Tết trung thu có lẽ là một ngày lễ quá quen thuộc với người dân Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, liệu bạn có tò mò về ngày tết trung thu ở các quốc gia khác hay không? Đặc biệt là quốc gia cùng châu Á như chúng ta là Hàn Quốc chẳng hạn. Thực tế thì người Hàn cũng có ngày tết trung thu và được gọi là Chuseok. Vậy, ngày Chuseok là ngày gì và có ý nghĩa ra sao? Các hoạt động tiêu biểu nào sẽ diễn ra trong ngày này? Cùng tìm hiểu chi tiết về ngày tết Trung thu của Hàn Quốc qua bài viết dưới đây nhé!
MỤC LỤC
Chuseok trong tiếng Hán Việt là “thu tịch”, dịch sang tiếng Việt được hiểu là “đêm thu”. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ ngày tết trung thu của người Hàn Quốc và cũng là ngày lễ tạ ơn của người dân Hàn Quốc, Triều Tiên. Là một ngày lễ chính thức và lớn thứ 2 trong năm nên vào ngày Chuseok thì người dân Hàn Quốc đều được nghỉ lễ, không cần phải đi làm.
Cũng giống như Việt Nam, tết trung thu của người Hàn Quốc cũng diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch, tức ngày 15/8 hàng năm. Từ giai đoạn năm 1986 - 1988 thì người Hàn sẽ có 2 ngày nghỉ lễ Chuseok là ngày 15 và 16/8. Tuy nhiên, từ năm 1989 cho đến nay thì ngày nghỉ lễ Chuseok đã tăng lên thành 3 ngày, tức là ngày 14, 15 và 16/8 âm lịch.
Ngoài tên gọi là Chuseok thì ngày lễ này còn có tên khác là Jungchu hay Hangawi. Theo đó, “han” có nghĩa là lớn và “gawi” có nghĩa là ngày rằm tháng 8. Cái tên này nhằm thể hiện ngày 15/8 âm lịch là một ngày lễ lớn của người dân Hàn Quốc và đây cũng thường là ngày mà trăng sẽ tròn, rõ và to nhất.
Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của lễ Chuseok. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu thì lễ Chuseok bắt nguồn từ nước Silla (năm 57 TCN đến năm 935) ở thời Gabae. Khi đó, vua Yuri (24 - 27), vị vua đời thứ 3 của triều Silla là người đầu tiên tổ chức ngày lễ Chuseok với xuất phát ban đầu là một cuộc thi tài.
Nhà vua thách các nữ nhi ở kinh thành dệt vải từ ngày 16/7 âm lịch đến ngày 14/8 âm lịch. Ai dệt được nhiều nhất sẽ được thưởng một bữa cỗ vô cùng thịnh soạn. Và dần dần thì cuộc thi tài này đã được biến đổi thành một ngày lễ vui chơi ở dân gian. Chuseok cũng được hình thành và bắt nguồn từ đó.
Nếu như đã biết được Chuseok là ngày gì thì theo bạn, ý nghĩa của ngày Chuseok sẽ là gì?
Ngày lễ Chuseok diễn ra vào mùa thu, là mùa thu hoạch nên đây sẽ là dịp mà người dân Hàn Quốc cảm tạ tổ tiên của mình vì đã mang đến cho họ một mùa bội thu. Vì vậy mà trong ngày lễ Chuseok sẽ không bao giờ thiếu mâm cơm cúng bái tổ tiên để con cháu trong gia đình có thể tưởng nhớ và tạ ơn công đức, phước lành mà tổ tiên đã ban cho. Đồng thời, qua dịp này họ cũng sẽ gửi lời cầu mong cho mùa vụ năm sau có thể thuận lợi và bội thu hơn nữa để kinh tế gia đình có thể được cải thiện phần nào.
Cũng giống như người Việt Nam, tết trung thu là tết Đoàn viên, sum họp gia đình và người dân Hàn Quốc cũng như vậy. Đây là dịp mà các thành viên trong gia đình sẽ quây quần lại với nhau để chia sẻ và hưởng thụ thành quả của một năm vất vả. Những người đi làm ăn xa cũng cố gắng quay trở về với gia đình để có thể có cuộc đoàn tụ, sum họp đông đủ nhất.
Nếu như trong ngày tết trung thu của Việt Nam có bánh nướng, bánh dẻo, có múa lân, có đèn ông sao, có phá cỗ đêm rằm,... Vậy thì ở Hàn Quốc sẽ có những hoạt động và món ăn đặc biệt nào? Tiếp theo đây sẽ là các thông tin chi tiết trong ngày lễ Chuseok của người Hàn gửi đến bạn.
