, nhận thức. Bạn sẽ trở thành một nhà khoa học giỏi nhưng lại kém trong giao tiếp, không tự tin trước đám đông khiến bạn không phát huy được kiến thức của mình.

5. Phương pháp giúp các bạn học sinh tránh học lệch

5.1. Tất cả môn học đều quan trọng

Đầu tiên, bạn phải nhận định rõ ràng rằng không có môn nào là môn chính cũng không có môn nào là môn phụ cả, tất cả các môn học đều quan trọng như nhau. Những kiến thức học được trong quá trình học tập trên trường sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi làm bài tập cũng như trong cuộc sống.

5.2. Phân chia thời gian học hợp lý

Với những môn học bạn thấy hứng thú chắc chắn bạn sẽ giành thời gian và tập trung cho chúng nhiều hơn. Tuy nhiên, vô tình lại dẫn tới học lệch. Ngay sau khi ý thức được các môn học đều quan trọng như nhau, thì bạn phải tìm được cách cân bằng tất cả. Phân chia thời gian học các môn sao cho thật phù hợp với lịch học của mình.

5.3. Trao đổi và nêu ý kiến của mình với phụ huynh

Nhiều bố mẹ đã định hướng sẵn cho con ngành học, khối học nhất định và có tư tưởng xem nhẹ những môn học còn lại. Bạn tự biết điều đấy là chưa đúng, bạn thấy áp lực và mệt mỏi khi phải gánh những áp lực đó. Hãy ngồi nói chuyện thẳng thắn với phụ huynh để tìm ra cách học tốt nhất. Bạn phải nhớ rằng học cho bạn chứ không phải học cho bố mẹ, chủ động trong việc học và đừng để người quyết định là bố mẹ.

5.4. Nâng cao kiến thức và hiểu biết toàn diện

Ưu tiên phát triển toàn bộ kiến thức thay vì chỉ chú trọng vào một vào môn học nhất định nào đó. Bạn là một người có trí tiến thủ, muốn tăng vốn hiểu biết và kiến thức của mình thì tự khắc bạn sẽ tránh được việc học lệch. 

Mong rằng bài đọc sau sẽ giúp cho các bạn học sinh tránh được tình trạng học lệch sớm nhất có thể để không phải hối tiếc trong quá trình học tập của mình.

>> Đọc thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022