Là một dịp lễ lớn diễn ra trong năm nên trong ngày lễ Chuseok sẽ có rất nhiều hoạt động được thực hiện.
Hoạt động đầu tiên trong ngày lễ Chuseok chính là Charye, nghĩa là cúng gia tiên. Vào buổi sáng, các thành viên trong gia đình sẽ tụ tập lại để tiến hành lễ cúng gia tiên theo đúng nghi thức. Hoạt động này nhằm tưởng niệm và tạ ơn tổ tiên đã phù hộ và mang đến cho họ một mùa màng thuận lợi.
Lễ cúng gia tiên trong ngày Chuseok sẽ gồm các món ăn chính đại diện như gạo mới thu hoạch, bánh gạo và rượu. Đây sẽ là 3 món không thể thiếu trong mâm cơm cúng vào ngày Chuseok, bởi điều này sẽ tạo nên sự khác biệt với việc cúng gia tiên vào ngày đầu năm mới trong văn hóa người Hàn Quốc.
Hoạt động tiếp theo trong ngày lễ Chuseok chính là tảo mộ và viếng mộ tổ tiên. Trước khoảng 1 tháng hoặc vào ngày chủ nhật gần nhất với lễ Chuseok thì con cháu trong gia đình sẽ đến mộ tổ tiên để dọn dẹp sạch sẽ, bao gồm cả làm cỏ cũng như vệ sinh xung quanh phần mộ. Đây là hoạt động cho thấy sự hiếu thảo và sự thành kính của con cháu trong gia đình với tổ tiên. Vì vậy mà tảo mộ được xem như một nghĩa vụ không thể thiếu.
Đến ngày lễ Chuseok thì các thành viên trong gia đình cũng sẽ tập trung đông đủ để đến phần mộ tổ tiên thăm viếng một lần nữa. Đây là lý do vì sao mà trong dịp lễ Chuseok thì đường cao tốc Hàn Quốc luôn trong tình trạng tắc nghẽn vì lượng người đổ về quê rất đông và thường xuyên bị quá tải.
Một trong những phong tục khác diễn ra trong ngày lễ Chuseok chính là treo ngũ cốc khô trước cửa. So với 2 hoạt động trên thì Olgesimni hiện nay ít phổ biến hơn và chỉ còn chủ yếu ở các vùng nông thôn là chính.
Theo đó, trước khi ngày lễ Chuseok được diễn ra thì họ sẽ lựa chọn các loại ngũ cốc mới thu hoạch và gói lại rồi treo lên cột ở trước cửa. Và khi thực hiện Olgesimni thì họ sẽ chuẩn bị thêm rượu và thức ăn để mời hàng xóm của mình tới thưởng thức. Đồng thời, trước khi ăn uống thì các món bánh gạo sẽ được mang đến đền thờ gần nhất hoặc là cúng thổ cung, thổ địa. ý nghĩa của hoạt động này chính là chúc mừng một năm mùa màng bội thu, thuận lợi và cầu chúc cho vụ mùa năm sau cũng sẽ gặp nhiều may mắn hơn.
Với một dịp lễ lớn như Chuseok thì các hoạt động, trò chơi truyền thống sẽ là điều không thể thiếu. Và nếu được tham dự ngày lễ Chuseok ở Hàn thì bạn sẽ không thể bỏ qua những trò chơi như sau:
Ganggangsullae chính là điệu mùa vòng tròn Hàn Quốc và đây cũng là hoạt động nghệ thuật vô cùng tiêu biểu cũng như nổi bật trong dịp tết Chuseok.
Với hoạt động này, những cô gái Hàn Quốc sẽ mặc trang phục truyền thống là Hanbok và nắm tay nhau để tạo thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa dưới ánh trăng sáng.
Trong quan niệm của nhà nông xưa kỳ thì trăng chính là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và thể hiện cho vẻ đẹp của những người thiếu nữ trong thời kỳ “khai hoa nở nhụy”. Vì thế mà điệu nhảy này nhằm thể hiện và tôn vinh vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết đó trong thời khắc giao hòa đầy thăng hoa giữa con người và thiên nhiên. Thể hiện cho một sự sinh sôi mới trong mùa vụ tiếp theo đó.
Về nguồn gốc của điệu nhảy Ganggangsullae thì có rất nhiều câu chuyện được đưa ra. Nhiều tư liệu cho rằng điệu nhảy này bắt nguồn từ vùng Seonam Haean bởi những người phụ nữ nơi đây. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện cho rằng Ganggangsullae có nguồn gốc từ triều đại Joseon (1392 - 1910). Khi đó, quân đội Hàn Quốc đã cho các cô gái trẻ trong làng mặc quân Phục và đứng thành vòng tròn ở trong núi và nhờ chiến thuật này mà họ đã giành được không ít thắng lợi. Và điệu nhảy Ganggangsullae này nhằm tái diễn lại điều đó.
Juldarigi được hiểu là trò chơi kéo co và mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng khi thể hiện được tinh thần đồng đội rất cao. Tham gia vào trò chơi thì các đội sẽ được phân chia đồng đều về số người cũng như giới tính và tuổi tác. Nếu số người càng đông thì dây thừng kéo sẽ càng to và càng dài, thời gian thi đấu cũng có thể lâu hơn tùy thuộc vào sức mạnh của mỗi đội.
Đây là một trò chơi mang tính tập thể và dành cho mọi lứa tuổi. Vì vậy mà rất được hưởng ứng trong dịp tết Chuseok. Tiếng người cổ vũ hòa cùng tiếng trống, kèn tạo nên một không gian vô cùng huyên náo và vui nhộn trong không khí của ngày lễ tết Trung thu.
Một hoạt động không thể thiếu trong dịp lễ Chuseok chính là đấu vật. Đây sẽ là trò chơi mà các thanh niên trai tráng thể hiện sức mạnh và bản lĩnh của mình.
Thông thường, đấu vật sẽ được diễn ra trên sân thi đấu là bãi cỏ hoặc bãi cát và theo hình thức loại trực tiếp. Đô vật nào giành chiến thắng cuối cùng sẽ được tôn vinh là Jangsa (người đàn ông khỏe nhất) và nhận được các phần thưởng từ dân làng như vải vóc, gạo hay thậm chí là cả một con bê.
Ẩm thực truyền thống trong dịp lễ tết là điều không thể thiếu. Và trong tết trung thu của người Hàn Quốc thì sẽ không thể thiếu các món ăn sau đây:
Là một ngày lễ diễn ra trong dịp thu hoạch nên trong ngày tết Chuseok sẽ không thể thiếu các món làm từ gạo. Và Songpyeon hay bánh gạo chính là món ăn tiêu biểu trong dịp này.
Món bánh gạo Songpyeon sẽ được làm từ bột gạo mới và có nhân là đỗ xanh, hạt mè, hạt dẻ, khoai lang hay táo tàu,... Nguồn gốc của tên gọi Songpyeon chính là bởi trong mỗi hộp bánh khi hấp người ta đều sẽ cho thêm lá thông để bánh có hương vị thanh hơn và hấp dẫn cũng như dễ ăn hơn rất nhiều.
Các chiếc bánh Songpyeon sẽ được làm thành hình bán nguyệt với hy vọng những điều may mắn sẽ đến. Cùng với đó, theo quan niệm xưa thì những người làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp thì sẽ có thể tìm được người chồng như ý, còn nếu đã có gia đình thì sẽ sinh được những đứa con vô cùng xinh đẹp. Vì vậy mà các cô gái khi làm bánh songpyeon đều cố gắng để cho ra những chiếc bánh đẹp đẽ nhất.
Món tiếp theo không thể thiếu trong ngày tết Chuseok chính là canh khoai sọ. Dựa theo Hán tự thì món ăn này có ý nghĩa là “thổ noãn” - “trứng trong đất”. vì vậy mà món ăn này sẽ hướng tới sự sinh sôi, nảy nở và sự bội thu, may mắn trong năm tới. Do vậy mà người Hàn thường sẽ nấu canh khoai sọ cùng với gân bò hoặc ức bò để món ăn vừa có giá trị dinh dưỡng cao nhưng vẫn vô cùng thanh đạm.
Trước khi khoai sọ được mang đi nấu canh thì để loại bỏ các chất nhớt ở bên ngoài thì người ta sẽ luộc sơ khoai sọ với nước muối loãng hoặc nước vo gạo. Sau đó mới mang đi nấu canh như bình thường.
Bên cạnh rượu Soju vô cùng nổi tiếng và đặc trưng thì trong dịp tết Chuseok sẽ không thể thiếu baekju, tức là rượu trắng. Đây là rượu được ngâm từ gạo mới thu hoạch trong mùa vụ trước. Vì thế mà mỗi mùa vụ đến thì người dân Hàn sẽ ngâm rượu để dành cho dịp lễ Chuseok sang năm.
Trên đây là các thông tin chi tiết về ngày lễ Chuseok, một trong những ngày tết truyền thống lớn của Hàn Quốc. Hy vọng rằng, bài viết đã mang đến cho bạn một lời giải đáp chi tiết nhất về Chuseok là ngày gì cũng như nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này đối với người dân Hàn Quốc hiện nay.
Lê Hàn Quốc có tác dụng gì? Những món ăn ngon được chế biến từ lê Hàn Quốc? Cùng khám phá qua bài viết sau nhé!
MỤC LỤC
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023